Đấng Cứu Rỗi Muốn Tha Thứ
Chúa yêu thương chúng ta và muốn chúng ta hiểu rằng Ngài sẵn lòng tha thứ.
Trong thời gian giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi, nhiều người đã đi theo Ngài, kể cả các thầy thông giáo và người Pha Ri Si, “từ các làng xứ Ga Li Lê, xứ Giu Đê, và thành Giê Ru Sa Lem đều đến.”1 Một người bị bệnh nằm liệt giường mong muốn được chữa lành đã được đưa đến một nơi tụ họp đông người, nhưng không thể đến gần Đấng Cứu Rỗi, nên bạn bè của ông đã khiêng ông lên mái của ngôi nhà nơi Đấng Cứu Rỗi đang ở và chuyền người ấy xuống. Khi thấy cách biểu lộ đức tin như vậy, với mục đích lớn lao mà những người nghe Ngài chưa biết được, Đấng Cứu Rỗi phán: “Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha.”2
Điều này hẳn đã làm cho người ấy ngạc nhiên—và mặc dù thánh thư không nói gì đến phản ứng của người ấy, người ấy có thể đã tự hỏi không biết Đấng Cứu Rỗi có thật sự hiểu lý do tại sao mình đến đó không.
Đấng Cứu Rỗi biết rằng nhiều người đi theo Ngài vì những phép lạ lớn lao của Ngài. Ngài đã biến nước thành rượu,3 đuổi các tà linh;4 chữa lành con trai của nhà quý tộc,5 một người cùi,6 bà mẹ vợ của Phi E Rơ7 và nhiều người khác nữa.8
Nhưng với người đàn ông bị liệt này, Chúa đã quyết định đưa ra bằng chứng cho người môn đồ lẫn người không tin về vai trò duy nhất của Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Khi nghe những lời phán của Đấng Cứu Rỗi, các thầy thông giáo và người Pha Ri Si đã bắt đầu tranh luận với nhau, vì không hiểu nên họ đã nói những điều báng bổ trong khi kết luận rằng chỉ có Thượng Đế mới có thể tha thứ tội lỗi. Vì hiểu được ý nghĩ của họ, Đấng Cứu Rỗi đã phán cùng họ rằng:
“Các ngươi nghị luận gì trong lòng?
“Nay nói rằng: Tội ngươi đã được tha, hoặc rằng: Ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì bên nào dễ hơn?”9
Không chờ cho họ trả lời, Đấng Cứu Rỗi phán tiếp: “Vả, hầu cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội: Ngài phán cùng kẻ bại rằng: Ta biểu ngươi đứng dậy, vác giường trở về nhà.”10 Và người này đã làm như vậy!
Bằng việc chữa bệnh thể xác một cách kỳ diệu này, Đấng Cứu Rỗi đã xác nhận với tất cả chúng ta về lẽ thật thuộc linh đầy quyền năng vô tận này: Con của Người tha thứ tội lỗi!
Mặc dù lẽ thật này đã được tất cả những người tin dễ dàng chấp nhận, thì lẽ thật thiết yếu kèm theo lại không dễ dàng được thừa nhận: Đấng Cứu Rỗi tha thứ tội lỗi “ở thế gian,” và không phải chỉ vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng mà thôi. Ngài không tha thứ cho chúng ta trong tội lỗi của chúng ta.11 Ngài không chấp nhận việc chúng ta trở lại với tội lỗi trong quá khứ.12 Nhưng khi chúng ta hối cải và tuân theo phúc âm của Ngài, thì Ngài tha thứ cho chúng ta.13
Trong sự tha thứ này, chúng ta thấy quyền năng làm cho có khả năng và cứu chuộc của Sự Chuộc Tội được áp dụng một cách hài hòa và đầy ân điển. Nếu chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội của Ngài củng cố chúng ta trong lúc hoạn nạn,14 và quyền năng cứu chuộc của Ngài thánh hóa chúng ta khi chúng ta “cởi bỏ con người thiên nhiên của mình.”15 Điều này mang lại hy vọng cho tất cả mọi người, nhất là những người cảm thấy rằng con người luôn luôn yếu kém vượt quá khả năng sẵn lòng giúp đỡ và cứu rỗi của Đấng Cứu Rỗi.
