2002
Ra Khỏi Nơi Tối Tăm, Đến Nơi Sáng Láng Lạ Lùng của Ngài
THÁNG BẢY NĂM 200


Ra Khỏi Nơi Tối Tăm, Đến Nơi Sáng Láng Lạ Lùng của Ngài

Các biểu tượng về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không cần phải vấp ngã trong bóng tối. Chúng ta có thể có ánh sáng của Ngài với chúng ta luôn luôn.

Ê Sai, một vị tiên tri cao trọng của thời Cựu Ước, đã tiên tri: “Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê Hô Va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, … mọi nước sẽ đổ về đó.”1 Khi đề cập đến những người dân của các quốc gia đó, Chủ Tịch John Taylor đã nói: “Họ sẽ đến và nói rằng chúng tôi không biết bất cứ điều gì về các nguyên tắc tôn giáo của các bạn, nhưng chúng tôi thấy rằng các bạn là một cộng đồng lương thiện; các bạn thi hành công lý và sự ngay chính.”2

RA KHỎI “NƠI U ÁM TỐI TĂM”

Khi Thành Phố Salt Lake đứng ra tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 và Thế Vận Hội Đặc Biệt Dành Cho Người Có Khuyết Tật, chúng ta đã thấy một phần ứng nghiệm của nhiều lời tiên tri. Các quốc gia trên thế giới và nhiều vị lãnh đạo của họ đã đến. Họ đã nhìn thấy chúng ta phục vụ bên cạnh những người bạn của mình trong cộng đồng này và những người láng giềng thuộc các tín ngưỡng khác. Họ đã nhìn thấy ánh sáng trong mắt chúng ta và đã nhận được những cái bắt tay chúng ta. “Núi của nhà Chúa,”3 với các chóp tháp nhọn đốt đèn sáng choang đã được 3 tỉ 5 trăm triệu người trên khắp thế giới trông thấy. Các quốc gia đã nghe tiếng hát tuyệt diệu của Đại Ca Đoàn Tabernacle. Hằng trăm ngàn người đã đến xem một vỡ nhạc kịch tại chỗ trong thính phòng này có tựa đề là Sự Sáng của Thế Gian: Lời Ca Tụng Sự Sống—Tinh Thần của Loài Người, Vinh Quang của Thượng Đế mà bao gồm tuyên ngôn về sự tin tưởng của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi chân thành bày tỏ lòng biết ơn rằng qua những phương tiện này và nhiều phương tiện khác, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục được đem “ra khỏi nơi u ám tối tăm.”4

Trong suốt thời gian Thế Vận Hội, đã có nhiều điều đề cập đến ánh sáng, chẳng hạn ngọn lửa Thế Vận Hội, đứa trẻ với ánh sáng, và chủ đề “Nung Hực Ngọn Lửa Trong Lòng.”5 Có lẽ ánh sáng đáng ghi nhớ nhất đã được tìm thấy trong đôi mắt của chính những người tranh tài. Nhưng điều làm chúng ta xúc động nhất không phải là cuộc tranh tài hay hình ảnh. Đó là lẽ thật sâu xa hơn mà những điều này biểu hiệu—nguồn ánh sáng trong lòng mỗi người chúng ta.

Sáng hôm nay tôi xin nói về những người đã hỏi: “Ánh sáng mà tôi đã trông thấy và cảm nhận được là gì? Nó đã từ đâu đến? Làm thế nào tôi có thể luôn mãi có nó cho bản thân tôi và cho những người thân yêu của tôi?”

