2013
Sức Mạnh để Chịu Đựng
Tháng Mười Một năm 2013


Sức Mạnh để Chịu Đựng

Khả năng chịu đựng cho đến cùng trong sự ngay chính của chúng ta sẽ liên quan trực tiếp đến sức mạnh của chứng ngôn và mức độ cải đạo của chúng ta.

Mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta đối mặt với một ngày mới đầy thử thách của cuộc sống. Những thử thách này có nhiều hình thức: thử thách về mặt thể chất, thất bại tài chính, khó khăn với các mối quan hệ, thử thách về mặt tình cảm, và ngay cả khó khăn vất vả với đức tin của mình.

Nhiều thử thách chúng ta đối phó trong cuộc sống có thể được giải quyết và khắc phục; tuy nhiên, những thử thách khác có thể là khó hiểu, không thể khắc phục được và sẽ ở với chúng ta cho đến khi chết. Khi chúng ta tạm thời chịu đựng những thử thách mà mình có thể tự giải quyết và khi chúng ta tiếp tục chịu đựng những thử thách mà mình không thể giải quyết được, thì điều quan trọng là phải nhớ rằng sức mạnh thuộc linh của chúng ta sẽ giúp chúng ta thành công trong việc chịu đựng tất cả những thử thách trong cuộc sống.

Thưa các anh chị em, chúng ta có một Cha Thiên Thượng, là Đấng đã hoạch định cuộc sống trần thế của chúng ta để bản thân chúng ta có thể học hỏi các bài học mình cần phải học nhằm hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu nơi hiện diện của Ngài.

Một câu chuyện trong cuộc sống của Tiên Tri Joseph Smith minh họa nguyên tắc này. Vị Tiên Tri và vài người bạn đồng hành đã bị bắt giam ở Liberty, Missouri, trong nhiều tháng. Trong khi đau khổ trong tù, Tiên Tri Joseph đã khẩn nài với Chúa trong lời cầu nguyện khiêm nhường để Các Thánh Hữu có thể được thuyên giảm khỏi nỗi đau khổ hiện tại của họ. Chúa đã trả lời bằng cách giảng dạy cho Tiên Tri Joseph, và tất cả chúng ta, rằng những thử thách chúng ta gặp sẽ mang lại lợi ích tột bậc cho chúng ta nếu có thể chịu đựng nổi. Đây là câu trả lời của Chúa cho lời cầu xin của Joseph:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao; ngươi sẽ chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình.”1

Cha Thiên Thượng đã sắp xếp cuộc hành trình của cuộc đời chúng ta để thử nghiệm sức mạnh của chúng ta. Chúng ta tiếp xúc với những ảnh hưởng tốt lẫn xấu và rồi được ban cho quyền tự quyết về mặt đạo đức để tự mình lựa chọn đi theo con đường. Như tiên tri Sa Mu Ên thời xưa trong Sách Mặc Môn đã dạy: “Các người được tự do; các người được phép hành động cho chính mình; vì này, Thượng Đế đã ban cho các người một sự hiểu biết, và Ngài đã làm cho các người được tự do.”2

Cha Thiên Thượng cũng hiểu rằng vì trạng thái hữu diệt của chúng ta nên chúng ta sẽ không luôn luôn lựa chọn điều đúng hoặc ngay chính. Vì không hoàn hảo và vì có lỗi lầm, nên chúng ta cần được giúp đỡ để trở về nơi hiện diện của Ngài. Sự giúp đỡ cần thiết đến từ những lời giảng dạy, tấm gương, và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi làm cho sự cứu rỗi và sự tôn cao trong tương lai của chúng ta có thể thực hiện được qua nguyên tắc về sự hối cải. Nếu chúng ta thành thật và thành tâm hối cải thì Sự Chuộc Tội có thể giúp chúng ta trở nên thanh sạch, thay đổi tính tình, và chịu đựng nổi những thử thách của mình.

Sức chịu đựng là một nguyên tắc quan trọng được tìm thấy trong giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Sức chịu đựng là quan trọng vì tương lai vĩnh cửu của chúng ta liên quan tới khả năng chịu đựng trong sự ngay chính.

Trong 2 Nê Phi 31, tiên tri Nê Phi dạy rằng sau khi chúng ta nhận được cùng một giáo lễ cứu rỗi về phép báp têm mà Chúa Giê Su Ky Tô đã nhận được và sau đó nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, nên chúng ta phải “tiến tới với một sự trì chí …, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: [Chúng ta] sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”3

Vì vậy, để nhận được phước lành lớn nhất trong số tất cả các phước lành của Cha Thiên Thượng, tức là cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải hoàn thành công việc giáo lễ thích hợp và rồi tiếp tục tuân giữ các giao ước có liên quan. Nói cách khác, chúng ta phải chịu đựng được.

