Những Điều Bình An của Vương Quốc
Sự bình an—sự bình an thực sự, mà chúng ta cảm nhận được với hết lòng mình—chỉ đến trong và qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô
Thưa các anh chị em, tôi xin phép thay mặt tất cả mọi người trong chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ và ủy ban của họ mà đã phục vụ chúng ta thật đắc lực và mới vừa được giải nhiệm.
Một lần nữa chúng ta sắp sửa kết thúc một đại hội nữa đã làm phấn khích tinh thần và đầy soi dẫn. Tôi luôn cảm thấy thật đầy khích lệ và soi sáng trong những ngày giảng dạy và làm chứng tuyệt diệu này. Tôi biết rằng phần đông các anh chị em cũng cảm thấy như thế. Có lẽ những gì chúng ta cảm thấy trong đại hội cũng tương tự như cảm nghĩ của các môn đồ thời xưa của Đấng Cứu Rỗi khi họ đi theo Ngài từ nơi này đến nơi khác để nghe Ngài giảng dạy tin mừng của phúc âm Ngài.
Trong nhiều phương diện, đó là những ngày chán nản cho con cái của Y Sơ Ra Ên. Họ đang lao nhọc dưới sự thống trị của Đế Quốc La Mã, nên họ khát khao tự do và sự bình an. Họ trông chờ Đấng Mê Si; họ chắc chắn rằng Ngài sẽ đến để giải thoát họ khỏi sự áp bức về thể chất và chính trị. Và một số người đã đáp ứng phúc âm về hạnh phúc và bình an của Đấng Cứu Rỗi, mặc dù họ chưa nhận thức được tất cả những ẩn ý thuộc linh của phúc âm.
Vào một ngày đặc biệt nọ trong lúc giáo vụ của Chúa mới bắt đầu trên trần thế, một đám đông đã đi theo Ngài đến Biển Ga Li Lê và xúm xít quanh Ngài khi Ngài đứng trên bờ. “Ngài bước lên trong một chiếc thuyền vào ngồi đó, còn cả đoàn dân thì ở trên đất nơi mé biển. Ngài lấy thí dụ dạy dỗ họ nhiều điều” (Mác 4:1–2).
Những điều lớn lao và kỳ diệu đã được giảng dạy vào ngày đó, kể cả ngụ ngôn về người gieo giống (xin xem Mác 4:3–20). Vào lúc cuối của trọn một ngày giảng dạy và chỉ dẫn, Chúa đề nghị các môn đồ của Ngài cùng đi qua bên kia bờ Biển Ga Li Lê.
Trong khi họ đang đi thuyền đêm đó, “có cơn bảo lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước;
“Nhưng Ngài đương ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ. Môn đồ thức Ngài dậy mà thưa rằng: Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?
“Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ” (Mác 4:37–39).
Các anh chị em có thể tưởng tượng được các Sứ Đồ đã nghĩ gì khi họ nhìn các nguyên tố đích thực—gió, mưa và biển—tuân theo lệnh truyền điềm tĩnh của Đấng Thầy họ không? Mặc dù họ chỉ mới được kêu gọi vào chức vụ Sứ Đồ thánh, họ đã biết Ngài và họ yêu mến Ngài và họ tin tưởng nơi Ngài. Họ đã bỏ lại công việc và gia đình của họ để đi theo Ngài. Trong một thời gian tương đối ngắn ngủi, họ đã nghe Ngài giảng dạy những điều kỳ diệu và họ đã thấy Ngài thực hiện những phép lạ phi thường. Nhưng điều này vượt quá sự hiểu biết của họ và vẻ mặt của họ chắc đã cho thấy điều đó.
“Đoạn Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?
“Môn đồ kinh hãi lắm, nói với nhau rằng: Vậy thì người này là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lệnh người?” (Mác 4:40–41).
