Các Con Đường Đưa Đến Sự Toàn Thiện
Nêu cao trong cuộc sống mình bốn đức tính đã được chứng tỏ thành công và cụ thể: một thái độ biết ơn; một tấm lòng khát khao học hỏi; một sự sốt sắng với kỷ luật; và một sự sẵn lòng làm việc.
Chủ tịch đoàn của Hội Thiếu Nữ thật là tuyệt vời, phải không? Tôi tán trợ và ủng hộ tất cả những gì mà ngày hôm nay các em đã nghe từ các chị phụ nữ tuyệt luân này. Họ thực sự là các tôi tớ của Cha Thiên Thượng của chúng ta và đã trình bày lời nói thiêng liêng của Ngài.
Tiên Tri Joseph Smith đã viết: “Hạnh phúc là mục tiêu và ý định của cuộc sống của chúng ta; và sẽ là điểm cuối cùng của nó, nếu chúng ta theo đuổi con đường đưa dẫn đến nó, và con đường này là đức hạnh, sự ngay thẳng, sự trung tín, sự thánh thiện và việc tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế.”1
Nhưng làm thế nào một người tìm được con đường đó và, còn gì thêm nữa, làm thế nào một người vẫn ở trên con đường đưa dẫn đến sự toàn thiện?
Trong tác phẩm cổ điển Alice’s Adventures in Wonderland của Lewiss Carroll, Alice đã thấy mình đi đến ngã tư đường, với hai con đường trước mặt em, mỗi con đường chạy thẳng về phía trước nhưng khác hướng. Em gặp Con Mèo Cheshire và em hỏi: “Tôi phải đi đường nào?”
Con mèo trả lời: “Cái đó tùy vào nơi nào cô muốn đi. Nếu cô không biết nơi nào cô muốn đi, thì cô đi đường nào cũng chẳng quan trọng!”2
Không giống như Alice, mỗi em trong số các em biết nơi nào mình muốn đi. Con đường nào các em đi đều thực sự quan trọng, bởi vì con đường các em đi theo trong cuộc sống này đưa đến con đường các em sẽ đi theo sau đó.
Một bài ca nhịp nhàng vui nhộn, thịnh hành cách đây nhiều năm, có bao gồm câu đầy khiêu khích: “Nếu mơ ước có thể thành tựu, thì hãy cứ mơ ước và sự lo lắng sẽ mất đi.” Một công thức khác cho sự thất bại đến từ một bài hát mới đây hơn: “Đừng lo lắng; hãy vui vẻ!”
Chủ đề của chúng ta trong buổi tối này, “Hãy Đứng Vững Tại Những Nơi Thánh Thiện,” thì thích đáng hơn. Tôi cũng biết ơn những lời tiếp theo sau: “Hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện, và chớ để bị lay chuyển.”3
Chủ Tịch George Albert Smith, vị chủ tịch thứ tám của Giáo Hội, đã khuyến cáo: “Chúng ta hãy đặt chân mình trên con đường thênh thang dẫn đến hạnh phúc và thượng thiên giới, không chỉ thỉnh thoảng, mà mỗi ngày, và mỗi giờ, bởi vì nếu chúng ta ở bên lằn ranh của Chúa, nếu chúng ta chịu ở dưới ảnh hưởng của Cha Thiên Thượng của chúng ta, thì kẻ nghịch thù không thể cám dỗ chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đi vào lãnh thổ của quỷ dữ… chúng ta sẽ bị đau khổ, và nỗi đau khổ đó sẽ gia tăng theo năm tháng trừ phi chúng ta hối cải các tội lỗi của mình và quay về với Chúa.”4
Khi ngỏ lời cùng các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn, tôi thường trích dẫn lời khuyên của một người cha cho một người con trai yêu quý : “Nếu bao giờ con thấy mình đang ở một nơi mà con không nên ở—thì hãy đi ra ngay!” Lẽ thật đó cũng áp dụng cho các em thiếu nữ nơi đây trong Trung Tâm Đại Hội và cho các em đang nhóm họp trong các nhà hội trên khắp thế giới.
