2002
Đường Dây Liên Lạc của Sự Cầu Nguyện
THÁNG BẢY NĂM 200


Đường Dây Liên Lạc của Sự Cầu Nguyện

Mỗi người chúng ta có những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết được và những yếu kém mà chúng ta không thể khắc phục được nếu không cầu xin một nguồn sức mạnh ở trên cao hơn qua sự cầu nguyện.

Sáng hôm nay, tôi xin làm chứng về tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Việc đến gần Đấng Sáng Tạo của chúng ta qua Đấng Cứu Rỗi của mình chắc chắn là một trong các đặc ân và phước lành lớn lao của cuộc sống chúng ta. Tôi đã biết được từ vô số kinh nghiệm cá nhân rằng quyền năng của sự cầu nguyện thì rất lớn lao. Không một quyền lực nào trên thế gian có thể ngăn cản không cho chúng ta trực tiếp đến với Đấng Sáng Tạo của chúng ta. Không bao giờ có thể có sự hỏng máy hay điện tử khi chúng ta cầu nguyện. Không có giới hạn về những lần hay về thời gian bao lâu mà chúng ta có thể cầu nguyện mỗi ngày. Không có chỉ tiêu về số nhu cầu chúng ta mong muốn cầu xin trong mỗi lời cầu nguyện. Chúng ta không cần phải đi qua những người thư ký hay làm một cái hẹn để đến được ngôi ân điển. Ngài luôn sẵn sàng hiện diện vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Khi Thượng Đế đặt con người trên thế gian, sự cầu nguyện đã trở thành đường dây liên lạc giữa loài người và Thượng Đế. Do đó, trong thời của A Đam, con người đã bắt đầu “cầu vấn nơi danh của Chúa.”1 Qua suốt các thế hệ kể từ lúc ấy, sự cầu nguyện đã đáp ứng nhu cầu rất quan trọng của loài người. Mỗi người chúng ta có những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết được và những yếu kém mà chúng ta không thể khắc phục được nếu không cầu xin một nguồn sức mạnh ở trên cao hơn qua sự cầu nguyện. Nguồn gốc đó là Thượng Đế trên trời mà chúng ta cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.2 Khi chúng ta cầu nguyện chúng ta phải nghĩ về Cha Thiên Thượng là Đấng có tất cả sự hiểu biết, sự thông cảm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Sự cầu nguyện là gì? Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta một ví dụ trong Lời Cầu Nguyện của Chúa khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, Danh Cha được thánh.

“Nước Cha được đến. Ý Cha được nên, ở đất như trời.

“Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;

“Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.

“Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác: Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A Men.”3

Trước hết, sự cầu nguyện là sự thừa nhận khiêm nhường rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Thứ nhì, đó là sự thành thật thú nhận tội lỗi và sự phạm giới và sự cầu xin được tha thứ. Thứ ba, đó là sự nhìn nhận rằng chúng ta cần sự giúp đỡ mà vượt qua khả năng của mình. Thứ tư, đó là cơ hội để bày tỏ sự tạ ơn và lòng biết ơn đối với Đấng Sáng Tạo của chúng ta. Thật là quan trọng khi chúng ta thường nói: “Chúng con cám ơn Ngài…,” “Chúng con xin cảm tạ Ngài…,” “Chúng con biết ơn Ngài…” Thứ năm, đó là đặc ân để cầu xin Thượng Đế ban cho các phước lành đặc biệt.

Nhiều lời cầu nguyện đã được dâng lên trong khi chúng ta quỳ gối xuống. Đấng Cứu Rỗi đã quỳ xuống khi Ngài cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.4 Nhưng sự cầu nguyện âm thầm của tâm hồn cũng thấu đến thiên thượng. Chúng ta hát: “Sự cầu nguyện là ước muốn chân thật của tâm hồn, dù thốt ra lời hay âm thầm.”5 Những lời cầu nguyện chân thật xuất phát từ tâm hồn. Quả thực, sự chân thật đòi hỏi chúng ta sử dụng những cảm nghĩ tha thiết của lòng mình khi chúng ta cầu nguyện thay vì những lời lặp lại vô ích hay lời khoe khoang giả dối như những người mà đã bị Đấng Cứu Rỗi lên án trong ngụ ngôn về người Pha Ra Si và người thâu thuế.6 Rồi những lời cầu nguyện của chúng ta mới thực sự trở thành “bài ca của tâm hồn” và “lời nguyện cầu,”7 không những thấu đến Thượng Đế mà còn cảm động tấm lòng của những người khác.

