Sự Chuộc Tội Có Ý Nghĩa Gì đối với Các Anh Chị Em?
Từ một bài nói chuyện được đưa ra trong Đại Hội Phụ Nữ tại trường Brigham Young University vào ngày 5 tháng Năm năm 2006.
Sự Chuộc Tội là nhằm trực tiếp vào mỗi cá nhân và dành riêng cho từng hoàn cảnh và tình huống của mỗi chúng ta.
Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”1
Các nguyên tắc cơ bản này được đặt trên Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Từ Chuộc Tội “mô tả sự mang trở lại những người đã bị tách rời và cho thấy sự hòa giải của con người với Thượng Đế. Tội lỗi là nguyên nhân của sự tách rời và do đó mục đích của sự chuộc tội là nhằm sửa đổi và khắc phục những hậu quả của tội lỗi.”2 Tôi tin rằng việc trở nên bị tách rời khỏi Thượng Đế cũng có thể vì nhiều lý do ngoài tội lỗi công khai.
Nguy cơ của việc chúng ta trở nên xa cách Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi thì rất đáng kể và thường xuyên ở chung quanh chúng ta. May mắn thay, Sự Chuộc Tội cũng được dành cho tất cả các tình huống này. Chính vì thế mà Gia Cốp, người em trai của Nê Phi, đã mô tả Sự Chuộc Tội là “vô hạn” (2 Nê Phi 9:7), có nghĩa là không có giới hạn hoặc hạn chế từ bên ngoài. Chính vì thế mà Sự Chuộc Tội cũng rất đáng kể và cần thiết. Vậy thì chẳng ngạc nhiên gì để thấy rằng chúng ta không những cần phải biết ơn ân tứ có một không hai này mà còn phải hiểu rõ ân tứ này.
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng độc nhất có thể thực hiện Sự Chuộc Tội kỳ diệu vì Ngài là người hoàn hảo duy nhất và là Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế Đức Chúa Cha. Ngài nhận thẩm quyền của Ngài để thực hiện công việc thiết yếu này từ Cha Ngài trước khi thế gian được tạo dựng. Cuộc sống hữu diệt hoàn hảo không phạm tội của Ngài, sự đổ máu của Ngài, nỗi đau đớn của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự, sự tự nguyện chết của Ngài, và Sự Phục Sinh của thể xác Ngài từ mộ phần đã làm cho một Sự Chuộc Tội trọn vẹn có thể thực hiện được cho những người thuộc mọi thế hệ và thời kỳ.
Sự Chuộc Tội làm cho Sự Phục Sinh thành sự thật cho mọi người. Tuy nhiên, đối với những sự phạm giới và tội lỗi của cá nhân chúng ta, thì các khía cạnh có điều kiện của Sự Chuộc Tội đòi hỏi đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải của chúng ta, và việc chúng ta tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của phúc âm.
Sự Bất Diệt và Cuộc Sống Vĩnh Cửu
Có lẽ câu thánh thư thường được trích dẫn nhất trong các buổi họp và những bài viết của chúng ta là câu thánh thư tuyệt vời đầy minh bạch và tóm lược từ sách Môi Se: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).
Nhờ vào Sự Phục Sinh nên tất cả chúng ta sẽ có được sự bất diệt. Nhờ vào Sự Chuộc Tội, nên những người mà có đủ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để mang danh Ngài, những người mà hối cải và sống đúng theo phúc âm của Ngài, những người mà tuân giữ các giao ước với Ngài và Cha Ngài, và tham dự vào các giáo lễ cứu rỗi được dành sẵn trong những cách thức và nơi chốn thiêng liêng sẽ kinh nghiệm và vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu.
Tôi không thể nhớ là đã từng gặp một người tự nhận là có đức tin vững mạnh nơi Chúa Giê Su Ky Tô lại là người lo âu rất nhiều về Sự Phục Sinh. Vâng, tất cả chúng ta đều có thể có những thắc mắc về các chi tiết, nhưng chúng ta hiểu rằng lời hứa cơ bản này là chắc chắn và dành cho mọi người.
