2013
Ta Sẽ Không Lìa Ngươi, Không Bỏ Ngươi Đâu
Tháng Mười Một năm 2013


“Ta Sẽ Không Lìa Ngươi, Không Bỏ Ngươi Đâu”

Cha Thiên Thượng … biết rằng chúng ta học hỏi, phát triển và trở nên vững mạnh hơn khi đối phó và qua khỏi được các thử thách mình phải trải qua.

Trong nhật ký của tôi buổi tối hôm nay, tôi sẽ viết: “Đây là một trong những phiên họp đầy soi dẫn nhất trong bất cứ đại hội trung ương nào tôi đã tham dự. Mọi việc đều diễn ra tuyệt diệu nhất và tràn đầy Thánh Linh.”

Thưa các anh chị em, cách đây sáu tháng khi chúng ta nhóm họp tại đại hội trung ương, thì người vợ tuyệt vời của tôi là Frances đang nằm trong bệnh viện, vì bị té ngã nặng chỉ một vài ngày trước đó. Vào tháng Năm, sau nhiều tuần dũng cảm chống chọi để vượt qua thương tích của mình, bà đã qua đời. Tôi nhớ thương vợ tôi vô cùng. Vợ chồng tôi đã kết hôn trong Đền Thờ Salt Lake vào ngày 7 tháng 10 năm 1948. Ngày mai đáng lẽ sẽ là ngày kỷ niệm 65 năm ngày cưới của chúng tôi. Bà là người tôi yêu hơn bất cứ điều gì trong đời tôi, người bạn đời tin cậy của tôi, và là người bạn thân nhất của tôi. Việc nói rằng tôi nhớ bà ấy không diễn tả hết cảm xúc sâu thẳm của lòng tôi.

Đại hội này đánh dấu 50 năm kể từ khi tôi được Chủ Tịch David O. McKay kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Trong suốt những năm này tôi luôn luôn được vợ tôi hỗ trợ trọn vẹn và hoàn toàn. Bà đã hy sinh rất nhiều để tôi có thể hoàn thành chức vụ kêu gọi của tôi. Tôi chưa bao giờ nghe bà than vãn vì thường được yêu cầu phải xa bà và con cái tôi trong nhiều ngày và đôi khi nhiều tuần nữa. Quả thực, bà ấy là một thiên thần.

Tôi muốn gửi lời cám ơn của tôi, cũng như của gia đình tôi về tình yêu thương bao la dành cho chúng tôi kể từ khi Frances qua đời. Hàng trăm tấm thiệp và lá thư đã được gửi từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với bà và gửi lời chia buồn đến gia đình chúng tôi. Chúng tôi nhận được hàng chục giỏ hoa xinh đẹp. Chúng tôi biết ơn những ai đã đóng góp rất nhiều dưới tên của bà cho Quỹ Truyền Giáo Trung Ương của Giáo Hội. Thay mặt cho những người bà bỏ lại trong số chúng tôi, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm về những cách các anh chị em biểu lộ tình yêu thương ân cần và chân thành đối với chúng tôi.

Nguồn an ủi lớn nhất cho tôi trong thời gian đau buồn vì sự chia ly này là chứng ngôn của tôi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hiểu biết tôi có rằng Frances yêu quý của tôi vẫn sống. Tôi biết rằng sự chia ly của chúng tôi chỉ là tạm thời thôi. Chúng tôi đã được làm lễ gắn bó trong nhà của Thượng Đế bởi một người có thẩm quyền để ràng buộc trên thế gian và trên thiên thượng. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ được đoàn tụ vào một ngày nào đó và sẽ không bao giờ bị chia cách nữa. Sự hiểu biết này đã giúp đỡ tôi.

Thưa các anh chị em, có thể là an toàn để cho rằng không có một người nào đã từng sống mà hoàn toàn không bị đau khổ và buồn phiền, cũng như chưa bao giờ có một thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại mà không có tình trạng hỗn loạn và đau khổ.

