2013
Chúng Ta Hiệp Một
Tháng Năm năm 2013


Chúng Ta Hiệp Một

Tôi cầu nguyện rằng dù đang sống ở bất cứ nơi nào và có bất cứ bổn phận nào trong chức tư tế của Thượng Đế, thì chúng ta cũng sẽ được đoàn kết trong chính nghĩa để mang lại phúc âm cho cả thế gian.

Chủ Tịch Henry B. Eyring

Chúa đã phán rõ từ lúc bắt đầu gian kỳ sau cùng này rằng chúng ta được truyền lệnh phải thuyết giảng phúc âm trên khắp thế gian. Ngài phán cùng những người nắm giữ chức tư tế ngày hôm nay cũng giống như điều Ngài phán cùng một vài người nắm giữ chức tư tế vào năm 1831. Dù tuổi tác của chúng ta là bao nhiêu, khả năng của chúng ta ra sao, sự kêu gọi của chúng ta trong Giáo Hội là gì hoặc chúng ta đang sống ở đâu, thì chúng ta đều được kêu gọi để cùng đoàn kết làm việc nhằm giúp Ngài thu hoạch được nhiều người cho đến khi Ngài tái lâm. Ngài đã phán với những người lao động đầu tiên trong vườn nho:

“Và lại nữa, ta nói cho các ngươi hay, ta ban cho các ngươi một lệnh truyền rằng tất cả mọi người, kể cả các anh cả, thầy tư tế, thầy giảng, và tín hữu, phải bắt tay vào việc với tất cả khả năng và sức lao động của bàn tay mình, để chuẩn bị và hoàn thành những điều ta đã truyền lệnh.

“Hãy để cho lời thuyết giảng của mình thành tiếng cảnh cáo, mọi người hãy làm như vậy với người lân cận mình, bằng sự êm ái và nhu mì.

“Và các ngươi hãy lánh xa những kẻ tà ác. Hãy tự cứu lấy mình. Hãy thanh sạch các ngươi là kẻ mang bình chứa của Chúa.”1

Giờ đây, các anh em là các thành viên của Chức Tư Tế A Rôn có thể thấy rằng lệnh truyền của Chúa bao gồm cả các anh em. Vì các anh em biết rằng Chúa luôn luôn chuẩn bị sẵn một đường lối để giữ các lệnh truyền của Ngài, các anh em có thể mong muốn Ngài sẽ làm điều đó cho mỗi anh em.

Tôi xin nói cho các anh em biết Ngài đã chuẩn bị sẵn đường lối đó như thế nào cho một cậu bé hiện đang nắm giữ chức phẩm của chức tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn. Cậu bé này 16 tuổi. Em sống trong một nước mà những người truyền giáo đầu tiên đến đó chỉ cách đây một năm. Họ được chỉ định làm việc trong hai thành phố nhưng không phải là thành phố nơi em đang sống.

Khi em còn rất nhỏ, cha mẹ của em mang em đến Utah để được an toàn. Gia đình đã được những người truyền giáo giảng dạy và làm phép báp têm. Em đã không được làm phép báp têm vào Giáo Hội vì em chưa đến tám tuổi.

Cha mẹ của em bị thiệt mạng trong một tai nạn. Vì vậy bà ngoại của em đã muốn em trở lại quê hương của em, bên kia bờ đại dương, trở lại thành phố nơi em sinh ra.

Vào tháng Ba năm ngoái, em đang bước đi trên đường phố thì em cảm thấy rằng em cần phải nói chuyện với một người phụ nữ em không hề quen biết. Em đã nói chuyện với cô ấy bằng vốn tiếng Anh ít ỏi mà em vẫn còn nhớ. Cô ấy là y tá được chủ tịch phái bộ truyền giáo gửi tới thành phố của em để tìm kiếm nhà ở và chương trình chăm sóc y tế cho những người truyền giáo, mà chẳng bao lâu nữa sẽ được chỉ định đến đó. Em và người phụ nữ đó trở thành bạn với nhau trong khi chuyện trò. Khi trở về trụ sở truyền giáo, cô ấy nói cho những người truyền giáo biết về em.