Vì cuộc sống vĩnh cửu cần có điều kiện và đòi hỏi nỗ lực và sự tuân theo của chúng ta, nên đôi khi đa số chúng ta gặp khó khăn, có lẽ thường xuyên—ngay cả một cách liên tục—với những thắc mắc liên quan đến lối sống mà chúng ta biết là chúng ta phải sống theo. Như Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã hỏi: “Chúng ta có tưởng lầm rằng chúng ta tự một mình phải thực hiện cuộc hành trình từ tốt đến tốt hơn và trở thành một thánh hữu qua tính bạo dạn tuyệt đối, quyết tâm và kỷ luật không”?3
Nếu sự cứu rỗi của chúng ta chỉ là một vấn đề nỗ lực của riêng mình, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối nặng vì chúng ta đều không hoàn hảo và không thể lúc nào cũng hoàn toàn tuân theo trọn vẹn mọi đường lối. Vậy thì làm thế nào chúng ta đạt được sự giúp đỡ và sự phụ giúp mà chúng ta cần? Nê Phi làm sáng tỏ tình trạng khó xử của sự liên hệ giữa ân điển và công việc khi ông làm chứng rằng: “Vì chúng tôi biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23).
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư nhắc chúng ta nhớ rằng ân điển có nghĩa là một phương tiện hay phương sách thiêng liêng mang đến sức mạnh hoặc sự giúp đỡ nhờ vào lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã được Sự Chuộc Tội của Ngài cung ứng sẵn.4 Do đó, chính là nhờ vào ân điển của Đấng Ky Tô mà chúng ta được phục sinh, và chính là ân điển, tình yêu thương và Sự Chuộc Tội của Ngài giúp chúng ta hoàn thành những việc thiện và thực hiện sự tiến bộ cần thiết mà sẽ không thể làm được nếu chúng ta bị bỏ mặc với khả năng và phương tiện của riêng mình.
Hạnh Phúc nhờ vào Sự Chuộc Tội
Trong số nhiều điều mà tôi ngưỡng mộ Nê Phi là thái độ của ông. Cuộc sống của ông không dễ dàng, nhất là khi so sánh với sự an nhàn mà đa số chúng ta cho là điều dĩ nhiên trong ngày nay. Nê Phi và gia đình của ông sống nhiều năm trong vùng hoang dã trước khi đến vùng đất hứa. Họ chịu đựng nhiều thời kỳ đói khát và nguy hiểm. Nê Phi đã phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình mà La Man và Lê Mu Ên đã làm tệ hại thêm, cuối cùng ông phải tách ra với những người đi theo ông khỏi những người ủng hộ La Man và Lê Mu Ên.
Trước tất cả cảnh thiếu thốn và khó khăn này, Nê Phi đã có thể nói: “Và chuyện rằng, chúng tôi được sống trong hạnh phúc” (2 Nê Phi 5:27).
Ông hiểu rằng có một mẫu mực sống mà đưa đến hạnh phúc, không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn, thử thách và thất vọng trong suốt cuộc sống của chúng ta. Ông đã có thể tập trung vào viễn cảnh rộng lớn về kế hoạch của Thượng Đế dành cho ông và cho dân ông và như vậy có thể tránh bị nản chí bởi những bực bội hoặc bởi sự nhận xét xác đáng rằng cuộc sống không công bằng. Cuộc sống không công bằng, nhưng ông và dân ông vẫn sống hạnh phúc. Họ hiểu rằng một Sự Chuộc Tội sẽ xảy ra và họ có sự tin tưởng rằng họ sẽ dự phần vào Sự Chuộc Tội đó.
Nê Phi tự đặt ra những câu hỏi quan trọng mà chúng ta cũng có thể tự hỏi khi chúng ta suy ngẫm về vị trí của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình:
“Hỡi ôi, thế thì một khi tôi đã được trông thấy những việc quá vĩ đại như vậy, và nếu Chúa với tấm lòng hạ cố của Ngài đối với con cái loài người đã đến viếng thăm loài người với biết bao thương xót, thì tại sao lòng tôi lại than khóc, và tâm hồn tôi phải lưu lạc trong thung lũng phiền muộn, và xác thịt tôi phải héo mòn, sức lực tôi phải suy yếu, cũng vì những nỗi đau khổ của chính tôi?