Nhằm mang đến một cơ hội cho Đấng Cứu Rỗi để làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta,16 có lần Phi E Rơ đã hỏi xem ông nên tha thứ cho anh em mình bao nhiêu lần và rồi ông hỏi: “Có phải đến bảy lần chăng?” Chắc chắn đó sẽ là quá đủ. Nhưng câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi đã mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về lòng thương xót của Ngài: “Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”17
Chúa yêu thương chúng ta và muốn chúng ta hiểu rằng Ngài sẵn lòng tha thứ. Hơn 20 lần trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa phán với những người mà Ngài đang ngỏ lời: “tội lỗi ngươi đã được tha,” hoặc những lời phán tương tự.18 Khoảng một nửa những lần đó, những lời phán của Chúa được nhắm riêng vào Tiên Tri Joseph Smith, đôi khi ngỏ cho một mình ông, đôi khi ngỏ với những người khác.19 Lần đầu tiên trong những lần này đã được ghi chép vào năm 1830, lần cuối cùng vào năm 1843. Như vậy, trong khoảng thời gian nhiều năm, Chúa đã nhiều lần phán với Joseph: “Tội lỗi ngươi đã được tha.”
Trong khi Joseph không “phạm những tội tày đình,”20 thì chúng ta nên nhớ rằng với rất ít ngoại lệ, “bảy mươi lần bảy” của Chúa không giới hạn sự tha thứ tội lỗi theo mức độ nghiêm trọng.
Chúa đã phán cùng các anh cả quy tụ lại ở Kirtland: “Ta muốn các ngươi chế ngự thế gian; vậy nên ta sẽ có lòng thương hại các ngươi.”21 Chúa biết những điều yếu kém của chúng ta và các hậu quả vĩnh cửu của “thế gian” đối với những người không hoàn hảo.22 Từ vậy nên trong câu này là lời khẳng định của Ngài rằng chỉ nhờ vào lòng trắc ẩn của Ngài mà cuối cùng chúng ta mới có thể “chế ngự thế gian.” Lòng trắc ẩn đó đã được thể hiện bằng cách nào? Ngài đã phán cùng với các anh cả đó ở Kirtland: “Ta đã tha tội cho các ngươi.”23 Đấng Cứu Rỗi muốn tha thứ.
Không một ai nên nghĩ rằng có sự tha thứ này mà không có sự hối cải. Quả thật, Chúa đã phán: “Ta, là Chúa, tha tội cho những kẻ nào biết thú tội trước mặt ta và cầu xin được tha thứ,” và rồi Ngài cảnh cáo họ thêm một điều kiện nữa: “những kẻ đã không phạm tội đưa tới sự chết.”24 Mặc dù Chúa “chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận;”25 nhưng Ngài phân biệt mức độ nghiêm trọng tương đối của một số tội lỗi. Ngài quy định rằng sẽ không tha thứ cho “sự phạm thượng đến Đức Thánh Linh.”26 Ngài phán về mức độ nghiêm trọng của tội giết người27 và nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của tội lỗi tình dục như là tội ngoại tình.28 Ngài cho biết rằng về tội lỗi tình dục nghiêm trọng lặp đi lặp lại thì càng ngày càng khó nhận được sự tha thứ của Ngài.29 Và Ngài đã phán rằng “kẻ nào phạm tội chống lại ánh sáng trọng đại hơn thì sẽ nhận sự kết tội nặng hơn.”30 Tuy nhiên, với lòng thương xót của Ngài, Ngài cho phép chúng ta tiến triển hơn theo thời gian thay vì đòi hỏi được hoàn hảo ngay lập tức. Ngay cả với vô số tội lỗi do sự yếu kém của người trần thế, nếu chúng ta hối cải thường xuyên và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài, thì Ngài sẽ tha thứ đi và tha thứ lại.31
Bởi vì vậy, nên tất cả chúng ta, kể cả những người gặp khó khăn trong việc khắc phục thói nghiện ngập như lạm dụng chất thuốc hoặc hình ảnh sách báo khiêu dâm và những người gần gũi với những thứ này, đều có thể biết rằng Chúa sẽ nhận ra các nỗ lực ngay chính của chúng ta và sẽ nhân từ tha thứ khi đã hoàn toàn hối cải, “cho đến bảy mươi lần bảy.” Nhưng điều này không có nghĩa là người ta có thể sẵn sàng trở lại với tội lỗi mà không bị trừng phạt.32
Chúa luôn luôn quan tâm đến tấm lòng của chúng ta,33 và việc hợp lý hóa đức tin sai lạc thì không biện minh cho tội lỗi.34 Trong gian kỳ này, Chúa cảnh báo một trong các tôi tớ của Ngài chống lại sự hợp lý hóa như vậy khi Ngài phán: “[Hắn] phải xấu hổ về đảng Nicolaitan và những điều khả ố bí mật của chúng.”35 Người Nicolaitan là một giáo phái tôn giáo cổ xưa mà cho rằng họ được phép phạm tội tình dục nhờ vào ân điển của Chúa.36 Đây là điều không làm Chúa hài lòng.37 Lòng trắc ẩn và ân điển của Ngài không tha thứ cho chúng ta khi “tâm hồn [chúng ta] không được thỏa mãn. Và [chúng ta] không tuân theo lẽ thật, nhưng lại vui trong sự bất chính.”38 Thay vì thế, sau khi chúng ta làm hết sức mình,39 lòng trắc ẩn và ân điển của Ngài là phương tiện qua đó “cuối cùng”40 chúng ta chế ngự thế gian qua quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội. Khi chúng ta khiêm nhường tìm kiếm ân tứ quý giá này, thì “những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với [chúng ta],”41 và nhờ vào sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể làm điều mà mình không bao giờ có thể một mình làm được.
