Sự Vâng Lời Mang Đến Các Phước Lành
Sự hiểu biết về lẽ thật và câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của chúng ta đến với chúng ta khi tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.
Các anh chị em thân mến, tôi biết ơn biết bao được có mặt với các anh chị em buổi sáng hôm nay. Tôi xin được có đức tin và lời cầu nguyện của các anh chị em trong khi tôi đáp ứng đặc ân được ngỏ lời cùng các anh chị em.
Trong suốt các thời đại, những người nam và người nữ đã tìm kiếm kiến thức và sự hiểu biết về cuộc sống trên trần thế này và vị trí cùng mục đích của họ trong đó, cũng như làm thế nào để có được bình an và hạnh phúc. Mỗi người chúng ta đều tham gia vào việc tìm kiếm giống như vậy.
Kiến thức và sự hiểu biết này có sẵn cho tất cả nhân loại, và được chứa đựng trong các lẽ thật vĩnh cửu. Trong Giáo Lý và Giáo Ước, tiết 1, câu 39, chúng ta đọc: “Vì này, và trông kìa, Chúa là Thượng Đế, và Thánh Linh làm chứng, và lời chứng đó là chân thật, và lẽ thật tồn tại mãi mãi và đời đời.”
Một thi sĩ đã viết:
Cho dù vạn vật trong trời đất sẽ bị hủy diệt,
Nhưng lẽ thật, là toàn bộ sự tồn tại, sẽ vượt qua điều tệ hại nhất có thể xảy ra.
Vĩnh cửu, bất biến, mãi mãi.1
Một số người sẽ hỏi: “Lẽ thật như vậy được tìm thấy ở đâu, và làm thế nào chúng ta có thể nhận ra nó?” Trong một điều mặc khải được ban cho qua Tiên Tri Joseph Smith ở Kirtland, Ohio, vào tháng Năm năm 1833, Chúa đã phán:
“Lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có. …
“Thánh Linh lẽ thật là từ Thượng Đế. …
“Và chẳng ai nhận được sự trọn vẹn trừ phi kẻ ấy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
“Ai biết tuân giữ các giáo lệnh của Ngài thì sẽ nhận được lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào người ấy được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều.”2
Thật là một lời hứa vinh quang! “Ai biết tuân giữ các giáo lệnh của Ngài thì sẽ nhận được lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào người ấy được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều.”
Trong thời đại này khi chúng ta có nhiều kiến thức, khi phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi, các anh chị em và tôi không cần phải tìm kiếm lẽ thật theo cách mà chưa từng làm trước đây. Cha Thiên Thượng nhân từ đã vạch ra hướng đi cho chúng ta và cung ứng một sự hướng dẫn chắc chắn—đó chính là sự vâng lời. Sự hiểu biết về lẽ thật và câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của chúng ta đến với chúng ta khi tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.
Chúng ta học vâng lời trong suốt cuộc sống của mình. Bắt đầu từ khi chúng ta còn rất nhỏ, những người có trách nhiệm chăm sóc chúng ta lập ra những hướng dẫn và quy tắc để bảo đảm cho sự an toàn của chúng ta. Cuộc sống sẽ giản dị hơn cho tất cả chúng ta nếu chúng ta hoàn toàn chịu tuân theo các quy tắc như vậy. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta học hỏi qua kinh nghiệm về sự thông sáng của việc biết vâng lời.
Khi còn niên thiếu, mỗi mùa hè từ đầu tháng Bảy đến đầu tháng Chín, gia đình tôi ở trong căn nhà gỗ của chúng tôi tại Vivian Park ở Provo Canyon, Utah.
Một trong số những đứa bạn thân của tôi vào những ngày vô tư đó trong hẻm núi là Danny Larsen, gia đình của cậu ấy cũng có một căn nhà gỗ ở Vivian Park. Mỗi ngày, cậu ấy và tôi đi lang thang khắp nơi trong khu vực đó chơi những trò chơi kiểu con trai, câu cá trong sông lạch, nhặt đá và những bảo vật khác, đi bộ đường dài, leo trèo, và hoàn toàn tận hưởng từng phút, từng giờ, từng ngày.
Một buổi sáng nọ, Danny và tôi quyết định là chúng tôi muốn có lửa trại vào tối hôm đó với tất cả bạn bè của mình ở trong hẻm núi. Chúng tôi chỉ cần dọn sạch một khu vực ở gần cánh đồng là chỗ chúng tôi có thể tụ họp. Cỏ tháng Sáu bao phủ cánh đồng đã bắt đầu khô và đầy gai, làm cho cánh đồng không phù hợp cho các mục đích của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu nhổ các ngọn cỏ cao, dự định sẽ dọn sạch một khu vực rộng lớn và hình vòng tròn. Chúng tôi cố gắng hết sức để kéo và giật mạnh, nhưng chỉ có thể nhổ được những nắm cỏ dại nhỏ và bướng bỉnh. Chúng tôi biết rằng công việc này sẽ mất cả ngày, và nghị lực cùng lòng nhiệt tình của chúng tôi đã giảm bớt rồi.