Hai anh cả đầu tiên đã đến đó vào tháng Chín năm 2012. Em bé mồ côi này là lễ báp têm đầu tiên của họ vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tới tháng Ba năm nay, em đã là tín hữu được bốn tháng. Em đã được sắc phong thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn và như vậy có thể làm phép báp têm cho người cải đạo thứ hai vào Giáo Hội. Em là người tiền phong đầu tiên nắm giữ chức tư tế nhằm quy tụ các con cái khác của Cha Thiên Thượng để cùng với em thiết lập Giáo Hội trong một thành phố có khoảng 130.000 người.

Vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh 31 tháng 3 năm 2013, số tín hữu của Giáo Hội đã lên đến con số đông là sáu tín hữu trong thành phố đó. Em là tín hữu duy nhất ở địa phương tham dự buổi họp vào ngày Chủ Nhật đó. Đầu gối của em đã bị thương vào ngày hôm trước, nhưng em quyết tâm có mặt ở đó. Em đã cầu nguyện rằng em sẽ có thể đi bộ đến nhà thờ. Do đó em có mặt ở đó. Em chia sẻ Tiệc Thánh với bốn anh cả trẻ tuổi và một cặp vợ chồng truyền giáo—họ là toàn bộ giáo đoàn.

Câu chuyện đó dường như không đáng kể trừ khi các anh em nhận ra trong đó mô hình của bàn tay Thượng Đế trong việc xây đắp vương quốc của Ngài. Tôi đã thấy mô hình đó nhiều lần.

Tôi thấy mô hình đó ở New Mexico khi còn là một thành niên. Trong nhiều thế hệ, các vị tiên tri đã nói cho chúng ta biết rằng chúng ta phải giúp những người truyền giáo tìm kiếm và giảng dạy những người thành tâm và rồi yêu mến những người vào vương quốc.

Tôi đã tận mắt thấy điều mà những người lãnh đạo chức tư tế và các tín hữu trung tín có thể làm. Năm 1955, tôi trở thành một sĩ quan Không Quân Hoa Kỳ. Vị giám trợ của tôi ở nhà đã ban cho tôi một phước lành ngay trước khi tôi đến nơi chỉ định đầu tiên của mình ở Albuquerque, New Mexico.

Trong phước lành của ông, ông đã nói rằng thời gian của tôi trong không quân sẽ là thời gian phục vụ truyền giáo. Vào ngày Chủ Nhật đầu tiên, tôi đến nhà thờ ở Chi Nhánh Albuquerque First. Một người đàn ông đến bên tôi, tự giới thiệu mình là chủ tịch giáo hạt, và nói với tôi rằng ông ấy sẽ kêu gọi tôi để phục vụ với tư cách là một người truyền giáo của giáo hạt.

Tôi nói với ông rằng tôi sẽ ở đó cho khóa huấn luyện chỉ trong một vài tuần thôi và sau đó sẽ được chỉ định đi một nơi khác trên thế giới. Ông nói: “Tôi không biết về điều đó, nhưng chúng tôi phải kêu gọi anh để phục vụ.” Ở giữa khóa huấn luyện quân sự của tôi, với điều dường như là cơ hội, tôi đã được chọn từ hàng trăm sĩ quan đã được huấn luyện tại trụ sở để thay thế một viên sĩ quan đã đột ngột qua đời.

Vậy nên, trong hai năm ở đó, tôi đã làm việc theo chức phẩm của mình. Trong hầu hết các buổi tối và mỗi cuối tuần, tôi đã giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho những người được các tín hữu giới thiệu cho chúng tôi.

Những người bạn đồng hành của tôi và tôi đã phục vụ truyền giáo trung bình hơn 40 giờ một tháng mà không một lần phải đến gõ cửa để tìm kiếm một người nào đó để giảng dạy. Các tín hữu làm cho chúng tôi bận rộn đến nỗi chúng tôi thường giảng dạy hai gia đình trong một buổi tối. Tôi đã tận mắt thấy quyền năng và phước lành trong lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của các vị tiên tri là mỗi tín hữu phải là một người truyền giáo.

Vào ngày Chủ Nhật cuối cùng trước khi tôi rời khỏi Albuquerque, giáo khu đầu tiên được tổ chức tại thành phố đó. Bây giờ, trong thành phố mà chúng tôi đã từng họp trong một giáo đường với Các Thánh Hữu đã có một đền thờ thánh, một ngôi nhà của Chúa, họ là những người đã mang bạn bè đến để chúng tôi giảng dạy và cảm thấy Thánh Linh làm chứng. Những người bạn đó cảm thấy như được chào đón trở về nhà trong Giáo Hội chân chính của Chúa.