Khả năng chịu đựng cho đến cùng trong sự ngay chính của chúng ta sẽ liên quan trực tiếp đến sức mạnh của chứng ngôn và mức độ cải đạo của chúng ta. Khi có chứng ngôn vững mạnh và chúng ta thực sự cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những sự lựa chọn của chúng ta sẽ được Đức Thánh Linh soi dẫn, sẽ tập trung vào Đấng Ky Tô, và sẽ hỗ trợ ước muốn của chúng ta để chịu đựng trong sự ngay chính. Nếu chứng ngôn của chúng ta còn yếu và sự cải đạo của chúng ta hời hợt, thì chúng ta sẽ có nguy cơ nhiều hơn là sẽ bị lôi cuốn bởi những truyền thống sai lạc của thế gian để có những lựa chọn sai lầm.

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm minh họa nỗ lực cần thiết để chịu đựng về mặt thể chất và sau đó so sánh với nỗ lực cần thiết để chịu đựng về mặt thuộc linh. Sau khi phục vụ truyền giáo trở về, tôi đã có cơ hội để chơi bóng rổ cho một huấn luyện viên và tác giả nổi tiếng và có uy tín tại một trường đại học ở California. Huấn luyện viên này rất nghiêm khắc và đòi hỏi cầu thủ của ông phải mạnh khỏe trước khi bắt đầu mùa bóng rổ. Một trong những điều kiện huấn luyện tiên quyết của ông trước khi bất cứ ai trong chúng tôi có thể chạm vào một quả bóng rổ trên sân tập là phải chạy việt dã trên những ngọn đồi gần trường học nhanh hơn một thời gian cụ thể. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi chạy việt dã ngay sau khi đi truyền giáo về là: tôi tưởng là mình sắp chết.

Tôi phải bỏ ra nhiều tuần luyện tập nghiêm túc để cuối cùng mới chạy được trong khoảng thời gian ngắn hơn mục tiêu người huấn luyện viên đề ra. Đó là một cảm giác tuyệt vời là tôi không chỉ có thể chạy đua mà còn chạy nhanh hơn khi gần tới đích.

Để chơi bóng rổ thành công, ta cần phải có được thể lực tốt. Việc có được thể lực tốt đi kèm với một cái giá, và cái giá đó là sự tận tâm, kiên trì, và kỷ luật tự giác. Sự chịu đựng về phần thuộc linh cũng có cái giá của nó. Đó là cùng một mức giá: sự tận tâm, kiên trì, và kỷ luật tự giác.

Chứng ngôn giống như cơ thể của các anh chị em, cần phải được vững mạnh nếu các anh chị em muốn nó chịu đựng. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta giữ cho chứng ngôn của mình được vững mạnh? Chúng ta không thể làm cho cơ thể của mình khỏe mạnh để chơi bóng rổ chỉ bằng cách xem bóng rổ trên truyền hình. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ không thể có được chứng ngôn vững mạnh chỉ bằng cách xem đại hội trung ương trên truyền hình. Chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, rồi sau đó phải cố gắng hết sức của mình để sống theo. Đó là cách chúng ta trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, và đó là cách chúng ta xây đắp một chứng ngôn lâu dài.

Khi chúng ta trải qua nghịch cảnh trong cuộc sống và ước muốn của chúng ta là bắt chước theo các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô, thì điều cần thiết là phải chuẩn bị phần thuộc linh. Việc chuẩn bị phần thuộc linh có nghĩa là chúng ta đã phát triển khả năng chịu đựng về phần thuộc linh hoặc sức mạnh—chúng ta sẽ được khỏe mạnh về phần thuộc linh. Chúng ta sẽ được khỏe mạnh về phần thuộc linh đến nỗi sẽ luôn luôn chọn điều đúng. Chúng ta sẽ trở nên vững vàng trong ước muốn và khả năng của mình để sống theo phúc âm. Như một nhà thơ vô danh đã có lần nói: “Ta phải trở thành đá để sông không cuốn đi được.”

Vì phải đối phó với những thử thách hàng ngày, nên điều quan trọng là chúng ta xây đắp khả năng chịu đựng về phần thuộc linh của mình. Khi chúng ta phát triển khả năng chịu đựng về mặt thuộc linh, thì các truyền thống sai lạc của thế gian, cũng như những thử thách cá nhân hàng ngày, sẽ có ít ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chịu đựng trong sự ngay chính của chúng ta.

Các tấm gương sáng về sức chịu đựng về phần thuộc linh đến từ lịch sử gia đình của chúng ta. Trong số nhiều câu chuyện từ tổ tiên của chúng ta, chúng ta sẽ có thể tìm thấy các tấm gương cho thấy những đặc điểm tích cực của sự chịu đựng.