Và rồi tôi nảy ra một ý tưởng mà tôi nghĩ là giải pháp hoàn hảo đối với một đứa bé tám tuổi. Tôi nói với Danny: “Chúng ta chỉ cần đốt đám cỏ dại này. Chúng ta sẽ chỉ đốt một vòng tròn trong đám cỏ dại thôi!” Bạn tôi nhanh chóng đồng ý, và tôi chạy đến căn nhà gỗ của chúng tôi để lấy một vài que diêm.
Bất cứ anh em nào cũng đừng nghĩ rằng hai đứa bé tám tuổi chúng tôi được phép sử dụng diêm. Tôi muốn nói rõ rằng cả Danny lẫn tôi đều bị cấm sử dụng diêm nếu không có sự giám sát của người lớn. Cả hai chúng tôi đã được báo trước nhiều lần về nguy hiểm của hỏa hoạn. Tuy nhiên, tôi biết gia đình tôi để diêm ở đâu, và chúng tôi cần phải dọn sạch cánh đồng đó. Trước khi còn có thể nghĩ thêm một điều nào nữa, tôi chạy đến căn nhà gỗ của chúng tôi và lấy một vài que diêm, chắc chắn rằng không có một ai đang theo dõi. Tôi nhanh chóng giấu vào trong túi của mình.
Tôi chạy trở lại chỗ của Danny, lòng đầy phấn khởi vì trong túi tôi đã có giải pháp cho vấn đề của chúng tôi. Tôi nhớ đã suy nghĩ rằng ngọn lửa sẽ cháy xa đến mức chúng tôi muốn và sau đó bằng cách nào đó nó sẽ tự dập tắt một cách kỳ diệu.
Tôi quẹt một que diêm trên một tảng đá và đốt đám cỏ khô của tháng Sáu. Nó bốc cháy như thể đã được tẩm xăng. Lúc đầu, Danny và tôi đã vui mừng khi thấy cỏ dại biến mất, nhưng chẳng bao lâu, thì hiển nhiên là ngọn lửa không tự dập tắt rồi. Chúng tôi hoảng sợ khi nhận biết rằng chúng tôi không thể làm gì để ngăn chặn ngọn lửa được. Ngọn lửa đầy đe dọa bắt đầu thiêu hủy cỏ dại trên sườn núi, gây nguy hiểm cho những cây thông và mọi thứ khác nằm trên hướng của ngọn lửa đang cháy lan.
Cuối cùng, chúng tôi không có cách lựa chọn nào khác hơn là chạy đi cầu cứu. Chẳng bao lâu, tất cả những người đàn ông và phụ nữ có mặt tại Vivian Park chạy tới chạy lui với bao tải ướt, đập vào các ngọn lửa cố gắng dập tắt lửa. Sau vài giờ chỉ còn lại tro tàn. Các cây thông già đã được cứu, cũng như các căn nhà mà có thể đã bị cháy.
Danny và tôi đã học được một vài bài học khó khăn nhưng quan trọng vào ngày đó—phần lớn của bài học đó là tầm quan trọng của sự vâng lời.
Có những quy tắc và luật lệ để giúp bảo đảm sự an toàn vật chất của chúng ta. Tương tự như vậy, Chúa đã đưa ra những hướng dẫn và lệnh truyền để giúp bảo đảm sự an toàn thuộc linh của chúng ta để chúng ta có thể thành công sống trên trần thế thường xuyên nguy hiểm này và cuối cùng trở lại cùng Cha Thiên Thượng của mình.
Cách đây nhiều thế kỷ, Sa Mu Ên đã mạnh dạn nói cùng một thế hệ gắn bó với truyền thống về của lễ thiêu các động vật: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.”3
Trong gian kỳ này, Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith rằng Ngài đòi hỏi “tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí; và những kẻ có thiện chí và biết tuân lời sẽ hưởng sự tốt lành của đất Si Ôn vào những ngày sau cùng này.”4
Tất cả các vị tiên tri, thời xưa và hiện đại, đã biết rằng sự vâng lời là cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. Nê Phi nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh.”5 Mặc dù những người khác nao núng trong đức tin và sự vâng lời của họ, nhưng Nê Phi chưa bao giờ như vậy khi làm điều mà Chúa đã phán bảo ông phải làm. Nhờ vậy, nhiều thế hệ đã được ban phước.
