2002
Ngôn Ngữ Tình Yêu
THÁNG BẢY NĂM 200


Ngôn Ngữ Tình Yêu

Mỗi đứa trẻ cần bản học bạ đều đặn mà xác nhận rằng: “Em được biết đến. Em được quý trọng. Em có tiềm năng. Em rất ngoan.”

Khi tôi còn là một người mẹ trẻ, chồng tôi và tôi tự mang năm đứa con dưới tám tuổi đi sống ở Nam Mỹ. Mặc dù không một ai trong chúng tôi nói thứ tiếng ở đó, đứa con lên sáu của tôi đã gặp khó khăn nhất để học một ngôn ngữ mới. Chúng tôi quyết định cho nó vào trường mẫu giáo với các em lên bốn, mặc dù đáng lẽ nó phải bắt đầu lớp một. Hy vọng của chúng tôi là sự tiếp xúc với các em nhỏ hơn sẽ làm cho nó bớt nhút nhát và có thể giúp vào khả năng truyền đạt của nó bằng tiếng Bồ Đào Nha.

Nhưng thực tế đối với con gái tôi thì nó là người ngoại quốc đối với các trẻ em khác cũng như chúng là ngoại quốc đối với nó. Mỗi ngày là một khó khăn và mỗi buổi sáng tôi đều lo âu cho nó khi tôi đi bộ với nó đến trường và rồi chờ cho nó trở về, đầy buồn chán, vào cuối ngày.

Một ngày nọ, một số trẻ em đã tàn nhẫn với nó một cách lạ lùng. Một vài em còn ném đá, ăn hiếp nó, và chế nhạo nó dữ dội lúc ra chơi. Nó sợ hãi và đau đớn và quyết định không thể trở lại lớp học nữa. Trong khi ngồi một mình giữa sân chơi vắng lặng, nó nhớ đến những gì chúng tôi đã dạy nó về sự cô đơn. Nó nhớ rằng Cha Thiên Thượng thì luôn gần gũi với con cái của Ngài và nó có thể nói chuyện cùng Ngài bất cứ lúc nào, không phải chỉ trước giờ vào giường mà thôi. Ngài sẽ hiểu ngôn ngữ của tâm hồn nó. Trong một góc sân chơi, nó đã cúi đầu xuống và dâng lên lời cầu nguyện. Nó không biết phải cầu xin điều gì, nên nó cầu xin cho cha mẹ nó có thể được ở bên nó để bảo vệ cho nó. Trong khi đi trở lại lớp học, một bài ca của Hội Thiếu Nhi đến với tâm trí nó.

Con thường đi bộ trong những cánh đồng cỏ xanh,

Và con hái đầy trong tay những cánh hoa màu xanh xinh đẹp.

Con nhặt những cụm hoa từ khắp nơi trong cánh đồng cỏ;

Mẹ yêu, mọi cánh hoa nhắc con nhớ đến mẹ.

(“I Often Go Walking,” Children‘s Songbook, 202)

Khi mở mắt ra, nó thấy một cánh hoa nhỏ mọc lên ở giữa đường nứt của nền xi măng. Nó nhặt cánh hoa lên và bỏ vào túi mình. Những rắc rối của nó với các trẻ em khác không biến mất hết, nhưng nó đi về trường với cảm tưởng rằng cha mẹ nó đang ở bên nó.

Mỗi một người chúng ta, giống như đứa con gái sáu tuổi của tôi, đã cảm thấy lạc lõng hay bị ghét bỏ trong một xứ xa lạ. Có lẽ xứ xa lạ của các anh chị em là học ngôn ngữ của đại số học hay hóa học. Có thể các anh chị em nghĩ các anh chị em đã đến một bờ bến xa lạ khi các anh chị em gia nhập Giáo Hội, ngay cả khi các anh chị em gia nhập ở quê hương của mình. Hãy đặt mình vào chỗ của một người mới cải đạo. Những chữ như là chức vụ kêu gọi, Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, và ngay cả Thẩm Quyền Trung Ương đòi hỏi phải được định nghĩa rõ ràng.

Còn những người truyền giáo của chúng ta mà đã hiểu và đáp ứng những thúc giục của Đức Thánh Linh rằng Giáo Hội là chân chính, nhưng rồi lại có sự thử thách về việc học hỏi cùng một lúc phúc âm lẫn một thứ tiếng ngoại quốc thì sao? Tôi thán phục khi nghĩ về sự can đảm của họ.

Cuộc sống của chúng ta đầy dẫy những trường hợp chán nản về việc học hỏi một ngôn ngữ ngoại quốc. Tuy thế, có một ngôn ngữ rất phổ quát. Nhưng “Mẹ yêu, mọi cánh hoa nhắc con nhớ đến mẹ” nói lên tấm lòng của một đứa bé gái. Một bài ca của Hội Thiếu Nhi và một cánh hoa dại là ngôn ngữ quen thuộc của một lời cầu nguyện đã được đáp ứng.

