2002
Bạn Bè Chân Thật
THÁNG BẢY NĂM 200


Bạn Bè Chân Thật

Tất cả chúng ta sẽ bị thử thách. Và tất cả chúng ta cần những người bạn chân thật để yêu thương chúng ta, lắng nghe chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy con đường, và làm chứng về lẽ thật cho chúng ta.

Mỗi năm, hằng trăm ngàn con cái của Cha Thiên Thượng chúng ta đến với Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đối với đa số, điều này đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của họ. Tất cả những người đó đã lập một giao ước thiêng liêng với những lời hứa quan trọng và với một lời cam kết long trọng để kiên trì chịu đựng. Giao ước đó quan trọng đến nỗi Cha Thiên Thượng đã mô tả phước lành và sự thử thách cùng tiên tri Nê Phi:

“Và tôi lại nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha, rằng: Phải, lời nói của Con Yêu Dấu của ta đúng và trung thực. Kẻ nào chịu đựng tới cùng thì sẽ được cứu.

“Và này, hỡi các anh em thân mến, do đó mà tôi biết được rằng, nếu loài người không chịu đựng đến cùng bằng cách noi gương Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, thì kẻ đó không thể được cứu.”1

Đấng Cứu Rỗi cảnh cáo rằng nếu chúng ta bắt đầu đi theo con đường và đi đủ xa và rồi sa ngã và chối bỏ Ngài, thì tốt hơn chúng ta đừng bắt đầu đi con đường đó.2

Tôi nghĩ về điều đó mỗi lần tôi đi thăm các tín hữu mới của Giáo Hội. Tôi thường có cơ hội đó, đi khắp nơi trên thế giới. Tôi thấy những gương mặt đầy tin tưởng của họ và họ thường kể cho tôi biết về thử thách nào đó của đức tin họ và rồi, với vẻ khẩn thiết trong giọng nói của họ, họ thì thào: “Xin cầu nguyện cho tôi.” Vào những lúc đó, tôi lại cảm thấy trọng trách của lời giáo huấn cho mỗi người chúng ta từ vị tiên tri tại thế của Chúa. Trọng trách đó là giữ lời hứa mà chúng ta đã lập trong dòng nước báp têm để “mang gánh nặng lẫn cho nhau.”3 Trọng trách đó là làm bạn. Những lời này của Chủ Tịch Hinckley đã khích lệ tôi: “… Tôi hy vọng, tôi cầu nguyện, tôi khẩn nài các anh chị em, mỗi người trong các anh chị em, hãy chấp nhận trọn vẹn mỗi tín hữu mới của Giáo Hội. Hãy làm bạn với họ. Hãy giữ chân họ lại.”4

Chủ Tịch Hinckley không thể có mặt nơi đó để làm bạn với mỗi tín hữu mới. Nhưng các anh chị em có thể hiện diện nơi đó với ít nhất một người. Điều đó chỉ đòi hỏi việc thông cảm với một điều nào đó trong cảm nghĩ của họ và một điều nào đó trong cảm nghĩ của Đấng Cứu Rỗi về họ. Hãy cố gắng thông cảm với những cảm nghĩ của một thanh niên trẻ, Nkosiyabo Eddie Lupahla, ở Phi Châu, viết về bạn của mình.

“Cách đây hai năm rưỡi, truớc khi tôi gia nhập Giáo Hội năm 1999, người bạn thân của tôi, Mbuti Yona, đến tìm tôi. Chúng tôi từng là bạn từ lớp 5 đến lớp 12, rồi chúng tôi [đã] chia tay khi chúng tôi đi học khác [trường].

“Mbuti chịu phép báp têm tháng Tư năm 1999, và 4 tuần sau, anh đến thăm tôi tại nhà và giới thiệu phúc âm với tôi. Mặc cho những lời đồn đãi về Giáo Hội, tôi cảm kích “các anh chị em thánh hữu” mà đã chào mừng tôi nồng nhiệt lần đầu tôi đến. Cũng là ngày Chúa Nhật này mà bạn tôi giới thiệu tôi với những người truyền giáo. Những sự sắp xếp đã được thực hiện để tôi được giảng dạy. Bạn tôi có mặt tại mỗi buổi thảo luận và anh ấy tiếp tục mời tôi đến các buổi sinh hoạt. Tôi thực sự thích thú đuợc ở gần nhiều người với cùng các giá trị, sở thích, tiêu chuẩn, và mục tiêu. Lúc đó cũng là thời gian tôi bắt đầu tham dự viện [giáo lý ]. Dường như mọi việc đều trôi chảy dễ dàng: Đêm thứ Năm [5 giờ 30]— bài thảo luận của người truyền giáo, tiếp theo với viện giáo lý .