Giê Rê Mi khuyên chúng ta phải hết lòng cầu nguyện.8 Ê Nốt kể lại tâm hồn ông đã khát khao như thế nào và ông đã cầu nguyện suốt ngày.9 Những lời cầu nguyện thay đổi theo cường độ của chúng. Ngay cả Đấng Cứu Rỗi “cầu nguyện càng thiết” trong giờ thống khổ của Ngài.10 Một số lời cầu nguyện là những sự biểu lộ đơn sơ lòng biết ơn và cầu xin các phước lành được tiếp tục ban cho những người thân yêu của chúng ta và chúng ta. Tuy nhiên, trong những lúc cá nhân bị xúc phạm hay gặp hoạn nạn, có nhiều điều được đòi hỏi hơn là chỉ đơn thuần cầu xin. Chúa đã phán: “Ngươi đã cho rằng ta sẽ ban cho ngươi ân tứ đó trong khi ngươi chỉ cầu xin cho có chứ không thành tâm suy ngẫm.”11 Việc tìm kiếm các phước lành qua sự cầu nguyện đôi khi đòi hỏi chúng ta phải làm việc, nỗ lực và siêng năng.

Chẳng hạn, đôi khi việc nhịn ăn là thích đáng để cho thấy bằng chứng rõ rệt về lòng thành thật của chúng ta. Như An Ma đã làm chứng cùng những người dân Gia Ra Hem La: “Tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là thật; vì Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết bằng Thánh Linh của Ngài.”12 Khi chúng ta nhịn ăn, thì chúng ta ép linh hồn khiêm nhường,13 là điều làm chúng ta hòa hợp với Thượng Đế và các mục đích thiêng liêng của Ngài hơn.

Chúng ta được đặc ân để cầu nguyện hằng ngày cho những mối quan tâm nhỏ và lớn trong cuộc sống của mình. Hãy suy ngẫm những lời của Am Lê, là người đã khuyên nhủ chúng ta phải cầu nguyện ở ngoài đồng cho các đàn gia súc của mình; trong nhà của chúng ta cho những người trong gia đình, sáng, trưa và chiều; cầu xin Ngài giúp mình chống lại quyền hành của kẻ thù mình và quỷ dữ; cầu xin Ngài che chở cho mùa màng của mình; trút cạn lòng mình nơi kín đáo và trong hoang dã. Khi chúng ta không cầu xin trực tiếp với Thượng Đế, thì chúng ta phải để lòng mình luôn mở rộng trong sự nguyện cầu.14

Lời khuyên của Am Lê trong thời đại chúng ta có thể là lời cầu nguyện chân thành của một người vợ: “Xin Ngài ban phước cho Jason và giữ gìn anh được an toàn trong khi anh phục vụ đất nước của chúng con trong thời chiến này.” Lời cầu nguyện của một người mẹ: “Xin Ngài ban phước cho Jane yêu quý để nó sẽ chọn những điều đúng.” Lời cầu nguyện của một người cha: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin Ngài hãy ban phước cho Johnny trong công việc truyền giáo của nó để cửa sẽ mở rộng cho nó và nó sẽ tìm ra những người có lòng chân thật.” Lời cầu nguyện đầy ngọng nghịu và đơn sơ của một đứa trẻ: “để con sẽ không nghịch ngợm hôm nay” hay “để mọi người sẽ có đủ thức ăn,” hay “để Mẹ được mau hết bệnh.” Đó là những lời cầu nguyện tuyệt vời mà vang thấu lên thiên thượng. Thượng Đế biết các nhu cầu của chúng ta rõ hơn chúng ta trình bày chúng bằng lời,15 nhưng Ngài muốn chúng ta đến gần Ngài trong đức tin để cầu xin các phước lành, sự an toàn và sự an ủi.