Sau khi Chúa Giê Su đang giảng dạy một lúc tại đền thờ ở Bountiful, Ngài đã cảm thấy người ta có thể đã không hiểu tất cả mọi lời mà Ngài phán. Ngài bảo họ trở về nhà họ mà suy ngẫm và cầu nguyện với gia đình họ và chuẩn bị khi Ngài đến trong ngày kế tiếp.

Nhưng khi “Ngài lại đưa mắt nhìn quanh đám đông, và Ngài nhận thấy đám đông đang rơi lụy và chăm chú nhìn Ngài như muốn cầu xin Ngài ở nán lại với họ lâu hơn chút nữa… .

“Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng…

“Và Ngài bảo đám đông rằng: Hãy nhìn con trẻ của các ngươi.

“Và khi đưa mắt lên nhìn họ chợt thấy… các thiên sứ từ trời hạ xuống như đang ở giữa một đám lửa. Rồi các vị này đến bao quanh các trẻ nhỏ, khiến chúng như được bao vây giữa đám lửa; và các thiên sứ này săn sóc chúng” (3 Nê Phi 17:5, 21, 23–24).

“Bao vây” giữa đám lửa của chứng ngôn chúng ta là một ngôn ngữ mà tất cả mọi người chúng ta phải học nói và hiểu.

Bài học đầu tiên giảng dạy mỗi đức trẻ trên thế giới mà tham dự Hội Thiếu Nhi là “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.” Các trẻ em nhỏ nhất là18 tháng cũng có thể tự chỉ vào mình để chơi trò vừa ca vừa diễn với ngón tay mình:

Cha Thiên Thượng biết tôi

Và những gì tôi thích làm.

Ngài biết tên tôi và nơi tôi sống.

Tôi biết Ngài cũng yêu mến tôi.

(“Heavenly Father Knows Me,” trong Primary 1: I Am a Child of God [1994], 2)

Cách đây vài năm, khi tôi đang dạy lớp sáu, một em trai 14 tuổi ăn mặc theo lối băng đảng bước vào lớp tôi. Nó lớn hơn hai tuổi và to con hơn 30 em học sinh khác. Tôi nhanh chóng biết được là Brian không biết đọc, chưa bao giờ đi đến trường đều đặn, và đã sống với một số người giám hộ khác nhau trong một số thành phố.

Sắp đến kỳ phát bản học bạ và tôi đến trường vào ngày nghỉ của mình để hoàn tất việc vô sổ bài vỡ của các em và điền vào các bản học bạ. Khi tôi bước vào lớp học để thu góp các hồ sơ, thì tôi có thể thấy Brian đang làm xáo trộn lớp học. Tôi đề nghị với người giáo sư đồng nghiệp đầy biết ơn của tôi là tôi sẽ mang Brian đi với tôi. Chúng tôi vừa đi về phía thư viện với một số sách vỡ lòng đầy hình ảnh vừa nói chuyện về môn bóng bầu dục.

Chúng tôi ngồi xuống một cái bàn nơi tôi đang điền vào các bản học bạ. Tôi hỏi nó từng có một bản học bạ không.

Nó lắc đầu và nói: “Không.” Tôi hỏi nó có muốn một bản học bạ không.

Nó nhìn thẳng vào tôi: “Chỉ khi nào bản đó nói em là một đứa bé trai ngoan.”

Tôi làm một bản đặc biệt cho nó và nhấn mạnh đến các ưu điểm của nó. Tôi viết tên họ nó lên trên đó và khả năng của nó làm cho mọi người thấy cùng thuộc vào nhóm của nó và làm cho người ta cười. Đặc biệt tôi đề cập đến sự yêu chuộng thể thao của nó. Đó không phải là một bản học bạ thông thường, nhưng dường như làm nó vui lòng. Chẳng bao lâu sau đó, Brian biến mất khỏi trường chúng tôi và lần cuối cùng tôi nghe nói về nó, thì nó đang sống ở một tiểu bang khác. Tôi hy vọng trong túi nó có bản học bạ của tôi nói nó là một đứa bé trai ngoan, dù đang ở bất cứ nơi nào.

Một ngày nào đó chúng ta đều sẽ được đưa cho các bản học bạ cuối cùng. Có thể chúng ta sẽ được xét đoán về cách thức chúng ta cho điểm về sự tốt lành của nhau. Mỗi đứa trẻ cần bản học bạ đều đặn mà xác nhận rằng: “Em được biết đến. Em được quý trọng. Em có tiềm năng. Em rất ngoan.”

Tôi ưa thích những câu chuyện của các trẻ em tiền phong. Chúng ta luôn nghe về các cha mẹ của chúng đi bộ đến Thung Lũng Salt Lake. Nhưng trong những lời của một bài ca Thiếu Nhi như sau:

Bất cứ khi nào tôi nghĩ về những người tiền phong,

Thì tôi nghĩ về những người nam và những người nữ quả cảm.

