Những Tín Đồ của Đấng Ky Tô
Việc noi theo Đấng Ky Tô không phải là cách thực hành thất thường hoặc thỉnh thoảng, nhưng là cam kết liên tục và cách sống để áp dụng bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.
Một trong những bài thánh ca ưa thích nhất của chúng ta do Đại Ca Đoàn Tabernacle trình bày buổi sáng hôm nay, bắt đầu với những lời này:
“Đi cùng với ta,” Lời Chúa phán vậy.
Theo lối Giê Su hiệp nhất một thôi,
Hãy dấn bước theo Ngài vị chuộc ta
Nhất Tử yêu dấu của Đức Chúa Trời.1
Những lời ca ấy, được soi dẫn bởi lời mời gọi đầu tiên của Đấng Cứu Rỗi cho các môn đồ của Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 4:19), do một người Scotland tên là John Nicholson viết. Giống như nhiều vị lãnh đạo đầu tiên của chúng ta, ông học rất ít nhưng có một tình yêu mến sâu đậm đối với Đấng Cứu Rỗi và kế hoạch cứu rỗi.2
Tất cả các sứ điệp của đại hội này giúp chúng ta đi theo Đấng Cứu Rỗi, là Đấng mà tấm gương và những lời giảng dạy của Ngài xác định con đường dành cho mỗi tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
Giống như tất cả các Ky Tô hữu khác, các tín hữu Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô học hỏi về cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi như đã được báo cáo trong các sách Tân Ước Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca, và Giăng. Tôi sẽ ôn lại các tấm gương và những lời giảng dạy được chứa đựng trong bốn cuốn sách này của Kinh Thánh, và mời gọi mỗi người chúng ta và tất cả các Ky Tô hữu khác cân nhắc việc làm thế nào Giáo Hội phục hồi này của Ngài và mỗi người chúng ta hội đủ điều kiện là các tín đồ của Đấng Ky Tô.
Chúa Giê Su đã dạy rằng phép báp têm là cần thiết để vào vương quốc của Thượng Đế (xin xem Giăng 3:5). Ngài bắt đầu giáo vụ của Ngài bằng cách chịu phép báp têm (xin xem Mác 1:9), và Ngài và các tín đồ của Ngài đã làm phép báp têm cho những người khác (xin xem Giăng 3:22–26). Chúng ta cũng làm như vậy.
Chúa Giê Su bắt đầu thuyết giảng bằng cách mời gọi những người nghe Ngài nên hối cải (xin xem Ma Thi Ơ 4:17). Đó vẫn là sứ điệp của các tôi tớ của Ngài dành cho thế gian.
Trong suốt giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su đã ban cho các lệnh truyền. Và Ngài dạy: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15; xin xem thêm các câu 21, 23). Ngài khẳng định rằng việc tuân giữ các lệnh truyền của Ngài sẽ đòi hỏi các tín đồ của Ngài phải từ bỏ điều mà Ngài gọi là “sự người ta tôn trọng” (Lu Ca 16:15) và “lời truyền khẩu của loài người” (Mác 7:8; xin xem thêm câu 13). Ngài cũng cảnh cáo: “Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Giăng 15:19). Như Sứ Đồ Phi E Rơ về sau tuyên bố, các tín đồ của Chúa Giê Su phải là “dân thánh” (1 Phi E Rơ 2:9).
Các Thánh Hữu Ngày Sau hiểu rằng chúng ta không nên “thuộc về thế gian,” hoặc ràng buộc với “lời truyền khẩu của loài người,” nhưng giống như các tín đồ khác của Đấng Ky Tô, đôi khi chúng ta thấy đây là một lời giảng dạy khó để tự tách rời mình khỏi thế gian và các truyền thống của thế gian. Một số người sống cuộc sống của họ theo đường lối của thế gian, vì như Chúa Giê Su đã phán về một số người mà Ngài đã giảng dạy, “họ chuộng danh vọng bởi người ta đến hơn là danh vọng bởi Đức Chúa Trời đến” (Giăng 12:43). Những việc không làm theo Đấng Ky Tô đều quá nhiều và quá nhạy cảm để liệt kê ra ở đây. Những việc này bao gồm tất cả những điều từ những thực hành theo thế gian như việc tránh đụng chạm đến những thực hành của người khác và ăn mặc chải chuốt thái quá đến nỗi rời xa các giá trị cơ bản như tính chất vĩnh cửu và chức năng của gia đình.
