2013
Ngươi Hãy Cải Đạo
Tháng Mười Một năm 2013


Ngươi Hãy Cải Đạo

Sự cải đạo thực sự xảy ra khi các [anh chị] em tiếp tục hành động theo các giáo lý mà mình biết là chân chính và tuân giữ các giáo lệnh, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. 

Thưa các anh chị em, thật là một kinh nghiệm khiêm nhường được đứng tại bục giảng này nơi có rất nhiều anh hùng của đời tôi đã từng đứng ở đây. Tôi muốn chia sẻ với các anh chị em một số cảm nghĩ của lòng tôi và đặc biệt là nhắm vào giới trẻ.

Một trong những anh hùng vĩ đại của Kinh Cựu Ước là vị tiên tri—chiến sĩ Giô Suê. Ông đã đưa ra lời mời gọi này cho các con cái của Y Sơ Ra Ên, là những người ông đã dẫn dắt: “Ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự; … nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê Hô Va.”1 Lời tuyên bố của Giô Suê cho thấy sự cải đạo thực sự theo phúc âm. Đối với Giô Suê và tất cả chúng ta, sự cải đạo theo các nguyên tắc phúc âm đến qua việc sống theo các nguyên tắc phúc âm một cách ngay chính và trung thành với các giao ước của mình với Chúa.

Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về sự cải đạo từ lịch sử của gia đình tôi về một người anh hùng khác. Tên của bà là Agnes Hoggan. Vợ chồng bà gia nhập Giáo Hội ở Scotland vào năm 1861. Vì bị ngược đãi khủng khiếp ở quê hương của mình, nên họ di cư đến Mỹ với con cái của họ. Vài năm sau đó, Agnes trở thành góa phụ với tám đứa con và phải nuôi dưỡng và làm việc khó nhọc để lo cho chúng có cái ăn cái mặc. Đứa con gái 12 tuổi của bà là Isabelle, may mắn tìm được việc làm, là tớ gái cho một gia đình giàu có, ngoại đạo.

Isabelle sống trong ngôi nhà rộng lớn của họ và giúp trông nom con cái nhỏ của họ. Mỗi tuần, mẹ em được trả cho một số tiền để đổi lại việc làm của em. Chẳng bao lâu, Isabelle được coi như người trong nhà và bắt đầu vui hưởng nhiều đặc ân như những người khác trong gia đình, chẳng hạn như đi học khiêu vũ, mặc quần áo đẹp, và đi xem hát ở rạp hát. Lối sống này tiếp tục trong bốn năm, cho đến khi gia đình mà Isabelle giúp việc phải chuyển đi tiểu bang khác. Họ trở nên rất thích Isabelle nên họ đến nói chuyện với mẹ của em là Agnes, và xin phép được nhận em làm con nuôi một cách hợp pháp. Họ hứa sẽ cho em học hành đến nơi đến chốn, chắc chắn rằng em sẽ kết hôn đàng hoàng, và sắp xếp để em được thừa kế tài sản của họ cùng với con cái của họ. Họ cũng sẽ tiếp tục trả tiền cho Agnes.

Người mẹ góa này có một quyết định khó khăn để chọn, nhưng bà đã không hề do dự. Hãy nghe những lời của người cháu gái của [bà] viết nhiều năm về sau: “Nếu tình yêu thương của bà đã không cho phép bà nói không, thì bà còn có một lý do hay hơn nữa—bà đã đi suốt từ Scotland và trải qua những cơn hoạn nạn và thử thách vì Phúc Âm, và không hề có ý định để mất bất cứ đứa con nào bà đã khó nhọc để có, trong khả năng của con người.”2 Gia đình giàu có đó cố gắng lý luận với bà, và chính Isabelle cũng đã khóc và năn nỉ bà để được phép đi, nhưng Agnes vẫn cương quyết. Như các anh chị em có thể tưởng tượng, Isabelle 16 tuổi, đã cảm thấy như cuộc sống của mình đã bị phá hủy.

Isabelle Hoggan là bà cố của tôi, và tôi biết ơn nhất về chứng ngôn và lòng tin chắc mãnh liệt trong lòng của mẹ bà, khi bà không cho phép mình đánh đổi vai trò tín hữu của con gái mình trong Giáo Hội cho lời hứa của thế gian. Ngày nay, hàng trăm con cháu của bà đang vui hưởng các phước lành của vai trò tín hữu trong Giáo Hội, họ là những người thừa hưởng đức tin sâu xa và sự cải đạo theo phúc âm của Agnes.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, và quyết định các em được kêu gọi để chọn hàng ngày, hoặc thậm chí hàng giờ, đều có kết quả vĩnh cửu. Những quyết định các em chọn trong cuộc sống hàng ngày đều định đoạt điều sẽ xảy ra cho các em về sau. Nếu các em chưa có một chứng ngôn và niềm tin vững chắc rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Thượng Đế trên thế gian, thì giờ đây là lúc để làm bất cứ điều gì cần làm để đạt được lòng tin chắc đó. Việc trì hoãn nỗ lực cần thiết để đạt được lòng tin chắc đó có thể là nguy hiểm đối với linh hồn của các em.

