2013
Chúng Ta Có Lý Do Tuyệt Vời để Vui Mừng
Tháng Mười Một năm 2013


Chúng Ta Có Lý Do Tuyệt Vời để Vui Mừng

Khi yêu thương, chăm sóc, và phục vụ những người khác trong những cách nhỏ nhặt và tầm thường thì các chị em đang tích cực tham gia vào công việc cứu rỗi.

Khi cha chồng của tôi qua đời, gia đình chúng tôi quy tụ lại và đón tiếp những người khác đến chia buồn cùng chúng tôi. Trong suốt buổi tối hôm đó khi tôi trò chuyện với gia đình và bạn bè, tôi thường để ý thấy đứa cháu ngoại 10 tuổi của chúng tôi, tên là Porter, đứng gần bên mẹ chồng tôi–tức là bà cố của nó. Đôi khi, nó đứng phía sau bà, trông nom bà. Có lần, tôi nhận thấy cánh tay của nó quàng vào cánh tay bà. Tôi thấy nó vỗ nhẹ vào tay của bà, ôm bà và đứng bên cạnh bà.

Vài ngày sau kinh nghiệm đó, tôi không thể cất bỏ hình ảnh này ra khỏi tâm trí của mình. Tôi được thúc giục để gửi cho Porter một bức thư ngắn, nói với nó điều tôi đã quan sát. Tôi gửi email cho nó và nói với nó điều tôi đã thấy và cảm nhận được. Tôi nhắc nhở Porter về các giao ước mà nó đã lập khi nó chịu phép báp têm, bằng cách trích dẫn lời của An Ma trong Mô Si A chương 18:

“Và giờ đây, vì các người muốn gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, và sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng;

“Phải, và sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; phải, và an ủi những ai cần được an ủi, và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà các người hiện diện, cho đến khi chết, … để các người có được cuộc sống vĩnh cửu.

“… Nếu đây là điều mong muốn trong lòng các người, thì có việc gì làm cản trở các người được báp têm trong danh Chúa, để chứng tỏ trước mặt Ngài rằng, các người đã lập giao ước với Ngài, rằng các người sẽ phụng sự Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, để Ngài có thể trút Thánh Linh của Ngài xuống các người một cách dồi dào hơn chăng?”1

Tôi giải thích cho Porter biết rằng An Ma đã dạy rằng những người nào muốn được báp têm đều cần phải sẵn lòng phục vụ Chúa bằng cách phục vụ những người khác—trong suốt cuộc sống của mình! Tôi nói: “Bà không biết là cháu có nhận ra điều đó không, nhưng cách cháu bày tỏ tình yêu thương và mối quan tâm dành cho Bà Cố chính là cách cháu tuân giữ các giao ước của cháu. Chúng ta tuân giữ các giao ước của mình mỗi ngày như khi chúng ta tử tế, bày tỏ tình yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Bà chỉ muốn cháu biết là bà rất hãnh diện rằng cháu là người tuân giữ giao ước! Khi tuân giữ giao ước mà cháu đã lập khi chịu phép báp têm, cháu sẽ được chuẩn bị để được sắc phong chức tư tế. Giao ước bổ sung này sẽ mang đến cho cháu thêm nhiều cơ hội để ban phước và phục vụ người khác và giúp cháu chuẩn bị cho các giao ước mà cháu sẽ lập trong đền thờ. Cám ơn cháu đã nêu gương tốt cho bà! Cám ơn cháu đã cho bà thấy thế nào là một người tuân giữ giao ước!”

Porter trả lời: “Bà ngoại ơi, cám ơn bà đã gửi thư cho cháu. Khi cháu ôm Bà Cố, cháu không biết là cháu đang tuân giữ các giao ước, nhưng cháu cảm thấy ấm lòng và cảm thấy rất vui. Cháu biết đó chính là Đức Thánh Linh trong lòng cháu.”

Tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi tôi nhận thấy rằng Porter đã hiểu được mối liên hệ giữa việc tuân giữ giao ước của nó với lời hứa “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]”2—một lời hứa có thể thực hiện được bằng cách tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh.

Thưa các chị em, khi đi thăm nhiều chị em trên khắp thế giới, tôi đã nhận thấy nhiều chị em cũng giống như Porter. Các chị em lặng lẽ đứng làm nhân chứng của Thượng Đế, khóc than với những người khóc than, và an ủi những người đang cần được an ủi mà không nhận biết rằng các chị em đang tuân giữ các giao ước đã lập trong dòng nước báp têm và trong đền thờ. Khi yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, và phục vụ người khác theo những cách nhỏ nhặt và tầm thường, thì các chị em đang tham gia tích cực vào công việc cứu rỗi, công việc của Thượng Đế “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”3

Là “các con gái trong vương quốc [của Chúa],”4 chúng ta đã lập các giao ước thiêng liêng. Chúng ta đang đi trên con đường mà Nê Phi gọi là “con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.”5 Chúng ta đều ở nhiều nơi khác nhau trên con đường đó. Nhưng chúng ta có thể cùng làm việc với nhau để giúp đỡ lẫn nhau “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.”6

Jeanne phục vụ với tư cách là cố vấn Hội Thiếu Nữ. Cách đây vài tháng, em ấy đã biết được một sinh hoạt sắp tới cho giới trẻ trong tiểu giáo khu: đi bộ lên một ngọn núi đến một nơi gọi là Đỉnh Malan. Em ấy rất phấn khởi vì mới vừa đặt mục tiêu để thực hiện chuyến đi leo núi đó.