SỰ SÁNG CỦA ĐẤNG KY TÔ VÀ ÂN TỨ ĐỨC THÁNH LINH

Mỗi người chúng ta mang một ánh sáng đến thế gian, Sự Sáng của Đấng Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta là sự sáng chân chính soi sáng cho mọi người sanh ra trong đời này.”6

“Ánh sáng ở trong vạn vật, nó đem sự sống cho vạn vật.”7

Ánh sáng này “mời mọc và khuyên dỗ loài người làm điều thiện”8 được “ban cho mọi người, để họ có thể phân biệt được thiện ác.”9

Bằng cách sử dụng Sự Sáng của Đấng Ky Tô để phân biệt và chọn điều đúng, chúng ta có thể được dẫn đến một sự sáng rực rỡ hơn: ân tứ Đức Thánh Linh. Tôi làm chứng rằng qua Sự Phục Hồi phúc âm và thánh chức tư tế của Thượng Đế, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau cùng này có được quyền năng để ban cho ân tứ Đức Thánh Linh. Nó được ban cho bằng phép đặt tay bởi những người có thẩm quyền của chức tư tế, và nó được tiếp nhận bởi những người đã tuân theo các nguyên tắc đức tin và hối cải và đã nhận giáo lễ báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá tội.

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, một nhân vật linh hồn.10 Ngài là Đấng An Ủi, Thánh Linh của Thượng Đế, Thánh Linh Hứa Hẹn. Ngài làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, công việc của Ngài, và công việc của các tôi tớ của Ngài trên thế gian. Ngài hành động với tư cách là một Đấng thanh tẩy để làm thanh khiết và thánh hóa chúng ta khỏi tội lỗi.11 Ngài an ủi chúng ta và mang sự bình an đến cho tâm hồn của chúng ta. Quyền để luôn luôn có sự đồng hành của Ngài là một trong những ân tứ lớn lao nhất mà chúng ta có thể nhận được trong trần thế, vì bởi ánh sáng của sự thúc giục của Ngài và của quyền năng thanh tẩy, chúng ta có thể được đưa dẫn về nơi hiện diện của Thượng Đế.12

BÓNG TỐI VÀ ÁNH SÁNG

Khi còn nhỏ, chúng ta học cách xua đi bóng tối bằng cách vặn ngọn đèn lên. Đôi khi, lúc cha mẹ chúng ta đi vắng buổi tối, chúng ta thường vặn hết đèn trong nhà lên! Chúng ta am hiểu luật tự nhiên mà cũng là luật thiêng liêng: ánh sáng và bóng tối không thể cùng lúc chiếm ngự cùng một chỗ.

Ánh sáng xua tan bóng tối. Khi có ánh sáng, thì bóng tối bị đánh bại và phải rời đi. Quan trọng hơn nữa, bóng tối không thể chiến thắng ánh sáng trừ phi ánh sáng bị giảm bớt hay rời đi. Khi ánh sáng thuộc linh của Đức Thánh Linh hiện diện, thì bóng tối của Sa Tan rời đi.

Các em thiếu niên và các em thiếu nữ yêu quý của Giáo Hội, chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến đấu giữa các lực lượng ánh sáng và bóng tối. Nếu không có Sự Sáng của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, chúng ta đã chịu số phận hủy diệt của bóng tối. Nhưng Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta là sự sáng đã đến thế gian.”13 “Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”14

Chúa là ánh sáng của chúng ta và thực vậy là sự cứu rỗi của chúng ta.15 Cũng giống như ngọn lửa thiêng liêng mà bao quanh các trẻ em trong 3 Nê Phi,16 ánh sáng của Ngài sẽ tạo thành một cái mộc che giữa các em và bóng tối của kẻ nghịch thù khi các em sống xứng đáng với ánh sáng ấy. Các em cần ánh sáng đó. Chúng ta cần ánh sáng đó. Hãy học kỹ thánh thư và sách Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ và lắng nghe những lời dạy dỗ của các cha mẹ và các vị lãnh đạo của các em. Rồi, qua việc tuân theo lời khuyên dạy khôn ngoan, hãy học cách cho ánh sáng che chở của phúc âm là chính của mình.

Các em có thể tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể làm điều đó?” Chỉ có một cách thức: các em phải học cách làm phát sinh ánh sáng đó mỗi ngày bằng cách tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo những giáo lệnh của Ngài.