Nguyên tắc này được minh họa trong một câu chuyện từ lịch sử gia đình của tôi. Ông cố Joseph Watson Maynes của tôi sinh ra vào năm 1856 ở Hull, Yorkshire, nước Anh. Gia đình của ông gia nhập Giáo Hội ở Anh và sau đó đi đến Salt Lake City. Ông kết hôn với Emily Keep vào năm 1883, và họ trở thành cha mẹ của tám người con. Joseph được kêu gọi phục vụ truyền giáo toàn thời gian vào tháng Sáu năm 1910, khi ông 53 tuổi. Với sự hỗ trợ của vợ và tám người con, ông trở lại quê hương nước Anh của mình để phục vụ truyền giáo.

Sau khi phục vụ trung thành trong khoảng hai năm, trong khi ông đang đạp xe cùng với người bạn đồng hành của ông đến các lớp học trong Trường Chủ Nhật ở Gloucester, Anh, thì lốp xe của ông bị xẹp. Ông xuống xe đạp để xem xe bị hỏng như thế nào. Khi thấy rằng xe hỏng rất nặng và sẽ mất một thời gian để chữa, thì ông nói với người bạn đồng hành của mình là hãy đi trước và bắt đầu buổi lễ ngày Chủ Nhật rồi ông sẽ đến đó sau. Ngay khi ông nói xong lời này, thì ông ngã quỵ xuống đất. Ông đã chết đột ngột vì một cơn đau tim.

Joseph Watson Maynes không bao giờ nhìn thấy vợ và tám người con của mình một lần nữa trong cuộc sống này. Họ đã có thể chở thi hài của ông về Salt Lake City và tang lễ của ông diễn ra ở Hội Trường Waterloo cũ. Lời nói của Anh Cả Anthony W. Ivins thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đưa ra tại tang lễ của ông cố tôi dạy cho chúng ta một bài học quan trọng về cuộc sống, cái chết, và sự chịu đựng: “Đây là điều mà phúc âm mang đến cho chúng ta—không miễn trừ khỏi cái chết, nhưng đó là sự chiến thắng cái chết bằng hy vọng của chúng ta nơi sự phục sinh vinh quang … Điều này áp dụng cho [Joseph Maynes]. … Điều đó thật là an ủi, mãn nguyện và niềm vui để biết rằng những người đã hy sinh mạng sống trong sự ngay chính, trong đức tin, cho sự trung thành với đức tin.”4

Câu chuyện này về gia đình tôi đã soi dẫn tôi để cố gắng hết sức tuân theo tấm gương chịu đựng và sức bền bỉ về phần thuộc linh của ông cố tôi. Tôi cũng được soi dẫn bởi đức tin của người vợ của ông, là Emily, mà cuộc sống của bà sau cái chết của Joseph chắc chắn đã là một gánh nặng. Chứng ngôn của bà đã được vững mạnh và bà đã được cải đạo hoàn toàn khi bà dành phần còn lại của cuộc đời mình để trung thành với đức tin trong khi nuôi nấng tám người con.

Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta.”5 Cuộc đua đã dành ra cho chúng ta trên thế gian này là một cuộc chạy đua về sức chịu đựng, đầy dẫy những trở ngại. Những trở ngại trong cuộc đua này là những thử thách mà chúng ta đối mặt vào mỗi buổi sáng khi thức dậy. Chúng ta đang ở đây trên thế gian này để chạy đua, để sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức, và để lựa chọn giữa điều đúng và điều sai. Để hoàn tất cuộc đua và trở về cùng Cha Thiên Thượng một cách vinh dự và thành công, thì chúng ta sẽ cần phải trả cái giá về sự tận tâm, kiên trì, và kỷ luật tự giác. Chúng ta cần phải được khỏe mạnh về phần thuộc linh. Chúng ta cần phải phát triển sức chịu đựng về phần thuộc linh. Chúng ta cần có các chứng ngôn vững mạnh để dẫn đến sự cải đạo hoàn toàn, và do đó, chúng ta sẽ tìm thấy bên trong mình sự bình an và sức mạnh nội tâm cần thiết để chịu đựng bất cứ thử thách nào mình có thể đối phó.

Vì vậy đối với bất cứ thử thách nào các anh chị em phải đối phó khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, thì hãy nhớ rằng—với sức mạnh thuộc linh của mình, cùng với sự giúp đỡ của Chúa, thì vào cuối cuộc đua, các anh chị em sẽ có thể vui hưởng vì có được lòng tự tin như Sứ Đồ Phao Lô đã bày tỏ khi ông nói:

“Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi.

“Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin.

“Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó.”6

Tôi làm chứng cùng các anh chị em về sự thực của một Cha Thiên Thượng nhân từ và kế hoạch tuyệt vời và vĩnh cửu của Ngài đã mang chúng ta đến thế gian này vào lúc này. Cầu xin Thánh Linh của Chúa soi dẫn cho tất cả chúng ta để phát triển bên trong mình sức mạnh để chịu đựng, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.