Tôi đã đề cập trước đây về một kinh nghiệm mà tôi có trong quân đội lúc Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi phải nói nhanh rằng tôi không phải là anh hùng. Nhưng tôi đã làm bổn phận của tôi. Tôi đã chịu đựng và sống sót. Tôi đã được chỉ định phục vụ trên một chiếc tàu tên British Liberty đi từ San Francisco đến Suez. Tôi ở trên chiếc tàu đó trong 83 ngày ròng rã ngoại trừ lúc ghé lại trong một thời gian ngắn ở Auckland, Tân Tây Lan. Tôi là người tín hữu duy nhất của tín ngưỡng chúng ta trên tàu. Vào ngày Chúa Nhật, tôi đi một mình đến mũi tàu với quyển thánh thư và sách thánh ca in khổ nhỏ dùng cho các quân nhân. Giữa tiếng gió rít, tôi một mình đọc thánh thư, cầu nguyện và hát. Tôi không cố gắng mặc cả với Chúa, nhưng tôi có cầu nguyện khẩn thiết rằng nếu tôi có thể sống sót trong trận chiến và về nhà cùng với vợ và gia đình tôi, thì tôi sẽ cố gắng hết sức luôn trung thành với các giao ước thiêng liêng mà tôi đã lập tại lễ báp têm, với lời thề và giao ước của chức tư tế và các lời thệ nguyện của mình trong đền thờ.

Là một phần của chuyến đi công tác của chúng tôi, chiếc tàu nhỏ chở hàng hóa của chúng tôi được lệnh kéo một chiếc tàu lớn chở dầu bị cháy rụi đến Auckland, Tân Tây Lan. Chiếc tàu chở dầu bất lực đang trôi một cách vô vọng trên đại dương. Mặc dù chúng tôi chưa hề trông thấy chúng, nhưng chúng tôi biết những chiếc tàu ngầm của kẻ thù đang rình rập chung quanh mình. Trong khi chúng tôi kéo chiếc tàu đó thì chúng tôi gặp phải một cơn bão dữ dội mà sau này chúng tôi biết được đã đánh chìm nhiều tàu lớn. Bởi vì vật nặng mà chúng tôi đang kéo, chúng tôi không có đủ sức để lướt trên những đợt sóng lớn, và chiếc tàu của chúng tôi tròng trành trong lòng sóng của vùng biển động mạnh. Chiếc tàu kêu cọt kẹt, rên rỉ và chao nghiêng, gần lật úp mỗi lần chao đảo. Dĩ nhiên, tôi đã cầu nguyện, và tôi nghĩ rằng những người khác cũng vậy. Theo thời gian, cơn bão thổi đi chỗ khác. Tôi biết ơn về ảnh hưởng và sự an ủi lâu dài mà những lời cầu nguyện của tôi đã mang đến cho tôi lúc bấy giờ và trong những lần hiểm nguy khác sau đó.

Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta: “Hãy cầu nguyện Đức Chúa Cha trong gia đình các ngươi, và luôn luôn cầu nguyện trong danh ta, để vợ con các ngươi được phước.”16 Trong thời đại chúng ta, Giáo Hội khuyến khích chúng ta cùng cầu nguyện chung gia đình mỗi đêm và mỗi ngày. Có lần tôi đã nghe một giảng viên Hội Thiếu Nhi đã hỏi một em bé trai là em có dâng lời cầu nguyện mỗi đêm không.

Đứa bé đáp: “Thưa có.”

Người giảng viên Hội Thiếu Nhi hỏi: “Và em cũng luôn cầu nguyện buổi sáng chứ?”

Đứa bé đáp: “Không, em không sợ lúc ban ngày.”17

Sự sợ hãi bóng tối không nên là động cơ thúc đẩy duy nhất của chúng ta để cầu nguyện—sáng hay tối.