Trong những lúc bất an và đôi khi hốt hoảng, lời hứa của Đấng Cứu Rỗi về sự bình an vô hạn và vĩnh cửu vang dội với quyền năng đặc biệt đến tai chúng ta, cũng giống như khả năng của Ngài để làm những ngọn sóng đang gào thét ầm ỉ phải lặng đi chắc đã ảnh hưởng sâu xa đến những người đang ở bên Ngài trên Biển Ga Li Lê vào cái đêm bão bùng đó cách đây rất lâu.
Cũng giống như những người đang sống vào lúc giáo vụ của Ngài trên trần thế, có một số người trong chúng ta tìm kiếm sự bình an và sự thịnh vượng vật chất là những biểu hiện về quyền năng kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi. Đôi khi chúng ta không hiểu rằng sự bình an trường cửu mà Chúa Giê Su hứa là một sự bình an nội tâm, nảy sinh trong đức tin, neo chặt bởi chứng ngôn, nuôi dưỡng bằng tình thương, và được biểu lộ qua sự tiếp tục vâng lời và hối cải. Đó là bình an của tinh thần mà tác động đến tấm lòng và tâm hồn. Nếu một người thực sự biết và trải qua sự bình an nội tâm này, thì không sợ hãi vì sự bất hòa hay xích mích của thế gian. Một người biết rõ rằng tất cả mọi việc đều được tốt đẹp khi những điều thực sự quan trọng được quan tâm đến.
Như Chủ Tịch Hinckley đã chỉ dẫn cho các anh em tối hôm qua, không có sự bình an trong tội lỗi. Có thể có sự dễ chịu, sự thán phục của người khác, sự nổi tiếng và ngay cả sự thịnh vượng, nhưng không có sự bình an. “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10). Một người không thể cảm thấy an tâm nếu người ấy đang sống một cuộc sống trái nghịch với lẽ thật đã được mặc khải. Không có sự bình an trong sự hung dữ hay gây gỗ. Không có sự bình an trong thói thô tục, tính lang chạ hay sự buông thả. Không có sự bình an trong sự nghiện ngập ma túy, rượu hay hình ảnh sách báo khiêu dâm. Không có sự bình an trong việc lạm dụng những người khác trong bất cứ hình thức nào, dù đó là về phương diện tình cảm, vật chất hay nhục dục, đối với những người có hành động lạm dụng thì sẽ bị bấn loạn tinh thần và phần thuộc linh cho đến khi họ đến cùng Đấng Ky Tô trong sự khiêm nhường trọn vẹn và tìm kiếm sự tha thứ qua sự hối cải hoàn toàn.
Tôi tin rằng vào một lúc nào đó mọi người sẽ mong mỏi “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt qua mọi sự hiểu biết” (Phi Líp 4:7). Sự bình an đó cho tâm hồn bấn loạn của chúng ta chỉ đến với chúng ta khi chúng ta đi theo Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, là điều “được ban cho mọi người, để họ có thể phân biệt được thiện ác” (Mô Rô Ni 7:16), khi nó giúp chúng ta hối cải các tội lỗi và tìm kiếm sự tha thứ. Đối với tất cả mọi người, có sự khao khát để biết “những điều bình an của vương quốc” (GLGƯ 36:2) và để nếm “bông trái của điều công bình,” là điều “được gieo trong sự hòa bình cho những kẻ nào làm sự hòa bình” (Gia Cơ 3:18). Trong mọi nhà, xóm làng và cộng đồng, chúng ta phải cố gắng được hòa thuận và chớ bao giờ tham gia vào việc gây tranh chấp và chia rẽ.