Khi em ấy đi đến đầu con đường mòn, thì người bạn thân của em ấy là Ashley đi đến gần. Ashley khoác tay Jeanne và đề nghị đi cùng với em ấy và nói: “Mình sẽ đi với bạn.” Ashley, lúc đó 16 tuổi, đã có một số thử thách về phương diện thể chất làm cho nó rất khó leo nhanh. Vậy nên nó và Jeanne đi từ từ, chú ý đến các tạo vật của Cha Thiên Thượng: những tảng đá trên đỉnh núi ở phía trên họ, và những đóa hoa xung quanh. Về sau Jeanne đã nói: “Tôi đã nhanh chóng quên đi mục tiêu của mình là đi bộ lên đỉnh núi, vì chẳng mấy chốc, điều đó đã trở thành một loại phiêu lưu khác—một cuộc phiêu lưu để cho thấy các vẻ đẹp dọc trên con đường, nhiều vẻ đẹp trong số đó tôi chắc hẳn đã không thấy được nếu tôi đã chỉ leo lên để đạt được mục tiêu là Đỉnh Malan.”

Trong khi Jeanne và Ashley tiếp tục đi bộ ở rất xa đằng sau nhóm, thì Emma đã cùng tham gia với họ, Emma là một thiếu nữ khác trong tiểu giáo khu, và đã quyết định chờ họ để đi cùng. Emma giúp họ cảm thấy vui hơn. Em ấy đã dạy cho họ một bài hát và hỗ trợ cùng khuyến khích họ thêm. Jeanne nhớ lại: “Chúng tôi ngồi nghỉ, chúng tôi hát, chúng tôi nói chuyện, và chúng tôi cười đùa. Tôi đã có thể quen biết với Ashley và Emma trong một cách mà chắc hẳn tôi sẽ không có thể làm được trong tình huống khác. Mối quan tâm không phải là ngọn núi vào buổi tối hôm đó—mà còn có nhiều điều hơn nữa. Đó là việc giúp đỡ lẫn nhau trên con đường, từng bước một.”

Trong khi Jeanne, Ashley và Emma đi bộ, hát hò, nghỉ ngơi và cười đùa với nhau, có lẽ họ không nghĩ rằng: “Này, chúng ta đang tuân giữ các giao ước của mình ngay bây giờ đây.” Nhưng họ đã tuân giữ các giao ước của họ. Họ đã phục vụ lẫn nhau với tình yêu thương, lòng trắc ẩn, và cam kết. Họ đã củng cố đức tin của nhau khi họ khuyến khích, và phục sự cho nhau.

Anh Cả Russell M. Nelson đã dạy: “Khi biết rằng mình là con cái của giao ước, chúng ta biết mình là ai và Thượng Đế trông mong điều gì nơi chúng ta. Luật pháp của Ngài được ghi vào lòng chúng ta.”7

Maria Kuzina là một người con gái giao ước của Thượng Đế, là Đấng biết chị ấy là ai và điều Thượng Đế trông mong nơi chị ấy. Khi chị ấy mời tôi đến nhà của chị ấy ở Omsk, Nga, tôi đã nghĩ rằng tôi đến đó để phục vụ chị ấy, nhưng tôi sớm nhận ra rằng tôi ở đó để học hỏi từ chị ấy. Là một người cải đạo theo Giáo Hội, Maria sống theo lời chỉ dẫn trong Lu Ca 22: “Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.”8 Chị ấy có đức tin nơi những lời của vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, ông đã nói:

“Bây giờ là lúc để các tín hữu và những người truyền giáo đến với nhau, cùng làm việc với nhau, lao nhọc trong vườn nho của Chúa để mang những người khác đến cùng Ngài. …

“… Khi chúng ta hành động trong đức tin thì Chúa sẽ cho chúng ta thấy làm thế nào để củng cố Giáo Hội của Ngài trong các tiểu giáo khu và chi nhánh nơi chúng ta đang sống. Ngài sẽ ở cùng chúng ta và sẽ trở thành một cộng sự tích cực trong công việc truyền giáo của chúng ta.