“Tôi học biết rất nhiều trong viện giáo lý và đặc biệt thích thú với lớp học của chúng tôi về cách thức để đạt được hôn nhân thiên thượng. Học kỳ lục cá nguyệt đầu tiên kết thúc vào tháng Năm, ngay sau khi tôi bắt đầu tham dự và tôi cảm thấy bị hụt hẫng. Nhưng tôi còn may mắn để bắt kịp trong lớp ở học kỳ lục cá nguyệt thứ nhì, Những Lời Giảng Dạy của Các Tiên Tri Tại Thế. Trong khi theo học viện giáo lý , tôi mua cho mình bốn tác phẩm tiêu chuẩn và tôi tiếp tục học hỏi và tăng trưởng trong Giáo Hội từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một; nơi này một ít, nơi kia một ít. Tôi được làm phép báp têm vào ngày 17 tháng Chín năm 1999 bởi một người bạn khác mà tôi đã quen trong khi theo học viện giáo lý .

“Tôi cảm tạ chương trình của viện giáo lý . Chương trình này không những rèn luyện tôi mà nó còn giúp tôi hội đủ điều kiện để trở thành một người truyền giáo, là công việc truyền giáo mà tôi đã bắt đầu chuẩn bị năm tháng sau lễ báp têm của mình. Tôi đã được ban phước với nhiều cơ hội phục vụ và giảng dạy trước khi đi truyền giáo.

“Tôi cảm tạ nguời bạn của tôi. Tôi hy vọng anh ấy biết được anh đã làm gì cho tôi. Cả hai chúng tôi đều phục vụ truyền giáo, tôi ở Durban Nam Phi, còn anh ấy ở Cape Town Nam Phi. Điều này chỉ cần một người bạn để mang đến một sự thay đổi lớn lao như thế trong cuộc đời của một người.”5

Vậy thì, dường như không có gì mầu nhiệm trong câu chuyện đó. Nhưng có một phép lạ về sự thông sáng vượt lên trên khả năng của con người.

Có lẽ bởi vì Mbuti đã tự mình đi theo con đường hay có lẽ qua sự mặc khải, anh đã biết người bạn của anh sẽ phải làm gì để kiên trì chịu đựng. Và vì thế anh đã biết cách thức khuyến khích và giúp đỡ.

Anh đã giới thiệu người bạn của mình với những người truyền giáo. Anh đã cố gắng để người bạn của anh chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Anh đã đưa người bạn của mình, ngay cả trước khi phép báp têm, đến nơi mà người này có thể học hỏi thánh thư và có thể được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế. Ngay cả trước khi báp têm, anh đã giúp người bạn của mình tìm ra lời hứa này: “Vậy nên, tôi nói cho các anh em hay rằng, các anh em hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì kìa, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các anh em biết tất cả những gì các anh em phải làm.”6 Những lời này chắc đã bảo anh phải mua thánh thư và anh đã làm theo.

Tại buổi lễ báp têm, Anh Lupahla đã tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh để phục vụ với tư cách là người bạn đồng hành luôn hiện diện bên cạnh miễn là anh mời gọi ân tứ đó và sống xứng đáng với ân tứ đó. Điều đó đã bảo đảm cho anh về một lời hứa khác: “Vì kìa xem, một lần nữa tôi nói với các anh em rằng, nếu các anh em đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Thánh Linh thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các anh em tất cả mọi việc phải nên làm.”7 Đức Thánh Linh chắc đã bảo anh phải bắt đầu chuẩn bị cho việc truyền giáo và anh đã làm theo.

Chúng ta không biết những người bạn nào đã đi với anh đến các buổi lễ Tiệc Thánh của anh trước lẫn sau lễ báp têm, nhưng một số người chắc đã chào đón anh nồng nhiệt như họ đã làm lúc anh đến lần đầu. Nơi đó, anh đã tái lập giao ước của mình để luôn tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và tiếp nhận lần nữa lời hứa ban cho sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Chúng ta không biết phần nào mà các bạn của anh đã dự vào trong những sự kêu gọi anh phục vụ và nói chuyện. Nhưng chúng ta có thể biết chắc rằng họ đã cám ơn anh và cho anh biết lúc nào họ cảm nhận được Thánh Linh trong sự phục vụ và giảng dạy của anh.

Chúng ta có thể biết được một điều gì đó về cuộc sống của cá nhân anh. Hãy nhớ rằng anh đã viết là anh tiếp tục học hỏi. Anh viết rằng anh đã tăng trưởng “trong Giáo Hội, từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một; nơi này một ít, nơi kia một ít.” Anh nói rằng anh đã được rèn luyện qua các kinh nghiệm của anh trong viện giáo lý thuộc Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội. Chúng ta biết được từ thánh thư điều gì đã tạo ra những thay đổi nơi anh. Anh đã phải cầu nguyện với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Anh đã nhận được chứng ngôn và những sự hướng dẫn qua Thánh Linh. Và rồi anh không những làm điều mà anh được soi dẫn phải làm mà anh còn cầu xin Thượng Đế để cho Sự Chuộc Tội tác động trong cuộc sống của anh.