Chúa nhìn xem ánh sáng chúng ta đã nhận được,42 những ước muốn của lòng chúng ta,43 và hành động của chúng ta,44 và khi chúng ta hối cải và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài, Ngài sẽ tha thứ. Khi xem xét cuộc sống của mình và cuộc sống của những người thân yêu và quen biết của mình, thì chúng ta cũng nên sẵn sàng để tha thứ cho mình và những người khác.45
Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta nói về nỗi khó khăn trong việc khắc phục thói nghiện ngập và khuyến khích các vị lãnh đạo chức tư tế và các tín hữu “không bị sững sờ hay nản chí” nếu những người tầm đạo hoặc các tín hữu mới tiếp tục vất vả đối với các vấn đề như vậy. Thay vào đó, chúng ta được khuyên bảo nên “cho thấy sự tin tưởng nơi cá nhân đó và không xét đoán … [xem] nó như là một bước lùi tạm thời và có thể thông cảm được.”46 Chúng ta có thể làm ít hơn với con cái hoặc những người trong gia đình chúng ta đang vất vả với những vấn đề tương tự, đã tạm thời đi lạc ra khỏi con đường ngay chính không? Chắc chắn là họ đáng nhận được sự kiên định, kiên nhẫn và tình yêu thương của chúng ta—vâng, sự tha thứ của chúng ta.
Trong đại hội trung ương vào tháng Mười vừa qua, Chủ Tịch Monson đã khuyên nhủ:
“Chúng ta cần phải nhớ rằng con người có thể thay đổi. Họ có thể từ bỏ những thói quen xấu. Họ có thể hối cải những điều phạm giới của họ. …
“… Chúng ta có thể giúp họ khắc phục những khuyết điểm của họ. Chúng ta cần phải phát huy khả năng để thấy những người khác không phải là con người hiện tại mà là con người họ có thể trở thành.”47
Tại một đại hội ban đầu của Giáo Hội, tương tự như đại hội này, Chúa đã phán bảo các tín hữu:
“Thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi thanh sạch, nhưng không phải tất cả đâu… .
“Vì tất cả mọi xác thịt đều bại hoại trước mắt ta… .
“… vì quả thật một số các ngươi có tội trước mặt ta, nhưng ta sẽ thương xót cho sự yếu kém của các ngươi.”48
Sứ điệp của Ngài cũng giống như vậy trong ngày nay.
Cha Thiên Thượng biết những gì chúng ta đang trải qua, rằng chúng ta đều phạm tội và “thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”49 nhiều lần. Ngài gửi Vị Nam Tử của Ngài đến, là Đấng “biết sự yếu kém của loài người và cách thức để cứu giúp những kẻ bị cám dỗ.”50 Vị Nam Tử dạy chúng ta phải “luôn luôn cầu nguyện để [chúng ta] không rơi vào cám dỗ.”51 Chúng ta được phán bảo phải “van xin lòng thương xót của [Thượng Đế]; vì Ngài có quyền lực để giải cứu.”52 Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho chúng ta phải hối cải53 và tha thứ.54 Và mặc dù sự hối cải không phải là dễ dàng, nhưng nếu chúng ta cố gắng hết sức mình để tuân theo phúc âm của Ngài, thì Ngài ban cho lời hứa này: “Thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, mặc dù [các ngươi] đã phạm tội, nhưng lòng ta đầy sự thương hại đối với [các ngươi]. Ta sẽ không hoàn toàn xua đuổi [các ngươi]; và trong ngày thịnh nộ, ta sẽ nhớ đến sự thương xót.”55 Đấng Cứu Rỗi muốn tha thứ.
Mỗi tuần Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle bắt đầu phần phát sóng đầy soi dẫn với những lời làm nâng cao tinh thần của bài thánh ca quen thuộc của William W. Phelps “Gently Raise the Sacred Strain.” Những lời đầy an ủi của câu thứ tư không được quen thuộc lắm:
Chúa là Đấng Thánh.
Lời Ngài thật quý báu:
Hối cải và sống theo …;
Cho dù tội lỗi các ngươi có đỏ như hồng điều,
Ôi, hãy hối cải, và Ngài sẽ tha thứ.56
Tôi mời các anh chị em hãy ghi nhớ và tin tưởng những lời của Chúa và sử dụng đức tin nơi Ngài để hối cải.57 Ngài yêu thương các anh chị em. Ngài muốn tha thứ. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.