Vì Sự Lợi Ích cho Ngươi
Chúng ta có thể tìm kiếm những chiến thắng vẻ vang nhất của chúng ta từ nghịch cảnh của mình, và ngày ấy chắc chắn sẽ đến để từ những thử thách của mình, chúng ta sẽ hiểu được những lời quen thuộc này: “vì sự lợi ích cho ngươi.”
Cách đây một thời gian, tôi nhận được một lá thư nặc danh từ một người mẹ đau khổ biểu lộ sự thống khổ và đau đớn của mình về đứa con trai mà đã phạm trọng tội gây tổn thương trầm trọng cho những người thân yêu ngây thơ.
Bởi vì đó là lá thư nặc danh của chị gửi cho tôi, và tôi đã cảm nhận được nỗi tuyệt vọng của chị, nên tôi đã có ước muốn lớn lao bày tỏ tình yêu thương của tôi đối với chị và những người khác đang trong hoàn cảnh tương tự và cố gắng đưa ra vài lời an ủi và hy vọng cho những người mang những gánh nặng một cách âm thầm và riêng tư, thường chỉ có họ và Cha Thiên Thượng nhân từ mới biết mà thôi.
Thưa Người Chị Em Vô Danh, tôi biết rằng những gì tôi nói sẽ chỉ là một lời nhắc nhở, tuy nhiên đó cũng là một chứng ngôn khác về những gì mà chị đã biết rồi.
Khi Tiên Tri Joseph Smith đang bị đau khổ trong một thời gian tăm tối hơn hết thảy mọi thời gian tối tăm khác của ông trong khi bị giam giữ trong hầm tù được gọi là Ngục Thất Liberty, kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?” (GLGƯ 121:1), thì Chúa đã an ủi ông với những lời này: “Hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng tất cả những điều nay sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và vì sự lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:7). Thật là khó khăn biết bao và dường như đau đớn một cách lạ lùng để tìm thấy được điều tốt lành có được từ thảm kịch và nỗi đau khổ riêng của chúng ta. Những chữ “vì sự lợi ích cho ngươi” nghe dường như mâu thuẫn biết bao.
Tuy nhiên, một sự hiểu biết về kế hoạch cứu chuộc của Đấng Ky Tô giúp đặt tất cả điều đó vào đúng theo bối cảnh của nó. Trong cuộc sống tiền dương thế của chúng ta, Cha Thiên Thượng đã trình bày kế hoạch của Ngài cho cuộc sống trần thế mà An Ma mô tả là “kế hoạch hạnh phúc” (An Ma 42:8). Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều hiểu rằng khi đến thế gian, chúng ta sẽ trải qua tất cả mọi kinh nghiệm của cuộc sống trên thế gian, kể cả những thử thách không thích thú lắm của nỗi đau đớn, khổ sở, thất vọng, tội lỗi và cái chết. Sẽ có sự tương phải và nghịch cảnh. Và nếu đó chỉ là những gì mà chúng ta biết về kế hoạch, thì tôi không nghĩ rằng một ai trong chúng ta lại chịu chấp nhận nó, và hân hoan nói: “Đó là điều mà tôi luôn muốn có—đau đớn, khổ sở, thất vọng, tội lỗi và cái chết.” Nhưng chúng ta bắt đầu hiểu biết và chấp nhận, ngay cả mong muốn điều đó khi Người Anh Cả bước ra và hứa rằng Ngài sẽ đi xuống và làm cho mọi điều được tốt đẹp. Ngài sẽ mang đến sự bình an từ nỗi đau đớn và khổ sở. Ngài sẽ mang đến hy vọng từ nỗi thất vọng. Ngài sẽ mang đến hối cải và tha thứ từ sự phạm tội. Ngài sẽ mang đến sự phục sinh từ cái chết. Và với lời giải thích và lời hứa quảng đại nhất đó, mỗi một người trong chúng ta đã kết luận rằng: “Tôi có thể làm điều đó. Đáng để liều.” Và thế là chúng ta đã chọn.