“Và tại sao tôi phải nhượng bộ tội lỗi, vì xác thịt của tôi? Phải, tại sao tôi phải ngã theo cám dỗ, khiến cho kẻ tà ác đó chiếm ngự được một chỗ trong lòng tôi để làm mất sự bình an của tôi và làm cho tâm hồn tôi đau khổ? Tại sao tôi tức giận vì kẻ thù của tôi?” (2 Nê Phi 4:26–27).
Sau khi than vãn, ông đã trả lời cho những câu hỏi của mình, vì biết được phương pháp để đối phó với những vấn đề của mình mà ông phải sử dụng: “Hãy thức tỉnh, hỡi linh hồn ta! Đừng chìm đắm trong tội lỗi. Hãy hân hoan lên, hỡi tâm hồn của ta, đừng nhượng bộ kẻ thù của linh hồn ta nữa. … Hỡi Chúa, con đã tin cậy nơi Ngài, và con sẽ tin cậy Ngài mãi mãi” (2 Nê Phi 4:28, 34).
Điều này có nghĩa là Nê Phi không còn có vấn đề gì nữa chăng? Điều này có nghĩa là ông đã hiểu trọn vẹn tất cả những gì đang xảy ra cho ông chăng? Hãy nhớ đến câu trả lời mà ông đưa ra cho một thiên sứ trước đó vài năm khi ông được hỏi một câu hỏi quan trọng liên quan đến Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, mà sẽ xảy ra trong tương lai: “Tôi biết [Thượng Đế] yêu thương con cái của Ngài; tuy nhiên, tôi không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc” (1 Nê Phi 11:17).
Chúng ta cũng không thể và sẽ không biết được ý nghĩa của tất cả mọi sự việc, nhưng chúng ta có thể và cần phải biết rằng Chúa yêu thương con cái của Ngài và rằng chúng ta có thể là những người thừa hưởng trọn vẹn ân điển và Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô trong cuộc sống và trong nỗi vất vả của mình. Tương tự như vậy, chúng ta biết và cần phải ghi nhớ sự điên rồ và nguy hiểm của việc chấp nhận để cho quỷ dữ xâm nhập vào tâm hồn của mình.
Ngay cả khi chúng ta hiểu và cam kết trọn vẹn sẽ loại bỏ điều xấu xa và quỷ dữ ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của mình, thì chúng ta cũng thất bại vì rất thường chúng ta là con người “thiên nhiên” (xin xem Mô Si A 3:19). Do đó, chúng ta cần phải biết ơn và sống theo nguyên tắc hối cải. Mặc dù chúng ta thường nói về sự hối cải của mình như là một sự kiện mà đôi khi thì cũng đúng như vậy, nhưng đối với đa số chúng ta thì đó là một tiến trình liên tục, suốt đời.
Dĩ nhiên, có những tội về việc chểnh mảng không làm phần vụ của mình lẫn tội làm điều mình không được làm mà chúng ta có thể bắt đầu ngay lập tức tiến trình hối cải. Có những loại bất chính và lỗi lầm đặc biệt mà chúng ta có thể từ bỏ từ bây giờ và không tái phạm nữa. Ví dụ, chúng ta có thể là những người đóng tiền thập phân trọn vẹn trong những ngày còn lại của đời mình, cho dù đó đã không phải lúc nào cũng là trường hợp như vậy. Nhưng những khía cạnh khác của cuộc sống chúng ta đòi hỏi sự cải tiến liên tục và sự chú ý thường xuyên của chúng ta, như nếp sống thuộc linh, lòng bác ái, sự nhạy cảm đối với những người khác, mối quan tâm đến những người trong gia đình, sự chiếu cố những người hàng xóm, sự hiểu biết thánh thư, việc tham dự đền thờ, và phẩm chất của những lời cầu nguyện riêng của chúng ta.