Việc cầu nguyện chung gia đình là một ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài. Trong những ngày tăm tối của Đệ Nhị Thế Chiến, một trái bom nặng 500 cân Anh đã rơi ở bên ngoài căn nhà nhỏ của Anh Patey, một người cha trẻ ở Liverpool, nước Anh, nhưng trái bom đã không nổ. Người vợ của anh đã chết nên một mình anh nuôi nấng năm đứa con nhỏ. Anh họp chúng lại vào lúc đầy nguy ngập này để gia đình cùng cầu nguyện. Họ “đều cầu nguyện… thiết tha và khi họ cầu nguyện xong, mấy đứa con nói: ‘Cha ơi, chúng ta sẽ được bình an. Chúng ta sẽ được bình an trong nhà mình đêm nay.’

“Và như thế họ đi vào giường, hãy thử tưởng tượng, với trái bom khủng khiếp đó đang nằm bên ngoài cửa, phân nửa ở bên dưới mặt đất. Nếu nó nổ thì nó sẽ phá hủy có lẽ bốn mươi hay năm mươi căn nhà và giết chết hai hay ba trăm người… .

“Sáng hôm sau, … cả xóm được di tản đi trong bốn mươi tám giờ đồng hồ và cuối cùng trái bom được lấy đi… .

“Trên đường về nhà Anh Patey hỏi người chỉ huy của Đội Phòng Không: ’Vậy, các anh đã tìm thấy gì?‘

“’Thưa ông Patey, chúng tôi đến nơi trái bom nằm ở bên ngoài cửa nhà ông và thấy là nó sẵn sàng để nổ bất cứ lúc nào. Nó không có hư gì hết. Chúng tôi không hiểu lý do tại sao nó đã không nổ.‘”18 Nhiều điều mầu nhiệm xảy đến khi gia đình cùng cầu nguyện chung.

Đấng Cứu Rỗi khuyên nhủ chúng ta nên cầu nguyện cho những người “có ác ý ” đối với chúng ta.19 Nguyên tắc này thường bị bỏ quên trong những lời cầu nguyện của chúng ta. Tiên Tri Joseph Smith đã thông hiểu điều này rõ ràng. Lời cầu xin của ông tha thiết, những động cơ của ông rõ ràng và các phước lành từ thiên thượng được ban cho đều đặn.

Daniel Tyler, một người bạn của Vị Tiên Tri, nhớ lại một dịp quan trọng: “Vào lúc William Smith và những người khác chống lại Vị Tiên Tri [ở Kirtland],… tôi tham dự một buổi họp… nơi mà ’Joseph’ chủ tọa. Khi bước vào ngôi trường không lâu trước khi buổi họp khai mạc, và nhìn vào người của Thượng Đế, tôi nhận thấy nét buồn rầu trong vẻ mặt của ông và lệ nhỏ xuống từ đôi má ông… . Một lát sau, một bài thánh ca được hát lên và ông khai mạc buổi họp bằng lời cầu nguyện. Thay vì hướng về phía những người tham dự thì ông đã quay lưng lại và cúi người quỳ xuống, hướng về bức tường. Tôi tin rằng ông làm điều này để che giấu nỗi buồn phiền và nước mắt của mình.

“Tôi đã nghe những người nam và những người nữ cầu nguyện—đặc biệt là những người nam—từ những người dốt nát, cả về phương diện học thức lẫn về phương diện trí tuệ, đến những nhà thông thái và có tài hùng biện nhất, nhưng chưa bao giờ tôi nghe một người thưa chuyện cùng Đấng Sáng Tạo của mình như thể Ngài đang hiện diện và lắng nghe giống như một người cha nhân từ lắng nghe những lời buồn phiền của một đứa con hiếu để. Vào lúc đó, Joseph là một người ít học nhưng lời cầu nguyện đó, hầu như nhân danh cho những người đã cáo buộc ông đi sai đường và phạm tội, để Chúa sẽ tha thứ cho họ và mở mắt họ để họ có thể thấy đúng—lời cầu nguyện đó, theo tôi, đối với đầu óc giản dị của tôi, dự phần vào học thức và tài hùng biện của thiên thượng. Không phô trương, không lên xuống giọng bởi sự nhiệt tình, mà là một giọng điệu trò chuyện đơn giản, giống như một người đang nói chuyện với bạn mình đang hiện diện. Dường như đối với tôi, như thể trong trường hợp tấm màn che đã được lấy đi, tôi có thể nhìn thấy được Chúa đứng đối diện với người tôi tớ khiêm nhường nhất trong số tất cả tôi tớ của Ngài mà tôi đã từng thấy… . Đó là lời cầu nguyện tuyệt luân nhất … trong số tất cả những lời cầu nguyện mà tôi đã từng nghe.”20

