2002
Sự Xứng Đáng của Cá Nhân để Sử Dụng Chức Tư Tế
THÁNG BẢY NĂM 200


Sự Xứng Đáng của Cá Nhân để Sử Dụng Chức Tư Tế

Tư cách của chúng ta trước công chúng phải không có chỗ chê trách. Tư cách của chúng ta ở nơi kín đáo lại còn quan trọng hơn nhiều. Nó phải đúng theo tiêu chuẩn do Chúa đề ra.

Thưa các anh em của tôi, tối hôm nay tôi mong muốn được ngỏ lời một cách minh bạch về một vấn đề mà tôi cảm thấy quan tâm rất nhiều. Thật là một điều thú vị lớn lao và một thử thách nặng nề đầy lo âu để ngỏ lời cùng các anh em. Tình anh em giữa chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế quý báu và kỳ diệu này thì thật thắm thiết dường nào. Chức tư tế đến từ Thượng Đế, Đức Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, là Đấng mà trong gian kỳ đầy vinh quang này đã cùng với Vị Nam Tử Yêu Quý của Ngài một lần nữa ngỏ lời từ các tầng trời. Các Ngài đã gửi các tôi tớ được cho phép của Các Ngài đến ban thẩm quyền thiêng liêng này cho loài người.

Sự xứng đáng của cá nhân trở nên tiêu chuẩn của việc có đủ tư cách tiếp nhận và sử dụng quyền năng thiêng liêng này. Đây là điều mà tôi mong muốn được nói đêm nay.

Tôi bắt đầu bằng cách đọc cho các anh em nghe từ Giáo Lý và Giao Ước, tiết 121:

“Đó là những quyền hạn của chức tư tế gắn liền với các quyền năng trên trời, và các quyền năng trên trời chỉ có thể kiểm soát hay điều khiển được bởi các nguyên tắc ngay chính.

“Những quyền ấy có thể được trao cho chúng ta, điều đó đúng vậy; nhưng khi chúng ta muốn che giấu những tội lỗi của mình, hay làm thỏa mãn tánh kiêu ngạo, lòng ham muốn vô bổ của chúng ta hoặc muốn kiểm soát, thống trị, xúi giục tâm hồn con cái loài người, với bất cứ mức độ bất chính nào, thì này, thiên thượng sẽ rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay quyền uy của người ấy” (GLGƯ 121:36–37).

Rõ ràng đó là lời của Chúa liên quan đến thẩm quyền thiêng liêng của Ngài. Thật là một bổn phận lớn lao mà lời này đặt trên mỗi người chúng ta. Chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế thì phải đứng cao hơn các đường lối của thế gian. Chúng ta phải có kỷ luật tự giác. Chúng ta không thể tự cao tự đại mà chúng ta có thể và phải là những người đứng đắn, đáng kính.

Tư cách của chúng ta trước công chúng phải không có chỗ chê trách. Tư cách của chúng ta ở nơi kín đáo lại còn quan trọng hơn nhiều. Nó phải đúng theo tiêu chuẩn do Chúa đề ra. Chúng ta không thể nhượng bộ tội lỗi, huống hồ là che giấu tội lỗi của mình. Chúng ta không thể làm thỏa mãn tánh kiêu ngạo của mình. Chúng ta không thể dự vào lòng ham muốn vô bổ. Chúng ta không thể kiểm soát, hay thống trị, hay ép buộc vợ hoặc con cái mình, hay người nào khác trong bất cứ mức độ bất chính nào.

Nếu chúng ta làm bất cứ điều nào trong những điều này, thì quyền năng của thiên thượng sẽ rút lui. Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền. Quyền năng của chức tư tế của chúng ta bị vô hiệu. Thẩm quyền của chức tư tế bị mất.

Lối sống của chúng ta, những lời nói của chúng ta, và tư cách hằng ngày của chúng ta tác động sự hiệu quả của chúng ta là những người nam và những thiếu niên đang nắm giữ chức tư tế.

