2013
Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng
Tháng Mười Một năm 2013


Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng

Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối, mà thật sự có nghĩa là đối xử với lòng nhân từ và tử tế.

Mặc Môn dạy rằng một người “không thể có đức tin và hy vọng nếu người đó không nhu mì và không khiêm tốn trong lòng.”1 Mặc Môn nói thêm rằng nếu không có các thuộc tính đó thì “đức tin và hy vọng của người đó đều trở nên vô bổ, vì không ai được chấp nhận trước mặt Thượng Đế ngoài những người nhu mì và khiêm tốn trong lòng.”2

Tính nhu mì là đức tính của những người “kính sợ Thượng Đế, ngay chính, khiêm nhường, dễ dạy và kiên nhẫn trong lúc thống khổ.”3 Những người có được thuộc tính này đều sẵn lòng đi theo Chúa Giê Su Ky Tô và những điều giảng dạy về phúc âm của Ngài, họ có tính tình điềm tĩnh, ngoan ngoãn, khoan dung, và biết phục tùng.

Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng tính nhu mì là trái của Thánh Linh.4 Vì vậy chúng ta có thể dễ dàng đạt được tính nhu mì nếu chúng ta “nhờ Thánh Linh mà sống.”5 Và để nhờ Thánh Linh mà sống, lối sống của chúng ta phải phản ảnh sự ngay chính trước Chúa.

Khi mang lấy danh của Đấng Ky Tô, chúng ta được kỳ vọng phải cố gắng bắt chước các thuộc tính của Ngài và thay đổi tính tình để trở thành giống như Ngài hơn mỗi ngày. Khi khuyên nhủ các môn đồ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”6 Nếu chúng ta “đến cùng Đấng Ky Tô, chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính, và yêu mến Thượng Đế, thì qua ân điển của Đấng Ky Tô, sẽ đến ngày mà chúng ta có thể được toàn thiện trong Ngài.7

“Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là ân tứ từ Thượng Đế. [Các thuộc tính này] đến, khi [chúng ta] sử dụng quyền tự quyết [của mình] một cách ngay chính. Với ước muốn làm hài lòng Thượng Đế, [chúng ta phải] nhận ra yếu điểm [của mình] và sẵn lòng và thiết tha muốn cải tiến.”8

Tính nhu mì là thiết yếu cho chúng ta để trở thành giống như Đấng Ky Tô hơn. Nếu không có tính nhu mì, chúng ta sẽ không thể phát triển các đức tính quan trọng khác. Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối, mà thật sự có nghĩa là đối xử với lòng nhân từ và tử tế, cho thấy sức mạnh, điềm tĩnh, lòng tự trọng lành mạnh, và tính tự chủ.

Tính nhu mì là một trong các thuộc tính phổ biến nhất trong cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. Chính Ngài đã dạy các môn đồ của Ngài: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường … học theo ta.”9

Chúng ta được phước để sinh ra với một hạt giống nhu mì trong lòng. Chúng ta cần phải hiểu rằng không thể nào gia tăng và phát triển hạt giống đó chỉ trong nháy mắt mà đúng hơn là phải trải qua một thời gian. Đấng Ky Tô đòi hỏi chúng ta phải “mỗi ngày vác thập tự giá mình,”10 có nghĩa là tiến trình này phải là một sự tập trung và là một ước muốn liên tục.

Chủ tịch Lorenzo Snow, vị tiên tri thứ năm của gian kỳ chúng ta đã dạy: “Bổn phận của chúng ta là cố gắng để được toàn hảo , … để cải tiến mỗi ngày, và xem xét lại những việc chúng ta đã làm trong tuần trước và làm những việc tốt hơn trong tuần này; Hãy làm những việc ngày hôm nay tốt hơn so với những việc chúng ta đã làm ngày hôm qua.”11 Vậy nên, bước đầu tiên để trở nên nhu mì là cải tiến mỗi ngày. Mỗi ngày chúng ta cần phải cố gắng để được tốt hơn so với ngày hôm trước trong khi chúng ta tiến bước qua tiến trình này.

Chủ Tịch Snow nói thêm:

“Chúng ta có những hành động điên rồ nhỏ nhặt và các yếu điểm của mình; chúng ta nên cố gắng để khắc phục chúng càng nhanh càng tốt, và … nên [làm thấm nhuần] cảm giác này trong tâm hồn của con cái chúng ta … để chúng có thể học cách [hành xử] thích hợp trước mặt Ngài trong mọi hoàn cảnh.