Rồi tôi đã thấy điều đó ở New England khi tôi đi học. Tôi được kêu gọi với tư cách là cố vấn cho một chủ tịch giáo hạt tuyệt vời, ông là người đã từng thờ ơ đối với Giáo Hội nhưng hiện là một người có quyền năng thuộc linh lớn lao. Người thầy giảng tại gia của ông yêu mến ông nhiều đến mức đã làm ngơ trước thói quen hút xì gà của ông và muốn biết Thượng Đế có thể thấy điều gì nơi ông. Vị chủ tịch giáo hạt và tôi lái xe qua những ngọn đồi và dọc theo bờ biển để đi thăm các chi nhánh nhỏ nằm rải rác ở Massachusetts và Rhode Island để xây đắp và ban phước cho vương quốc của Thượng Đế.

Trong những năm tôi phục vụ với vị lãnh đạo tuyệt vời đó, chúng tôi đã thấy các tín hữu mang bạn bè vào Giáo Hội qua tấm gương của họ và qua lời mời của họ để lắng nghe những người truyền giáo. Đối với tôi, các chi nhánh đó dường như tăng trưởng chậm và bất thường. Nhưng năm năm sau, vào ngày Chủ Nhật tôi dọn đi, có hai Sứ Đồ đã đến tổ chức giáo hạt của chúng tôi thành một giáo khu ở giáo đường Longfellow Park tại Cambridge.

Nhiều năm sau, tôi trở lại để điều khiển một đại hội giáo khu ở đó. Vị chủ tịch giáo khu đã đưa tôi đi xem một ngọn đồi đá ở Belmont. Ông nói với tôi rằng đó sẽ là một vị trí lý tưởng cho một ngôi đền thờ của Thượng Đế. Hiện nay, một ngôi đền thờ đang tọa lạc ở đó. Khi nhìn vào ngôi đền thờ đó, tôi nhớ đến các tín hữu khiêm nhường mà tôi đã ngồi với họ trong các chi nhánh nhỏ, những người hàng xóm họ mời đến, và những người truyền giáo đã giảng dạy họ.

Buổi tối hôm nay, có một thầy trợ tế mới trong buổi họp này ở đây. Tôi có mặt với em ấy cũng vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh khi thầy tư tế mà tôi vừa nói đến đã đi đến một buổi họp chỉ có một tín hữu tham dự. Thầy trợ tế đó tươi cười khi cha của em ấy nói rằng em ấy sẽ có mặt trong buổi họp chức tư tế này với cha của em vào buổi tối hôm nay. Người cha này là một người truyền giáo tuyệt vời trong cùng một phái bộ truyền giáo mà cha của ông đã từng là chủ tịch. Tôi đã thấy Quyển Sổ Tay của Người Truyền Giáo vào năm 1937 của ông cố của ông. Nhiều thế hệ trong gia đình của ông đã mang những người khác vào Giáo Hội.

Vậy nên, tôi đã nói chuyện với vị giám trợ của thầy trợ tế đó để biết em ấy có thể mong đợi có được những kinh nghiệm nào mà thiếu niên ấy có thể mong đợi trong việc làm tròn trách nhiệm của chức tư tế để cố gắng quy tụ lại nhiều người cho Chúa. Tôi biết tiểu giáo khu đó có đông đảo các tín hữu giàu kinh nghiệm và tận tụy. Vị giám trợ rất nhiệt tình khi mô tả về người lãnh đạo truyền giáo tiểu giáo khu đã theo dõi sự tiến triển của những người tầm đạo như thế nào. Ông nhận được thông tin đó vì thường xuyên liên lạc với những người truyền giáo.

Vị giám trợ và hội đồng tiểu giáo khu của ông thảo luận về mỗi người tầm đạo đang tiến triển. Họ quyết định điều họ có thể làm cho mỗi người tầm đạo và gia đình của những người này để giúp những người này trở thành bạn bè trước khi lễ báp têm, mời những người này tham dự các sinh hoạt, và trông nom những người chịu phép báp têm. Ông nói rằng thỉnh thoảng những người truyền giáo có đủ những buổi hẹn giảng dạy nên họ mời những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn làm bạn đồng hành.