Tôi luôn cảm thấy rằng nếu chúng ta nói những điều chung chung, thì ít khi chúng ta được thành công; nhưng nếu chúng ta nói những điều cụ thể, thì chúng ta ít khi bị thất bại. Do đó, tôi khuyến khích các em nêu cao trong cuộc sống mình bốn đức tính đã được chứng tỏ thành công và cụ thể. Đó là:
-
Một thái độ biết ơn;
-
Một tấm lòng khát khao học hỏi;
-
Một sự sốt sắng với kỷ luật; và
-
Một sự sẵn lòng làm việc.
Trước hết, một thái độ biết ơn. Trong sách Lu Ca, chương 17, chúng ta đọc câu chuyện về 10 người phung. Đấng Cứu Rỗi, khi hành trình hướng về Giê Ru Sa Lem, đi ngang qua Ga Li Lê và Sa Ma Ri và bước vào một ngôi làng kia nơi mà Ngài gặp ngay đầu làng 10 người phung bị bắt buộc phải sống xa khỏi những người khác bởi vì bệnh trạng của họ. Họ đứng “đằng xa” và kêu lên: “Lạy Giê Su, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi.”
Đấng Cứu Rỗi, đầy lòng trắc ẩn và tình thương đối với họ, đã phán: “Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ,” và trong khi họ đang đi thì họ thấy rằng họ đã được chữa lành. Thánh thư cho chúng ta biết: “Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chơn [Đấng Thầy], mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Sa Ma Ri.”
Đấng Cứu Rỗi đáp lời: “Không phải mười người đều được sạch cả sao? còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc này trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư! Ngài lại phán rằng: Đứng dậy, đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.”5
Qua sự giúp đỡ thiêng liêng, những người phung đã được cứu khỏi cái chết khắc nghiệt, dần mòn và được ban cho một cơ hội để tiếp tục sống. Lòng biết ơn được bày tỏ bởi một người xứng đáng với phước lành của Đấng Thầy, lòng vô ơn được cho thấy bởi chín người kia và làm Ngài thất vọng.
Có những bệnh dịch ngày nay cũng giống như bệnh phung thời xưa. Chúng dằng dai; chúng làm cho suy nhược; chúng hủy diệt. Chúng được thấy ở khắp nơi. Ảnh hưởng của chúng lan tràn khắp nơi. Chúng ta biết chúng là tính ích kỷ , lòng tham lam, sự buông thả, sự độc ác và tội ác—chúng chỉ là một số điều được kể ra trong số những điều khác.
Tại một đại hội giáo vùng, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Chúng ta sống trong một thế giới đầy đồi trụy. Nó ở khắp nơi. Nó ở trên đường phố. Nó ở trên màn ảnh truyền hình. Nó ở trong sách vở và tạp chí… . Nó giống như cơn đại hồng thủy, xấu xa, dơ bẩn và đê tiện, tràn ngập thế gian. Chúng ta phải đứng bên trên nó… .Thế gian đang đánh mất các tiêu chuẩn đạo đức của nó. Điều đó chỉ có thể mang đến sự khốn khổ. Con đường đi đến hạnh phúc chỉ được tìm thấy trong cuộc sống gia đình vững mạnh và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức, giá trị của nó đã được chứng minh qua hằng bao thế kỷ .”6
Bằng cách tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Hinckley, chúng ta có thể làm cho ngày nay thành một thời kỳ tuyệt vời để sống nơi đây trên thế gian. Các cơ hội của chúng ta thì vô số. Có rất nhiều điều đúng—chẳng hạn những người thầy giảng dạy, những người bạn giúp đỡ, hôn nhân được thành tựu và cha mẹ thì hy sinh.
Hãy biết ơn mẹ các em, cha các em, gia đình các em và bạn bè các em. Hãy bày tỏ lòng biết ơn các giảng viên Hội Thiếu Nữ của các em. Họ yêu mến các em; họ cầu nguyện cho các em; họ phục vụ các em. Các em rất quý báu trong mắt họ và trong mắt Cha Thiên Thượng của các em. Ngài nghe lời cầu nguyện của các em. Ngài ban cho các em sự bình an và tình thương yêu của Ngài. Hãy ở gần bên Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, và các em sẽ không cô đơn.