LÀM PHÁT SINH ÁNH SÁNG

Mùa đông vừa qua, tôi có cơ hội để học biết thêm về các buồng phổi của tôi. Tôi biết được rất rõ rằng chúng ta không thể dự trử khí Oxy. Chúng ta không thể để dành không khí mà chúng ta cần để thở, dù chúng ta có cố gắng hết sức đi nữa. Từ lúc này đến lúc khác, từng hơi thở này đến hơi thở kia, cuộc sống của chúng ta được ban cho chúng ta và được đổi mới. Ánh sáng thuộc linh cũng thế. Nó phải được đổi mới thường xuyên nơi chúng ta. Chúng ta phải làm nó phát sinh dần dần, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, và với hành động ngay chính hằng ngày nếu chúng ta muốn tránh xa bóng tối của kẻ nghịch thù.

Khi tôi còn niên thiếu, tôi thường đạp xe đạp ban đêm về nhà từ buổi tập bóng rổ. Tôi gắn một máy phát điện nhỏ hình dạng như trái lê vào bánh xe đạp của mình. Rồi khi tôi đạp, bánh xe sẽ quay bộ phận quay trong máy phát điện và sẽ làm phát sinh điện và tỏa ra một tia sáng riêng, rực rở. Đó là kỹ thuật cơ giới đơn giản nhưng hữu hiệu. Nhưng tôi đã phải đạp để làm cho nó có hiệu quả! Tôi nhanh chóng học biết rằng nếu tôi ngừng đạp xe, thì ngọn đèn sẽ tắt. Tôi cũng học biết rằng khi tôi “thiết tha nhiệt thành”17 trong việc đạp xe, thì ngọn đèn sẽ trở nên sáng hơn và bóng tối trước mặt tôi bị xua tan.

Sự phát sinh ánh sáng thuộc linh đến từ nỗ lực của phần thuộc linh hằng ngày. Nó đến từ sự cầu nguyện, học hỏi thánh thư, nhịn ăn và phục vụ—từ việc sống theo phúc âm và tuân theo các giáo lệnh. Chúa đã phán: “Ai biết tuân giữ các giáo lệnh sẽ nhận được lẽ thật và sự sáng, và kẻ nào nhận được ánh sáng,18 và bền lòng nơi Thượng Đế thì sẽ nhận thêm ánh sáng, và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến giữa ban trưa.”19 Thưa các anh chị em của tôi, sẽ có giữa ban trưa đó khi chúng ta đứng nơi hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô.

Đôi khi người ta hỏi: “Tại sao tôi phải đi dự lễ Tiệc Thánh?” hay “Tại sao tôi phải sống theo Lời Thông Sáng, đóng tiền thập phân? Tại sao tôi không thể có một thời gian để sống phần nào theo thế gian?” Tôi xin được phép nói cho các anh chị em biết lý do tại sao. Bởi vì nỗ lực thuộc linh đòi hỏi toàn thời gian của chúng ta! Trừ phi các anh chị em hoàn toàn thiết tha nhiệt thành trong việc sống theo phúc âm—sống theo phúc âm với tất cả “tấm lòng, khả năng, tâm trí, và sức lực”20 của mình—thì các anh chị em không thể làm phát sinh đủ ánh sáng thuộc linh để xua tan bóng tối.

Và trong thế gian này, bóng tối thì không bao giờ ở xa. Thật ra, nó luôn luôn ở ngay bên cạnh, chờ đợi cơ hội để xâm chiếm. Chúa đã phán: “Nếu ngươi không làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa.”21

Nó cũng dễ để dự đoán như bất cứ luật tự nhiên nào: nếu chúng ta để ánh sáng của Thánh Linh cháy lập lòe hay mờ dần bằng cách không tuân giữ các giáo lệnh hay bằng cách không dự phần Tiệc Thánh hay cầu nguyện hay học hỏi thánh thư, thì bóng tối của kẻ nghịch thù chắc chắn sẽ xâm chiếm. “Rồi kẻ tà ác lấy đi sự sáng cùng lẽ thật khỏi con cái loài người, qua sự bất tuân.”22

Trong thánh thư chúng ta đọc rằng một số người “rờ đi trong tối tăm, không có sự sáng” và “họ đi ngã nghiêng như kẻ say.”23 Khi vấp ngã dọc theo đường, chúng ta có thể trở thành quen thuộc với cảnh u ám chung quanh mình và quên rằng việc bước đi trong ánh sáng thì vinh quang biết bao.

