Đến Gần Thượng Đế Hơn
Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta thực sự yêu mến Ngài đến mức chúng ta muốn đặt ý muốn chúng ta theo ý muốn của Ngài.
Oli, đứa cháu ngoại trai sáu tuổi của chúng tôi, là đứa thường gọi tôi một cách trìu mến là “Poppy,” đang phải đi lấy một thứ gì đó ra khỏi xe. Cha nó đứng trong nhà và Oli đã không biết là cha nó đã mở khóa cửa xe với thiết bị điều khiển từ xa khi Oli đến gần xe, rồi khóa cửa xe lại khi đã lấy đồ xong. Sau đó, Oli chạy vào bên trong nhà với một nụ cười thật tươi!
Mọi người trong gia đình hỏi nó: “Làm thế nào con mở được khóa cửa xe rồi sau đó khóa lại?” Nó chỉ mỉm cười.
Con gái của chúng tôi, tức là mẹ của nó, nói: “Có lẽ giống như khi Poppy mở khóa cửa xe—có lẽ con có sức mạnh kỳ diệu giống như ông ngoại đấy!”
Một vài phút sau khi chuyện đó xảy ra lần thứ hai, thì Oli trả lời cho những câu hỏi về khả năng mới của nó là: “Thật là kỳ diệu! Con nghĩ rằng đó là vì Poppy thương con và là một trong những người bạn thân nhất của con, và ông chăm sóc cho con mà!”
Tôi đã được phước để biết về những điều thực sự kỳ diệu đã xảy ra trong cuộc sống của Các Thánh Hữu trung tín trên khắp Châu Phi, Papua New Guinea, Úc, New Zealand, và các quần đảo Thái Bình Dương. Tôi đồng ý với Oli—tôi nghĩ rằng đó là vì những người trung thành đó cảm thấy cũng giống như vậy về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi như Oli đã cảm thấy về tôi. Họ yêu mến Thượng Đế như là một người bạn thân, và Ngài sẽ chăm sóc cho họ.
Các tín hữu của Giáo Hội này được quyền có, và nhiều người đều nhận được một bằng chứng thuộc linh và lập các giao ước thiêng liêng để noi theo Chúa. Tuy nhiên, mặc dù điều đó, một số tín hữu tiến về phía Ngài trong khi những người khác thì không làm như vậy. Các anh chị em thuộc vào loại người nào?
Thượng Đế phải là trung tâm của vũ trụ—điểm tập trung thực sự của chúng ta. Có phải vậy không? Hoặc đôi khi Ngài quá xa cách với suy nghĩ và ý định của lòng chúng ta? (xin xem Mô Si A 5:13). Hãy thấy rằng không chỉ là suy nghĩ của tấm lòng chúng ta là quan trọng mà còn cả “ý định” nữa. Hành vi và hành động của chúng ta phản ảnh ý định liêm chính của chúng ta như thế nào?
Khi con trai của chúng tôi là Ben, được 16 tuổi và nói chuyện trong đại hội giáo khu, nó đã đặt ra câu hỏi: “Các anh chị em sẽ cảm thấy như thế nào nếu một người nào đó đã hứa với các anh em một điều gì đó mỗi tuần mà không bao giờ giữ lời hứa?” Nó nói tiếp: “Chúng ta có coi trọng lời hứa mình đã lập khi dự phần Tiệc Thánh và giao ước để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài không?”
Chúa ban cho những cách để giúp chúng ta tưởng nhớ tới Ngài và quyền năng hỗ trợ của Ngài. Một cách là qua nghịch cảnh chính là điều mà chúng ta đều trải qua (xin xem An Ma 32:6). Khi tôi nghĩ đến những thử thách mà tôi đã phải đối phó, thì rõ ràng là những thử thách này đã dẫn đến sự tăng trưởng, sự hiểu biết, và sự đồng cảm của tôi. Những thử thách này đã đưa tôi đến gần Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài hơn nhờ những kinh nghiệm đó và sự thanh khiết nhận được đã ghi khắc vào lòng tôi.