Thứ hai, một tấm lòng khát khao học hỏi.
Sứ Đồ Phao Lô đã nói cùng Ti Mô Thê: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải … làm gương cho các tín đồ.”7
Chủ Tịch Stephen L. Richards, cách đây nhiều năm là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, là một tư tưởng gia sâu sắc. Ông nói: “Đức tin và sự nghi ngờ không thể cùng tồn tại trong cùng một tâm trí, bởi vì cái này sẽ xua tan cái kia.” Lời khuyên của tôi là hãy tìm kiếm đức tin và xua tan sự nghi ngờ.
Chúa đã khuyên dạy: “Các ngươi hãy tìm kiếm những lời thông sáng trong những sách hay; các ngươi hãy tìm kiếm sự hiểu biết bằng cách học hỏi và bằng đức tin.”8
Chúng ta có thể tìm ra lẽ thật trong thánh thư, những lời giảng dạy của các tiên tri, những lời giáo huấn từ cha mẹ mình, và sự soi dẫn mà sẽ đến với chúng ta khi chúng ta quỳ gối xuống và tìm kiếm sự giúp đỡ của Thượng Đế.
Chúng ta phải thành thật với lý tưởng của mình, bởi vì lý tưởng giống như các vì sao: các em không thể sờ chúng được với đôi tay mình, nhưng khi bước đi theo chúng, các em đến nơi mình muốn.9
Nhiều giảng viên của các em nhóm họp với các em trong buổi tối này. Tôi tin rằng mỗi giảng viên đều phù hợp với những điều viết mô tả về một người: “Chị đã tạo ra trong lớp học của mình một bầu không khí mà sự nồng nhiệt và sự chấp nhận tạo ra ảnh hưởng thuận lợi cho các học viên; nơi mà sự tăng trưởng và học hỏi, óc tưởng tượng phong phú và tinh thần của những người trẻ được bảo đảm.”10
Thứ ba, chúng ta thử bàn luận một sự sốt sắng với kỷ luật.
Cha Thiên Thượng của chúng ta đã ban cho mỗi người chúng ta khả năng để suy nghĩ , lý luận và quyết định. Với khả năng như thế, kỷ luật tự giác trở thành một điều cần thiết.
Mỗi người chúng ta có trách nhiệm để chọn lựa. Các em có thể hỏi: “Các quyết định có thực sự quan trọng như thế không?” Tôi nói cùng các em rằng các quyết định sẽ định đoạt số phận. Các em không thể chọn những quyết định vĩnh cửu mà không có những hậu quả vĩnh cửu.
Tôi xin được đề nghị một công thức đơn giản mà qua đó các em có thể đo lường những sự chọn lựa mà mình gặp. Nó rất dễ nhớ: “Các em không thể đúng khi làm điều sai; các em không thể sai khi làm điều đúng.” Lương tâm của cá nhân các em luôn cảnh cáo các em với tư cách là một người bạn trước khi nó trừng phạt các em với tư cách là một quan tòa.
Trong một điều mặc khải ban qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã khuyên dạy: “Những gì không gây dựng đều không phải của Thượng Đế mà là bóng tối. Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng.”11
Một số người rồ dại làm ngơ trước sự thông sáng của Thượng Đế và đi theo thời trang bồng bột nhất thời, sự lôi cuốn của việc được ái mộ và sự háo hức nhất thời. Lòng can đảm được đòi hỏi để suy nghĩ đúng, chọn đúng và làm đúng bởi vì một con đường như thế sẽ ít khi, nếu có, là con đường dễ nhất để theo.
Sự tranh đấu để kỷ luật tự giác có thể làm các em bị bầm dập một ít nhưng các em luôn là một người tốt hơn. Sự kỷ luật tự giác là một tiến trình nghiêm khắc nhất; có quá nhiều người trong chúng ta muốn nó mà không bỏ ra nỗ lực và không bị đau đớn. Nếu những trở ngại tạm thời có làm chúng ta buồn phiền, thì một phần rất đáng kể của sự tranh đấu của chúng ta để kỷ luật tự giác là quyết tâm và lòng can đảm để cố gắng nữa.