Chúng ta có thể biết ơn rằng Đấng Cứu Rỗi hiểu chúng ta hơn là chúng ta tự hiểu mình, Ngài lập ra Tiệc Thánh để chúng ta có thể đều đặn tái lập giao ước của mình bằng cách dự phần vào các biểu tượng thiêng liêng với lời cam kết tự mang thánh danh của ngài, để luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Khi chúng ta tuân theo mẫu mực mà cho phép chúng ta “được sống trong hạnh phúc,” thì sự hối cải và hành động của chúng ta có được phẩm chất cao, và khả năng của chúng ta để hiểu và biết ơn Sự Chuộc Tội gia tăng.
Sự Hối Cải và Sự Vâng Lời
Trong những tuần lễ trước khi tổ chức Giáo Hội vào năm 1830, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải đặc biệt mà thêm vào sự hiểu biết của chúng ta về Sự Chuộc Tội vì chính Đấng Cứu Rỗi đã phán và giảng dạy. Ngài đã tự mô tả là “Đấng Cứu Chuộc thế gian” (GLGƯ 19:1), công nhận rằng Ngài đã tuân theo ý muốn của Đức Chúa Cha, và phán rằng: “Ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải và tuân theo các giáo lệnh mà ngươi đã nhận được” (GLGƯ 19:13).
Mẫu mực giản dị này của sự hối cải và sự vâng lời thật sự là nền tảng cho việc “sống trong hạnh phúc.” Chúng ta biết rằng đây là điều mà chúng ta cần phải làm, mặc dù đôi khi chúng ta có thể quên đi lý do tại sao. Chúa nhắc chúng ta nhớ đến lý do tại sao trong những lời sau đây từ cùng một điều mặc khải:
“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;
“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;
“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—
“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ 19:16–19).
Thật là một bài học đặc biệt. Tôi chắc rằng không một ai trong chúng ta có thể tưởng tượng ra ý nghĩa và cường độ của nỗi đau đớn của Chúa khi Ngài thực hiện Sự Chuộc Tội vĩ đại. Tôi không nghĩ rằng Joseph Smith vào lúc ấy đã có một ý thức trọn vẹn về nỗi đau đớn của Đấng Ky Tô, mặc dù Vị Tiên Tri đã nhận thức được nhiều hơn và hiểu biết rõ hơn từ những thử thách và nỗi đau đớn của riêng mình trong những năm về sau. Hãy nghĩ về lời chỉ dạy sửa phạt do chính Chúa Giê Su ban cho khi Ngài khuyên dạy và an ủi Joseph trong những giờ phút tối tăm khi bị giam giữ trong Ngục Thất Liberty. Bấy giờ Chúa chỉ phán: “Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?” (GLGƯ 122:8).
Câu hỏi này đặt ra cho Joseph cũng là câu hỏi cho mỗi chúng ta trong những nỗi khó khăn riêng tư và thử thách của mình. Không một ai trong chúng ta lại nghi ngờ về câu trả lời đúng.
Việc Chúa Giê Su trải qua điều mà Ngài đã trải qua, không phải vì Ngài không thể tránh được mà vì Ngài yêu thương chúng ta, thì quả thật là nghiêm túc. Chúa Giê Su cũng yêu mến và kính trọng Cha Ngài một cách sâu xa với lòng trung kiên mà chúng ta chỉ có thể nghĩ ra được mà thôi. Nếu chúng ta cảm thấy muốn đền đáp bằng sự kính trọng và tình yêu mến Đấng Cứu Rỗi thì chúng ta chớ bao giờ quên rằng Ngài làm điều mà Ngài đã làm cho chúng ta để chúng ta có thể không bị đau đớn cùng một mức độ mà chỉ riêng công lý sẽ đòi hỏi nơi chúng ta.
Việc bị đánh đập, thiếu thốn, ngược đãi, đóng đinh và nỗi căng thẳng và đau khổ đều đưa đến nỗi thống khổ cực độ Ngài đang trải qua mà không một ai có thể chịu đựng nổi nếu không có quyền năng và quyết tâm của Ngài để đối phó và chịu đựng tất cả những gì có thể xảy ra.