Tín điều thứ năm của chúng ta nói rằng: “Chúng tôi tin rằng muốn được rao giảng Phúc Âm và cử hành các giáo lễ trong Phúc Âm, con người phải được Thượng Đế kêu gọi bằng sự mặc khải và bằng phép đặt tay bởi những vị có thẩm quyền.”

Mặc dù những người có thẩm quyền đã đặt tay lên đầu chúng ta và chúng ta đã được sắc phong, nhưng chúng ta, có thể qua tư cách của mình làm vô hiệu và làm mất đi bất cứ quyền hạn nào để sử dụng thẩm quyền thiêng liêng này.

Tiết 121 tiếp tục nói: “Uy quyền hay ảnh hưởng không thể có được qua danh nghĩa chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, kiên trì chịu đựng, nhu mì hiền dịu, và tình thương yêu chân thật;

“Nhờ lòng nhân từ và sự hiểu biết thuần túy là những điều sẽ làm nẩy nở tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo” (GLGƯ 121:41–42).

Giờ đây, thưa các anh em, đó là những giới hạn mà chức tư tế này phải được sử dụng. Chức tư tế không phải là một cái áo choàng mà chúng ta tùy ý khoác vào và cởi ra. Chức tư tế, khi được sử dụng trong sự ngay chính, với tư cách mô của cơ thể chúng ta, là một phần của chúng ta trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh.

Vậy nên, đối với các em thiếu niên nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, các em đã được truyền ban cho quyền năng mà nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ. Hãy dành ra một phút để suy nghĩ về điều đó.

Các em không thể làm điều gì mà sẽ dựng lên một chướng ngại vật giữa các em với các thiên sứ phù trợ hành động thay cho các em.

Các em không thể sống đồi bại trụy lạc trong bất cứ phương diện nào. Các em không thể sống bất lương. Các em không thể lừa gạt hay gian dối. Các em không thể lấy danh Thượng Đế làm chơi hay sử dụng lời lẽ thô tục mà vẫn có quyền được sự phù trợ của các thiên sứ.

Tôi không muốn các em là những người tự cao tự đại. Tôi muốn các em là những người kiên cường, đầy sức sống, mạnh mẽ và vui vẻ. Đối với những người có khuynh hướng thích chơi thể thao, tôi muốn các em là những nhà lực sĩ giỏi và cố gắng để trở thành vô địch. Nhưng khi làm như vậy, các em không phải chiều theo tư cách khó coi hay lời lẽ thiếu tôn kính hay thô tục.

Đối với các em thiếu niên đang trông chờ đi truyền giáo, xin đừng làm vẩn đục cuộc sống của các em với bất cứ điều gì mà sẽ gây ra sự nghi ngờ về sự xứng đáng của mình để ra đi với tư cách là các tôi tớ của Thượng Đế hằng sống.

Các em không được, các em không thể trong bất cứ hoàn cảnh nào làm suy yếu quyền năng thiêng liêng mà các em đang mang với tư cách là những người được sắc phong để thuyết giảng phúc âm.

Với ý định cảnh cáo và báo trước, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã công bố lời phát biểu sau đây nhắm vào các em:

“Là những người truyền giáo, các em được kỳ vọng sẽ duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về tư cách, kể cả việc nghiêm chỉnh tuân thủ luật trinh khiết,…

“… Các em không bao giờ được ở riêng một mình với bất cứ người nào, nam hay nữ, người lớn hay trẻ em [ngoại trừ người bạn đồng hành được chỉ định của mình].

“Ngay cả những lời cáo buộc gian một người truyền giáo vô tội cũng có thể kéo dài nhiều tháng để điều tra và có thể đưa đến sự gián đoạn hay chấm dứt công việc truyền giáo. Hãy tự bảo vệ mình khỏi những lời cáo buộc như thế bằng cách không bao giờ rời bước người bạn đồng hành của mình, ngay cả trong những nhà mà các em thăm viếng” (Lời phát biểu của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về tư cách của người truyền giáo, ngày 22 tháng Ba năm 2002).

