Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử
Trọng tâm của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của phúc âm để cứu rỗi là một sự hiểu biết đúng đắn về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.
Các anh chị em thân mến, tôi biết ơn được ngỏ lời cùng với các anh chị em vào buổi chiều hôm nay trong khung cảnh của đại hội trung ương đầy soi dẫn này!
Trong khi nói về một chủ đề thiêng liêng nhất đối với tôi, trước hết tôi muốn thừa nhận với lòng biết ơn về sự tận tâm của rất nhiều Ky Tô hữu qua các thời đại, kể cả tổ tiên của tôi là những người Pháp Tin Lành và Ireland Công Giáo. Bởi vì đức tin và sự thờ phượng Thượng Đế của họ, nên nhiều người trong số họ đã hy sinh địa vị, tài sản, và ngay cả mạng sống để bênh vực cho Thượng Đế và đức tin của họ.1
Là Các Thánh Hữu Ngày Sau và là Các Ky Tô hữu, chúng ta cũng có một đức tin vững mạnh và sâu đậm nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Lòng tận tụy đối với Thượng Đế sẽ mãi mãi là một vấn đề thiêng liêng và riêng tư giữa mỗi người chúng ta và Đấng Sáng Tạo của mình.
Công cuộc tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta chỉ nhằm mục đích để hiểu Thượng Đế là ai và để chúng ta được trở về sống với Ngài. Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện lên Cha Ngài: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”2
Ngay cả với sự hiểu biết về lời phán này của chính Đấng Cứu Rỗi, quan điểm phổ biến về thiên tính của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong suốt nhiều thế kỷ cũng như ở giữa đa số nhân loại rõ ràng là mâu thuẫn với những lời dạy của thánh thư.
Chúng tôi trân trọng trình bày rằng trọng tâm của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của phúc âm để cứu rỗi là một sự hiểu biết đúng đắn về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.3
Tầm quan trọng của nguyên tắc cơ bản nhất của phúc âm này của Chúa Giê Su Ky Tô đã được xác nhận bởi Khải Tượng Thứ Nhất của Tiên Tri Joseph Smith vào năm 1820. Vị Tiên Tri viết: “Tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!”4
Kinh nghiệm này của thiếu niên Joseph, tiếp theo sau là nhiều khải tượng và mặc khải khác, cho biết rằng Thượng Đế thực sự tồn tại; Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là hai Đấng riêng biệt và khác biệt; con người được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế; Cha Thiên Thượng thật sự là Cha của Chúa Giê Su Ky Tô; Thượng Đế tiếp tục mặc khải về chính Ngài cho con người biết; Thượng Đế luôn luôn gần gũi và quan tâm đến chúng ta; và Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta.
Mặc dù sự hiện đến tương tự của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong thánh thư là tương đối hiếm, nhưng sự thật đáng kể về Khải Tượng Thứ Nhất là điều đó phù hợp chặt chẽ với các sự kiện khác được ghi lại trong thánh thư.
Ví dụ, trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc những lời chứng cuối cùng của Ê Tiên trong lúc ông tử đạo. Ông nói: “Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời.”5
Trong khi có được khải tượng mạnh mẽ trên đảo Bát Mô, Sứ Đồ Giăng nhìn thấy “Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng”6 cũng như Chiên Con của Thượng Đế, là Đấng “lấy huyết mình mà chuộc [chúng ta].”7
Trong Sách Mặc Môn, giáo lý về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong chứng ngôn hùng hồn là song song với Kinh Thánh. Sách Mặc Môn ghi lại sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi cùng dân Nê Phi, trong đó tiếng nói của Đức Chúa Cha đã giới thiệu Đấng Ky Tô phục sinh, trong sự hiện diện của khoảng 2.500 người dân Nê Phi: “Này, đây là Con Trai Yêu Dấu của ta, người mà ta rất hài lòng, và nơi người ta đã làm sáng danh ta—hãy nghe người.”8
Trong bốn sách Phúc Âm, chính Đấng Ky Tô nhắc đến Cha Thiên Thượng của Ngài 160 lần, trong thời gian giáo vụ ba ngày ngắn ngủi của Ngài ở giữa dân Nê Phi, như đã được ghi trong Sách Mặc Môn, Ngài đã đề cập đến Cha Ngài 122 lần.