Sự hướng dẫn và chỉ dẫn của Chúa là rất cần thiết. Ngài đã giúp người anh trai trung tín của Gia Rết bằng cách giải quyết một trong hai thử thách của ông khi Ngài nói với ông cách để có được không khí trong lành bên trong các chiếc thuyền đã được ông vâng lời đóng (xin xem Ê The 2:20). Nhưng, thật là quan trọng khi Chúa không giải quyết vấn đề tạm thời của họ về cách cung cấp ánh sáng, mà Ngài còn nói rõ rằng Ngài, là Chúa, sẽ để cho họ trải qua những kinh nghiệm đòi hỏi họ phải tự giải quyết vấn đề. Ngài sẽ gửi ra các ngọn gió, trận mưa và nạn lụt (xin xem Ê The 2:23–24).
Tại sao Ngài lại làm thế? Và tại sao Ngài cảnh cáo bất cứ ai trong chúng ta để tự mình loại bỏ khỏi nguồn nguy hiểm khi Ngài chỉ có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra? Chủ Tịch Wilford Woodruff đã kể câu chuyện về việc được Thánh Linh cảnh báo phải dời di cỗ xe ngựa mà ông, và vợ con ông đã ngủ trong đó, và rồi chứng kiến một cơn lốc xảy ra ngay sau đó làm bật gốc một cái cây lớn và thả gốc cây đó xuống ngay chỗ cỗ xe ngựa đã đậu trước đó (xin xem Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff [2004], 47).
Trong cả hai trường hợp này, thời tiết có thể được điều chỉnh để loại bỏ những mối nguy hiểm. Nhưng đây là vấn đề—thay vì chính Ngài giải quyết vấn đề, Chúa muốn chúng ta phát triển đức tin để giúp chúng ta dựa vào Ngài trong việc giải quyết các vấn đề của mình và tin cậy Ngài. Sau đó chúng ta có thể cảm thấy tình yêu thương của Ngài liên tục hơn, mãnh liệt hơn, rõ ràng hơn, và riêng tư hơn. Chúng ta trở nên hiệp nhất với Ngài, và chúng ta có thể trở thành giống như Ngài. Mục tiêu của Ngài là được giống như Ngài. Trong thực tế, đó là vinh quang cũng như công việc của Ngài (xin xem Môi Se 1:39).
Một cậu bé đang cố gắng san bằng đống đất phía sau nhà mình để có thể chơi xe ở đó. Một tảng đá lớn đã cản trở công việc của cậu bé. Cậu bé cố sức đẩy và kéo, nhưng cho dù nó có cố gắng đến đâu thì tảng đá cũng không hề nhúc nhích.
Cha nó nhìn một lúc rồi đến nói với con trai của mình: “Con cần phải dùng hết sức để di chuyển tảng đá lớn như thế này.”
Cậu bé đáp: “Con đã dùng hết sức rồi!”
Cha của nó sửa lại: “Không con chưa làm như thế. Con chưa được cha giúp đỡ mà!”
Sau đó, họ cùng nhau cúi xuống và di chuyển tảng đá một cách dễ dàng.
Người cha của bạn tôi, Vaiba Rome, vị chủ tịch giáo khu đầu tiên của Papua New Guinea, cũng đã được dạy rằng ông có thể tìm đến Cha Thiên Thượng trong lúc hoạn nạn. Ông và dân làng của ông đã có thể sống sót nhờ vào mùa màng họ trồng. Một ngày nọ, ông đốt lửa để khai quang phần đất để làm ruộng của làng. Tuy nhiên, trước trận hỏa hoạn đó đã có một thời gian dài nóng bức, và cây cối rất khô. Vậy nên ngọn lửa của ông đã trở thành giống như đám lửa mà Chủ Tịch Thomas S. Monson đã mô tả trong đại hội trung ương lần trước (xin xem “Sự Vâng Lời Mang Đến Các Phước Lành,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 89–90). Ngọn lửa bắt đầu lan rộng đến các đồng cỏ và bụi cây, và theo lời của con trai ông, trở trành “đám lửa cháy như một con quái vật không lồ”. Ông lo sợ cho dân làng của mình và mùa màng của họ có thể bị thất thu. Nếu mùa màng bị hủy hoại, thì ông sẽ phải chịu pháp luật trừng phạt. Vì không có khả năng dập tắt đám cháy đó, nên ông nhớ đến Chúa.