Khi trải qua những hoàn cảnh ngặt nghèo trong đời, thì chúng ta bị cám dỗ để đặt câu hỏi: “Tại sao tôi lại bị như vậy?” Đôi khi duờng như không còn có một tia hy vọng nào, thì những khó khăn dường như vô tận. Chúng ta cảm thấy mình bị bao quanh bởi nỗi thất vọng về những giấc mơ tan vỡ, và nỗi tuyệt vọng về những hy vọng tiêu tan. Chúng ta cùng thốt lên câu hỏi như trong Kinh Thánh: “Trong Ga La Át há chẳng có nhũ hương sao?”1 Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, đau khổ và lẻ loi. Chúng ta có khuynh hướng xem nỗi bất hạnh của riêng cá nhân mình qua cái nhìn bi quan. Chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn về một giải pháp cho vấn đề của mình, mà quên rằng thường thường đức tin thiêng liêng của lòng kiên nhẫn là cần thiết.

Những khó khăn xảy đến cho thấy thử thách thực sự về khả năng chịu đựng của chúng ta. Một câu hỏi cơ bản vẫn chưa được mỗi người chúng ta trả lời: Tôi phải bỏ cuộc hay là tôi sẽ hoàn thành? Một số người thật sự bỏ cuộc khi thấy họ không thể khắc phục được những khó khăn của mình. Việc hoàn thành gồm có khả năng chịu đựng đến phút cuối của cuộc đời.

Khi suy ngẫm về những sự kiện có thể xảy ra cho tất cả chúng ta, chúng ta có thể cùng nói với Gióp trong thời xưa: “Loài người sanh ra để bị khốn khó.”2 Gióp là một người “vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác.”3 Ngay chính trong hành vi của mình, thịnh vượng trong tài sản của mình, Gióp phải đối phó với một thử thách mà có thể hủy diệt bất cứ người nào. Tài sản của ông bị lấy đi, bị bạn bè khinh miệt, đau khổ trước cảnh mất mát gia đình, ông đã bị thúc giục “hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi!”4 Ông đã chống lại cám dỗ này và tuyên bố từ đáy tâm hồn cao quý của mình:

“Chính giờ này, Đấng chứng tôi ở trên trời, Và Đấng bảo lãnh cho tôi ở tại nơi cao.”5

“Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống.”6

Gióp vẫn luôn trung tín. Chúng ta cũng sẽ làm như vậy khi trải qua những thử thách đó không?

Bất cứ khi nào chúng ta có khuynh hướng cảm thấy gánh nặng với những khó khăn của cuộc đời, thì hãy nhớ rằng những người khác cũng đã trải qua cùng một cách như vậy, đã chịu đựng, và sau đó đã khắc phục.

Lịch sử của Giáo Hội trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn này có đầy dẫy những kinh nghiệm của những người đã vất vả tranh đấu nhưng vẫn bền lòng và vui vẻ. Tại sao? Họ đặt phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống của họ. Thái độ này sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ vẫn phải trải qua những thử thách gay go, nhưng chúng ta sẽ có thể đối phó, đương đầu với những thử thách đó và chiến thắng vẻ vang.

Từ cái giường bệnh, từ cái gối ướt đẫm nước mắt, chúng ta được nâng lên cao bởi sự bảo đảm thiêng liêng và lời hứa quý báu đó: “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu.”7 Lời an ủi như vậy thật là vô giá.

