2013
Việc Tuân Theo Luật Pháp Mang đến cho Chúng Ta Tự Do
Tháng Năm năm 2013


Việc Tuân Theo Luật Pháp Mang đến cho Chúng Ta Tự Do

Những người nam và người nữ nhận được quyền tự quyết của họ như là ân tứ của Thượng Đế, nhưng họ có được tự do là từ hạnh phúc vĩnh cửu của họ mà đến và là nhờ vào việc tuân theo luật pháp của Ngài.

Anh Cả  L. Tom Perry

Vào Giáng Sinh năm ngoái, tôi nhận được một món quà đặc biệt mà đã gợi lại nhiều kỷ niệm. Cháu gái của tôi tặng món quà đó cho tôi. Đó là một trong những vật tôi đã bỏ lại trong ngôi nhà xưa của gia đình lúc tôi dọn ra sau khi kết hôn. Món quà ấy là quyển sách nhỏ màu nâu này tôi đang cầm trong tay đây. Đó là một quyển sách được tặng cho các quân nhân Thánh Hữu Ngày Sau đã gia nhập quân đội trong Đệ Nhị Thế Chiến. Riêng tôi, tôi coi quyển sách này như là một món quà từ Chủ Tịch Heber J. Grant và hai cố vấn của ông, J. Reuben Clark Jr. và David O. McKay.

Ở trang trước của quyển sách đó, ba vị tiên tri này của Thượng Đế đã viết: “Các sinh hoạt trong quân đội không cho phép chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với các anh em, hoặc trực tiếp hoặc qua người đại diện riêng. Cách kế tiếp tốt nhất của chúng tôi là tặng cho các anh em những phần mặc khải cận đại và những lời giải thích về các nguyên tắc Phúc Âm là những điều sẽ mang đến cho các anh em hy vọng và đức tin được đổi mới cũng như nguồn an ủi, lời khuyên giải và sự an tâm, dù các anh em đang ở bất cứ nơi đâu.”1

Ngày nay, chúng ta thấy chính mình đang ở trong một trận chiến khác. Lần này, không phải là trận chiến với vũ khí, mà là một trận chiến với ý nghĩ, lời nói và hành động. Đó là chiến tranh với tội lỗi, và hơn bao giờ hết, chúng ta cần được nhắc nhở để tuân giữ các lệnh truyền. Chủ nghĩa thế tục đang trở thành tiêu chuẩn, cũng như nhiều sự tin tưởng và thực hành tiêu chuẩn này xung đột trực tiếp với các tiêu chuẩn đã được chính Chúa thiết lập vì lợi ích của con cái Ngài.

Trong quyển sách nhỏ màu nâu, ngay sau lá thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, có một “Lá Thư Ngắn Chuẩn Bị cho Những Người trong Quân Đội”, có tựa đề là Tuân Theo Luật Pháp Chính Là Tự Do.” Lá thư ngắn so sánh giữa luật quân đội “vì lợi ích cho tất cả những người đang ở trong quân đội,” với luật pháp thiêng liêng.

Lá thư ngắn viết rằng: “Trong vũ trụ cũng thế, nơi nào Thượng Đế điều khiển, thì có một luật pháp—luật vạn năng, vĩnh cửu—với một số phước lành và hình phạt bất biến.”

Những lời cuối cùng của lá thư ngắn tập trung vào việc tuân theo luật pháp của Thượng Đế: “Nếu các anh em muốn trở lại cùng những người thân của mình với đầu ngẩng cao … nếu các anh em muốn làm người và sống hạnh phúc—thì hãy tuân thủ luật pháp của Thượng Đế. Bằng cách làm như vậy, các anh em có thể gia tăng những sự tự do vô giá này mà mình đang cố gắng bảo vệ, một sự tự do khác để những người khác có thể tùy thuộc vào, sự tự do khỏi tội lỗi; vì quả thật ‛việc tuân theo luật pháp mang đến cho chúng ta tự do.’”2

Tại sao cụm từ “việc tuân theo luật pháp mang đến cho chúng ta tự do” rất có ý nghĩa đối với tôi vào lúc ấy như vậy? Tại sao cụm từ này có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta bây giờ?