Những lời giảng dạy của Chúa Giê Su không có nghĩa là lý thuyết. Những lời giảng dạy này phải luôn luôn được hành động theo. Chúa Giê Su dạy: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá” (Ma Thi Ơ 7:24; xin xem thêm Lu Ca 11:28) và “Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy” (Ma Thi Ơ 24:46). Trong một bài thánh ca ưa thích khác, chúng ta hát:
Thưa Đấng Cứu Rỗi, cho con xin học cách yêu mến Ngài,
Đi theo con đường Ngài đã vạch ra cho thấy, …
Thưa Đấng Cứu Rỗi, cho con xin học cách yêu mến Ngài—
Thưa Chúa, con sẽ noi theo Ngài.3
Như Chúa Giê Su đã dạy, những người nào yêu mến Ngài thì sẽ tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Họ sẽ biết vâng lời, như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã giảng dạy buổi sáng hôm nay. Việc noi theo Đấng Ky Tô không phải là cách thực hành thất thường hoặc thỉnh thoảng, nhưng là cam kết liên tục và cách sống để áp dụng bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Đấng Cứu Rỗi giảng dạy nguyên tắc này và cách chúng ta nên được nhắc nhở và củng cố để làm theo nguyên tắc này khi Ngài thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh (lễ ban thánh thể giống như những người khác gọi như vậy). Chúng ta biết từ sự mặc khải hiện đại rằng Ngài truyền lệnh cho các tín đồ của Ngài dự phần các biểu tượng để tưởng nhớ đến Ngài (xin xem Bản Dịch của Joseph Smith, Ma Thi Ơ 26:22 [trong Ma Thi Ơ 26:26, phần cước chú c], 24 [trong bản phụ lục của Kinh Thánh]; Bản Dịch của Joseph Smith, Mác 14:21–24 [trong bản phụ lục của Kinh Thánh]). Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tuân theo lệnh truyền đó mỗi tuần bằng cách tham dự lễ thờ phượng, trong đó chúng ta dự phần bánh và nước và giao ước rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
Chúa Giê Su dạy rằng “phải cầu nguyện luôn” (Lu Ca 18:1). Ngài cũng nêu lên gương đó, khi Ngài “thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời” (Lu Ca 6:12) trước khi Ngài kêu gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ. Cũng giống như Các Ky Tô hữu khác, chúng ta cầu nguyện trong tất cả các buổi lễ thờ phượng của mình. Chúng ta cũng cầu nguyện để có được sự hướng dẫn, và chúng ta giảng dạy rằng chúng ta cần phải thường xuyên cầu nguyện riêng cá nhân và quỳ xuống cầu nguyện chung với gia đình hằng ngày. Giống như Chúa Giê Su, chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng, và chúng ta làm như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
Đấng Cứu Rỗi kêu gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ phụ giúp trong Giáo Hội của Ngài và ban cho họ các chìa khóa và thẩm quyền để tiếp tục công việc của Ngài sau khi Ngài chết (xin xem Ma Thi Ơ 16:18–19; Mác 3:14–15; 6:7; Lu Ca 6:13). Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, tuân theo khuôn mẫu này trong cách tổ chức của Giáo Hội và cách truyền giao các chìa khóa và thẩm quyền cho Các Sứ Đồ.
Một số người được Chúa Giê Su kêu gọi đi theo Ngài đã không đáp ứng ngay nhưng đã tìm cách trì hoãn để thực hiện các nghĩa vụ riêng trong gia đình. Chúa Giê Su đáp: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu Ca 9:62). Nhiều Thánh Hữu Ngày Sau thực hành điều ưu tiên mà Chúa Giê Su đã dạy. Điều này gồm có tấm gương kỳ diệu của hằng ngàn người truyền giáo cao niên và những người khác đã để con cháu mình lại nhằm thi hành bổn phận truyền giáo mà họ đã được kêu gọi.
Chúa Giê Su đã dạy rằng Thượng Đế tạo dựng người nam và người nữ, và rằng người nam phải rời cha mẹ mình để gắn bó với vợ mình (xin xem Mác 10:6–8). Sự cam kết của chúng ta đối với điều giảng dạy này đã được mọi người biết đến.
