2013
Một Nền Móng Vững Chắc
Tháng Năm năm 2013


Một Nền Móng Vững Chắc

Chúng ta hãy chấp nhận lời mời của Đấng Cứu Rỗi để đến cùng Ngài. Chúng ta hãy xây dựng cuộc sống của mình trên một nền móng an toàn và vững chắc.

Giám Trợ Dean M. Davies

Vào ngày 17 tháng Mười năm 1989, trong khi lái xe về nhà sau khi làm việc, tôi đến gần một ngã tư đèn đỏ trên đường Market và Beale ở San Francisco, California. Vào lúc đó, tôi cảm thấy chiếc xe lắc mạnh và nghĩ: “Chắc hẳn tôi bị nổ lốp bánh xe.” Khi chiếc xe tiếp tục lắc, thì tôi thấy một chiếc xe buýt đang ở khá gần tôi và nghĩ rằng: “Chiếc xe buýt đó đã đụng vào tôi!” Rồi chiếc xe càng lắc mạnh hơn nữa, và tôi nghĩ: “Chắc hẳn tôi có bốn bánh xe bị nổ lốp!” Nhưng đó không phải là bánh xe bị nổ lốp hoặc xe buýt—mà là một trận động đất mạnh! Khi dừng xe lại ở đèn đỏ, thì tôi thấy vỉa hè cong lên giống như sóng biển lăn xuống đường Market. Trước mặt tôi là một văn phòng cao ốc lắc lư từ bên này sang bên kia, và gạch bắt đầu rớt xuống từ một tòa nhà cũ hơn ở bên trái của tôi trong khi mặt đất tiếp tục rung chuyển.

Trận động đất Loma Prieta xảy ra ở Vùng Vịnh San Francisco vào lúc 5 giờ 04 phút chiều ngày hôm đó và làm 12.000 người mất nhà cửa.

Trận động đất đó đã gây ra thiệt hại nặng nề ở Vùng Vịnh San Francisco, đáng chú ý nhất là trên mặt đất không kiên cố ở San Francisco và Oakland. Ở San Francisco, Quận Marina đã được xây dựng trên một vùng đất thấp được tạo nên từ một hỗn hợp cát, rác rưởi, gạch vụn, và các vật liệu khác có chứa một tỷ lệ nước ngầm cao. Một phần của vùng đất thấp này gồm có gạch vụn được đổ vào Vịnh San Francisco sau trận động đất vào năm 1906 ở San Francisco.”1

Vào khoảng năm 1915, các tòa nhà chung cư đã được xây dựng lên trên vùng đất thấp đó. Trong trận động đất năm 1989, các chất bùn, cát, cùng với gạch vụn không trộn lẫn với nhau đã bị thấm nước nên đổi thành một khối giống như chất lỏng, làm cho các tòa nhà sụp đổ. Các tòa nhà này đã không được xây dựng trên một nền móng vững chắc.

Trận động đất Loma Prieta ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, kể cả cuộc sống của tôi. Việc suy ngẫm về các sự kiện của ngày hôm đó đã tái xác nhận trong tâm trí của tôi rằng để thành công chống lại những cơn bão tố, động đất và thiên tai của cuộc đời, chúng ta phải xây dựng trên một nền móng vững chắc.

Hê La Man, vị tiên tri người Nê Phi, đã nói rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng cuộc sống chúng ta trên một nền móng vững chắc, chính là nền móng của Chúa Giê Su Ky Tô: “Và giờ đây, hỡi các con trai của cha, hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12).

Trong việc phát triển các đền thờ trong thời cận đại, chúng ta lưu ý kỹ đến cách thiết kế, xây cất và sử dụng các vật liệu xây dựng. Tại địa điểm nơi một đền thờ sẽ được xây lên, các loại đất và địa chất đều được thử nghiệm triệt để. Các nghiên cứu về mưa, gió, và những thay đổi thời tiết trong khu vực đều được cân nhắc để một khi hoàn thành thì ngôi đền thờ có thể chịu đựng được không những bão tố và khí hậu chung trong khu vực đó, mà ngôi đền thờ này còn được thiết kế và bố trí để chịu đựng được các trận động đất, bão lụt, và các thiên tai khác có thể xảy ra nữa. Trong nhiều đền thờ, các cột bằng bê tông hoặc thép được đóng sâu vào lòng đất để giữ chặt nền móng của ngôi đền thờ.