Trong suốt lịch sử thánh thư, Chúa đã hứa ban sự bình an cho các tín đồ của Ngài. Tác giả Thi Thiên đã viết: “Đức Giê Hô Va sẽ ban sức mạnh cho dân sự Ngài; Đức Giê Hô Va sẽ chúc phước bình an cho dân sự Ngài” (Thi Thiên 29:11). Ê Sai đã nói đến Đấng Cứu Rỗi là “Hoàng Tử của Bình An” (Ê Sai 9:6). Và Nê Phi đã thấy trước cái ngày mà giữa các con cháu ông “Vị Nam Tử của sự ngay chính sẽ xuất hiện cùng họ; Ngài sẽ chửa lành họ, và họ sẽ được sự bình an cùng Ngài” (2 Nê Phi 26:9).
Chỉ một vài giờ trước khi Ngài phải bắt đầu tiến trình vinh quang nhưng khủng khiếp đó của Sự Chuộc Tội, Chúa Giê Su Ky Tô đã đưa ra lời hứa quan trọng này cho các Sứ Đồ của Ngài: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an cho các ngươi” (Giăng 14:27).
Ngài có hứa với những người bạn yêu dấu của Ngài loại bình an mà thế gian nhận biết—sự an toàn, sự an ninh, mà không có sự tranh chấp hay nỗi đau khổ chăng? Chắc chắn, lịch sử sẽ ghi chép ngược lại. Các Sứ Đồ nguyên thủy đã biết nhiều thử thách và ngược đãi trong suốt cuộc sống còn lại của họ, đó có lẽ là lý do tại sao Chúa đã thêm sự thấu triệt này trong lời hứa của Ngài: “Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).
Ngài phán tiếp: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các người có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33; sự nhấn mạnh được thêm vào)
Sự bình an—sự bình an thực sự, mà chúng ta cảm nhận được với hết lòng mình—chỉ đến trong và qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Khi lẽ thật quý giá đó được tìm thấy và các nguyên tắc phúc âm được hiểu biết và áp dụng, thì sự bình an lớn lao có thể được nảy sinh trong tấm lòng và tâm hồn các con cái của Cha Thiên Thượng. Đấng Cứu Rỗi đã phán qua Joseph Smith: “Kẻ nào làm mọi việc một cách ngay chính thì sẽ nhận được phần thưởng của mình, đó là sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (GLGƯ 59:23).
Đôi khi thật là điều đáng ngạc nhiên để thấy sự khác biệt mà sự bình an này có thể có trong cuộc sống của những người chấp nhận nó. Trong khi tôi đang lãnh đạo Phái Bộ Truyền Giáo Toronto Gia Nã Đại cách đây nhiều năm, những người truyền giáo của chúng tôi bắt đầu giảng dạy một gia đình đang sống trong bóng tối thuộc linh. Họ nghèo nàn, ít học và diện mạo bề ngoài của họ phản ảnh một sự thiếu xót việc nhận thức hay quan tâm đến vấn đề vệ sinh hay ăn mặc chỉnh tề. Nhưng họ là những người tốt, đáng kính—trong số những người có lòng thật thà mà chúng tôi luôn cầu nguyện cho các người truyền giáo của chúng tôi tìm được—và họ đã đáp ứng về phần thuộc linh khi họ cảm thấy lần đầu tiên trong đời họ sự bình an mà phúc âm đem lại.
Khi chúng tôi biết rằng họ sắp chịu phép báp têm, Chị Ballard và tôi tham dự lễ báp têm. Tôi tình cờ đứng bên cạnh vị giám trợ của tiểu giáo khu khi gia đình đó đến. Thành thật mà nói, tôi phải cho các anh chị em biết rằng đó là một cảnh tượng khá lạ lùng. Họ trông có vẻ lôi thôi, và phần nào bẩn thỉu. Bởi vì ông đi xa trong một thời gian, nên vị giám trợ đã chưa gặp các tín hữu mới nhất trong tiểu giáo khu của ông; vì thế cảm tưởng đầu tiên này, không nói quá đâu, thì không gây ấn tượng sâu sắc. Khi họđi ra, tôi nghĩ tôi có thể cảm thấy hai đầu gối của ông bắt đầu sụm xuống.
