2009
Khơi Dậy Ánh Sáng Hy Vọng
Tháng Tư năm 2009


Khơi Dậy Ánh Sáng Hy Vọng

Đối với hằng ngàn Thánh Hữu Ngày Sau ở Brazil, Quỹ Giáo Dục Luân Lưu là một phước lành làm thay đổi cuộc sống.

Khi Dilson Maciel de Castro Jr. bị mất việc làm của mình ở São Paulo, anh và vợ của anh dọn nhà đến Recife, một thành phố cảng lớn ở miền đông bắc Brazil để họ có thể sống với cha mẹ của anh. Mặc dù kinh nghiệm của Dilson là trong ngành kỹ thuật viễn thông, nhưng công việc làm duy nhất mà anh có thể tìm ra được ở Recife là một loạt công việc làm lặt vặt tạm bợ.

Dilson nhớ lại: “Tình cảnh của chúng tôi lúc ấy rất khó khăn.” Những thử thách của họ đi từ xấu đến tệ hại khi cặp vợ chồng đó mất tất cả những gì họ có trong một cơn lụt.

Vào thời điểm cùng cực đó, Dilson, là người đã phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Brazil São Paulo đã họp với Anh Cả Gutenberg Amorim, một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng và giám đốc viện tôn giáo, để nói về nghề nghiệp và những sự chọn lựa về học vấn. Khi Dilson thảo luận về những sở thích của mình thì anh nhận được một sự thúc giục của Thánh Linh rằng anh cần phải học ngành y. Nhờ vào Quỹ Giáo Dục Luân Lưu (PEF) vừa được thi hành lúc bấy giờ, vào năm 2003, Dilson biến sự thúc giục đó thành một nghề nghiệp tiếp theo khóa học 18 tháng về ngành y tá.

Dilson hiện làm việc cho một bệnh viện công ở Recife nói: “Nếu không có quỹ đó, thì tôi không thể nào theo học được những khóa học mà tôi cần.” Tương tự như vậy, vợ của anh, là Alexsandra, có lẽ cũng không thể vay được tiền để trả cho học vấn mà chị cần để trở thành cô giáo.

Dilson nói: “Cách đây sáu năm chúng tôi thất nghiệp.” “Tổ chức Giáo Dục Luân Lưu rất cần thiết cho tất cả những gì mà chúng ta có thể hoàn thành được. Nó đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi.”

Một Sự Đáp Ứng từ Chúa

Khi các tín hữu của Giáo Hội ở Brazil mô tả Quỹ Giáo Dục Luân Lưu, thì họ không thể không dùng những từ cao cấp: miraculoso, inspirado, maravilhoso (nhiệm mầu, đầy soi dẫn, kỳ diệu). Đó là nhờ vào quỹ ấy đang hoàn thành điều mà Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã tiên đoán rằng nó sẽ: “Trở thành một phước lành cho mọi người mà cuộc sống của họ đã được nó tác động—đến các thanh niên và thiếu nữ, gia đình tương lai của họ, Giáo Hội mà sẽ được ban phước với sự lãnh đạo vững mạnh ở địa phương của họ,” và nó sẽ nâng đỡ “hằng ngàn người ra khỏi cảnh nghèo nàn để bước vào ánh sáng của kiến thức và sự thịnh vượng.”1

Khi Chủ Tịch Hinckley thông báo về chương trình đó, thì các vị lãnh đạo Giáo Hội như Paulo R. Grahl, giám đốc vùng của các lớp giáo lý và các chủng viện tôn giáo ở Brazil, đang đối phó với những mối lo âu về giáo dục và công ăn việc làm của Các Thánh Hữu Ngày Sau Brazil—nhất là những người truyền giáo trẻ tuổi đã được giải nhiệm.

Anh Grahl nói: “Nhưng chúng tôi không có giải đáp nào cho đến khi Chúa mặc khải cho Chủ Tịch Hinckley rằng chúng ta cần phải thiết lập quỹ tuyệt diệu này.” “Trước đây, nhiều người trẻ tuổi của chúng ta thường trở về từ công việc truyền giáo của họ mà không thể theo đuổi một học vấn và nghề nghiệp được. Giờ đây, họ biết rằng khi họ trở về, quỹ có sẵn ở đó nếu họ cần đến. Đó là một phước lành lớn lao và lợi ích cho giới trẻ. Nó mang đến hy vọng.”