Trong chuyện ngụ ngôn quen thuộc về con chiên bị lạc mất, Chúa Giê Su đã dạy rằng chúng ta nên làm hết sức mình để tìm kiếm bất cứ chiên nào trong bầy đang đi lạc (xin xem Ma Thi Ơ 18:11–14; Lu Ca 15:3–7). Như chúng ta biết, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nhấn mạnh đến sự hướng dẫn này qua tấm gương đáng ghi nhớ và những lời giảng dạy của ông về việc giải cứu đồng loại của chúng ta.4
Trong các nỗ lực để giải cứu và phục vụ, chúng ta noi theo tấm gương độc đáo và những lời giảng dạy dịu dàng của Đấng Cứu Rỗi về tình yêu thương “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:39). Ngài còn truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình nữa (xin xem Lu Ca 6:27–28). Và, trong những lời giảng dạy quan trọng của Ngài vào cuối giáo vụ trên trần thế của Ngài, Ngài phán:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.
“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34–35).
Là một phần của tình yêu mến lẫn nhau, Chúa Giê Su đã dạy rằng khi chúng ta bị người khác cư xử xấu thì chúng ta nên tha thứ cho họ (xin xem Ma Thi Ơ 18:21–35; Mác 11:25–26; Lu Ca 6:37). Trong khi nhiều người gặp khó khăn với lệnh truyền khó thực hiện này, thì chúng ta đều biết về các tấm gương đầy soi dẫn của Các Thánh Hữu Ngày Sau đầy lòng nhân từ đã tha thứ, ngay cả trong những cách đối xử xấu nhất. Ví dụ, Chris Williams đã dựa vào đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô để tha thứ cho người lái xe say rượu làm tử thương người vợ và hai đứa con của anh. Chỉ hai ngày sau khi thảm cảnh xảy ra, và tuy vẫn còn đau buồn, nhưng người đàn ông đầy lòng tha thứ này, lúc ấy đang phục vụ với tư cách là một vị giám trợ của chúng ta, đã nói: “Là một môn đồ của Đấng Ky Tô, tôi không có sự lựa chọn nào khác.”5
Hầu hết Các Ky Tô hữu đều ban phát cho người nghèo túng, như Chúa Giê Su đã dạy (xin xem Ma Thi Ơ 25:31–46; Mác 14:7). Khi tuân theo lời giảng dạy này của Đấng Cứu Rỗi, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu Giáo Hội nổi bật hơn những người khác. Các tín hữu của chúng ta đóng góp rộng rãi cho các hội từ thiện, tự mình phục vụ và ban phát cho những người nghèo túng. Ngoài ra, mỗi tháng các tín hữu của chúng ta nhịn hai bữa ăn và biếu tặng ít nhất chi phí của các bữa ăn này làm của lễ nhịn ăn, và các giám trợ và chủ tịch chi nhánh của chúng ta dùng của lễ đó để giúp các tín hữu nghèo túng. Việc chúng ta nhịn ăn để giúp người đói khát là một hành động bác ái, và khi được thực hiện với ý định chân thật, thì sẽ củng cố phần thuộc linh của chúng ta.
Ít có người biết đến dịch vụ nhân đạo trên toàn cầu của Giáo Hội chúng ta. Bằng cách sử dụng ngân quỹ được các tín hữu rộng rãi biếu tặng, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô gửi thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác để làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người lớn và trẻ em trên khắp thế giới. Các khoản tặng dữ nhân đạo này, tổng cộng là hằng trăm triệu đô la trong thập niên vừa qua, đã được biếu tặng cho bất kể tôn giáo, chủng tộc hoặc quốc tịch nào.