Nê Phi, khi mô tả phép lạ của sự thay đổi và điều gì mang phép lạ này đến, đã nói như sau:

“Và này, hỡi các anh em thân mến, tôi nhận thấy rằng, các anh em vẫn còn đắn đo trong lòng; và tôi lấy làm đau khổ khi phải nói ra điều này. Vì nếu các anh em nghe theo Thánh Linh, là Đấng dạy loài người cầu nguyện, thì các anh em ắt đã biết rằng mình phải cầu nguyện; vì quỷ dữ không dạy loài người cầu nguyện mà chỉ dạy loài người đừng cầu nguyện.

“Nhưng kìa, tôi nói với các anh em rằng các anh em phải cầu nguyện luôn luôn, và đừng chán nản; đừng bao giờ làm bất cứ một công việc gì trong Chúa mà không cầu nguyện Đức Chúa Cha nhân danh Đấng Ky Tô, để Ngài sẽ thánh hóa việc làm của các anh em cho chính các anh em, ngõ hầu việc làm của các anh em có thể giúp ích cho sự an lạc của tâm hồn các anh em.” 8

Đức Thánh Linh là Đấng An Ủi và Đấng hướng dẫn. Nhưng Đức Thánh Linh cũng là Đấng thanh tẩy. Chính vì thế sự phục vụ trong vương quốc thì rất thiết yếu để luôn kiên trì chịu đựng. Khi chúng ta được kêu gọi phục vụ, chúng ta có thể cầu nguyện để được Đức Thánh Linh làm người đồng hành của mình với sự chắc chắn là điều đó sẽ đến. Khi chúng ta cầu nguyện trong đức tin, một sự thay đổi có thể đến với cá tính chúng ta vì sự an lạc của tâm hồn chúng ta lẫn củng cố chúng ta đối với những thử thách mà tất cả chúng ta đều phải trải qua.

Có những giới hạn về những gì mà bạn bè có thể làm để giúp những người đang phải kiên trì chịu đựng. Chính các tín hữu mới cần phải cầu nguyện. Chính họ cần phải trông cậy vào sức mạnh mà họ sẽ nhận được trong sự đáp ứng những lời cầu nguyện của họ. Họ phải tự chọn cho mình để chịu phép báp têm trong đức tin, tin cậy vào người bạn toàn hảo của họ, là Đấng Cứu Rỗi. Họ phải chọn để hối cải, khiêm nhường và thống hối trong đức tin nơi Ngài.

Họ phải chọn tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Những lời của lễ xác nhận vào Giáo Hội là một lời mời gọi: “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh.” Và sự chọn lựa đó được thực hiện không phải một lần, mà mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Ngay cả khi Đức Thánh Linh đến và soi dẫn họ phải làm điều gì, việc làm điều đó hay không là một chọn lựa đúng. Ngay cả khi họ đọc thánh thư đều đặn, thì việc đó cũng đòi hỏi sự chọn lựa để “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô.” Và ngay cả khi những lời nói của Đấng Ky Tô không ích lợi cho ai nếu không có sự chọn lựa để làm những gì mà những lời của Đấng Ky Tô bảo họ phải làm. Với đức tin và sự vâng lời được thực hành đủ lâu, Đức Thánh Linh trở thành người bạn đồng hành luôn hiện diện bên cạnh, bản tính của chúng ta thay đổi và sự kiên trì chịu đựng trở nên chắc chắn.

Người tín hữu phải chọn lựa, nhưng người bạn chân thật thì là trọng yếu. Có những cách thức quan trọng cho chúng ta để chia sẻ gánh nặng của người tín hữu mới để có thể chịu đựng được. Chúng ta có thể yêu thương, lắng nghe, chứng tỏ và làm chứng.

Trước hết, chúng ta phải yêu thương họ. Đó là điều mà Đấng Cứu Rỗi làm. Chúng ta có thể làm điều đó với Ngài và cho Ngài. Ngài đã cho chúng ta thấy cách thức trong giáo vụ của Ngài trên trần thế. Ngài dạy chúng ta bằng lời giáo huấn và bằng tấm gương rằng chúng ta phải yêu thương các môn đồ của Ngài.

“Điều răn của ta đây này: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.

“Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.

“Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta.

“Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta.”9

Đấng Cứu Rỗi chăm sóc người tín hữu đang cố gắng như một người bạn. Ngài phó mạng sống Ngài cho tất cả chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta và sẽ ban cho chúng ta, nếu chúng ta trung tín, ân tứ của sự cảm nhận một phần tình yêu thương của Ngài cho chúng ta. Thỉnh thoảng tôi đã được Đức Thánh Linh ban phước để cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đối với một tín hữu mới đang cố gắng. Tôi biết điều đó có thể xảy ra được.

