2002
Một Số Điều Giảng Dạy Cơ Bản từ Lịch Sử của Joseph Smith
THÁNG BẢY NĂM 200


Một Số Điều Giảng Dạy Cơ Bản từ Lịch Sử của Joseph Smith

Sự cải đạo là một tiến trình cá nhân và thuộc linh. Mỗi cá nhân phải xem xét các nguyên tắc này cho bản thân mình.

Lịch sử của Joseph Smith được viết ra để chia sẻ câu chuyện về Sự Phục Hồi của Giáo Hội trong những ngày sau này. Ý chính của câu chuyện là cho thấy sự tin cậy nơi lời hứa của Chúa và một nguồn vui và sự xác thực cho tất cả những ai tin.

Tôi đã có thể đọc lịch sử đó nhiều lần và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nó tạo ấn tượng cho tôi khi tôi còn bé; nó là một sự hướng dẫn và nguồn sức mạnh khi tôi ở tuổi niên thiếu; tôi đã chia sẻ nó với lòng can đảm và sự nhiệt thành khi là người truyền giáo trẻ tuổi; và ngay cả bây giờ, nó vẫn tiếp tục làm cho tôi ngạc nhiên và có một cảm giác biết ơn sâu xa. Kể từ lần đầu tiên khi Joseph Smith ghi chép lịch sử đó, nó vẫn luôn là một phước lành và một ân tứ về đức tin, một di sản cho kẻ thành tâm; đó là một lời mời gọi công khai cho những người đi tìm lẽ thật và một thách thức thường trực cho kẻ không tin.

Đối với những người chưa phải là tín hữu của Giáo Hội, tôi xin đề nghị các anh chị em đọc chứng ngôn của Joseph Smith với một tâm trí cởi mở và chủ ý thực sự. Các anh chị em sẽ cảm nhận được lòng thành thực của ông và các anh chị em sẽ thấy được sự thiết lập của Giáo Hội đã được phục hồi trong một cách thức nhiệm mầu!

Mặc dù có nhiều nguyên tắc thuộc linh đã được giảng dạy trong câu chuyện hấp dẫn này, tôi sẽ giới hạn những lời nhận xét của mình để chia sẻ năm nguyên tắc mà cũng như đối với Vị Tiên Tri, sẽ giúp các anh chị em bắt đầu biết Thượng Đế.

NGUYÊN TẮC 1: CÓ MỘT ƯỚC MUỐN CHÂN THÀNH ĐỂ BIẾT LẼ THẬT

Joseph Smith có một ước muốn mãnh liệt để biết Thượng Đế và để làm theo ý chỉ của Ngài. Các anh chị em có thể phát triển cùng một ước muốn đó và chính Thượng Đế có thể đưa dẫn các anh chị em đến với lẽ thật. Khi các anh chị em nhận biết lẽ thật đó, thì hãy cố gắng hết sức để sống cuộc sống của mình phù hợp với lẽ thật đó.

NGUYÊN TẮC 2: HỌC HỎI VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỌC THÁNH THƯ

Joseph Smith thông hiểu thánh thư bởi vì ông học hỏi chúng. Ông nói: “Một hôm nhân đọc Thư Ca của Sứ Đồ Gia Cơ, tôi thấy trong chương nhất câu năm có viết: Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Thượng Đế, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. (JS—LS 1:11).

Trong thời gian giáo vụ ngắn ngủi của ông, Joseph Smith cũng đã nhận đuợc nhiều điều mặc khải quan trọng khác nhờ vào kết quả của việc đọc thánh thư. Các anh chị em cần học hỏi thánh thư ngõ hầu bắt đầu biết được Thượng Đế là nguồn gốc của mọi lẽ thật.

NGUYÊN TẮC THỨ 3: HỌC HỎI GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

Thiếu niên Joseph đã nói:

“Kết cuộc tôi đành phải kết luận: Hoặc là tôi phải chịu ở mãi trong tình trạng tối tăm mơ hồ khó hiểu, hoặc là tôi phải làm theo lời chỉ dẫn của Sứ Đồ Gia Cơ, nghĩa là cầu vấn Thượng Đế… .