“Nếu người chồng có thể sống với vợ của mình một ngày mà không gây gổ hoặc không đối xử với bất cứ ai một cách không tử tế hoặc không làm buồn lòng Thánh Linh của Thượng Đế … ; thì cho đến lúc đó người chồng ấy là toàn hảo. Sau đó hãy để cho người ấy cố gắng để được như vậy vào ngày hôm sau. Nhưng giả sử người ấy thất bại trong việc này vào ngày hôm sau, thì không có lý do nào mà người ấy lại không thành công để làm như vậy trong ngày thứ ba.”12

Sau khi ghi nhận lòng tận tụy và kiên trì của chúng ta, Chúa sẽ ban cho điều mà chúng ta không thể đạt được vì con người chúng ta không toàn hảo và có yếu điểm.

Một bước quan trọng khác nữa để trở nên nhu mì là học cách kiềm chế tính khí nóng nẩy của mình. Vì trong mỗi người chúng ta đều có con người thiên nhiên và vì chúng ta sống trong một thế giới đầy áp lực, nên việc kiềm chế tính khí nóng nẩy có thể trở thành một trong những thử thách trong cuộc sống. Hãy suy nghĩ trong một vài giây về việc anh chị em sẽ phản ứng như thế nào khi một người nào đó không làm theo ý muốn của mình trong giây phút mà các anh chị em muốn họ làm. Còn khi người ta bất đồng với ý kiến của các anh chị em thì sao, mặc dù các anh chị em hoàn toàn chắc chắn rằng các ý kiến của mình là giải pháp thích hợp cho một vấn đề? Phản ứng của các anh chị em sẽ ra sao khi một người nào đó xúc phạm đến các anh chị em, phê bình những nỗ lực của các anh chị em, hoặc là không tử tế với các anh chị em vì người ấy đang ở trong một tâm trạng không vui? Vào những giây phút này và trong những hoàn cảnh khó khăn khác, chúng ta phải học cách kiềm chế tính khí nóng nẩy của mình và bày tỏ những cảm nghĩ của mình bằng lòng kiên nhẫn và lời nói thuyết phục dịu dàng. Điều này là quan trọng nhất ở bên trong nhà của chúng ta và bên trong mối quan hệ của chúng ta với người bạn đời vĩnh cửu của mình. Trong 31 năm tôi kết hôn với người vợ yêu dấu của tôi, bà ấy thường đưa ra những lời nhắc nhở “dịu dàng” về điều này trong khi chúng tôi trải qua những thử thách đáng lo ngại của cuộc sống.

Trong số những chỉ dẫn trong Thư Thứ Hai của Sứ Đồ Phao Lô gửi cho Ti Mô Thê, ông đã nói:

“Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục,

“Dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật,

“Và họ tỉnh ngộ.”13

Bằng cách kiềm chế các phản ứng của mình, bình tĩnh và ôn hòa, và tránh tranh cãi, chúng ta sẽ bắt đầu hội đủ điều kiện để có được ân tứ của tính nhu mì. Chủ Tịch Henry B. Eyring có lần đã nói: “Khi chúng ta kiềm chế cơn giận và nén lòng kiêu hãnh của mình với đức tin, thì Đức Thánh Linh ban cho sự chấp nhận của Ngài và những lời hứa thiêng liêng cũng như các giao ước trở nên chắc chắn.”14

Một bước khác nữa để đạt được tính nhu mì là trở nên khiêm nhường. Chúa đã chỉ dạy cho Thomas B. Marsh qua Tiên Tri Joseph Smith khi phán rằng: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”15

Thưa các anh chị em, tôi tin rằng chỉ có những người nào khiêm tốn mới có thể nhận ra và hiểu những sự đáp ứng của Chúa cho những lời cầu nguyện của họ. Người khiêm tốn là dễ dạy, công nhận rằng mình phụ thuộc vào Thượng Đế và mong muốn tuân phục ý Ngài. Người khiêm tốn là người nhu mì và có khả năng để ảnh hưởng đến những người khác cũng giống như mình vậy. Lời hứa của Thượng Đế cho người khiêm tốn là Ngài sẽ nắm tay dẫn dắt họ. Tôi thực sự tin rằng chúng ta sẽ tránh được những điều làm cho chúng ta đi sai đường và tránh không gặp nỗi buồn phiền trong cuộc sống chừng nào chúng ta còn bước đi tay trong tay với Chúa.