Các em không cần phải lo lắng về những điều này nếu các em luôn luôn tuân thủ những qui luật của công việc truyền giáo. Nếu làm thế, các em sẽ có một kinh nghiệm kỳ diệu và các em sẽ trở về trong vinh dự với những người các em yêu mến mà không có vết nhơ, ngờ vực hay hối tiếc nào.

Khi các em trở về nhà, đừng bao giờ quên rằng các em vẫn còn là một anh cả của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các em sẽ bắt đầu tìm kiếm một người bạn đời vĩnh cửu. Các em sẽ mong muốn được kết hôn trong căn nhà của Chúa. Đối với các em, không nên có một lựa chọn nào khác. Hãy cẩn thận, kẻo các em phá hỏng tư cách của mình để được kết hôn như thế. Hãy chơi đùa vui vẻ. Nhưng hãy giữ thời gian tìm hiểu trong vòng kỷ luật tự giác một cách nghiêm túc. Chúa đã ban cho một lệnh truyền và một lời hứa. Ngài đã phán: “Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn.” Rồi tiếp theo là lời hứa rằng “niềm tin yêu của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và… Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đường luôn luôn bên cạnh ngươi” (GLGƯ 121:45–46).

Người vợ mà các em chọn sẽ là người ngang hàng với các em. Phao Lô đã nói: “Song trong Chúa thì chẳng phải đờn bà ngoại đàn ông, cũng chẳng phải đàn ông ngoại đàn bà” (1 Cô Rinh Tô 11:11).

Trong mối liên hệ hôn nhân, không có vị trí thấp cũng chẳng có vị trí cao. Người nữ không bước đi trước người nam; người nam cũng chẳng bước đi trước người nữ. Họ bước đi bên cạnh nhau với tư cách là người con trai và người con gái của Thượng Đế trong cuộc hành trình vĩnh cửu.

Người vợ không phải là tôi tớ, vật sở hữu của các em hay bất cứ điều gì giống như thế.

Hiện tượng bạc đãi vợ thật là bi thảm và hoàn toàn ghê tởm. Bất cứ người nào trong Giáo Hội này mà bạc đãi, nhục mạ, sỉ nhục vợ mình, dùng quyền thống trị bất chính đối với vợ mình thì không xứng đáng để nắm giữ chức tư tế. Dù cho người ấy có thể đã được sắc phong, thì thiên thượng cũng sẽ rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay quyền uy của người ấy.

Bất cứ người nào thực hành điều này thì không xứng đáng để nắm giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ.

Tôi hối tiếc để nói rằng tôi thấy quá nhiều về hiện tượng xấu xa này. Có những người hành hạ vợ, cả bằng lời lẫn bằng tay chân. Thật là một thảm kịch khi một ngưòi đàn ông hạ nhục người mẹ của con cái mình.

Quả thật cũng có một vài người phụ nữ áp chế chồng. Nhưng tôi không ngỏ lời với họ đêm nay. Tôi đang ngỏ lời với những người nam của Giáo Hội này, những người nam mà Đấng Toàn Năng đã ban cho thánh chức tư tế của Ngài.

Thưa các anh em, nếu có người nào đang nghe tôi nói và cảm thấy có tội về thái độ như thế, thì tôi kêu gọi các anh em phải hối cải. Hãy quỳ xuống và cầu xin Chúa tha thứ cho các anh em. Hãy cầu nguyện lên Ngài để có được quyền năng kiềm chế lời nói và tay chân mạnh bạo của mình. Hãy cầu xin sự tha thứ của các vợ con mình. Chủ Tịch McKay thường nói: “Không một thành công nào khác có thể đền bù cho sự thất bại ở trong nhà” (trích dẫn J. E. McCullock, Home: The Savior of Civilization [1924], 42; trong Conference Report, tháng Tư năm 1935, 116). Và Chủ Tịch Lee đã nói: “Phần quan trọng nhất của công việc của Chúa mà các anh chị em sẽ làm là công việc mà các anh chị em làm trong vòng các bức tường của căn nhà mình” (Harold B. Lee, Doing the Right Things for the Right Reasons, Brigham Young University Speeches of the Year [ngày 19 tháng Tư năm 1961], 5).