LỐI ĐI ĐẾN ÁNH SÁNG

Có một lối thoát khỏi “sự mù mịt tối tăm”24 và bước vào lối đi mà dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Chúa đã phán cùng Ê Sai: “Ta sẽ khiến kẻ mù đi trên con đường mình không thuộc, dắt họ bởi các nẻo chẳng quen, ta sẽ đổi bóng tối trước mặt họ ra ánh sáng.”25

Tiên tri Nê Phi đã vạch ra lối đi: “Vậy nên, hỡi các anh em thân mến, tôi biết rằng, nếu các anh em noi theo Đức Chúa Con một cách hết lòng, không hành động giả nghĩa hay lừa dối trước mặt Thượng Đế, mà thực tâm hối cải tội lỗi, để làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng, các anh em tình nguyện muốn được mang danh Đấng Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm… thì kìa, kế đó các anh em sẽ nhận được Đức Thánh Linh; phải, và rồi các anh em sẽ được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh.”26

Giao ước chúng ta lập tại lễ báp têm và được tái lập khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh—để chúng ta tình nguyện mang danh Đấng Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài—gồm có lời hứa rằng chúng ta sẽ luôn có được Thánh Linh của Ngài, chúng ta sẽ luôn có ánh sáng đó ở cùng chúng ta.27 Các biểu tượng về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không cần phải vấp ngã trong bóng tối. Chúng ta có thể có ánh sáng của Ngài với chúng ta luôn luôn.

“HÃY SOI SỰ SÁNG CÁC NGƯƠI”

Lớn lên ở Long Island, Nữu Ước, nên tôi hiểu rõ ánh sáng là quan trọng biết bao cho những người đi trong đêm tối ngoài biển khơi. Một hải đăng mà bị hư thì thật là nguy hiểm biết bao! Một hải đăng mà đèn bị hỏng thì thật là nguy hại biết bao!

Chúng ta là những người có được ân tứ Đức Thánh Linh phải luôn trung thành với sự thúc giục của Ngài để chúng ta có thể là một ánh sáng cho những người khác.

Chúa đã phán: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”28

Chúng ta không bao giờ biết trước được ai có thể trông cậy vào chúng ta. Và, như Đấng Cứu Rỗi đã phán, chúng ta “không biết lúc nào những kẻ ấy sẽ hối cải, và đến cùng ta với tấm lòng chân thành và ta sẽ chữa lành cho họ. Và các ngươi sẽ là phương tiện để đem lại sự cứu rỗi cho họ.”29

MỘT NHÂN CHỨNG ĐẶC BIỆT VỀ SỰ SÁNG CỦA NGÀI

Giờ đây, thưa các anh chị em của tôi, trong sự xung đột lớn sau cùng giữa ánh sáng và bóng tối, tôi biết ơn cơ hội để “chịu khổ như một [môn đồ] của Chúa Giê Su Ky Tô.”30 Với Phao Lô, tôi xin nói: “Đêm đã khuya, ngày gần đến, vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng.”31 Tôi xin đặc biệt làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô “là sự sáng và sự sống của thế gian; một sự sáng bất tận, không bao giờ lu mờ.”32

Ngài là Sự Sáng của thành Bết Lê Hem, sinh bởi Ma Ri, người mẹ trần thế của Ngài, và Cha của Ngài, Thượng Đế Toàn Năng.