“… Đó là lần đầu tiên trong đời tôi dám mạo hiểm làm như vậy; vì lẽ từ trước đến nay mặc dù lòng thường bối rối lo âu, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ dám cầu nguyện thành lời.

“… Tôi mới quỳ xuống thành tâm dâng lên Thượng Đế những điều ước muốn mà tôi hằng ấp ủ trong tim…

“… Tôi nhận thấy chứng ngôn của Sứ Đồ Gia Cơ là đúng, nghĩa là, khi một người thiếu khôn ngoan, thì có thể cầu xin Thượng Đế, và sẽ được ban cho mà không bị trách móc” (JS—LS 1:13–15, 26).

Cha Thiên Thượng của chúng ta, là một Đấng Cha toàn hảo, biết hết nhu cầu tinh thần và vật chất của các anh chị em, và muốn ban phước cho các anh chị em, chính vì lý do đó mà Ngài đã ban cho các anh chị em lệnh truyền để tìm kiếm Ngài và cầu vấn Ngài.

Joseph bắt đầu biết được lẽ thật bởi vì ông đã cầu nguyện. Trong thời kỳ chúng ta, hằng triệu tín hữu của Giáo Hội này, cũng làm chứng về sự hiện thực của Sự Phục Hồi, bởi vì, theo lời khuyên dạy đó, họ cầu vấn Chúa với với đức tin. Các anh chị em có cùng một quyền hạn để nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình, bởi vì một chứng ngôn là một ân tứ mà Thượng Đế chỉ ban cho những người cầu vấn với chủ ý thực sự. Hãy thử làm điều đó và lời hứa ấy sẽ được làm tròn.

NGUYÊN TẮC 4: TÌM RA PHƯỚC LÀNH CỦA VIỆC SUY NGẪM

Joseph Smith đã thường suy ngẫm; ông suy nghĩ, phân tích, so sánh; ông đã cố gắng tìm ra những giải đáp cho những gì mà ông đọc trong thánh thư. Ông nói:

“Suốt thời gian xảy ra sự sôi động nói trên, tâm trí tôi băn khoăn và bất ổn trầm trọng… Tôi thường tự hỏi: Trong số các giáo phái ấy, giáo phái nào đúng, hay là họ đều sai lầm tất cả? Nếu có một giáo phái đúng, thì đó là giáo phái nào? Làm sao tôi có thể biết được?

“Thật chưa có một đoạn thánh thư nào lại có tác dụng xúc động con tim mãnh liệt bằng đoạn thánh thư này đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi tưởng chừng như có một sức mạnh lớn lao xuyên thẳng vào tận đáy tim tôi. Tôi suy tư mãi về đoạn thánh thư trên” (JS—LS 1:8, 10, 12).

Suy ngẫm về các lẽ thật vĩnh cửu là suy nghĩ và tự hỏi đi hỏi lại: “Làm thế nào tôi có thể biết được?”, “Làm thế nào những người khác bắt đầu biết được?”

Làm thế nào các anh chị em có thể đạt được một sự hiểu biết về những điều này? Xin hãy suy ngẫm về điều đó một cách nghiêm túc.

NGUYÊN TẮC 5: TRẢI QUA NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐI NHÀ THỜ

Trong ước muốn của ông để biết lẽ thật, Joseph Smith đi đến nhiều giáo phái khác nhau trong cộng đồng của mình. Về kinh nghiệm của ông với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, ông đã mô tả rõ ràng những lời chỉ dẫn mà ông đã nhận được về các giáo hội khác:

“Tôi bèn hỏi hai Vị đang đứng trong ánh hào quang rực rỡ trước tôi là giáo phái nào đúng (bởi vì lúc bấy giờ tôi không bao giờ nghĩ trong lòng mình là tất cả đều sai lầm) và giáo phái nào tôi nên gia nhập.

“…Tôi không có bổn phận phải gia nhập giáo phái nào, mà chỉ sinh sống như hiện tại cho đến khi nào tôi nhận được chỉ thị mới. (JS—LS 1:18, 26).