Tôi chắc chắn rằng khi chúng ta đứng trước rào phán xét của Thượng Đế, thì mức độ giàu có mà chúng ta tích lũy trong đời hay những vinh dự nào mà chúng ta đã có thể đạt được thì sẽ ít được đề cập đến. Nhưng sẽ có những câu hỏi thăm dò liên quan đến mối liên hệ trong gia đình chúng ta. Và tôi đoan chắc rằng chỉ những người sống với tình yêu thương và sự kính trọng và lòng biết ơn những người bạn đời và con cái của họ mới nhận được từ Đấng phán xét vĩnh cửu của chúng ta những lời này: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma Thi Ơ 25:21).

Tôi đề cập đến một loại bạc đãi khác. Đó là về những người già cả. Tôi nghĩ rằng đó không phải là điều thông thường trong chúng ta. Tôi hy vọng nó không phải thế. Tôi cầu nguyện cho nó không phải vậy.

Tôi tin là các tín hữu của chúng ta, hầu hết những người đó, tuân thủ giáo lệnh thời xưa: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12).

Nhưng việc bạc đãi những người già cả thì thật bi thảm và thật là kinh tởm.

Chúng ta sống càng ngày càng lâu hơn, nhờ vào phép lạ của khoa học tân tiến và sự thực hành y khoa. Nhưng cùng với tuổi già là sự suy yếu khả năng thể chất và đôi khi cả khả năng trí tuệ. Tôi có nói trước đây rằng tôi đã khám phá ra là có nhiều sự nặng nề như chì trong những năm tháng mà được gọi là tuổi vàng. Tôi biết ơn sâu xa về tình yêu thương và sự lo lắng của các con tôi đối với cha mẹ chúng. Thật là một hình ảnh xinh đẹp biết bao về một người con trai hay người con gái cố gắng hết sức mình để phụ giúp với sự ân cần, lòng nhân từ và tình yêu thương đối với người cha hay mẹ lớn tuổi.

Giờ đây tôi mong muốn được đề cập đến một hình thức bạc đãi khác mà đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Đó là sự lạm dụng đê tiện và xấu xa của những người lớn, thường là những người đàn ông, đối với trẻ em. Sự lạm dụng như thế không có gì mới mẽ. Có bằng chứng cho thấy nó đã từng có từ những thời đại trước. Đó là một điều ti tiện, bi thảm và khủng khiếp. Tôi hối tiếc để nói rằng đã có một số rất ít hành động xấu xa tội lỗi đó trong chúng ta. Đó là một điều mà không thể chấp nhận hay tha thứ được. Chính Chúa đã phán: “Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ này đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn” (Ma Thi Ơ 18:6).

Đó là một lời thật nghiêm khắc từ Hoàng Tử Bình An, Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Tôi xin trích dẫn từ sách Church Handbook of Instructions của chúng ta: “Lập trường của Giáo Hội là loại lạm dụng đó không thể được tha thứ trong bất cứ hình thức nào. Những người nào lạm dụng… thì phải chịu kỷ luật của Giáo Hội. Họ không được ban cho chức vụ kêu gọi của Giáo Hội và không thể có giấy giới thiệu đền thờ. Ngay cả nếu một người đã lạm dụng tình dục hay thể xác nơi một trẻ em mà chịu kỷ luật của Giáo Hội và sau này được phục hồi vai trò tín hữu trọn vẹn hay được báp têm lại, thì những vị lãnh đạo cũng không nên kêu gọi người này vào bất cứ chức vụ nào mà làm việc với trẻ em hay giới thanh thiếu niên trừ phi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cho phép loại bỏ lời chú thích trên hồ sơ tín hữu của người đó.