Giờ đây tôi trích dẫn lời từ con trai của ông là người bạn của tôi: “Ông quỳ xuống trên đồi trong những bụi cây và bắt đầu cầu xin Cha Thiên Thượng ngăn chặn ngọn lửa. Bỗng nhiên một đám mây đen lớn xuất hiện ở trên chỗ ông đang cầu nguyện, và trời mưa như trút—nhưng chỉ nơi mà ngọn lửa đang cháy. Khi ông nhìn xung quanh, thì bầu trời vẫn quang đãng ở khắp mọi nơi ngoại trừ nơi ngọn lửa đang cháy. Ông không thể tin là Chúa đã đáp ứng cho một người tầm thường như ông, và một lần nữa, ông quỳ xuống và khóc như một đứa trẻ. Ông nói rằng đó là một cảm giác tuyệt vời nhất” (xin xem An Ma 36:3).
Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta thực sự yêu mến Ngài đến mức chúng ta muốn đặt ý muốn của mình theo ý muốn của Ngài. Rồi chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Ngài và biết được vinh quang của Ngài. Sau đó Ngài có thể ban phước cho chúng ta theo như Ngài muốn. Điều này đã xảy ra cho Nê Phi là con trai của Hê La Man, là người đã đạt đến mức Chúa hoàn toàn tin tưởng ông và, vì thế, đã có thể ban phước cho ông với tất cả những gì ông cầu xin (xin xem Hê La Man 10:4–5).
Trong Cuộc Đời của Pi, cuốn sách hư cấu của Yann Martel, người anh hùng đã bày tỏ cảm xúc của mình về Đấng Ky Tô: “Tôi không thể ngừng suy nghĩ về Ngài. Không thể nào. Tôi đã dành ra suốt ba ngày để suy nghĩ về Ngài. Ngài càng ở trong ý nghĩ của tôi, thì tôi càng không thể quên Ngài. Và tôi càng biết về Ngài, thì tôi càng không muốn rời Ngài” ([2001], 57).
Đó chính là cảm nghĩ của tôi về Đấng Cứu Rỗi. Ngài luôn luôn cận kề, nhất là ở những nơi thiêng liêng và trong những lúc hoạn nạn; và đôi lúc khi tôi ít ngờ nhất, thì lại cảm thấy gần như Ngài đang vỗ vào vai tôi để cho tôi biết rằng Ngài yêu thương tôi. Tôi có thể trả lại tình yêu thương đó theo cách không hoàn hảo của mình là dâng lên Ngài tâm hồn của tôi (xin xem GLGƯ 64:22, 34).
Mới đây chỉ một vài tháng, tôi ngồi với Anh Cả Jeffrey R. Holland trong khi ông chỉ định những người truyền giáo đến phái bộ truyền giáo của họ. Khi ra về, ông chờ tôi, và trong khi chúng tôi đi, ông đã khoác tay lên vai tôi. Tôi nói với ông rằng ông đã từng khoác tay lên vai tôi trước đó ở Úc. Ông nói: “Đó là vì tôi yêu thương anh em!” Và tôi biết điều đó là sự thật.
Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể có đặc ân được thực sự đi bộ với Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ cảm thấy tay của Ngài khoác lên vai của mình giống như vậy. Giống như các môn đồ hướng tới Em Ma Út, “lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?” (Lu Ca 24:32). Đây là sứ điệp của Ngài: “Hãy đến xem” (Giăng 1:39). Có sự riêng tư, thú vị, và chào đón trong lời mời để đi với cánh tay của Ngài khoác lên vai của chúng ta.
Cầu xin cho chúng ta đều cảm thấy tự tin như Ê Nót, như đã được cho thấy trong câu cuối cùng của cuốn sách ngắn nhưng thật sâu sắc của ông: “Tôi cảm thấy sung sướng khi nghĩ tới ngày mà thể xác hữu diệt của tôi đây sẽ được khoác lên sự bất diệt, và sẽ được đứng trước mặt Ngài; lúc đó tôi sẽ hân hoan nhìn thấy mặt Ngài, và Ngài sẽ phán bảo tôi rằng: Hãy đến cùng ta, hỡi ngươi là kẻ được phước, có một chỗ đã sửa soạn sẵn cho ngươi trong các gian nhà của Cha ta.” (Ê Nót 1:27).
Vì đã có nhiều kinh nghiệm và quyền năng khi Thánh Linh làm chứng cho tôi, nên tôi làm chứng một cách tuyệt đối chắc chắn rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Đó là cảm nghĩ tuyệt vời nhất. Cầu xin cho chúng ta có thể làm những gì cần thiết để đặt ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Ngài và thật sự yêu mến Ngài. Trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.