Câu chuyện về Áp Ra Ham và Y Sác là một câu chuyện đầy soi dẫn về sự vâng lời. Chắc hẳn Áp Ra Ham đã đau đớn và khó khăn biết bao để vâng lệnh Thượng Đế, khi dẫn con trai yêu dấu của ông là Y Sác đi đến xứ Mô Ri A để dâng con mình làm một của lễ hy sinh. Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh Áp Ra Ham đã đau lòng như thế nào khi ông đi đến nơi đã được chỉ định? Chắc chắn là nỗi đau đớn đã dằn vặt thể xác và tinh thần của ông biết bao khi ông trói Y Sác lại, đặt Y Sác trên bàn thờ, và lấy con dao để giết Y Sác. Với đức tin vững chắc và sự tin cậy hoàn toàn nơi Chúa, ông đã đáp ứng lệnh truyền của Chúa. Lời phán thật tuyệt diệu biết bao và Áp Ra Ham chắc hẳn đã vô cùng hài lòng khi nghe lời phán đó: “Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.”6
Áp Ra Ham đã được thử thách, và vì lòng trung tín cùng sự vâng lời của ông, nên Chúa đã ban cho ông lời hứa vinh quang: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”7
Mặc dù chúng ta không được yêu cầu phải chứng minh rằng mình vâng lời trong một cách bi thảm và đau đớn như vậy, nhưng chúng ta cũng được đòi hỏi phải vâng lời.
Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói vào tháng Mười năm 1873: “Sự vâng lời là luật đầu tiên của thiên thượng.”8
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Hạnh phúc của Các Thánh Hữu Ngày Sau, sự bình an của Các Thánh Hữu Ngày Sau, sự tiến triển của Các Thánh Hữu Ngày Sau, sự thịnh vượng của Các Thánh Hữu Ngày Sau, và sự cứu rỗi vĩnh cửu và sự tôn cao của dân này nằm trong việc tuân theo những lời khuyên dạy của … Thượng Đế.”9
Sự vâng lời là một đặc tính của các vị tiên tri; sự vâng lời đã cung ứng sức mạnh và sự hiểu biết cho họ qua các thời đại. Chúng ta cần phải nhận biết rằng chúng ta cũng được quyền nhận lãnh nguồn sức mạnh và kiến thức này. Nguồn này dành sẵn cho mỗi người chúng ta ngày nay nếu chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.
Suốt nhiều năm qua, tôi đã biết vô số người đã đặc biệt trung tín và biết vâng lời. Tôi đã được ban phước và được soi dẫn nhờ họ. Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một câu chuyện về hai người trung tín và biết vâng lời này.
Walter Krause là một tín hữu trung thành của Giáo Hội đã cùng với gia đình mình sống trong một khu vực về sau trở thành Đông Đức tiếp theo Đệ Nhị Thế Chiến. Mặc dù gặp nhiều gian khổ vì thiếu tự do trong khu vực đó của thế giới vào lúc ấy nhưng Anh Krause vẫn là một người yêu mến và phục vụ Chúa. Anh đã trung tín và thận trọng làm tròn mỗi công việc chỉ định cho mình.
Một người khác tên là Johann Denndorfer, một người Hungary, được cải đạo vào Giáo Hội ở Đức và chịu phép báp têm ở đó vào năm 1911 lúc 17 tuổi. Không bao lâu sau đó, anh trở về Hungary. Tiếp theo Đệ Nhị Thế Chiến, anh thấy mình như là một tù nhân trên chính quê hương của anh trong thành phố Debrecen. Tự do cũng đã bị tước đoạt khỏi người dân Hungary.
Anh Walter Krause không hề biết Anh Denndorfer, anh ấy đã được chỉ định làm thầy giảng tại gia của Anh Denndorfer và để thường xuyên đi thăm anh ấy. Anh Krause gọi điện thoại cho người bạn đồng hành giảng dạy tại gia của mình và nói với người ấy rằng: “Chúng ta được chỉ định đi thăm Anh Johann Denndorfer. Anh có sẵn sàng đi với tôi tuần này để thăm anh ấy và đưa cho anh ấy một sứ điệp phúc âm không?” Và rồi anh nói thêm: “Anh Denndorfer sống ở Hungary.”
Người bạn đồng hành của anh vô cùng sửng sốt hỏi: “Khi nào thì chúng ta đi?”
Anh Krause đáp: “Ngày mai.”
Người bạn đồng hành hỏi: “Khi nào chúng ta về?”