Khi đến giờ Chúa sắp chết và phục sinh, Ngài đã dâng lên lời cầu nguyện thay đầy tuyệt luân của Ngài. Sau khi phó thác các sứ đồ của Ngài cho Đức Chúa Cha và cầu nguyện cho họ, thì Ngài cầu nguyện cho tất cả những người chịu tin nơi Ngài qua lời nói của họ và cầu nguyện với Đức Chúa Cha cho tất cả chúng ta. Ngài đã cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều sẽ hợp một cũng giống như Ngài hợp một với Đức Chúa Cha và thế gian chịu tin rằng Ngài đã được Đức Chúa Cha gửi đến.21

Không có lời cầu nguyện nào thấm thía mà đã được thốt ra hơn là lời cầu nguyện đã được Đấng Cứu Rỗi dâng lên trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Ngài đã đi khỏi các sứ đồ của Ngài, quỳ xuống và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con: dầu vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý con.”22 Một yếu tố quan trọng của tất cả các lời cầu nguyện của chúng ta có thể rập đúng theo mẫu mực cầu nguyện đó trong Vườn Ghết Sê Ma Nê: “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý con.” Nhờ vào điều này mà chúng ta nhận biết sự thành tâm và sự tuân phục của chúng ta đối với các mục đích quan trọng của Chúa trong cuộc sống của mình. Như Ngài đã phán: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.”23 Sẽ là một ngày vinh quang biết bao cho mỗi người chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với sự tin tưởng rằng “nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.”24

Tôi thành thật hy vọng rằng khi chúng ta dâng lời cầu nguyện của mình hằng ngày thì chúng ta nhớ cầu xin các phước lành của Chúa được tiếp tục ở với vị lãnh đạo yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Không một ai hoàn toàn biết rõ, ngay cả các cố vấn của ông, các gánh của ông nặng như thế nào và trách nhiệm của ông lớn lao như thế nào. Tôi xin làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Sáng Thế Ký 4:26.

  2. Xin xem 2 Nê Phi 32:9; 3 Nê Phi 20:31.

  3. Ma Thi Ơ 6:9–13.

  4. Xin xem Lu Ca 22:41.

  5. Hymns, số 145.

  6. Xin xem Lu Ca 18:10–14.

  7. GLGƯ 25:12.

  8. Xin xem Giê Rê Mi 29:13.

  9. Xin xem Ê Nốt 1:4.

  10. Lu Ca 22:44.

  11. GLGƯ 9:7.

  12. An Ma 5:46.

  13. Xin xem Thi Thiên 35:13.

  14. Xin xem An Ma 34:20–27.

  15. Xin xem Ma Thi Ơ 6:8.

  16. 3 Nê Phi 18:21.

  17. Phỏng theo Tal D. Bonham, The Treasury of Clean Church Jokes, được trích dẫn trong Cal và Rose Samra, các ấn bản, Holy Humor (1997), 23.

  18. Andre K. Anastasiou, trong Conference Report, tháng Mười năm 1946, 26.

  19. Ma Thi Ơ 5:44.

  20. Juvenile Instructor, tháng Hai năm 1892, 127–28.

  21. Giăng 17:21.

  22. Lu Ca 22:42.

  23. Giăng 15:7.

  24. 1 Giăng 5:14.

In