Sự cải đạo thực sự còn nhiều hơn là chỉ hiểu biết về các nguyên tắc phúc âm, và có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ có một chứng ngôn về các nguyên tắc đó. Một người có thể có một chứng ngôn về phúc âm nhưng lại không sống theo. Việc được cải đạo thực sự có nghĩa là chúng ta đang hành động theo điều mình tin và cho phép điều đó tạo ra “một sự thay đổi lớn lao trong chúng [ta], hay trong lòng chúng [ta].”3 Trong quyển sách nhỏ Trung Thành với Đức Tin, chúng ta biết rằng “sự cải đạo là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện. Các anh chị em trở nên cải đạo như là kết quả của … các nỗ lực để noi theo Đấng Cứu Rỗi.”4 Phải cần có thời gian, nỗ lực, và việc làm. Bà cố tổ của tôi đã tin chắc rằng phúc âm là quan trọng đối với con cái của bà hơn tất cả những gì thế gian mang đến về phương diện giàu có và tiện nghi vì bà đã hy sinh, chịu đựng và sống theo phúc âm. Sự cải đạo của bà đến qua việc sống theo các nguyên tắc phúc âm và hy sinh cho các nguyên tắc đó.

Chúng ta cũng phải trải qua tiến trình như thế nếu muốn được cam kết như thế. Đấng Cứu Rỗi dạy: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.”5 Đôi khi, chúng ta cố gắng làm ngược lại với cách đó. Ví dụ, chúng ta có thể chọn cách này: tôi sẽ vui vẻ sống theo luật thập phân, nhưng trước hết, tôi cần phải biết rằng luật đó có chân chính không. Có lẽ chúng ta còn cầu nguyện để nhận được một chứng ngôn về luật thập phân và hy vọng rằng Chúa sẽ ban phước cho chúng ta với chứng ngôn đó trước khi điền vào mẫu đóng tiền thập phân. Chúng ta không cần phải làm như vậy. Chúa mong muốn chúng ta sử dụng đức tin. Chúng ta phải kiên định đóng tiền thập phân đầy đủ và chân thật để đạt được một chứng ngôn về thập phân. Mẫu mực này cũng áp dụng cho tất cả các nguyên tắc phúc âm, cho dù đó là luật trinh khiết, nguyên tắc về cách ăn mặc trang nhã, Lời Thông Sáng, hoặc luật nhịn ăn.

Tôi muốn chia sẻ một ví dụ về cách sống theo nguyên tắc nhằm giúp chúng ta trở nên được cải đạo. Trong thập niên 60, tôi còn là một thiếu nữ và là thiếu nữ Thánh Hữu Ngày Sau duy nhất trong trường trung học của tôi. Đó là một thời kỳ cách mạng tiêu biểu với tình trạng chối bỏ các truyền thống đạo đức, sử dụng ma túy, và quan điểm “tự do làm bất cứ điều gì mình muốn”. Nhiều bạn bè của tôi là những người tốt nhưng thấy rằng rất dễ để bị lôi cuốn vào đạo lý mới mẻ đầy phấn khởi này, mà thực sự chỉ là tình trạng vô đạo đức như cũ. Cha mẹ và các giảng viên ở nhà thờ của tôi đã khắc sâu vào lòng tôi giá trị của việc kính trọng cơ thể của mình, giữ gìn một trí óc trong sáng, và hơn hết là học cách tin cậy vào các lệnh truyền của Chúa. Tôi đã quyết định phải tránh xa tình huống mà tôi biết là sẽ có rượu chè cũng như tránh xa thuốc lá và ma túy. Điều đó thường có nghĩa là tôi không được mời tham dự tiệc tùng, và tôi hiếm khi đi chơi hẹn hò. Việc sử dụng ma túy ngày càng trở nên phổ biến hơn giữa những người trẻ tuổi, và những mối nguy hiểm không được biết rõ ràng như hiện nay. Nhiều bạn bè của tôi sau này bị tổn thương vĩnh viễn vì ma túy làm thay đổi trí óc hoặc bị sa vào tình trạng nghiện ngập nghiêm trọng. Tôi rất biết ơn đã được dạy dỗ để sống theo Lời Thông Sáng trong nhà của mình, và đã đạt được một chứng ngôn sâu xa về nguyên tắc phúc âm đó khi tôi sử dụng đức tin và sống theo. Cảm nghĩ tốt lành đã đến với tôi từ việc sống theo một nguyên tắc phúc âm chân chính là Đức Thánh Linh xác nhận rằng nguyên tắc đó là chân chính. Đó là khi sự cải đạo thực sự bắt đầu xảy ra.