Anh Krause đáp: “Ồ, khoảng một tuần—nếu chúng ta trở về được.”
Hai người đồng hành giảng dạy tại gia này đi thăm Anh Denndorfe, họ đi bằng xe lửa và xe đò từ khu vực đông bắc nước Đức đến Debrecen, Hungary—một cuộc hành trình dài. Anh Denndorfer đã không có thầy giảng tại gia từ trước cuộc chiến. Giờ đây, khi thấy những tôi tớ này của Chúa, lòng anh tràn đầy biết ơn vì họ đã đến. Lúc đầu, anh đã từ chối bắt tay họ. Thay vì thế, anh đi vào phòng ngủ và lấy từ một cái tủ một cái hộp đựng số tiền thập phân mà anh đã để dành trong nhiều năm. Anh đưa số tiền thập phân này cho hai thầy giảng tại gia của anh rồi nói: “Bây giờ tôi đã làm tròn bổn phận đóng tiền thập phân của mình với Chúa rồi. Bây giờ tôi cảm thấy xứng đáng để bắt tay các tôi tớ của Chúa!” Về sau, Anh Krause đã cho tôi biết rằng anh đã cảm động không tả xiết khi nghĩ rằng người anh em trung tín này, tuy không liên lạc với Giáo Hội trong nhiều năm, nhưng đã vâng lời lấy ra 10 phần trăm số thu nhập ít ỏi của mình để đóng tiền thập phân một cách đều đặn. Anh ấy đã để dành số tiền thập phân đó mà không biết khi nào có thể có đặc ân để đóng.
Anh Walter Krause qua đời cách đây chín năm, thọ 94 tuổi. Anh đã phục vụ một cách trung tín và vâng lời trong suốt cuộc đời anh và anh là một nguồn soi dẫn đối với tôi và với tất cả những người biết anh. Khi được yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ, anh không bao giờ thắc mắc, anh không bao giờ ta thán, và anh không bao giờ bào chữa.
Thưa các anh chị em, thử thách lớn của cuộc sống này là sự vâng lời. Chúa phán: “Chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”10
Đấng Cứu Rỗi phán: “Vì tất cả những ai muốn nhận được phước lành từ tay ta đều phải tôn trọng luật pháp mà đã được lập ra cho phước lành đó, và những điều kiện của nó, như đã được thiết lập từ trước khi thế gian được tạo dựng.”11
Không có tấm gương vâng lời nào sáng hơn tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Phao Lô đã nhận xét về Ngài:
“Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu;
“Và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài.”12
Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy tình yêu thương chân thật của Thượng Đế bằng cách sống một cuộc sống hoàn hảo, bằng cách tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng của Ngài. Ngài không bao giờ kiêu căng. Ngài không bao giờ kiêu ngạo. Ngài luôn luôn trung thành. Ngài luôn luôn khiêm nhường. Ngài luôn luôn chân thành. Ngài luôn luôn vâng lời.
Mặc dù Ngài bị kẻ chuyên lừa đảo cám dỗ, chính là quỷ dữ, mặc dù thể chất của Ngài suy yếu vì đã nhịn ăn 40 ngày và 40 đêm và đói lả, nhưng khi quỷ dữ đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn và lôi cuốn nhất, thì Ngài đã cho chúng ta thấy một tấm gương vâng lời Thượng Đế bằng cách từ chối không đi lạc lối khỏi những gì Ngài biết là đúng.13
Khi trải qua nỗi thống khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, nơi mà Ngài chịu đau đớn đến nỗi “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất,”14 Ngài đã nêu tấm gương hoàn hảo của Vị Nam Tử biết vâng lời bằng cách nói rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!”15
Giống như cách mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho Các Sứ Đồ đầu tiên của Ngài, Ngài cũng dạy cho các anh chị em và tôi: “Hãy theo ta.”16 Chúng ta có sẵn lòng tuân theo không?
Sự hiểu biết mà chúng ta tìm kiếm, các câu trả lời mà chúng ta mong muốn, và sức mạnh mà chúng ta ao ước ngày nay để đối phó với những thử thách của một thế giới phức tạp và luôn thay đổi, có thể thuộc vào chúng ta khi chúng ta sẵn lòng tuân theo các lệnh truyền của Chúa. Tôi trích dẫn một lần nữa những lời của Chúa: “Ai biết tuân giữ các giáo lệnh của Ngài thì sẽ nhận được lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào người ấy được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều.”17
Tôi khiêm nhường cầu nguyện rằng chúng ta có thể được ban phước với các phần thưởng dồi dào đã được hứa cho người biết vâng lời. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.