Giống như các nhà thiết kế và xây dựng trong thời đại của chúng ta, Đức Chúa Cha yêu mến và nhân từ cùng Vị Nam Tử của Ngài đã chuẩn bị kế hoạch, công cụ và các nguồn lực khác cho chúng ta sử dụng để chúng ta có thể xây dựng và hỗ trợ cuộc sống của mình được chắc chắn và vững bền. Kế hoạch này là kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại. Kế hoạch này đưa ra cho chúng ta một hình ảnh và sự hiểu biết rõ ràng về sự bắt đầu và kết thúc, cũng như các bước cần thiết, kể cả các giáo lệnh, là điều cần thiết cho mỗi con cái của Đức Chúa Cha để có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài và sống với Ngài vĩnh viễn.

Đức tin, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, và việc kiên trì đến cùng là một phần của “các kế hoạch xây dựng” của cuộc sống. Những điều này giúp hình thành các nguyên tắc thiết yếu nhằm buộc chặt cuộc sống của chúng ta với Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Những điều này hình thành và dựng lên cơ cấu hỗ trợ của một đời người. Sau đó, cũng giống như sơ đồ của đền thờ có “những đặc điểm” cho biết chỉ dẫn chi tiết về việc làm thế nào để hình thành và hợp nhất các thành phần thiết yếu, thì việc cầu nguyện, đọc thánh thư, dự phần Tiệc Thánh, cũng như tiếp nhận các giáo lệnh của chức tư tế thiết yếu đều trở thành “những đặc điểm” nhằm hợp nhất và kết nối với cấu trúc của cuộc sống.

Sự cân bằng trong việc áp dụng các đặc điểm này rất là thiết yếu. Ví dụ, trong quá trình đúc bê tông, để đạt được sức mạnh tối đa thì phải sử dụng chính xác số lượng cát, sỏi, xi măng, và nước. Nếu các yếu tố này có một số lượng không chính xác hoặc bị bỏ qua bất cứ phần nào, sẽ làm cho bê tông trở nên yếu và không có khả năng thực hiện chức năng quan trọng của nó.

Tương tự như vậy, nếu chúng ta không thiết lập một sự cân bằng thích hợp trong cuộc sống để cầu nguyện riêng hàng ngày và nuôi dưỡng từ thánh thư, củng cố hàng tuần từ việc dự phần Tiệc Thánh, và tham gia thường xuyên vào các giáo lễ của chức tư tế như các giáo lễ đền thờ, thì cấu trúc sức mạnh thuộc linh của chúng ta cũng có nguy cơ bị suy yếu.

Trong một bức thư gửi cho người Ê Phê Sô, Phao Lô đã nói điều đó theo cách này, tức là cách chúng ta có thể áp dụng cho nhu cầu để chúng ta có được một sự phát triển cân bằng và hợp nhất giữa cá tính và tâm hồn: “cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa” (Ê Phê Sô 2:21).

Việc cầu nguyện là một trong các nguyên tắc cơ bản nhất và là nền tảng quan trọng của đức tin và cá tính của chúng ta. Qua việc cầu nguyện, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn, tình yêu mến, và lòng tận tụy lên Thượng Đế. Qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể tuân phục ý muốn của mình theo ý muốn của ngài và đổi lại chúng ta nhận được sức mạnh để làm cho cuộc sống của chúng ta phù hợp với những lời giảng dạy của Ngài. Việc cầu nguyện là con đường chúng ta có thể đi theo để tìm kiếm ảnh hưởng của Ngài và ngay cả sự mặc khải trong cuộc sống nữa.

An Ma dạy: “Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện; phải, khi đêm đến, con nằm xuống, hãy nằm xuống trong Chúa, để Ngài chăm sóc con trong giấc ngủ của con. Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng mình tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế; và nếu con làm được như vậy, thì con sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng” (An Ma 37:37).

Việc chia sẻ những ý nghĩ, cảm nghĩ và ước muốn của mình với Thượng Đế qua lời cầu nguyện chân thành và chân thật phải là quan trọng và tự nhiên như thở và ăn đối với mỗi người chúng ta.

Việc tra cứu thánh thư đều đặn hàng ngày cũng sẽ củng cố đức tin và cá tính của chúng ta. Cũng như chúng ta cần thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể, tinh thần và tâm hồn của chúng ta sẽ được bổ sung và củng cố bằng cách nuôi dưỡng những lời của Đấng Ky Tô như trong các bài viết của các vị tiên tri. Nê Phi dạy: “Các người hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm” (2 Nê Phi 32:3).