Ví dụ, trong sách Ma Thi Ơ, Chúa Giê Su phán “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.”9
Trong sách Giăng, Ngài làm chứng: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm.”10
Và trong sách Lu Ca, Ngài phán: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha.”11
Mỗi lần Chúa Giê Su Ky Tô nhắc tới Cha Thiên Thượng của Ngài, Ngài đều làm như vậy với lòng kính trọng và phục tùng tột bậc.
Khi nói điều này, tôi hy vọng rằng sẽ không có sự hiểu lầm. Chúa Giê Su Ky Tô là Đức Giê Hô Va vĩ đại, Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, Đấng Mê Si đã được hứa, và nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, nên Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Sứ Đồ Phao Lô đã nói về Ngài: “Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc [Đấng Ky Tô] sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi [Đấng Ky Tô] đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực.”12
Vào đêm hôm trước của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã dâng Lời Cầu Nguyện Hộ lên Cha Ngài. Ngài đã cầu nguyện:
“Ấy chẳng những vì [nói cách khác, Các Sứ Đồ] mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa;
“Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta: đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến.
“Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con.”13
Rõ ràng, Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử là hai Đấng riêng biệt, nhưng hai Ngài hoàn toàn hợp nhất và hiệp một trong quyền năng và mục đích. Việc hai Ngài hiệp một không phải là dành riêng cho hai Ngài mà thôi; thay vì thế, hai Ngài mong muốn được hiệp một như vậy cho tất cả mọi người, một cách tận tâm và sẽ noi theo cùng tuân giữ các giáo lệnh của hai Ngài.
Người thiết tha tìm kiếm Thượng Đế có thể trở nên quen thuộc với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử bằng cách nào? Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh … sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự.”14
Trong Sách Mặc Môn, khi nói về giáo lý của Đấng Ky Tô, Nê Phi đã nói rằng Đức Thánh Linh “là Đấng làm chứng cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.”15
Quả thật quyền năng hay ảnh hưởng của Đức Thánh Linh có thể thỉnh thoảng được bất cứ người nào thuộc bất cứ tôn giáo nào cảm nhận, theo ý muốn của Chúa. Tuy nhiên, việc hoàn toàn có được Đức Thánh Linh, hoặc ân tứ Đức Thánh Linh chỉ đến sau khi một người đã nhận được, với “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối,”16 các giáo lễ báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh17 bằng phép đặt tay. Các giáo lễ thiêng liêng này và các giáo lễ khác chỉ có thể được thực hiện dưới sự hướng dẫn và quyền năng của chức tư tế của Thượng Đế, trong đó chúng ta đã được giảng dạy về phương diện này:
“Và chức tư tế cao hơn này điều hành phúc âm và nắm giữ chìa khóa về những điều kín nhiệm của vương quốc, tức là chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế.
“Vậy nên, trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”18
Với sự hiểu biết này, giáo lý của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử là giáo lý về gia đình vĩnh cửu. Mỗi con người đã tồn tại đều trước đó là một người con linh hồn với cha mẹ thiên thượng,19 với Đấng Ky Tô là Con Đầu Lòng của Đức Chúa Cha trong gia đình thiên thượng này.20
Điều đó cũng như vậy đối với tất cả chúng ta. Chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng.
Với sự hiểu biết sâu sắc của một vị tiên tri, Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã nói: “Không có điều gì làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn khi chúng ta đi qua bức màn che đến phía bên kia để nhận ra là mình biết Cha [Thiên Thượng] rõ như thế nào và khuôn mặt của Ngài quen thuộc với chúng ta như thế nào.”21
Tôi đã biết được rằng những điều chỉ được Đức Thánh Linh và quyền năng của Thượng Đế cho biết mà thôi đều không thể nào truyền đạt bằng lời lẽ của loài người. Chính là trong tinh thần này mà tôi long trọng làm chứng về thực tế, sự gần gũi và lòng nhân từ của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử thánh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.