Tất cả chúng ta cần phải bắt đầu biết về Vương Quốc của Thượng Đế trên thế gian, và tiếp nhận một chứng ngôn về lẽ thật của vương quốc đó. Chúng ta đi nhà thờ để cảm nhận được Thánh Linh, học hỏi giáo lý của Ngài, tái lập giao ước của chúng ta và tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao để cùng với gia đình mình trở về nơi hiện diện của Thượng Đế. Các anh chị em được chân thành mời đến nhà thờ và tự mình xem xét tất cả những điều này.

Sự cải đạo là một tiến trình cá nhân và thuộc linh. Mỗi cá nhân phải xem xét các nguyên tắc này cho bản thân mình. Việc thử làm một nữa cộng với sự nghi ngờ, sợ hãi hay thiếu tin tưởng thì không đủ. Thượng Đế hứa với chúng ta, bởi vì lòng thương xót của Ngài, rằng Ngài sẽ đáp ứng những lời khẩn cầu của chúng ta theo đúng với lòng thành thật của chúng ta. Chỉ những người tìm kiếm với chủ ý thực sự mới nhận được câu trả lời của mình, là ân tứ từ Thượng Đế, qua Đức Thánh Linh.

Đức Thánh Linh cũng được gọi là Đấng An Ủi và Đấng Làm Chứng. Chúng ta mang ơn Ngài về sự hiểu biết và chứng ngôn của chúng ta rằng Đấng Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Sau khi các anh chị em chịu phép báp têm, nếu các anh chị em luôn xứng đáng và trung thành với các giao ước của mình, thì các anh chị em sẽ có được sự hướng dẫn thường xuyên của Đức Thánh Linh, qua những lời mách bảo, ấn tượng, cảm nghĩ, giấc mơ và những lời cảnh cáo.

Lịch sử và thánh thư cho chúng ta biết về những người đã nghe, nói hay trong một cách thức khác đã có được bằng chứng cụ thể về sự hiện hữu của Thượng Đế và kế hoạch của Ngài cho sự cứu rỗi của chúng ta. Tuy thế, nhiều người trong số họ đã không trung thành với lòng tin chắc của họ.

Chúng ta học hỏi từ điều này rằng không phải những gì chúng ta học biết qua những cảm giác của mình mà phải là những gì đến dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, mà cho phép chúng ta hiểu rõ các mục đích của Thượng Đế và tuân theo Ngài.

Khi một người đã học biết các nguyên tắc cơ bản này và ngưng thực hành chúng, thì người ấy đánh mất sự sáng và sự hướng dẫn mà giúp người ấy hiểu biết Thượng Đế và các tiên tri của Ngài. Dấu hiệu bề ngoài mà chúng ta thấy là họ tự ly khai, trở nên kém tích cực và ngay cả còn tranh cãi với Giáo Hội. Dấu hiệu nội tâm là họ ngưng thực hành một hay nhiều hơn trong số năm điều này:

  1. Họ không còn có ước muốn chân thành để biết tất cả lẽ thật.

  2. Họ không còn đọc thánh thư.

  3. Họ không còn cầu nguyện.

  4. Họ không còn suy ngẫm về các lẽ thật vĩnh cửu.

  5. Họ không còn đi nhà thờ.

Thật là điều kỳ diệu để thấy rằng giữa cơn hỗn độn trầm trọng giữa các giáo phái, ở giữa sự chống đối và ngay cả ngược đãi, tuy ông chưa đến 15 tuổi, mà Joseph Smith đã biểu lộ một cách kiên nhẫn và siêng năng sự vâng lời và cho chúng ta thấy cách thức giản dị nhưng hữu hiệu để đến gần Thượng Đế hơn.

Tiến trình này đòi hỏi chúng ta học hỏi, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít, cho đến khi chúng ta phát triển đức tin và một sự hiểu biết rõ ràng về tiềm năng thiêng liêng của mình (xin xem 2 Nê Phi 28:30).

Đó là trách nhiệm của chúng ta để củng cố, hằng ngày, những ấn tượng mà chúng ta cảm nhận được qua Thánh Linh, và bằng cách áp dụng năm nguyên tắc này.

Đó là lời cầu nguyện của tôi để chúng ta có thể luôn luôn làm điều này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In