Các em thiếu nữ thân mến của tôi, tôi biết không có lời mô tả xác thực nào về các em hơn lời phát biểu của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào ngày 6 tháng Tư năm 1942: “Giới trẻ mà được trong sạch thì vinh quang và gần gũi với các thiên thần biết bao. Giới trẻ này có được niềm vui không tả xiết nơi đây và hạnh phúc vĩnh cửu từ giờ trở đi.”12
Cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc của Cha Thiên Thượng chúng ta là mục tiêu của các em và kỷ luật tự giác chắc chắn sẽ được đòi hỏi nếu các em phải đạt được mục tiêu đó.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta hãy trau dồi một sự sẵn lòng làm việc. Chủ Tịch J. Reuben Clark, cách đây nhiều năm là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Tôi tin rằng chúng ta ở đây để làm việc, và tôi tin rằng không thể nào tránh nó được. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải ý thức tầm quan trọng của công việc càng sớm càng tốt. Chúng ta phải làm việc nếu chúng ta muốn thành công hay nếu chúng ta muốn tiến triển. Không có cách nào khác.”13
“Kề vai ta vào bánh xe, hãy đẩy tới”14 được xem có ý nghĩa hơn một hàng chữ từ bài thánh ca ưa thích; đó còn là một chỉ thị phải làm việc.
Có lẽ có một tấm gương thì sẽ được hữu ích. Sự trì hoãn thực sự là một kẻ trộm thời giờ—nhất là khi nó hoàn toàn là công việc khó nhọc. Tôi nói về sự cần thiết học hỏi chuyên cần khi các em chuẩn bị cho những bài thi ở trường học và, quả thật, những trắc nghiệm trong đời.
Tôi biết một sinh viên đại học rất bận rộn với những niềm vui của cuộc sống sinh viên đến nỗi sự chuẩn bị cho một kỳ thi bị trì hoãn. Đêm trước, em nhận biết rằng đã trễ giờ và chưa chuẩn bị gì cả. Em viện lẽ: “Điều gì quan trọng hơn—sức khỏe của tôi mà đòi hỏi tôi phải ngủ hay sự vất vả để học?” Vậy thì, các em có thể đoán ra kết quả. Giấc ngủ đã thắng, sự học hành thất bại và kỳ thi là một thất bại lớn của cá nhân. Chúng ta phải làm việc.
Vậy nên đây là công thức được đề nghị:
-
Một thái độ biết ơn;
-
Một tấm lòng khát khao học hỏi;
-
Một sự sốt sắng với kỷ luật; và
-
Một sự sẵn lòng làm việc.
Trong mỗi cuộc sống, sẽ có những lúc thất vọng và sự cần thiết được hướng dẫn từ một nguồn gốc thiêng liêng—ngay cả là một sự khẩn cầu xin cứu giúp không thốt ra lời. Tôi chân thành làm chứng cùng các em rằng Cha Thiên Thượng yêu thương các em, Ngài quan tâm đến các em và sẽ không bỏ rơi các em.
Tôi xin đề cử một kinh nghiệm bản thân và quý giá. Trong nhiều năm, những công tác của tôi đưa tôi đến khu vực của nước Đức ở đằng sau của cái được gọi là Bức Màn Sắt. Dưới sự kiểm soát của Cộng Sản, những người sống trong khu vực đó của nước Đức hầu như mất hết mọi tự do của mình. Các sinh hoạt của giới trẻ bị hạn chế; mọi hành động đều bị kiểm soát.
Ngay sau khi tôi nhận lấy trách nhiệm cho khu vực đó, tôi tham dự một đại hội nâng cao tinh thần nhiều nhất được tổ chức tại khu vực đó của nước Đức. Tuân theo các bài hát đầy soi dẫn và lời nói đó, tôi cảm thấy có cảm giác phải có một cuộc họp ngắn bên ngoài một tòa nhà cũ với giới thanh thiếu niên yêu quý . Họ tương đối ít người nhưng đã lắng nghe từng lời mà tôi nói ra. Họ đã khát khao được nghe lời nói và sự khích lệ của một Sứ Đồ của Chúa.