Nỗ lực lớn lao để cứu trợ của chúng ta sau trận động đất và sóng thần vào năm 2011 ở Nhật Bản trị giá là 13 triệu đô la tiền mặt và hàng cứu trợ. Ngoài ra, hơn 31.000 tình nguyện viên do Giáo Hội bảo trợ đã đóng góp hơn 600.000 giờ phục vụ. Sự hỗ trợ nhân đạo của chúng ta cho các nạn nhân của cơn bão Sandy ở miền đông Hoa Kỳ bao gồm những khoản tặng dữ lớn cho các nguồn viện trợ khác nhau, cộng với gần 300.000 giờ phục vụ trong các nỗ lực dọn dẹp của khoảng 28.000 tín hữu Giáo Hội. Trong số rất nhiều ví dụ khác vào năm ngoái, chúng ta đã cung cấp 300.000 pao (136.000 kílô) quần áo và giày dép cho những người tị nạn tại một quốc gia Châu Phi là Chad. Trong 25 năm qua, chúng ta đã phụ giúp gần 30 triệu người trong 179 quốc gia.6 Quả thật, những người được gọi là “Người Mặc Môn” đã biết cách ban phát cho người nghèo túng.
Trong lời giảng dạy cuối cùng của Ngài trong Kinh Thánh, Đấng Cứu Rỗi đã ra lệnh cho các tín đồ của Ngài mang những lời giảng dạy của Ngài đến mọi quốc gia và mọi sinh linh. Từ lúc khởi đầu của Sự Phục Hồi, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã tìm cách tuân theo lời giảng dạy đó. Ngay cả khi chúng ta còn là một giáo hội nghèo và đang gặp khó khăn chỉ với vài ngàn tín hữu, các vị lãnh đạo đầu tiên của chúng ta đã gửi những người truyền giáo đi khắp các đại dương, phía đông và phía tây. Là một dân tộc, chúng ta đã tiếp tục giảng dạy sứ điệp của Ky Tô giáo cho đến ngày hôm nay khi chương trình truyền giáo độc đáo của chúng ta có hơn 60.000 người truyền giáo toàn thời gian, cộng thêm hằng ngàn người nữa đang phục vụ bán thời gian. Chúng ta có những người truyền giáo ở hơn 150 quốc gia và lãnh thổ, trên toàn cầu.
Khi kết thúc Bài Giảng trọng đại của Ngài trên Núi, Chúa Giê Su đã dạy: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma Thi Ơ 5:48). Mục đích của lời giảng dạy và mục đích của việc noi theo Đấng Cứu Rỗi là đến cùng Đức Chúa Cha, mà Đấng Cứu Rỗi đã nói về Ngài là “Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:17).
Từ sự mặc khải cận đại và duy nhất đối với phúc âm phục hồi, chúng ta biết rằng lệnh truyền để tìm kiếm sự toàn hảo là một phần của Thượng Đế Đức Chúa Cha dành cho sự cứu rỗi của các con cái của Ngài. Theo kế hoạch ấy, chúng ta đều là những người kế tự của cha mẹ thiên thượng của mình. Sứ Đồ Phao Lô dạy: “Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Ky Tô” (Rô Ma 8:16–17). Điều này có nghĩa là, như chúng ta đã được cho biết trong Kinh Tân Ước, chúng ta là “con kế tự … của sự sống đời đời” (Tít 3:7) và rằng nếu chúng ta đến cùng Đức Chúa Cha, thì chúng ta “sẽ được những sự ấy làm cơ nghiệp” (Khải Huyền 21:7)—tất cả những gì Ngài có—một khái niệm mà trí óc của người trần thế như chúng ta khó có thể hiểu được. Nhưng ít nhất chúng ta có thể hiểu rằng vận mệnh tột bậc này trong vĩnh cửu chỉ có thể đạt được nếu chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã dạy rằng “chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Chúng ta tìm cách noi theo Ngài và trở thành giống như Ngài hơn, ở nơi đây và mai sau. Vậy nên chính là trong câu cuối cùng của bài thánh ca “Đi Cùng Với Ta,” chúng ta hát:
Khi còn sống nay,
ta cứ theo Ngài
Dương thế đầy vơi,
Ta vững lòng tin,
Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, chính là Đấng mà chúng ta tìm cách noi theo những lời giảng dạy và tấm gương của Ngài. Ngài mời gọi tất cả mọi người chúng ta đang mang gánh nặng hãy đến cùng Ngài, để học nơi Ngài, noi theo Ngài, và như vậy tìm thấy chỗ nghỉ ngơi cho linh hồn chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 4:19; 11:28). Tôi làm chứng về lẽ thật của sứ điệp của Ngài cũng như về sứ mệnh thiêng liêng và thẩm quyền của Giáo Hội phục hồi của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.