Có lẽ chính vì chúng ta đã có một sự hiểu biết được mặc khải về lịch sử tiền dương thế của mình. Chúng ta nhận ra rằng khi Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu đưa ra cho chúng ta kế hoạch của Ngài vào lúc khởi đầu, Sa Tan đã muốn thay đổi kế hoạch đó. Nó nói là nó sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại. Không một linh hồn nào bị mất, và Sa Tan tin rằng nó có thể xúc tiến đề nghị của nó. Nhưng có một cái giá không thể chấp nhận—sự hủy diệt quyền tự quyết của con người tức là ân tứ được Thượng Đế ban cho (xin xem Môi Se 4:1–3). Chủ Tịch Harold B. Lee đã nói về ân tứ này: “Kế cuộc sống, thì quyền tự quyết là ân tứ vĩ đại nhất của Thượng Đế dành cho nhân loại.”3 Vì vậy, Sa Tan không xem thường quyền tự quyết của con người. Thật vậy, điều này đã trở thành nguyên nhân chính của Trận Chiến trên Thiên Thượng. Cuộc chiến thắng Trận Chiến trên Thiên Thượng là chiến thắng cho quyền tự quyết của con người.

Tuy nhiên, Sa Tan vẫn tiếp tục. Kế hoạch phụ của nó—kế hoạch mà nó thực hiện kể từ thời A Đam và Ê Va là để cám dỗ những người nam và người nữ, chủ yếu là để chứng minh rằng chúng ta không xứng đáng với ân tứ quyền tự quyết của Thượng Đế ban cho. Sa Tan có nhiều lý do để làm những gì nó đang làm. Có lẽ lý do mạnh mẽ nhất là động cơ trả thù, nhưng nó cũng muốn làm cho những người nam và người nữ khổ sở như nó vậy. Không ai trong chúng ta nên đánh giá thấp việc Sa Tan hoạt động rất tích cực là để được thành công. Vai trò của nó trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế là tạo ra “sự tương phản trong mọi sự việc” (2 Nê Phi 2:11) và thử thách quyền tự quyết của chúng ta. Mỗi điều lựa chọn của các anh chị em và tôi là một thử thách về quyền tự quyết của mình—cho dù chúng ta chọn để tuân theo hay không tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế, thì thật sự là một sự lựa chọn giữa “tự do và cuộc sống vĩnh cửu” và “cảnh tù đày và cái chết.”

Giáo lý cơ bản này đã được dạy rõ trong 2 Nê Phi chương hai: “Vậy nên, loài người được tự do theo thể cách xác thịt, và tất cả những điều gì cần thiết cho loài người đều được ban phát cho họ. Và họ được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới xiềng xích và quyền hành của quỷ dữ; vì nó rất muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy.” (2 Nê Phi 2:27).

Về nhiều phương diện, thế giới này luôn luôn có chiến tranh. Tôi tin rằng khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn gửi cho tôi quyển sách nhỏ màu nâu, họ đã quan tâm nhiều hơn đến một cuộc chiến tranh lớn hơn so với Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi cũng tin rằng họ đã hy vọng quyển sách ấy sẽ là một cái khiên chắn của đức tin chống lại Sa Tan và đạo quân của nó trong cuộc chiến tranh lớn hơn này—cuộc chiến chống lại tội lỗi—và là một lời nhắc nhở tôi phải sống theo các giáo lệnh của Thượng Đế.