Lòng thương xót vô bờ bến của Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài đã được Am Lê giải thích trong chương 34 An Ma của Sách Mặc Môn. Am Lê giải thích rằng phải có “một sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng” (An Ma 34:10). Và rồi ông nói rõ rằng điều này không thể là của lễ hy sinh một con vật nào hay loài chim muôn nào tương tự như những điều mà con người đã biết. Mà nó phải là sự hy sinh của một Thượng Đế—Chúa Giê Su Ky Tô. Bởi vì điều này phải là một sự hy sinh vô tận và vĩnh cửu. Và như thế sự hy sinh được thực hiện, và qua đức tin, chúng ta tự thấy mình làm cuộc hành trình này mà chúng ta gọi là trần thế. Do đó, tâm hồn chúng ta bị đau buồn với việc mất mát đứa con mà không giải thích được, hay sự bệnh hoạn hoặc tật nguyền của một người thân mà xảy đến bất ngờ. Những người cha hay mẹ đơn chiếc phải vất vả để chu cấp sự an toàn tài chính và những ảnh hưởng bình an của phúc âm trong nhà họ. Và có thể điều khó khăn nhất trong tất cả mọi điều là trải qua nỗi đau đớn khi tuyệt vọng nhìn thấy nỗi khổ sở của một người thân bởi vì tội lỗi và sự phạm giới.
Chỉ có một vài người trong chúng ta, nếu có, mà không trải qua lửa thợ luyện của nghịch cảnh và nỗi thất vọng mà thôi, đôi khi những người khác có biết được, nhưng đối với nhiều người thì âm thầm che giấu và chịu đựng riêng. Ngày nay chúng ta không muốn chọn hầu hết nỗi đau lòng, đau đớn và khổ sở. Nhưng chúng ta đã chọn. Chúng ta chọn khi chúng ta có thể nhìn thấy kế hoạch trọn vẹn. Chúng ta chọn khi chúng ta có một cái nhìn rõ ràng về sự cứu vớt của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng ta. Và nếu đức tin và sự hiểu biết của chúng ta thật rõ ràng trong ngày nay cũng như trước đây khi chúng ta chọn lần đầu, thì tôi tin rằng chúng ta sẽ lại chọn nữa.
Do đó, có lẽ thử thách là có được loại đức tin mà trong những lúc khó khăn chúng ta đã sử dụng khi chúng ta chọn lần đầu. Loại đức tin này biến sự thắc mắc và ngay cả cơn tức giận thành sự thừa nhận quyền năng, các phước lành và hy vọng mà có thể chỉ đến từ Ngài là nguồn gốc của mọi quyền năng, phước lành và hy vọng. Loại đức tin này mang đến sự hiểu biết và sự đảm bảo rằng mọi điều mà chúng ta trải qua chỉ là một phần của kế hoạch phúc âm và đối với người ngay chính, tất cả mọi điều trông như sai trái thì cuối cùng sẽ được làm cho ngay đúng. Sự bình an và sự hiểu biết để kiên trì chịu đựng với sự đứng đắn và rõ ràng của mục đích có thể là một sự tưởng thưởng tuyệt diệu. Loại đức tin này có thể giúp chúng ta nhìn thấy điều tốt lành, ngay cả khi cuộc sống của chúng ta dường như chỉ là hằng loạt thử thách, thống khổ và khó khăn.
Khi Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài đi ngang qua một người bị mù từ lúc sinh ra, các môn đồ của Ngài đã hỏi: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?
“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:2–3).
Tôi không tin rằng Cha Thiên Thượng tạo ra những thảm cảnh và sự não lòng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng khi “để cho những việc Đức Chúa Trời” được tỏ ra trong sự chữa lành người mù, thì cũng vậy cách thức chúng ta gặp những thử thách riêng của mình có thể tỏ cho thấy “việc của Đức Chúa Trời.”