Tính Chất Toàn Diện của Sự Chuộc Tội
Khi chúng ta suy nghĩ về tính chất toàn diện của Sự Chuộc Tội và sự sẵn lòng của Đấng Cứu Chuộc để gánh chịu tất cả các tội lỗi của mình, chúng ta cần phải ghi nhận với sự biết ơn rằng sự hy sinh chuộc tội cũng tác động đến bao nhiêu điều nữa! Hãy suy nghĩ về những lời của An Ma nói cùng những người trung tín ở Ghê Đê Ôn gần một thế kỷ trước khi Sự Chuộc Tội được thực hiện:
“Và [Chúa Giê Su] sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.
“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.
“Giờ đây Thánh Linh biết hết mọi điều; tuy vậy, Vị Nam Tử của Thượng Đế vẫn phải chịu thống khổ theo thể cách xác thịt ngõ hầu Ngài có thể mang lấy những tội lỗi của dân Ngài, để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của họ qua quyền năng giải thoát của Ngài; và giờ đây này, đây là chứng ngôn hằng có trong tôi (An Ma 7:11–13).
Hãy nghĩ về một liều thuốc trọn vẹn và toàn diện cho nỗi đau đớn, thống khổ, cám dỗ, bệnh tật, tội lỗi, thất vọng và sự phạm giới của chúng ta. Các anh chị em có thể tưởng tượng ra bất cứ một sự chọn lựa nào khác để thay thế cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su không? Rồi thêm vào đó Sự Phục Sinh có một không hai, và chúng ta bắt đầu hiểu chỉ đủ để ca bài “Lòng cảm kích vô cùng về tình thương Chúa ban xuống cho tôi.”5
Sự Chuộc Tội có ý nghĩa gì đối với các anh chị em và tôi? Sự Chuộc Tội có ý nghĩa về mọi phương diện. Như Gia Cốp đã giải thích, chúng ta có thể “hòa giải với [Đức Chúa Cha] qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Con Độc Sinh của Ngài” (Gia Cốp 4:11). Điều này có nghĩa rằng chúng ta có thể hối cải, hòa hợp trọn vẹn và hoàn toàn chấp nhận Ngài, và tránh những lỗi lầm hoặc hiểu lầm mà “chối bỏ những sự thương xót của Đấng Ky Tô, và xem sự chuộc tội của Ngài cùng quyền năng cứu chuộc của Ngài như không có vậy” (Mô Rô Ni 8:20).
Chúng ta tránh việc không kính trọng và tôn kính Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi bằng cách lưu tâm đến lời khuyên dạy của Hê La Man, mà thích hợp với ngày nay cũng như những năm tháng trước khi Chúa giáng thế: “Ôi, hỡi các con trai của cha, hãy nhớ, hãy nhớ… rằng chẳng có phương tiện nào hay đường lối nào khác mà nhờ đó loài người có thể được cứu, ngoại trừ máu chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng sẽ đến; phải, hãy ghi nhớ rằng, Ngài sẽ đến để cứu chuộc thế gian” (Hê La Man 5:9).
Sự Chuộc Tội của Ngài quả thật đã tác động đến thế gian và tất cả mọi người từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên, chúng ta chớ quên rằng trong tính toàn diện và trọn vẹn của nó, Sự Chuộc Tội cũng được thực hiện một cách rất riêng tư và đơn độc để hoàn toàn thích hợp và nhằm vào mỗi hoàn cảnh riêng của mỗi người chúng ta. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử biết rõ mỗi người chúng ta hơn là chúng ta tự biết mình và đã chuẩn bị một Sự Chuộc Tội cho chúng ta mà hoàn toàn thích hợp với các nhu cầu, thử thách và khả năng của chúng ta.
Xin cảm tạ Thượng Đế về sự ban cho Vị Nam Tử của Ngài và cảm tạ Đấng Cứu Rỗi về Sự Chuộc Tội của Ngài. Sự Chuộc Tội là chân chính và có hiệu lực và sẽ đưa chúng ta đến nơi chúng ta cần đến và muốn đến.