Vì tôi đã hành trình khắp nơi trên thế giới để làm tròn trách nhiệm của sự kêu gọi của mình, tôi đã dần dần biết được nhiều điều—kể cả sự thật là nỗi buồn và đau khổ đều là phổ biến. Tôi không thể bắt đầu đo lường tất cả nỗi đau khổ và buồn phiền mà tôi đã chứng kiến khi tôi đi thăm những người đang đau buồn, bị bệnh, đang ly dị, vất vả với một đứa con trai hay con gái ương ngạnh, hoặc phải chịu những hậu quả của tội lỗi. Bản liệt kê còn kể thêm nhiều nữa, vì có vô số vấn đề có thể xảy ra cho chúng ta. Việc chỉ đề cập đến một ví dụ là rất khó, tuy nhiên bất cứ lúc nào tôi nghĩ đến những thử thách đó, thì ý nghĩ của tôi làm tôi nhớ đến Anh Brems, một trong các giảng viên trường Chủ Nhật thời niên thiếu của tôi. Ông là một tín hữu trung thành của Giáo Hội, một người có tấm lòng vàng. Ông và vợ ông là Sadie có tám người con, nhiều người con này cùng tuổi với những người trong gia đình của chúng tôi.

Sau khi Frances và tôi kết hôn và dọn ra khỏi tiểu giáo khu thì chúng tôi vẫn gặp Anh Chị Brems và những người trong gia đình của họ tại những lễ cưới và đám tang, cũng như các buổi họp mặt của tiểu giáo khu.

Năm 1968, vợ Anh Brems là Sadie qua đời. Hai trong số tám người con của ông cũng qua đời trong những năm kế tiếp.

Một ngày cách đây gần 13 năm, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người cháu gái lớn nhất của Anh Brems. Chị giải thích rằng ông nội của chị sẽ được 105 tuổi. Chị nói: “Ông sống ở một trung tâm điều dưỡng nhỏ nhưng họp mặt với cả gia đình vào mỗi ngày Chủ Nhật, là lúc ông dạy một bài học về phúc âm.” Chị ấy nói tiếp: “Ngày Chủ Nhật vừa rồi, Ông Nội nói cho chúng tôi biết: ‘Các con và các cháu yêu quý của ta, ta sẽ ra đi vào tuần này. Xin các con và các cháu làm ơn gọi điện thoại cho Tommy Monson. Anh ấy sẽ biết phải làm gì.’”

Tôi đi thăm Anh Brems ngay buổi chiều hôm sau. Tôi không gặp ông đã lâu. Tôi không thể nói chuyện được với ông, vì ông đã bị điếc. Tôi không thể viết một lời cho ông đọc, vì ông đã bị mù. Tôi được cho biết rằng gia đình của ông tiếp xúc với ông bằng cách lấy ngón tay của bàn tay phải của ông và viết vào lòng bàn tay trái của ông tên của người đến thăm. Bất cứ lời nào cũng đều được tiếp xúc theo cách này. Tôi làm theo cách đó bằng cách lấy ngón tay của ông và đánh vần T-O-M-M-Y M-O-N-S-O-N, cái tên mà ông luôn luôn gọi tôi. Anh Brems trở nên phấn khởi, và nắm lấy đôi tay tôi, đặt chúng lên đầu ông. Tôi biết là ông muốn nhận được một phước lành chức tư tế. Người tài xế chở tôi đến trung tâm điều dưỡng cùng với tôi đặt tay lên đầu Anh Brems và ban cho phước lành mà ông mong muốn. Sau đó, nước mắt lăn xuống từ đôi mắt mù lòa của ông. Ông nắm tay của chúng tôi với lòng biết ơn. Mặc dù ông không nghe được phước lành chúng tôi đã ban cho ông, nhưng có Thánh Linh hiện diện, và tôi tin rằng ông đã được soi dẫn để biết là chúng tôi đã ban cho phước lành mà ông cần. Người đàn ông tuyệt vời này không còn có thể thấy được. Ông không còn có thể nghe được. Suốt đêm và suốt ngày, ông nằm liệt trong căn phòng nhỏ của một trung tâm điều dưỡng. Tuy nhiên nụ cười trên khuôn mặt của ông và những lời của ông làm cho tôi cảm động. Ông nói: “Cám ơn anh. Cha Thiên Thượng rất nhân từ với tôi.”