Khoảng 10.000 Thánh Hữu Ngày Sau ở Brazil hiện đang dựa vào số tiền cho vay của quỹ Giáo Dục Luân Lưu để mở mang học vấn, và sau đó là triển vọng về công ăn việc làm của họ. Brazil có một nền kinh tế vững mạnh, và đầy dẫy cơ hội cho những người có học thức—nhất là khi học vấn đi kèm theo với những đức tính mà những người trẻ tuổi phát huy trong công việc truyền giáo.

Mở Rộng Cửa

Anh Cả Pedro Penha, Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng và giám đốc Viện Tôn Giáo Recife North, nói rằng những người truyền giáo được giải nhiệm trở về đều có những năng lực mà các chủ nhân mong muốn. Ông nói: “Cửa nhanh chóng rộng mở cho các cơ hội làm việc nhờ vào kinh nghiệm, thói quen học hỏi, diện mạo và hạnh kiểm trong sạch của họ.” “Họ tiến triển nhanh chóng, và hạnh kiểm của họ thu hút người khác đến với Giáo Hội.”

Sau khi hoàn tất công việc phục vụ của mình ở Phái Bộ Truyền Giáo Brazil São Paulo North vào năm 2002, Ricardo Aurélio da Silva Fiusa đã dùng số tiền vay của quỹ Giáo Dục Luân Lưu để kiếm tấm bằng bốn năm về ngành quản trị kinh doanh.

Ricardo nói: “Quỹ này đã giúp tôi tăng trưởng , chuẩn bị cho công ăn việc làm và hôn nhân, và phục vụ giỏi hơn trong Giáo Hội.” Giống như nhiều người đã nhận được tiền từ quỹ Giáo Dục Luân Lưu, anh đã được đề nghị có được việc làm ngay cả trước khi anh hoàn tất tấm bằng của mình. “Ngân quỹ đó là một phước lành trong cuộc sống của tôi. Tôi biết ơn việc trả lại mỗi tháng số tiền vay của mình để những người khác cũng có thể sử dụng ngân quỹ đó.”

Trong khi truyền giáo, Ricardo đã học cách nói chuyện với người khác, học hành siêng năng và tuân theo—những đức tính mà đã làm cho anh thành một sinh viên và một nhân viên giỏi.

Ricardo, hiện đang làm việc trong ngành hậu cần cho một công ty ở Port Suape, miền nam Recife, nói: “Nhiều giáo sư của tôi nói rằng có một điều gì đó khác biệt về tôi mà họ không thể giải thích được.” “Tôi nói với họ rằng đó chính là nhờ vào các nguyên tắc tôn giáo của tôi.” Câu trả lời đó đã đưa đến cơ hội cho Ricardo nói chuyện với các giáo sư của mình và những người khác về Giáo Hội.

Mauricio A. Araújo, một trong những người truyền giáo Brazil đầu tiên được giải nhiệm trở về đã được quỹ Giáo Dục Luân Lưu ban phước cho, đã nói thêm: “Với sự phát triển của nghề nghiệp của mình, tôi đã có nhiều cơ hội hơn để ảnh hưởng những người khác qua tấm gương của tôi. Đôi khi người ta nói với tôi: “Nè, anh rất khác biệt. Anh trung thành với vợ mình. Anh sống theo những gì anh nói.‘Bằng cách tận dụng quỹ Giáo Dục Luân Lưu và làm phần vụ của mình, chúng tôi nhận được các phước lành và chúng tôi ban phước cho những người khác.”

Mauricio là người phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Brazil Rio de Janeiro vào cuối thập niên 1990 đã nhận được một loạt thăng chức kể từ khi hoàn tất chương trình quản trị mối quan hệ với khách hàng do quỹ Giáo Dục Luân Lưu tài trợ—từ việc bán hàng đến lãnh đạo nhóm quản trị cho ban giám đốc của một công ty huấn luyện quản trị thời giờ ở São Paulo.

Anh nói: “Quỹ Giáo Dục Luân Lưu được Thượng Đế soi dẫn.” “Ngân quỹ đó là điều chủ yếu mà tôi cần để hoàn tất học vấn của mình và tiến bước trong nghề nghiệp của mình.”

Một Sự Đầu Tư Tốt

Mặc dù Gabriel Salomão Neto không phải là Thánh Hữu Ngày Sau nhưng ông cũng cảm thấy được ban phước bởi Quỹ Giáo Dục Luân Lưu. Ông cho biết khi nói thay cho nhiều chủ nhân ở Brazil: “Đây là một điều tuyệt diệu mà giáo hội của quý vị đang làm.”