Mặc dù việc đọc thánh thư là tốt, nhưng việc chỉ đọc thánh thư không thôi là không đủ để thấu đáo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Việc tra cứu, suy ngẫm, và áp dụng những lời của Đấng Ky Tô như đã được giảng dạy trong thánh thư sẽ mang lại sự thông sáng và kiến thức vượt quá sự hiểu biết của con người trần thế chúng ta, điều này sẽ củng cố lòng cam kết của chúng ta và cung ứng thuộc linh tính để chúng ta làm xuất sắc nhất trong mọi tình huống.

Một trong các bước quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để củng cố cuộc sống của mình và vẫn luôn luôn gắn bó với nền tảng của Đấng Cứu Rỗi là việc xứng đáng dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần. Lễ Tiệc Thánh tạo điều kiện cho mọi tín hữu của Giáo Hội cơ hội để suy ngẫm về cuộc sống của mình trước, để xem xét các hành động hoặc những điều đáng lẽ phải làm nhưng đã không làm mà có thể cần phải hối cải, rồi sau đó để dự phần bánh và nước là biểu tượng thiêng liêng để tưởng nhớ tới thể xác và máu của Chúa Giê Su Ky Tô, làm một nhân chứng về Sự Chuộc Tội của Ngài. Nếu làm điều đó với lòng chân thành và khiêm nhường, thì chúng ta tái lập các giao ước vĩnh cửu, được thanh tẩy và thánh hóa, và nhận được lời hứa rằng chúng ta sẽ có Thánh Linh của Ngài luôn luôn ở với chúng ta. Thánh Linh hoạt động như là một loại vữa, một loại chất để hàn gắn không phải chỉ để thánh hóa không thôi mà còn mang đến tất cả mọi điều để chúng ta ghi nhớ và làm chứng đi làm chứng lại về Chúa Giê Su Ky Tô. Việc xứng đáng dự phần Tiệc Thánh củng cố mối liên kết cá nhân của chúng ta với đá nền móng, chính là Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong giáo vụ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã dạy với tình yêu thương và rõ ràng về các giáo lý, nguyên tắc, cũng như các hành động cần thiết mà sẽ bảo tồn mạng sống của chúng ta và củng cố cá tính của chúng ta. Vào cuối Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã phán:

“Vậy nên, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, ta sẽ ví kẻ đó như một người khôn ngoan biết cất nhà mình trên đá—

“Dầu mưa sa, nước lụt, gió lay, xô động nhà ấy; nhưng nó không sập được, vì nó đã được cất trên đá.

“Còn kẻ nào đã được nghe những lời này của ta mà không làm theo thì bị ví như kẻ ngu dại cất nhà mình trên cát—

“Rồi khi mưa sa, nước lụt, gió lay, xô động nhà ấy; nó sập xuống, và sự sụp đổ ấy thật lớn lao làm sao” (3 Nê Phi 14:24–27; xin xem thêm Ma Thi Ơ 7:24–27).

Thưa các anh chị em, không ai trong chúng ta sẽ cố tình xây cất nhà của mình, chỗ làm việc, hoặc các ngôi nhà thờ phượng thiêng liêng trên cát, đống gạch vụn, hoặc không có sơ đồ và các vật liệu thích hợp. Chúng ta hãy chấp nhận lời mời của Đấng Cứu Rỗi để đến cùng Ngài. Chúng ta hãy xây dựng cuộc sống của mình trên một nền móng an toàn và vững chắc.

Tôi khiêm nhường làm chứng rằng bằng cách gắn bó cuộc sống của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô và với Sự Chuộc Tội của Ngài, và bằng cách tuân theo kỹ kế hoạch của Ngài dành cho hạnh phúc của mình, kể cả việc cầu nguyện hàng ngày, học thánh thư hàng ngày, và hàng tuần dự phần Tiệc Thánh, thì chúng ta sẽ được củng cố, cá nhân chúng ta sẽ thực sự được tăng trưởng và có một sự cải đạo lâu dài, chúng ta sẽ được chuẩn bị kỹ hơn để chịu đựng những cơn bão tố và thiên tai của cuộc sống một cách thành công; chúng ta sẽ trải qua niềm vui và hạnh phúc đã được hứa; và chúng ta sẽ tin rằng cuộc sống của mình đã được xây dựng trên một nền móng vững chắc: một nền móng mà sẽ không bao giờ sụp đổ. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “1989 Loma Prieta Earthquake,” wikipedia.org/wiki/1989_Loma_Prieta_earthquake.