Tôi muốn nhớ rằng các trẻ em cũng cùng đi theo;

Tôi thích được là một đứa trẻ tiền phong lúc bấy giờ.

(“Whenever I Think about Pioneers,” Children‘s Songbook, 222)

Susan Madsen kể câu chuyện về Agnes Caldwell trong Đoàn Xe Kéo Tay Willie. Họ gặp những trận bão to và bị đói và lạnh khủng khiếp. Các xe kéo đến giải cứu mang cho thức ăn và chăn mền, nhưng không có đủ xe kéo để chở tất cả mọi người. Ngay cả sau khi được cứu thoát, đa số vẫn phải lê bước qua nhiều dặm đường nữa để đến thung lũng an toàn.

Em nhỏ Agnes chín tuổi quá mệt mỏi không thể đi xa hơn nữa. Người đánh xe kéo để ý thấy quyết tâm của em để theo kịp chiếc xe kéo và hỏi em có muốn được chở đi không. Em kể lại bằng lời của chính em những gì xảy ra sau đó:

“Xong rồi ông nghiêng người xuống, nắm lấy tay tôi, tặc lưỡi để giục cho ngựa ông làm cho tôi chạy, với đôi chân … không thể chạy xa hơn nữa. Chúng tôi tiếp tục đi con đường mà đối với tôi dường như hằng nhiều dặm. Điều thoáng qua trí tôi lúc đó, thì ông là người độc ác nhất trên đời hay tôi chưa từng nghe đến… . Đúng vào lúc mà dường như tôi không còn sức để đi xa nữa, thì ông ngừng lại [và kéo tôi lên xe kéo]. Ông lấy một tấm mền và bọc tôi lại… ấm cúng và dễ chịu. Trong xe, tôi đã có thời giờ để thay đổi ý kiến của mình, chắc chắn như thế, khi biết rằng ông đã cứu tôi khỏi bị lạnh cóng khi đặt tôi vào xe kéo” (trong I Walked to Zion [1994], 59).

Người đánh chiếc xe kéo đi giải cứu đó đã làm cho em bé gái chạy càng xa và càng nhanh càng tốt để em có thể bắt máu lưu thông xuống đôi bàn chân và đôi chân lạnh cóng của em. Ông đã cứu đôi chân của em, và có lẽ luôn mạng sống của em, bằng cách để em tự giúp mình.

Ngày nay các con em của chúng ta cũng có những cuộc hành trình khủng khiếp và khó khăn như cuộc di cư về miền tây. Chúng đương đầu với mọi thử thách trong suốt cuộc sống của chúng. Chúng ta cần phải giúp gia tăng khả năng của chúng để mang lấy các gánh nặng của chúng và cũng để giảng dạy chúng tìm được niềm vui trong cuộc sống này. Đôi khi, chúng ta phải chạy để theo kịp với đức tin của các con em của chúng ta.

Một lần khác trong 3 Nê Phi khi Chúa Ky Tô đang ban phước lành cho các môn đồ thì “nét mặt Ngài tươi cười với họ, và ánh hào quang trên nét mặt Ngài chiếu sáng họ” (3 Nê Phi 19:25).

Một nét mặt tươi cười cho biết các em ngoan ngoãn. Các trẻ em đang cố gắng để giống như Chúa Giê Su. Chúng muốn giống như một người nào đó luôn mỉm cười. Chúng muốn ở với một người nào mà đáp lời chúng một cách vui vẻ.

Chủ Tịch Hinckley có nói: “Các trẻ em cần ánh nắng. Chúng cần hạnh phúc. Chúng cần tình thương và sự chăm sóc” (“Save the Children,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 54).

Điều này phải là việc giảng dạy ngôn ngữ phúc âm cho các con em của chúng ta. Bất luận tiếng mẹ đẻ của các anh chị em là gì, hãy học cách dạy và nói bằng ngôn ngữ của những lời cầu nguyện thành thật và chứng ngôn hân hoan để các thiên sứ, dưới đất và trên trời, có thể bao quanh và phục sự chúng ta. Chúng ta cần những giảng viên phúc âm mà nói ngôn ngữ khen ngợi và thân thiện. Chúng ta cần đưa đều đặn các bản học bạ thuộc linh mà xác nhận sự tốt lành của mình trong mắt nhau. Đó là một phước lành cho phép các trẻ em chạy càng nhanh càng tốt trong khả năng của chúng, để xây đắp sức mạnh cho chứng ngôn của chúng, và chúng ta phải mỉm cười hài lòng với chúng và bao bọc chúng trong tấm mền yêu thương của chúng ta suốt cuộc hành trình quan trọng trong ngôn ngữ chung của tình yêu mến.

Tôi cảm tạ phước lành lớn lao để “nhìn con trẻ của [chúng ta].” Tôi muốn nhớ rằng các trẻ em cũng cùng đi theo, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.