Một cách để đánh giá chính mình và so sánh mình với các thế hệ trước là một trong các tiêu chuẩn lâu đời nhất mà con người biết được—Mười Điều Giáo Lệnh. Đối với phần đông trong thế giới văn minh, nhất là thế giới Do Thái-Ky Tô hữu, thì Mười Điều Giáo Lệnh là ranh giới được chấp nhận nhiều nhất và lâu dài giữa thiện và ác.

Theo tôi nhận thấy thì bốn trong Mười Điều Giáo Lệnh được tôn trọng một cách nghiêm túc ngày nay hơn bao giờ hết. Về phương diện văn hóa, chúng ta coi khinh và lên án hành động giết người, trộm cắp, nói dối, và chúng ta vẫn còn tin tưởng vào trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.

Tuy nhiên, vì là một xã hội rộng lớn hơn, chúng ta thường xuyên bác bỏ sáu điều giáo lệnh kia:

  • Nếu có bất cứ dấu hiệu về các ưu tiên của thế gian, thì chúng ta chắc chắn có “các thần khác” chúng ta đặt trước Thượng Đế chân chính.

  • Chúng ta lập những người nổi tiếng, lối sống, của cải, và vâng, đôi khi các tượng chạm làm thần tượng.

  • Chúng ta sử dụng tên của Thượng Đế bằng tất cả mọi cách báng bổ, kể cả trong những lời than vãn lẫn chửi thề của mình.

  • Chúng ta sử dụng ngày Sa Bát cho những cuộc tranh tài lớn nhất của mình, cách giải trí quan trọng nhất của mình, chuyến mua sắm nhiều nhất của mình, và hầu như tất cả mọi thứ khác chứ không dành cho việc thờ phượng.

  • Chúng ta xem mối quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân như là giải trí và vui chơi.

  • Và tính tham lam đã trở thành một cách quá phổ biến trong cuộc sống. (Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17).

Các vị tiên tri từ tất cả các gian kỳ đã liên tục cảnh báo về việc vi phạm hai hoặc nhiều giáo lệnh quan trọng hơn—các giáo lệnh liên quan đến hành động giết người và tội ngoại tình. Tôi thấy một nền tảng chung cho hai giáo lệnh quan trọng này—niềm tin rằng sự sống chính là đặc ân của Thượng Đế và thể xác của chúng ta, các đền thờ của cuộc sống hữu diệt, nên được tạo ra trong vòng giới hạn mà Thượng Đế đã quy định. Việc con người muốn thay thế luật pháp của Thượng Đế bằng các quy luật riêng của mình liên quan đến việc tạo ra sự sống hoặc lấy đi mạng sống là tột cùng của lòng ngạo mạn và chiều sâu của tội lỗi.

Tác dụng chính của những thái độ thấp kém đối với tính chất thiêng liêng của hôn nhân là những hậu quả đối với gia đình—sức mạnh của gia đình đang suy yếu với một tốc độ đáng ngại,. Sự suy yếu này càng ngày càng gây thiệt hại cho xã hội. Tôi đã trực tiếp thấy được nguyên nhân và hậu quả. Khi từ bỏ không cam kết và không chung thủy với người hôn phối của mình, chúng ta đã loại bỏ chất gắn bó nhằm ràng buộc xã hội của chúng ta lại với nhau.

Một cách hữu ích để suy nghĩ về các giáo lệnh là chúng chính là lời khuyên dạy đầy yêu thương từ Cha Thiên Thượng thông sáng, toàn tri, toàn thức. Mục tiêu của Ngài là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta, và các giáo lệnh của Ngài là sự hướng dẫn mà Ngài đã ban cho chúng ta để trở về cùng Ngài, đó là cách duy nhất chúng ta sẽ được hạnh phúc vĩnh viễn. Mái gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta? Trang 141 của quyển sách nhỏ màu nâu của tôi viết rằng: “Thật vậy, thiên thượng của chúng ta nhiều hơn một chút so với các ngôi nhà tượng trưng của chúng ta ở vĩnh cửu.”4