Thứ nhì, chúng ta phải lắng nghe người tín hữu mới với sự hiểu biết và sự thông cảm. Điều đó cũng sẽ đòi hỏi các ân tứ thuộc linh, bởi vì kinh nghiệm của chúng ta sẽ ít khi tương tự với các kinh nghiệm của họ. Việc nói rằng “Tôi hiểu cảm nghĩ của anh [chị, em],” sẽ không đủ trừ phi chúng ta thực sự hiểu. Nhưng Đấng Cứu Rỗi thì hiểu. Ngài đã chuẩn bị để giúp các anh chị em làm một người bạn mà hiểu biết ngay cả những người các anh chị em mới vừa gặp, nếu các anh chị em cầu xin trong đức tin. Trước khi Ngài sinh ra, các tiên tri đã biết Ngài sẽ làm gì để có thể giúp các anh chị em làm một người bạn cho Ngài:

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ cùng mọi cám dỗ; Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

“Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót theo tánh cách xác thịt, để Ngài có thể theo tánh cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài qua những sự yếu đuối của họ.”10

Thứ ba, chúng ta phải nêu gương cho người tín hữu mới. Chúng ta có thể nuôi dưỡng lời nói của Thượng Đế. Chúng ta có thể cầu xin và sống xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể dễ dạy nhờ vào đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Vào đúng lúc chúng ta có thể trở thành một tấm gương của một môn đồ là người được sinh lại nhờ vào Sự Chuộc Tội. Điều đó có thể được thực hiện dần dần. Có thể khó cho chúng ta để phân biệt nơi bản thân mình. Nhưng điều đó sẽ có thật. Và điều đó sẽ mang hy vọng đến cho người tín hữu mới và cho tất cả mọi người mà chúng ta làm bạn trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Thứ tư, chúng ta phải làm chứng về lẽ thật với người tín hữu mới. Chứng ngôn đó phải thành thật và tốt nhất là khi nó giản dị. Chứng ngôn đó hữu ích nhất khi nó nói về sự xác thực và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi, về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng chúng ta và về các ân tứ và sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Và điều cốt yếu là làm chứng rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hiện ra cùng thiếu niên Joseph Smith và phúc âm trọn vẹn và Giáo Hội chân chính đã được phục hồi qua các thiên sứ. Đức Thánh Linh sẽ xác nhận những lời nói giản dị đó là sự thật.

Người tín hữu mới sẽ cần sự xác nhận đó, lặp đi lặp lại nhiều lần, ngay cả khi chúng ta không ở nơi đó để làm chứng. Nếu họ chọn việc chối bỏ sự đồng hành của Đức Thánh Linh thì họ sẽ không kiên trì chịu đựng. Nhưng điều đó thì đúng đối với tất cả chúng ta, bất cứ nơi nào chúng ta đang ở và chúng ta trung tín như thế nào. Tất cả chúng ta sẽ bị thử thách. Và tất cả chúng ta cần những người bạn chân thật để yêu thương chúng ta, lắng nghe chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy con đường, và làm chứng về lẽ thật cho chúng ta để chúng ta có thể duy trì sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Các anh chị em phải là người bạn chân thật như thế.

Tôi vẫn còn có thể nhớ như thể mới xảy ra ngày hôm nay, những người bạn đã thực sự ảnh hưởng cuộc sống của tôi cách đây đã lâu. Họ đã qua đời, nhưng ký ức về tình yêu thương, tấm gương, đức tin và chứng ngôn của họ vẫn còn nâng đỡ tôi. Và tình bạn của các anh chị em dù chỉ đối với một tín hữu mới cũng có thể, trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau, khiến hằng trăm hay ngay cả hằng ngàn tổ tiên của họ và con cháu của họ ngợi khen các anh chị em.

Đây là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài hằng sống. Ngài yêu thương các anh chị em và Ngài yêu thương những người mà các anh chị em phải phục vụ và những người sẽ trở thành các người bạn mãi mãi chân thật của các anh chị em.

Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. 2 Nê Phi 31:15–16.

  2. Xin xem 2 Nê Phi 31:14; GLGƯ 40:1–3; 41:5–6.

  3. Mô Si A 18:8.

  4. Buổi Họp, Edmonton, Alberta, Gia Nã Đại, ngày 2 tháng Tám năm 1998.

  5. Thư từ riêng.

  6. 2 Nê Phi 32:3.

  7. 2 Nê Phi 32:5.

  8. 2 Nê Phi 32: 8–9.

  9. Giăng 15:12–15.

  10. An Ma 7:11–12.

In