Tôi choàng tay mình quanh vị giám trợ tốt bụng đó để nâng đỡ ông—về phần thể xác cũng như về phần tinh thần. Tôi cảm thấy được Thánh Linh thúc giục để nói cùng ông: “Giám trợ này, thật là điều kỳ diệu phải không? Chúng ta sẽ làm cho họ trở thành các Thánh Hữu Ngày Sau tốt lành!”
Ông nhìn tôi và ông mỉm cười. Tôi không thể biết là ông mỉm cười bởi vì ông đồng ý với tôi hay là ông nghĩ rằng tôi có lẽ chỉ là một người truyền giáo quá nhiệt tình.
Buổi lễ báp têm được tiến hành và gia đình đó được báp têm. Ngày kế tiếp, chúng tôi quyết định tham dự tiểu giáo khu đó để chắc chắn rằng gia đình đó được chào đón ân cần khi họ đến dự các buổi họp với tư cách là các tín hữu mới của Giáo Hội.
Khi gia đình đó bước vào giáo đường để dự lễ Tiệc Thánh, tôi đang ngồi trên bục giảng cạnh bên vị giám trợ. Người cha mặc một cái áo sơ mi trắng sạch sẽ. Áo không đủ rộng cho ông để cài cái nút trên ở cổ, và ông đang mang cái cà vạt mà tôi có thể nhớ đã thấy trên người của một trong các anh cả của tôi. Nhưng mặt ông rạng rỡ niềm hạnh phúc và sự bình an. Người mẹ và các con gái trông như họ đã được biến đổi khác với ngày hôm trước. Áo đầm của họ không kiểu cọ, nhưng sạch sẽ và đẹp đẽ. Họ, cũng thế, có được vẽ rực rỡ đặc biệt của phúc âm. Những đứa bé trai mặc áo sơ mi trắng mà quá rộng cho chúng, ngay cả tay áo cũng phải xăng lên. Và chúng mang cà vạt mà hầu như dài tới gối của chúng. Hiển nhiên là những người truyền giáo đã đưa áo sơ mi trắng và cà vạt của họ cho những đứa bé trai này để chúng có thể đến lễ Tiệc Thánh với y phục thích đáng.
Họ ngồi với những người truyền giáo của họ và ánh sáng phúc âm thực sự rực chiếu từ họ. An Ma mô tả điều này là “[thụ nhận được hình ảnh của Thượng Đế] trong sắc mặt mình” (An Ma 5:14). Tôi nghiêng người sang vị giám trợ và lần nữa nói: “Thấy không, Giám Trợ? Chúng ta sẽ làm họ trở thành Các Thánh Hữu!”
Dĩ nhiên, sự thay đổi vật chất qua đêm chỉ là bên ngoài khi được so sánh với sự thay đổi thuộc linh mạnh mẽ, quan trọng hơn mà xảy ra nơi gia đình đó khi phúc âm ảnh hưởng trọn vẹn tâm hồn và cuộc sống của họ. Qua lời chỉ dẫn của những người truyền giáo và sự kết tình bằng hữu tiếp theo của vị giám trợ tốt bụng của họ và những tín hữu trong tiểu giáo khu, toàn thể gia đình này thoát ra khỏi bóng tối thuộc linh để bước vào ánh sáng và lẽ thật phúc âm. Trong ánh sáng đó, gia đình này đã được làm cho ấm lòng, khích lệ và có được sức sống mới bởi sự bình an mà đến từ sự hiểu biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Ánh sáng của lẽ thật phúc âm được phục hồi trên thế gian qua Tiên Tri Joseph Smith bắt đầu cho gia đình này thấy con đường đi đến đền thờ, nơi mà một năm sau, họ đã nhận được các phước lành vĩnh cửu của họ.
Một lần nữa những lời tiên tri của Ê Sai được trích dẫn: “Hết thảy con cái ngươi sẽ được Đức Giê Hô Va dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn” (Ê Sai 54:13).