Trong vòng một tuần, như ông đã đoán trước, ông qua đời. Ông không bao giờ tập trung vào điều ông thiếu; thay vì thế, ông luôn luôn vô cùng biết ơn về nhiều phước lành của mình.

Cha Thiên Thượng, là Đấng đã ban cho chúng ta rất nhiều điều để vui hưởng, cũng biết rằng chúng ta học hỏi, phát triển và trở nên vững mạnh hơn khi đối phó và qua khỏi được các thử thách mình phải trải qua. Chúng ta biết rằng có những lúc chúng ta sẽ trải qua những nỗi đau khổ, khi đau buồn, và khi có thể bị thử thách đối với các giới hạn của mình. Tuy nhiên, những nỗi khó khăn như vậy cho phép chúng ta thay đổi để được tốt hơn, để xây dựng lại cuộc sống của mình theo cách Cha Thiên Thượng đã dạy chúng ta, và để trở thành một con người khác hơn với con người lúc trước của mình—tốt hơn so với con người mình trước đây, chúng ta hiểu biết nhiều hơn, đồng cảm nhiều hơn, với chứng ngôn vững mạnh hơn bao giờ hết.

Đây cần phải là mục đích của chúng ta—không những phải kiên trì và chịu đựng, mà còn phải trở nên được thanh khiết hơn về phần thuộc linh khi chúng ta sống qua những lúc vui và lúc buồn. Nếu không có những thử thách để khắc phục và những vấn đề để giải quyết, thì chúng ta sẽ vẫn là con người như hiện tại, có rất ít hoặc không có tiến bộ hướng tới mục tiêu của mình là cuộc sống vĩnh cửu. Một nhà thơ đã bày tỏ ý nghĩ giống như vậy trong những lời này:

Gỗ tốt không phát triển một cách dễ dàng.

Gió càng mạnh, cây càng mạnh mẽ hơn.

Càng có chỗ trống để mọc lên thì cây càng mọc cao hơn,

Càng có giông bão thì càng có sức mạnh.

Bởi ánh nắng mặt trời và lạnh, bởi mưa và tuyết,

Gỗ tốt từ cây mà ra, cá tính tốt từ những con người mà ra.8

Chỉ có Đức Thầy mới biết được mức độ của những thử thách, nỗi đau đớn, và đau khổ của chúng ta. Chỉ có một mình Ngài mới ban cho chúng ta sự bình an vĩnh cửu trong lúc nghịch cảnh. Chỉ một mình Ngài mới ảnh hưởng đến tâm hồn đau khổ của chúng ta với những lời an ủi của Ngài:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”9

Cho dù đó là thời điểm tốt nhất hoặc tồi tệ nhất, thì Ngài vẫn ở với chúng ta. Ngài đã hứa rằng điều này sẽ không bao giờ thay đổi.

Thưa các anh chị em, cầu xin cho chúng ta lập một cam kết với Cha Thiên Thượng và cam kết đó sẽ không thay đổi với những thăng trầm của thời gian. Chúng ta không cần phải trải qua những khó khăn thì mới nhớ đến Ngài, và chúng ta không bị bắt buộc phải khiêm nhường trước khi dâng lên Ngài đức tin và sự tin cậy của mình.

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn cố gắng để được gần gũi với Cha Thiên Thượng. Để làm như vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện lên Ngài và lắng nghe Ngài mỗi ngày. Chúng ta thực sự luôn luôn cần Ngài, dù đó là lúc vui hay buồn. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn ghi nhớ lời hứa của Ngài: “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu.”10

Với cả tâm hồn mình, tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống và yêu thương chúng ta, rằng Con Trai Độc Sinh Yêu Quý của Ngài đã sống và chết cho chúng ta, và rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là sự sáng soi trong tối tăm của cuộc sống chúng ta. Cầu xin cho điều đó có thể luôn luôn được như vậy, tôi cầu nguyện trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.