Một trong những tấm gương nhu mì tuyệt vời nhất hiện nay mà tôi biết được là sự cải đạo của Anh Moses Mahlangu. Sự cải đạo của anh ấy bắt đầu vào năm 1964 khi anh ấy nhận được một quyển Sách Mặc Môn. Anh ấy đã bị thu hút khi đọc quyển sách này, nhưng mãi đến đầu thập niên 70 anh ấy mới thấy một tấm bảng hiệu Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau trên một tòa nhà ở Johannesburg, Nam Phi, trong khi đang đi bộ trên đường. Anh Mahlangu tò mò và bước vào tòa nhà để tìm hiểu thêm về Giáo Hội. Anh ấy được người ta tử tế nói cho biết rằng anh ấy không thể tham dự các buổi lễ hoặc được làm lễ báp têm vì luật pháp của đất nước vào lúc đó không cho phép.

Anh Mahlangu chấp nhận quyết định đó với tính nhu mì, khiêm tốn, và không oán giận, nhưng anh ấy vẫn tiếp tục có một ước muốn mạnh mẽ để tìm hiểu thêm về Giáo Hội. Anh ấy yêu cầu các vị lãnh đạo Giáo Hội xem họ có thể để cửa sổ của nhà hội mở trong lúc diễn ra các buổi họp ngày Chủ Nhật để anh có thể ngồi bên ngoài và lắng nghe các buổi lễ. Trong vài năm, gia đình và bạn bè của Anh Mahlangu đã thường xuyên tham dự nhà thờ “qua cửa sổ.” Một hôm vào năm 1980, họ đã được cho biết rằng họ có thể tham dự nhà thờ và cũng có thể được làm phép báp têm nữa. Thật là một ngày vinh quang đối với Anh Mahlangu.

Sau đó, Giáo Hội đã tổ chức một chi nhánh trong khu phố của anh ở Soweto. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ vào lòng quyết tâm, can đảm, và trung tín của những người như Anh Mahlangu, là người vẫn trung thành suốt nhiều năm trong những hoàn cảnh khó khăn.

Một người bạn của Anh Mahlangu, là người đã gia nhập Giáo Hội cùng một lúc, đã kể lại câu chuyện này cho tôi nghe khi tôi đến thăm giáo khu Soweto. Vào lúc cuối cuộc trò chuyện của chúng tôi, anh ấy đã ôm chặt lấy tôi. Vào lúc đó, thưa các anh chị em, tôi cảm thấy như thể tôi đã được bao bọc trong vòng tay thương yêu của Đấng Cứu Rỗi. Đôi mắt của người anh em tốt bụng này thể hiện tính nhu mì. Với một trái tim nhân từ và vô cùng biết ơn, anh ấy đã yêu cầu tôi có thể nói với Chủ Tịch Thomas S. Monson rằng anh ấy và nhiều người khác đã biết ơn và được phước biết bao vì đã có phúc âm chân chính trong cuộc sống của họ. Anh Mahlangu và tấm gương nhu mì của người bạn anh quả thật đã ảnh hưởng đến nhiều cuộc sống tốt lành—nhất là cuộc sống của tôi.

Thưa các anh chị em, tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô là tấm gương tối cao về tính nhu mì. Ngay cả trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống trần thế của Ngài, bị cáo buộc và lên án một cách bất công, đau đớn vác cây thập tự của Ngài đi lên Đồi Sọ, bị các kẻ thù của Ngài nhạo báng và nguyền rủa, bị nhiều người đã biết Ngài và đã chứng kiến các phép lạ của Ngài bỏ rơi, Ngài cũng đã bị đóng đinh trên cây thập tự.

Ngay cả sau khi nỗi đau đớn mãnh liệt nhất của thể xác, Chúa cũng đã ngước nhìn lên Cha Ngài và nói từ đáy lòng nhu mì và khiêm tốn của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”16 Đấng Ky Tô đã trải qua nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, đã cho chúng ta cơ hội để thay đổi tính khí thuộc linh và trở nên nhu mì giống như Ngài.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi làm chứng với các anh chị em rằng, nhờ vào tình yêu thương của Ngài, nên chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể từ bỏ các yếu điểm của mình. Chúng ta có thể khước từ các ảnh hưởng xấu xa trong cuộc sống của mình, kiềm chế cơn nóng giận, trở nên nhu mì, và phát triển các thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi. Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy con đường. Ngài đã ban cho chúng ta tấm gương toàn hảo và truyền lệnh cho mỗi người chúng ta trở thành giống như Ngài. Lời mời gọi của Ngài cho chúng ta là hãy đi theo Ngài, noi gương Ngài, và trở thành giống như Ngài. Tôi làm chứng về các lẽ thật này trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.