Ông Neto, một người quản lý và đồng chủ nhân một công ty lớn sản xuất máy bán hàng tự động ở São Paulo, đã có lý do để biết ơn. Ông rất cảm kích trước những năng lực của một tín hữu Giáo Hội là Silvia O. H. Parra, là người đã nhận được một tấm bằng về ngành quản trị kinh doanh với sự giúp đỡ của số tiền vay từ quỹ Giáo Dục Luân Lưu, mà ông đã mướn với tư cách là thư ký chấp hành của ông.

“Chúng tôi rất ưa thích công việc mà cô ấy làm. Cô ấy là một người làm việc tích cực, chu đáo và hữu hiệu. Chúng tôi tin tưởng nơi cô ấy, và chúng tôi tin cậy cô ấy.” Ông Neto nói như vậy. “Sự đầu tư của quý giáo hội nơi cô ấy đã được thành công—cho quý vị, cho cô ấy và cho chúng tôi.”

Vì lòng đầy biết ơn về Quỹ Giáo Dục Luân Lưu và về vai trò tín hữu của mình trong Giáo Hội, nên Silvia dạy các lớp Anh văn tại tiểu giáo khu São Paulo của mình cho các tín hữu lẫn những người ngoại đạo. Chị nói: “Vì tôi đã nhận được, nên tôi cũng muốn ban phát.”

Như sự thành công của Silvia cho thấy, các thanh niên không phải chỉ là những người độc nhất tận dụng Quỹ Giáo Dục Luân Lưu ở Brazil. Vì những lý do kinh tế, nhiều phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau ở Brazil cũng phải tìm việc làm.

Lorival Viana de Aguirra, người quản lý trung tâm tìm việc làm của Giáo Hội ở Curitiba, miền nam Brazil, nói: “Đa số các phụ nữ ở Brazil làm việc không phải vì họ muốn có một chiếc xe hơi mới hoặc quần áo đắt tiền mà vì hoàn cảnh bắt buộc.” “Họ muốn gia đình mình ăn uống ngon hơn và con cái của họ có được quần áo thích hợp và một nền học vấn tốt.”

Hạnh Phúc Lớn Lao Hơn, Chứng Ngôn Vững Mạnh Hơn

Keite de Lima A. Ahmed và Viviana Torres Noguera vất vả kiếm đủ tiền để sống mặc dù chồng của họ làm việc lao nhọc để chu cấp cho gia đình họ. Quỹ Giáo Dục Luân Lưu là một phước lành lớn lao đối với cả hai người.

Tuy nhiên, những người trong gia đình của Keite là các tín hữu kém tích cực đã bày tỏ nỗi nghi ngờ khi chị ghi danh vào chương trình 18 tháng huấn luyện kỹ thuật viên an toàn. Nhưng chị đã xuất sắc trong các môn học của mình và được đề nghị cho một việc làm trọn thời gian trong ngành của chị vào năm 2007.

Keite, một trong các phụ nữ đầu tiên được một công ty ở São José dos Pinhais, gần Curitiba, mướn để hướng dẫn những cuộc kiểm tra an toàn, huấn luyện và thi hành, nói: “Ngân quỹ đó làm nhiều hơn là việc chỉ giúp tôi nhận được sự huấn luyện và công ăn việc làm; nó còn giúp tôi cảm thấy hài lòng về mình và dần dần có được tự tin nơi các khả năng của mình.” Chị nói: “Chương trình đầy soi dẫn này đã mang đến cho gia đình chúng tôi hạnh phúc lớn lao và các chứng ngôn vững mạnh hơn.”

Cha mẹ và các anh chị em của Keite, cảm kích trước việc làm và quyết tâm của chị và cách mà quỹ Giáo Dục Luân Lưu đã ban phước cho gia đình chị, đã trở lại sinh hoạt tích cực trong Giáo Hội. Chị nói: “Họ được nhắc nhở rằng Giáo Hội nâng đỡ mọi người và giúp họ tăng trưởng trong nhiều cách thức—không những về phần thuộc linh mà còn trong tất cả mọi cách thức mà làm cho cuộc sống được dồi dào.”

Viviana và chồng của chị là Rafael dọn nhà từ Colombia đến Manaus, một trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền bắc Brazil, vào năm 2002 để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Viviana, là người đã cảm thấy được thúc giục để sử dụng số tiền vay của quỹ Giáo Dục Luân Lưu để học ngành thương mại quốc tế, nói: “Sự cầu nguyện, các buổi họp gia đình, sự hướng dẫn từ các vị lãnh đạo chức tư tế, và các lớp học hội thảo về nghề nghiệp đã giúp chúng tôi biết điều mà Cha Thiên Thượng muốn dành cho chúng tôi và chọn những quyết định đúng vào đúng lúc.”