Một khi chúng ta đã nếm được quả ngon ngọt của sự bình an của Thượng Đế, thì tự nhiên chúng ta có khuynh hướng chia sẻ nó với những người khác. Francis ở Assissi được nổi tiếng là “người yêu thích sự sáng tạo” đã dành hầu hết cuộc sống của mình để giúp đỡ người nghèo khó và người túng thiếu chung quanh ông—kể cả các con vật. Sự bình an mà ông tìm ra trong sự phục vụ của ông đã cho ông nghị lực và làm cho ông khát khao chia sẻ nó với những người khác. Ông đã viết:
Chúa ơi, xin Ngài biến con thành một công cụ cho sự bình an của Ngài;
Nơi nào có lòng căm thù, xin cho con gieo xuống tình thương;
Nơi nào có sự xúc phạm, xin cho có sự tha thứ;
Nơi nào có nghi ngờ, xin cho có đức tin;
Nơi nào có thất vọng, xin cho có hy vọng;
Nơi nào có bóng tối, xin cho có ánh sáng;
Nơi nào có buồn bã, xin cho có niềm vui.
Ôi Đấng Chủ Tể Thiêng Liêng, xin cho con đừng tìm cách
Để được an ủi mà phải là người an ủi;
Để được thông cảm mà phải là người thông cảm;
Để được yêu thương mà phải là người yêu thương.
Bởi vì chính trong sự ban phát mà chúng ta tiếp nhận;
Chính trong sự tha thứ mà chúng ta được tha thứ,
Và chính trong cái chết mà chúng ta được sinh ra trong cuộc sống vĩnh cửu.
Hơn một lần, Chúa đã nài khuyên các tín đồ của Ngài phải là “những kẻ làm cho người hòa thuận,” và hứa rằng khi làm điều này thì sẽ “được gọi là con Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 5:9). Khái niệm đó đã được thấy ở trong khắp thánh thư, lập ra một mẫu mực về sự bình an qua ngụ ngôn và lời phán:
-
“Hòa với kẻ nghịch mình” (Ma Thi Ơ 5:25).
-
“Hãy yêu kẻ thù nghịch” (Ma Thi Ơ 5:44).
-
“Đừng đoán xét” (Ma Thi Ơ 7:1).
-
“Hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:39).
-
“Đừng lên án ai” (Lu Ca 6:37).
-
“Hãy tha thứ” (Lu Ca 6:37).
-
“Phải yêu nhau” (Giăng 13:34)
Đó chỉ là một vài lời chỉ dẫn của thánh thư đã cho biết rõ ràng rằng sự bình an
của Thượng Đế không phải được giữ kỹ cho riêng mình. Đúng hơn, nó phải được chia sẻ rộng rãi với gia đình, bạn bè và cộng đồng của chúng ta. Nó phải được chia sẻ với Giáo Hội cũng như với những người không phải là tín hữu của Giáo Hội mình. Mặc dù những người chung quanh chúng ta có thể không chọn để nếm vị ngọt ngào và sự bình an của phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi cho bản thân họ, nhưng chắc chắn là họ sẽ được ban phước bằng cách nhìn thấy điều đó trong cuộc sống của chúng ta và cảm nhận được sự bình an của phúc âm nơi hiện diện của chúng ta. Sứ điệp về sự bình an sẽ tăng trưởng và bành trướng qua tấm gương của chúng ta.
Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em” (2 Cô Rinh Tô 13:11).
Tôi biết ơn là tôi có thể làm chứng cùng các anh chị em rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Bằng cách đi theo Ngài, trong đức tin và sự tin cậy, tất cả mọi người có thể tìm được sự bình an nội tâm ngọt ngào mà phúc âm mang đến cho chúng ta như nó đã được giảng dạy cho chúng ta một cách thật tuyệt luân trong đại hội này. Tôi chân thành làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.