“Trong những trường hợp lạm dụng, trách nhiệm đầu tiên của Giáo Hội là giúp những người bị lạm dụng và bảo vệ những người mà có thể bị làm hại bởi sự lạm dụng trong tương lai” (Book 1: Stake Presidencies and Bishoprics [1998], 157–58).

Chúng tôi đã tìm cách giải quyết vấn đề này từ trước đây rất lâu. Chúng tôi đã khuyến khích các vị giám trợ, các chủ tịch giáo khu và những người khác nên tìm đến giúp đỡ các nạn nhân, an ủi họ, củng cố họ, cho họ biết rằng điều đã xảy ra là sai trái, kinh nghiệm đó không phải là lỗi họ và nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Chúng tôi có phát hành nhiều ấn phẩm, mở một đường dây điện thoại mà các giới chức của Giáo Hội có thể nhận được sự cố vấn trong việc xử lý những trường hợp khác nhau, và có sẵn sự giúp đỡ chuyên môn qua văn phòng Dịch Vụ Gia Đình Thánh Hữu Ngày Sau (LDS Family Services).

Những hành vi này thường là tội ác theo bản chất của chúng. Chúng có thể bị trừng trị theo luật pháp. Những nhà cố vấn chuyên môn, kể cả luật sư và những nhân viên của bộ xã hội, có sẵn trên đường dây điện thoại giúp đỡ này để giúp ý kiến cho các giám trợ và các chủ tịch giáo khu liên quan đến bổn phận của họ trong những hoàn cảnh này. Những người trong các quốc gia khác phải gọi điện thoại cho các Chủ Tịch Giáo Vùng tương ứng của họ.

Giờ đây công việc của Giáo Hội là một công việc cứu vớt. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó. Đó là công việc cứu vớt những con người. Chúng ta mong muốn giúp đỡ cả nạn nhân lẫn người có tội. Chúng ta cảm thông với nạn nhân và chúng ta phải hành động để phụ giúp người ấy. Chúng ta cảm thông với người có tội, nhưng chúng ta không khoan dung đối với tội lỗi mà người ấy có thể đã phạm. Nơi nào có sự phạm tội, thì nơi đó phải có hình phạt. Tiến trình của luật dân sự sẽ là cách thức như vậy. Và tiến trình của Giáo Hội sẽ theo cách thức của nó, thường đưa đến sự khai trừ. Cả hai đều là một vấn đề tế nhị và nghiêm trọng.

Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận, và phải luôn luôn nhìn nhận, rằng khi hình phạt đã được trả rồi và sự đòi hỏi công lý đã được thỏa mãn, thì sẽ có một hành động hữu ích và ân cần để phụ giúp. Có thể có những chế tài tiếp theo, nhưng cũng sẽ có lòng nhân từ.

Giờ đây, thưa các anh em, tôi thiết tưởng rằng tôi nghe có vẻ tiêu cực khi tôi ngỏ lời với các anh em tối nay. Tôi không mong muốn như vậy. Nhưng tôi mong muốn cất tiếng cảnh giác cho những anh em tư tế của Giáo Hội này trên khắp thế giới.

Thượng Đế đã ban cho chúng ta một ân tứ quý báu và tuyệt diệu nhất. Ân tứ này mang với nó thẩm quyền để quản trị Giáo Hội, để điều hành các công việc của Giáo Hội, để nói với thẩm quyền trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, để hành động với tư cách là các tôi tớ tận tụy của Ngài, để ban phước cho người bệnh, để ban phước cho gia đình chúng ta và nhiều người khác. Ân tứ này dùng làm một hướng dẫn mà qua đó chúng ta sẽ sống theo. Trong sự trọn vẹn của nó, thẩm quyền của ân tứ này vượt qua khỏi bức màn của sự chết để vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Không có một điều gì khác mà có thể so sánh với ân tứ đó trong khắp thế gian này. Hãy giữ gìn, trân quý và yêu mến và sống xứng đáng với ân tứ ấy.

“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma Thi Ơ 5:16), là lời cầu nguyện chân thành của tôi khi tôi để lại phước lành của tôi trên các anh em và mở rộng tình yêu mến của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.