Trước khi tham dự đại hội, trước khi rời Hoa Kỳ, tôi đã cảm nhận sự thúc giục phải mua ba phong kẹo cao su. Tôi đã mua kẹo ba loại mùi: bạc hà peppermint, bạc hà spearmint và trái cây. Giờ đây, khi sự nhóm họp của giới trẻ được kết thúc, tôi cẩn thận phân phát cho mỗi em hai thỏi kẹo cao su—thứ mà các em chưa từng bao giờ nếm qua trước đó. Các em đã nhận món quà đó với niềm vui sướng.
Nhiều năm trôi qua. Tôi trở lại Dresden—địa điểm đại hội của chúng tôi trước đó. Giờ đây, chúng ta đã có giáo đường; giờ đây người ta đã có tự do. Họ đã có đền thờ. Nước Đức không còn bị phân chia bởi những biên giới chính trị mà đã trở thành một quốc gia. Các em thanh thiếu niên giờ đây đã thành người lớn, với con cái của riêng mình.
Tiếp theo một đại hội lớn và đầy soi dẫn, một người mẹ và con gái của mình đi tìm tôi để nói chuyện với tôi. Người con gái, khoảng tuổi các em và nói được một ít Anh ngữ, nói với tôi: “Thưa Chủ Tịch Monson, chủ tịch có nhớ cách đây lâu lắm đã tổ chức một buổi họp ngắn với giới thanh thiếu niên tiếp theo một đại hội giáo hạt nơi mà chủ tịch đưa cho mỗi em trai và mỗi em gái hai thỏi kẹo cao su không?”
Tôi đáp: “Vâng, tôi chắc chắn là còn nhớ.”
Cô gái tiếp tục: “Mẹ cháu là một trong những người mà chủ tịch cho món quà đó. Bà bảo cháu rằng bà đã chia thỏi kẹo cao su thành nhiều mẩu nhỏ để ăn. Bà nói là vị kẹo ngọt ngào và nó quý báu đối với bà biết bao.” Rồi, với nụ cười chấp thuận của người mẹ yêu dấu của mình, cô gái đưa cho tôi một hộp nhỏ. Khi tôi mở nắp hộp ra, tôi thấy thỏi kẹo cao su, vẫn còn gói trong giấy sau gần 20 năm. Và rồi cô gái nói: “Mẹ cháu và cháu muốn tặng chủ tịch thỏi kẹo này”.
Nước mắt tuôn xuống, tiếp theo là những vòng tay ôm.
Rồi người mẹ nói với tôi: “Trước khi chủ tịch đến đại hội của chúng tôi cách đây rất nhiều năm, tôi đã cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng của tôi để biết rằng Ngài quả thực quan tâm đến tôi. Tôi đã để dành món quà đó để tôi có thể nhớ và dạy cho con gái tôi rằng Cha Thiên Thượng có nghe lời cầu nguyện của chúng tôi.”
Tôi đưa ra trước các em đêm nay món quà đó—còn là một biểu tượng của đức tin và sự tin chắc về sự giúp đỡ của thiên thượng mà Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ cung ứng cho các em.
Vào ngày trước lễ Phục Sinh này, cầu xin cho ý nghĩ của chúng ta quay về Ngài là Đấng đã chuộc tội lỗi chúng ta, là Đấng đã chỉ cho chúng ta con đường phải sống, cách thức cầu nguyện, và là Đấng đã cho thấy qua các hành động của Ngài cách thức để chúng ta có thể làm theo. Sinh ra trong chuồng súc vật, nằm trong máng lừa, Vị Nam Tử này của Thượng Đế—chính là Chúa Giê Su Ky Tô—ra hiệu cho mỗi người chúng ta đi theo Ngài: “Ôi, tuyệt diệu thay niềm vui mà câu này ban cho: ’Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống!‘”15
Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.