Ngài là Sự Sáng mà đã được báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, bởi Giăng Báp Tít, mà trên Ngài, Đức Thánh Linh đã biểu hiện trong Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu.

Ngài là Sự Sáng mà Cha của Ngài đã đẹp lòng mọi đàng.

Ngài là Sự Sáng đứng đầu Giáo Hội thời xưa, được tổ chức với Mười Hai Vị Sứ Đồ, các tiên tri và các thầy bảy mươi.

Ngài là Sự Sáng của Sự Chuộc Tội đã được làm tròn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên đồi Gô Gô Tha, Đấng đã tự mình mang lấy tội lỗi của thế gian, để tất cả nhân loại có thể đạt được sự cứu rỗi vĩnh cửu.

Ngài là Sự Sáng của ngôi mộ trống, Chúa phục sinh với thể xác vinh quang bằng xương bằng thịt, là Đấng đã cắt đứt những dây trói buộc của sự chết để cho nấm mồ không còn sự đắc thắng vĩnh cửu nữa.

Ngài là Sự Sáng mà đã thăng lên trời trước mắt các môn đồ của Ngài, với lời hứa rằng Ngài sẽ tái lâm trong cách thức giống như thế.

Ngài là Sự Sáng mà đã hiện đến với Cha của Ngài và phục hồi, qua Tiên Tri Joseph Smith, cùng một Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập trong giáo vụ của Ngài trên thế gian.

Ngài là Sự Sáng mà dẫn dắt và hướng dẫn Giáo Hội này ngày nay qua sự mặc khải ban cho một tiên tri, các cố vấn của ông và Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Ngài là Sự Sáng của tôi, Đấng Cứu Chuộc của tôi, Đấng Cứu Rỗi của tôi—và của các anh chị em.

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi biết rằng Ngài đã kêu gọi chúng ta “ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.”33 Tôi cầu nguyện rằng ánh sáng của phúc âm được phục hồi của Ngài sẽ tiếp tục lan rộng khắp thế gian để cho tất cả mọi người có thể có được cơ hội nghe và chọn, và rằng Giáo Hội của Ngài sẽ “ra khỏi nơi hoang dã tối tăm, và chiếu sáng lên đẹp như mặt trăng, chói lọi như mặt trời,” để “vinh quang của Ngài tràn ngập thế gian.”34

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Ê Sai 2:2.

  2. John Taylor, Deseret News: Semi-Weekly, ngày 27 tháng Giêng năm 1880, 1.

  3. Mi Chê 4:1.

  4. GLGƯ 1:30.

  5. TMSalt Lake Olympic Committee.

  6. GLGƯ 93:2.

  7. GLGƯ 88:12–13.

  8. Mô Rô Ni 7:13.

  9. Mô Rô Ni 7:16.

  10. Xin xem NTĐ 1:1; GLGƯ 130:22.

  11. Xin xem Bible Dictionary, “Holy Ghost,” 704.

  12. Xin xem Giăng 14:16–18, 26–27.

  13. Giăng 12:46.

  14. Giăng 8:12.

  15. Xin xem Thi Thiên 27:1.

  16. Xin xem 3 Nê Phi 17:24.

  17. GLGƯ 58:27.

  18. GLGƯ 93:28.

  19. GLGƯ 50:24.

  20. GLGƯ 4:2.

  21. Sáng Thế Ký 4:7.

  22. GLGƯ 93:39.

  23. Giốp 12:25.

  24. 1 Nê Phi 12:17.

  25. Ê Sai 42:16.

  26. 2 Nê Phi 31:13.

  27. Xin xem GLGƯ 20:37, 77, 79.

  28. Ma Thi Ơ 5:15–16.

  29. 3 Nê Phi 18:32.

  30. 2 Ti Mô Thê 2:3.

  31. Rô Ma 13:12.

  32. Mô Si A 16:9.

  33. 1 Phi E Rơ 2:9.

  34. GLGƯ 109:73–74.