Gần đây hơn, giáo lý về mái gia đình đã được lặp lại một cách rõ ràng và hùng hồn trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Giáo lý này tuyên bố về tính chất vĩnh cửu của gia đình và sau đó giải thích mối liên kết với việc thờ phượng trong đền thờ. Bản tuyên ngôn này cũng tuyên bố về một luật pháp chính là nền tảng của hạnh phúc vĩnh cửu của gia đình, ấy là, “Những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản sẽ chỉ được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp như chồng và vợ.”5

Thượng Đế mặc khải cho các vị tiên tri của Ngài rằng có các nguyên tắc đạo đức. Tội lỗi sẽ luôn luôn là tội lỗi. Việc bất tuân theo các lệnh truyền của Chúa sẽ luôn luôn làm cho chúng ta mất đi các phước lành của Ngài. Thế giới thay đổi liên tục và đáng kể, nhưng Thượng Đế, các lệnh truyền của Ngài, và các phước lành đã được hứa của Ngài đều không thay đổi. Các lệnh truyền của Ngài bất biến và không thay đổi. Những người nam và người nữ nhận được quyền tự quyết của họ như là ân tứ của Thượng Đế, nhưng sự tự do của họ là do hạnh phúc vĩnh cửu của họ mà đến là nhờ vào việc tuân theo luật pháp của Ngài. Như An Ma đã khuyên bảo đứa con trai lầm đường lạc lối của mình: “sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10).

Trong thời kỳ Phục Hồi phúc âm trọn vẹn này, Chúa đã một lần nữa mặc khải cho chúng ta về các phước lành đã được hứa cho chúng ta để tuân theo các lệnh truyền của Ngài:

Trong Giáo Lý và Giao Ước 130, chúng ta đọc:

“Có một luật pháp ở trên trời, được lập ra và không thể hủy bỏ được trước khi có sự tạo dựng thế gian này, mà theo đó mọi phước lành đều được căn cứ vào đó–-

“Và khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó” (GLGƯ 130:20–21).

Chắc chắn không thể có bất cứ giáo lý nào được thể hiện mạnh mẽ trong thánh thư hơn các lệnh truyền bất biến của Chúa cũng như mối quan hệ kết nối của chúng với hạnh phúc và sự an lạc của chúng ta với tư cách là các cá nhân, gia đình, và một xã hội. Có các nguyên tắc đạo đức. Việc không tuân theo các lệnh truyền của Chúa sẽ luôn luôn làm cho chúng ta mất đi các phước lành của Ngài. Những điều này không thay đổi.

Trong một thế giới mà sự hướng dẫn đạo đức của xã hội đang sút kém, thì phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như các giáo khu, tiểu giáo khu, các gia đình, hoặc mỗi tín hữu của phúc âm phục hồi này không bao giờ dao động. Chúng ta không được chọn ra các giáo lệnh nào mà chúng ta nghĩ là quan trọng để tuân giữ mà phải thừa nhận tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế. Chúng ta phải đứng vững vàng và kiên định, hoàn toàn tự tin đối với sự nhất quán của Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào các lời hứa của Ngài.

Cầu xin cho chúng ta mãi mãi là một nguồn ánh sáng trên ngọn đồi, một tấm gương trong việc tuân giữ các giáo lệnh mà chưa bao giờ thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi. Cũng như quyển sách nhỏ này đã khuyến khích các quân nhân Thánh Hữu Ngày Sau luôn vững vàng về phương diện đạo đức trong thời chiến, cầu xin cho chúng ta, trong cuộc chiến ngày sau này, luôn là một ngọn hải đăng cho toàn thể thế gian và nhất là cho con cái của Thượng Đế là những người đang tìm kiếm các phước lành của Chúa. Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trong Principles of the Gospel (1943), i.

  2. Principles of the Gospel, v, vii, viii.

  3. Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee (2000), 4.

  4. Stephen L Richards, trong Principles of the Gospel, 141.

  5. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.