Kế hoạch truyền giáo của tiểu giáo khu bao gồm các mục tiêu của các nhóm túc số để mời những người họ quen biết đến gặp những người truyền giáo. Ngay cả chủ tịch đoàn nhóm túc số các thầy trợ tế cũng được mời để đặt mục tiêu và kế hoạch cho các thành viên nhóm túc số của mình nhằm giúp mang những người họ quen biết vào vương quốc của Thượng Đế.

Giờ đây, thầy trợ tế trong tiểu giáo khu vững mạnh cũng như thầy tư tế mới—là những người cải đạo—trong nhóm tín hữu nhỏ bé có thể dường như có rất ít điểm chung với nhau hoặc với các anh em. Và các anh em có thể nhìn thấy kinh nghiệm của mình trong việc xây đắp Giáo Hội không giống mấy với điều tôi cho là phép lạ ở New Mexico và ở New England.

Nhưng chúng ta có một cách để hiệp một trong trách nhiệm chức tư tế của mình. Chúng ta tự thánh hóa mình và làm tròn bổn phận cá nhân của chúng ta đối với lệnh truyền phải mang phúc âm đến cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng.

Chúng ta đều có những kinh nghiệm giống nhau, trong đó Chúa xây đắp vương quốc của Ngài trên thế gian. Trong Giáo Hội của Ngài, với tất cả các công cụ và tổ chức tuyệt vời chúng ta đã được ban cho, thì vẫn còn một lẽ thật cơ bản được các vị tiên tri giảng dạy về cách chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ của chức tư tế của mình đối với công việc truyền giáo.

Trong đại hội trung ương vào tháng Tư năm 1959, Chủ Tịch David O. McKay cũng như các vị tiên tri kể từ thời của ông kể cả Chủ Tịch Thomas S. Monson đều đã giảng dạy về nguyên tắc này. Chủ Tịch McKay kể một câu chuyện trong bài nói chuyện bế mạc của ông rằng vào năm 1923 ở Phái Bộ Truyền Giáo Anh, có một điều hướng dẫn chung gửi đến các tín hữu của Giáo Hội. Họ được cho biết là không nên lãng phí tiền vào việc quảng cáo để chống lại những ý nghĩ xấu của những người chống lại Giáo Hội. Chủ Tịch McKay nói rằng quyết định là: “Trong năm tới là năm 1923, hãy giao trách nhiệm cho mỗi tín hữu của Giáo Hội rằng mỗi tín hữu sẽ là một người truyền giáo. Mỗi tín hữu là một người truyền giáo! Các anh em có thể đưa mẹ của mình vào Giáo Hội, hoặc có thể là cha của mình; có lẽ người đồng nghiệp của mình ở chỗ làm. Một người nào đó sẽ nghe sứ điệp tốt đẹp về lẽ thật qua các anh em.”

Và Chủ Tịch McKay nói tiếp: “Và đó là sứ điệp ngày hôm nay. Mỗi tín hữu—một triệu rưỡi người—đều là một người truyền giáo!2

Khi có lời công bố đưa ra vào năm 2002 rằng công việc truyền giáo sẽ trở thành trách nhiệm của các giám trợ, thì tôi rất ngạc nhiên. Tôi là giám trợ vào lúc ấy. Dường như đối với tôi, số lượng công việc các giám trợ phải đảm trách trong việc phục sự các tín hữu và hướng dẫn các tổ chức trong tiểu giáo khu dường như là đã quá nhiều đối với họ để có thể hoàn thành rồi.

Một giám trợ tôi biết đã thấy rằng điều đó không phải là thêm một bổn phận nữa mà là một cơ hội để mang tiểu giáo khu lại với nhau trong một đại chính nghĩa khi mỗi tín hữu trở thành một người truyền giáo. Ông đã kêu gọi người lãnh đạo truyền giáo trong tiểu giáo khu. Ông đã đích thân họp với những người truyền giáo mỗi thứ Bảy để biết về công việc của họ, khuyến khích họ, và học hỏi về sự tiến triển của những người tầm đạo của họ. Hội đồng tiểu giáo khu tìm cách cho các tổ chức và các nhóm túc số sử dụng những kinh nghiệm phục vụ để chuẩn bị cho các tín hữu làm người truyền giáo. Và với tư cách là một vị phán quan ở Y Sơ Ra Ên, ông đã giúp những người trẻ tuổi cảm thấy các phước lành của Sự Chuộc Tội để giữ cho họ được thanh khiết.