Từ sự buồn rầu của mình, chúng ta có thể tìm ra sự dịu dàng và sự tốt lành mà thường được phối hợp và dành riêng cho thử thách của chúng ta. Chúng ta có thể tìm ra những giây phút đáng nhớ đó mà thường được giấu kín bởi nỗi đau đớn và sự phiền não. Chúng ta có thể tìm được sự bình an trong việc tự mình tìm đến những người khác, sử dụng những kinh nghiệm của mình để cung ứng hy vọng và sự an ủi. Và chúng ta có thể luôn nhớ với sự trang nghiêm lớn lao và lòng biết ơn rằng Ngài đã chịu đau đớn nhiều nhất để làm cho mọi việc được ngay đúng cho chúng ta. Và bằng cách làm như vậy, chúng ta có thể được củng cố để mang lấy gánh nặng của mình trong sự bình an. Và rồi, “việc của Thượng Đế” có thể được tỏ cho thấy.
Khi nói về Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tôi thích định nghĩa của tự điển về chữ vo tận và vĩnh cửu bởi vì tôi tin rằng nó giải thích chính xác điều Thượng Đế muốn nói.
Vô tận: ”Không có giới hạn hay hạn chế.” Và định nghĩa của vĩnh cửu: “Không có khởi đầu hay kết thúc” (The American Heritage Dictionary of the English Language, ấn bản lần thứ 4 [2000], “vô tận,” “vĩnh cửu,” 898, 611).
Thưa Người Chị Em Vô Danh, chị có thấy chăng? Điều đó có nghĩa là Sự Chuộc Tội nhằm dành cho chị với nỗi khổ sở của chị. Đó là vấn đề riêng tư, như Ngài đã biết rõ ràng những thử thách và nỗi buồn phiền của chị, bởi vì Ngài đã khổ sở vì chúng rồi. Nó có nghĩa là có thể luôn có một sự khởi đầu mới mẻ cho mỗi người chúng ta—ngay cả người con trai mà đã vi phạm những tội lỗi nghiêm trọng . Nó có nghĩa là khi chúng ta tiếp tục sống qua những thử thách và hoạn nạn của đời, đè nặng bởi những cảm nghĩ vô vọng, thì chúng ta không chú trọng đến nơi nào chúng ta đã ở mà nơi nào chúng ta đang đi. Chúng ta không chú trọng nơi điều đang xảy ra mà nơi điều có thể xảy ra.
Phải thừa nhận rằng, đa số chúng ta thích học những bài học khó khăn của đời sống trong sự thoải mái chắc chắn của một lớp trong Trường Chúa Nhật hay trong sự ấm cúng của lò sưởi trong buổi họp tối gia đình. Nhưng, tôi xin được vạch rõ là từ những góc nhà lạnh lẽo tối tăm của Ngục Thất Liberty mà một số thánh thư tuyệt luân, đầy an ủi được ban cho con người và kết luận với những lời “tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và vì sự lợi ích cho ngươi.” Tương tự như thế, chúng ta có thể tìm kiếm những chiến thắng vẻ vang nhất của chúng ta từ nghịch cảnh của mình, và ngày ấy chắc chắn sẽ đến để từ những thử thách của mình, chúng ta sẽ hiểu được những lời quen thuộc này: “vì sự lợi ích cho ngươi.”
Từ thánh thư chúng ta học biết rằng khi Đấng Cứu Rỗi đi vào Vườn Ghết Sê Ma Nê để trả cái giá đắt cho sự phạm giới và nổi khổ sở của chúng ta, Ngài đã rớm máu từng lỗ chân lông (xin xem GLGƯ 19). Thưa Người Chị Em Vô Danh, tôi tin rằng trong nỗi dày vò đau đớn của Ngài, Ngài đã đổ một giọt máu cho chị. Ngài đã đổ một giọt máu cho con trai của chị và Ngài đã đổ một giọt máu cho tôi.
Tôi tin vào sự cầu nguyện. Tôi tin vào đức tin. Tôi tin vào sự hối cải. Tôi tin vào quyền năng của Sự Cứu Chuộc. Và vâng, thưa Người Chị Em Vô Danh, tôi tin tưởng nơi chị. Và Cha Thiên Thượng nhân từ cũng tin tưởng nơi chị. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.