Vào năm 2007, Viviana làm công việc giám thị việc nhập cảng cho một siêu thị ở Manaus. Gia đình của chị cần thêm thu nhập, nhưng với đứa con sắp sinh, chị đã phải xin nghỉ việc. Một vài tháng sau, đứa con đó—đứa thứ tư của vợ chồng chị—sinh ra, Viviana được đề nghị cho một việc làm với tư cách là giám đốc thương mại quốc tế cho một công ty khác. Vào lúc này, chị đã học nói tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha của chị đã làm cho chị trở thành vô giá trong việc kinh doanh với những người láng giềng Brazil nói tiếng Tây Ban Nha.

“Khi tôi được đề nghị cho việc làm này, tôi đã nói: ‘Tôi có bốn đứa con. Tôi không thể tự cam kết để làm việc từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều được,’” Viviana nói. “Người xếp của tôi nói với tôi rằng ông có nhiều tin tưởng nơi khả năng của tôi và nói: ‘Tôi cần một người mà tôi có thể tin cậy. Làm việc ở nhà. “Điều đó làm cho tôi ngạc nhiên.”

Bằng cách sử dụng Mạng Internet và một cái máy vi tính, Viviana làm việc ở nhà trong khi mấy đứa con lớn của chị đi học và đứa con sơ sinh của chị ngủ trưa. Chỉ thỉnh thoảng chị mới phải vào văn phòng.

Rafael cho là các phước lành của gia đình mình không phải chỉ là điều ngẫu nhiên. Anh nói: “Các phước lành mà chúng tôi nhận được đã đến từ một loạt quyết định với sự cầu nguyện và từ các hành động mà có thể thực hiện được qua những phương tiện mà Giáo Hội đã cung ứng.”

Ánh Sáng của Hy Vọng

Gilmar Dias da Silva, giám đốc quỹ Giáo Dục Luân Lưu ở Brazil, nói rằng một số Thánh Hữu Ngày Sau Brazil đang đối phó với những thử thách về công việc làm sau khi hoàn tất việc học của họ, “nhưng đa số những người tham dự quỹ Giáo Dục Luân Lưu của chúng tôi đang tiến triển trong công việc làm của họ và cải tiến cuộc sống của họ. Ngân quỹ đó rất thành công ở đây.”

Sự thành công đó, theo như lời của Chủ Tịch Thomas S. Monson, “đã mang đến ánh sáng hy vọng cho những người cảm thấy bị đọa đày với số kiếp thấp hèn nhưng giờ đây là những người có được cơ hội cho một tương lai sáng lạn hơn.”2

Ghi Chú

  1. Gordon B. Hinckley, “Quỹ Giáo Dục Luân Lưu,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 62; Ensign, tháng Năm năm 2001, 52; “Cần Có Sự Tử Tế Hơn,” Liahona Ensign, tháng Năm năm 2006, 61.

  2. Thomas S. Monson, “Những Người Gương Mẫu để Noi Theo,” Liahona, tháng Mười năm 2007, 6; Ensign, tháng Mười năm 2007, 8.

Hình ảnh do Michael R. Morris chụp

Phù hiệu của quỹ Giáo Dục Luân Lưu do Beth M. Whittaker thực hiện

Với sự giúp đỡ từ Quỹ Giáo Dục Luân Lưu, Dilson Maciel de Castro Jr. đã biến sự thúc giục của Thánh Linh thành một nghề nghiệp, và trở thành một y tá ở Recife, Brazil. Dưới: Một quang cảnh ở Recife từ thành phố thuộc địa Olinda.

Từ trên xuống: Mặt Trước Cửa Hàng ở Largo da Ordem, trung tâm lịch sử của Curitiba. Quỹ Giáo Dục Luân Lưu là điều then chốt cho việc tiến triển về giáo dục và nghề nghiệp của Ricardo Aurélio da Silva Fiusa; Mauricio A. Araújo, được cho thấy ở đây đang hướng dẫn một buổi họp trong công ty với các bạn Thánh Hữu Ngày Sau A. Romero (trái) và João B. Moreira (giữa); và Silvia O. H. Parra, chụp ảnh với Adan Tallmann, thư ký lớp giáo lý và viện tôn giáo thuộc giáo vùng.

Trên: Keite de Lima A. Ahmed thảo luận về những vấn đề an toàn với Lorival Viana de Aguirra, người quản lý trung tâm tìm việc của Giáo Hội ở Curitiba. Dưới: Viviana Torres Noguera làm việc từ nhà mình ở Manaus. Hình bên trong: Viviana với chồng của chị là Rafael và con cái của họ.

In