Tiên tri Mô Rô Ni trong Sách Mặc Môn, đã dạy: “Tôi muốn chỉ cho thế gian thấy rằng, đức tin là những gì người ta hy vọng nhưng không trông thấy được; vậy thì các người chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được, vì các người không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của các người đã được thử thách.”6 Trong thế giới của chúng ta, là nơi sự hài lòng ngay lập tức được coi là kỳ vọng, thì chúng ta thường phạm tội vì trông mong được tưởng thưởng mà không cần phải làm việc để có được sự tưởng thưởng đó. Tôi tin rằng Mô Rô Ni đang cho biết là trước hết chúng ta phải làm việc và sử dụng đức tin bằng cách sống theo phúc âm, và rồi chúng ta sẽ nhận được sự làm chứng rằng điều đó là chân chính. Sự cải đạo thực sự xảy ra khi các anh chị em tiếp tục hành động theo các giáo lý mà mình biết là chân chính và tuân giữ các giáo lệnh, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác.

Đây là thời kỳ vinh quang để làm một người trẻ tuổi trong Giáo Hội. Các em là những người đầu tiên tham gia vào chương trình giảng dạy cho giới trẻ Hãy Đến mà Theo Ta, mà một trong số các mục đích của chương trình này là sự cải đạo của các em theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em cũng phải nhớ rằng cho dù cha mẹ của mình và những người lãnh đạo giới trẻ có thể được soi dẫn như thế nào đi nữa, thì “các em cũng có trách nhiệm chính yếu đối với sự cải đạo của mình. Không một ai có thể ép buộc các em phải cải đạo cả.”7 Sự cải đạo xảy ra khi chúng ta siêng năng cầu nguyện, học thánh thư, đi nhà thờ, và xứng đáng để tham dự vào các giáo lễ đền thờ. Sự cải đạo đến khi chúng ta hành động theo các nguyên tắc ngay chính học được trong nhà mình và trong lớp học. Sự cải đạo đến khi chúng ta sống một cuộc sống thanh khiết và đức hạnh cùng vui hưởng sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Sự cải đạo đến khi chúng ta hiểu được Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, công nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và để cho Sự Chuộc Tội có hiệu lực trong cuộc sống của mình.

Sự cải đạo cá nhân sẽ giúp các em khi các em chuẩn bị lập các giao ước trong đền thờ, phục vụ truyền giáo, và thiết lập mái ấm gia đình tương lai của mình. Khi được cải đạo, các em sẽ có ước muốn để chia sẻ với những người khác điều mình đã học được, và lòng tự tin cũng như khả năng của các em để làm chứng cùng những người khác với lòng tin chắc và quyền năng sẽ gia tăng. Ước muốn này để chia sẻ phúc âm với những người khác và lòng tự tin để làm chứng một cách mạnh dạn là kết quả tự nhiên của việc cải đạo thực sự. Đấng Cứu Rỗi dạy cho Phi E Rơ rằng: “Khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.”8

Các em còn nhớ Giô Suê, vị tiên tri chiến sĩ chứ? Ông không những tự cải đạo mà còn làm việc không mệt mỏi đến cuối cuộc đời của ông để mang con cái Y Sơ Ra Ên đến cùng Thượng Đế. Chúng ta đọc trong Kinh Cựu Ước: “Y Sơ Ra Ên phục sự Đức Giê Hô Va trọn lúc sanh tiền của Giô Suê.”9 Một người đã thực sự được cải đạo thì nhận được quyền năng của Sự Chuộc Tội và nhận được sự cứu rỗi cho linh hồn của mình, rồi sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả những người biết mình.

Việc sống theo phúc âm và đứng ở những nơi thánh thiện không phải luôn luôn là dễ dàng hoặc thoải mái, nhưng tôi làm chứng rằng nỗ lực đó rất đáng bõ công! Chúa khuyên Emma Smith hãy “dẹp bỏ những điều của thế gian, và tìm kiếm những điều của một thế giới tốt đẹp hơn.”10 Tôi ngờ rằng chúng ta không thể bắt đầu tưởng tượng được “những điều của một thế giới tốt đẹp hơn” sẽ như thế nào đâu!

Tôi làm chứng rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng có ước muốn mãnh liệt nhất nhằm giúp đỡ và ban phước cho chúng ta trong các nỗ lực của mình để sống theo phúc âm và được cải đạo. Ngài đã phán rõ rằng trọng tâm và công việc chính của Ngài là “sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.”11 Ngài mong muốn mang chúng ta về nhà nơi hiện diện của Ngài. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta hành động theo các giáo lý của phúc âm và mang các giáo lý này ra thực hành hàng ngày, thì chúng ta sẽ trở nên được cải đạo và trở thành một phương tiện để làm nhiều điều tốt lành trong gia đình mình và trên thế giới. Cầu xin cho chúng ta đều được ban phước trong các nỗ lực hàng ngày của mình để đạt được mục tiêu đó là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.