Gần đây tôi yêu cầu ông đã giải thích về số lễ báp têm của những người cải đạo trong tiểu giáo khu của ông và con số những người trẻ tuổi sẵn sàng và thiết tha mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô ra khắp thế gian đang gia tăng với một mức độ nhanh chóng như thế nào. Ông nói rằng sự gia tăng không phải chỉ là do họ thực hiện các bổn phận nào đó. Đó là cách mà họ đã trở thành hiệp một với lòng nhiệt tình để mang người khác vào cộng đồng Các Thánh Hữu, và điều này đã mang đến cho họ niềm vui như vậy.

Đối với một số người thì điều đó đúng như vậy và còn nhiều hơn nữa. Giống như các con trai của Mô Si A, họ đã cảm nhận được hậu quả của tội lỗi trong cuộc sống của mình và sự chữa lành kỳ diệu của Sự Chuộc Tội ở trong Giáo Hội của Thượng Đế. Nhờ vào tình yêu thương và lòng biết ơn đối với ân tứ của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ, họ muốn giúp đỡ mọi người thoát ra khỏi nỗi buồn phiền của tội lỗi, cảm nhận được niềm vui của sự tha thứ, và để quy tụ với họ một cách an toàn trong vương quốc của Thượng Đế, nếu có thể được.

Chính là tình yêu thương của Thượng Đế và tình yêu mến của bạn bè và hàng xóm của họ đã đoàn kết họ lại để phục vụ người khác. Họ mong muốn mang phúc âm đến cho mọi người trong khu vực của họ trên thế gian. Và họ chuẩn bị cho con cái của họ được xứng đáng để được Chúa kêu gọi để giảng dạy, làm chứng, và phục vụ trong các khu vực khác của vườn nho của Ngài.

Cho dù đó là trong tiểu giáo khu lớn là nơi thầy trợ tế mới sẽ thực hiện bổn phận của mình để chia sẻ phúc âm và xây đắp vương quốc hoặc trong nhóm nhỏ xa xôi là nơi thầy tư tế mới phục vụ, thì họ cũng sẽ hiệp một trong mục đích. Thầy trợ tế sẽ được tình yêu thuơng của Thượng Đế soi dẫn để tìm đến một người bạn chưa phải là tín hữu Giáo Hội. Em ấy sẽ mời người bạn của mình tham dự vào một số công việc phục vụ hoặc sinh hoạt trong Giáo Hội và sau đó mời người bạn ấy và gia đình để cho những người truyền giáo giảng dạy. Những người chịu phép báp têm sẽ cần một người bạn và thầy trợ tế đó sẽ là người bạn của họ.

Thầy tư tế ấy sẽ mời những người khác tham gia với mình vào trong nhóm nhỏ Các Thánh Hữu, ở đó em ấy đã cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế và sự bình an thiêng liêng của Sự Chuộc Tội.

Nếu tiếp tục trung tín trong bổn phận chức tư tế của mình, thì em ấy sẽ thấy một nhóm trở thành một chi nhánh, và sau đó một giáo khu của Si Ôn sẽ được tổ chức trong thành phố của mình. Rồi sẽ có một tiểu giáo khu với một vị giám trợ đầy quan tâm. Một ngày nào đó, có thể một trong các con trai hoặc cháu trai của em ấy sẽ đưa một người tôi tớ của Thượng Đế đến một ngọn đồi gần đó và nói: “Đây sẽ là một nơi tuyệt vời cho một ngôi đền thờ.”

Tôi cầu nguyện rằng dù đang sống ở bất cứ nơi nào và có bất cứ bổn phận nào trong chức tư tế của Thượng Đế, thì chúng ta cũng sẽ được đoàn kết trong chính nghĩa để mang lại phúc âm cho cả thế gian và chúng ta sẽ khuyến khích những người mình yêu thương được tẩy sạch khỏi tội lỗi và được hạnh phúc với chúng ta trong vương quốc của Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, mà Giáo Hội này thuộc vào Ngài, A Men.