“… Hãy sử dụng đức tin của mình … khi các anh chị em thành tâm cầu nguyện xem có ai trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, và người quen nào mà các anh chị em muốn mời đến nhà để gặp gỡ những người truyền giáo không, để họ có thể nghe sứ điệp về Sự Phục Hồi.”9

Maria tuân theo lời khuyên dạy này bằng cách chăm sóc và phục sự các chị em phụ nữ mà chị đã được yêu cầu đến thăm viếng giảng dạy và cũng đã làm nhiều hơn nhiệm vụ chỉ định này. Chị có nhiều bạn bè kém tích cực và chưa nghe sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi ngày chị sử dụng đức tin của mình và cầu nguyện để biết người nào cần được chị giúp đỡ, và sau đó chị hành động theo những thúc giục nhận được. Chị gọi điện thoại, bày tỏ tình yêu thương, và nói với bạn bè của mình là: “Chúng tôi cần các bạn.” Chị tổ chức buổi họp tối gia đình trong căn hộ của chị mỗi tuần và mời những người láng giềng, các tín hữu, và những người truyền giáo đến—và chị còn mời họ ăn. Chị mời họ đến nhà thờ, chờ họ đến, và ngồi cạnh họ khi họ đến.

Maria hiểu lời nhắc nhở gần đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland rằng “một lời mời được soi dẫn từ tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác và cho Chúa Giê Su Ky Tô … sẽ không bao giờ được xem là xúc phạm hay chỉ trích.”10 Chị giữ một danh sách những người nói rằng họ đã bị xúc phạm, và chị tiếp tục phục sự họ. Vì họ biết rằng chị yêu mến họ nên chị có thể nói với họ: “Đừng tự ái. Điều đó thật là buồn cười!”

Maria là một môn đồ tuân giữ giao ước của Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù không có một người nắm giữ chức tư tế trong nhà của chị, nhưng chị cảm nhận được quyền năng của Thượng Đế mỗi ngày trong khi làm tròn các giao ước đền thờ của chị khi chị tiến bước trên con đường, kiên trì đến cùng và giúp đỡ người khác tham gia vào công việc cứu rỗi dọc trên con đường đi.

Khi tôi chia sẻ những kinh nghiệm này, các chị em có thấy mình trong công việc cứu rỗi không? Hãy dành ra một thời gian để suy nghĩ đến một người con gái khác của Thượng Đế, là người cần được khuyến khích để trở lại trên con đường giao ước hoặc là người cần được giúp đỡ một chút để ở lại trên con đường. Hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng của các chị em về người chị em đó. Người đó là con gái của Ngài. Ngài biết tên của người đó. Ngài cũng biết các chị em, và Ngài sẽ cho các chị em biết về điều người đó cần. Hãy kiên nhẫn và tiếp tục cầu nguyện thay cho người ấy, và hành động dựa theo sự thúc giục mà các chị em nhận được. Khi các chị em hành động theo những thúc giục này, Thánh Linh sẽ xác nhận rằng của lễ của các chị em đã được Chúa chấp nhận.

“Chị Eliza R. Snow … ghi nhận sâu sắc những nỗ lực của chị em để củng cố lẫn nhau. … Chị nói với họ rằng mặc dù Giáo Hội đã không lưu giữ hồ sơ của mỗi khoản tặng dữ mà họ đóng góp để giúp đỡ những người hoạn nạn, nhưng Chúa đã giữ một hồ sơ trọn vẹn về công việc cứu rỗi của họ:

“‘… Chủ Tịch Joseph Smith nói rằng xã hội này được tổ chức để cứu rỗi các linh hồn. [Chúng ta đang làm] gì để mang trở về những người đã đi lạc lối?—để làm ấm lòng của những người đã trở nên lạnh lùng đối với phúc âm?—Một quyển sách khác được lưu giữ về đức tin, lòng nhân từ, những việc làm thiện, và những lời nói của các chị em. Một biên sử đã được lưu giữ. Không có điều gì bị mất.’”11

Trong Sách Mặc Môn, Am Môn nói về lý do tuyệt vời để chúng ta vui mừng. Ông nói: “Và giờ đây, tôi xin hỏi, những phước lành vĩ đại nào mà [Thượng Đế] đã ban cho chúng ta? Các anh em có thể kể ra được không?”

Trong niềm phấn khởi, Am Môn đã không chờ đợi câu trả lời. Ông nói: “Này, tôi xin trả lời thay cho các anh em; …đây chính là phước lành đã được ban cho chúng ta, vì chúng ta đã được làm thành những công cụ trong tay Thượng Đế để thực hiện công việc vĩ đại này.”12

Chúng ta là các con gái tuân giữ giao ước trong vương quốc của Chúa, và chúng ta có cơ hội để làm công cụ trong tay của Ngài. Mỗi ngày, khi chúng ta tham gia vào công việc cứu rỗi trong những cách nhỏ nhặt và tầm thường—trông nom, củng cố, và giảng dạy lẫn cho nhau—thì chúng ta sẽ có thể cùng tuyên bố với Am Môn:

“Nhưng này, sự vui mừng của tôi thật tràn trề, phải, tim tôi tràn trề niềm vui sướng, và tôi sẽ hoan hỷ trong Thượng Đế của tôi.

“Phải, tôi biết rằng tôi chẳng có nghĩa lý gì; về sức lực thì tôi là một kẻ yếu đuối; vậy nên tôi không khoe khoang về tôi, nhưng tôi muốn khoe khoang về Thượng Đế của tôi, vì với sức mạnh của Ngài, tôi có thể làm được tất cả mọi điều.”13

Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.