2013
Đặt Lòng Tin Cậy nơi Chúa
Tháng Mười Một năm 2013


Đặt Lòng Tin Cậy nơi Chúa

Hãy tham gia vào việc làm điều mà các anh chị em có thể làm trong việc chia sẻ sứ điệp tuyệt vời của Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chị Ballard và tôi vừa trở về từ một chỉ định đến thăm năm quốc gia ở châu Âu. Ở đó chúng tôi đã có đặc ân được gặp gỡ nhiều người truyền giáo của chúng ta, có lẽ một số người là các con trai con gái của các anh chị em. Kể từ khi Chủ Tịch Thomas S. Monson loan báo hạ thấp độ tuổi để phục vụ của các thanh niên và thiếu nữ của chúng ta, thì tôi đã có đặc ân để gặp gỡ hơn 3.000 người trong số họ. Gương mặt họ tỏa ra Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, và họ đang háo hức để tiến hành công việc—tìm kiếm và giảng dạy, làm phép báp têm và giúp các tín hữu trở lại tích cực, và củng cố cùng xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Tuy nhiên, khi gặp họ, thì một người nhanh chóng nhận biết rằng họ không thể làm công việc này một mình được. Hôm nay, tôi muốn ngỏ lời cùng tất cả các tín hữu của Giáo Hội, vì đây là điều khẩn cấp để mỗi người chúng ta tham gia vào công việc chia sẻ phúc âm.

Như đã được trích dẫn nhiều lần, Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố rằng “sau khi tất cả những gì đã đuợc nói rồi, thì bổn phận lớn nhất và quan trọng nhất là để thuyết giảng Phúc Âm” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 330).

Vào năm 1974, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói như sau: “Có lẽ lý do quan trọng nhất của công việc truyền giáo là để cho thế gian cơ hội nghe và chấp nhận phúc âm. Thánh thư chứa đầy các lệnh truyền, lời hứa, những sự kêu gọi và phần thưởng cho việc giảng dạy phúc âm. Tôi cố tình dùng từ lệnh truyền vì dường như đó là một chỉ thị khẳng định mà chúng ta không thể thoát khỏi từ đó, cả riêng cá nhân lẫn chung tập thể” (“When the World Will Be Converted,” Ensign, tháng Mười năm 1974, 4).

Vào tháng Bảy cùng năm đó, Chị Ballard và tôi cùng với con cái chúng tôi rời nhà ra đi chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Canada Toronto. Tôi nhớ rất rõ những lời của Chủ Tịch Kimball, nhất là khi ông nói: “Thưa các anh em, tôi tự hỏi là chúng ta có đang làm với hết khả năng của mình không. Chúng ta có mãn nguyện trong phương pháp giảng dạy của mình cho tất cả thế gian không? Bây giờ, chúng ta đã truyền đạo được 144 năm. Chúng ta có sẵn sàng cố gắng thêm nữa không? Để mở rộng tầm nhìn của mình không?” (Ensign, tháng Mười năm 1974, 5).

Ông cũng yêu cầu chúng tôi đẩy nhanh công việc của chúng tôi, cùng làm việc chung với nhau để xây đắp Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế.

Tháng Sáu vừa qua Chủ Tịch Thomas S. Monson đã lặp lại cùng một sứ điệp này cho các tín hữu của Giáo Hội. Vị Chủ Tịch đã nói: “Bây giờ là lúc để các tín hữu và những người truyền giáo đến với nhau … [và] lao nhọc trong vườn nho của Chúa để đem loài người về cùng Ngài. Ngài đã chuẩn bị các phương tiện cho chúng ta để chia sẻ phúc âm trong vô số cách thức, và Ngài sẽ phụ giúp chúng ta trong công việc lao nhọc nếu chúng ta chịu hành động trong đức tin để làm công việc của Ngài” (“Faith in the Work of Salvation” [bài nói chuyện được đưa ra tại một buổi phát sóng đặc biệt, ngày 23 tháng Sáu năm 2013]; lds.org/broadcasts).

Thưa các anh chị em, thật là tốt để suy ngẫm về những lời dạy của các vị tiên tri từ thời Joseph Smith đến ngày nay. Họ đã khuyến khích và yêu cầu giới lãnh đạo và các tín hữu của Giáo Hội nên thiết tha mang sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng trên khắp thế gian.

Sứ điệp của tôi vào buổi chiều hôm nay là Chúa đang xúc tiến nhanh công việc của Ngài. Trong thời kỳ của chúng ta, điều này chỉ có thể được thực hiện khi mọi tín hữu của Giáo Hội tìm đến với tình yêu thương để chia sẻ các lẽ thật về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải cùng làm việc và cộng tác với 80.000 người truyền giáo của chúng ta hiện đang phục vụ. Thông tin về công việc vĩ đại này, nhất là những chỉ định cho các vị lãnh đạo của hội đồng giáo khu và tiểu giáo khu, đã được trình bày rõ ràng trên trang mạng LDS.org có tựa đề là “Xúc Tiến Nhanh Công Việc Cứu Rỗi.”

Chúng ta biết từ việc nghiên cứu của mình là hầu hết các tín hữu tích cực nhất của Giáo Hội đều muốn các phước lành của phúc âm trở thành một phần cuộc sống của người họ yêu thương, ngay cả những người mà họ chưa bao giờ gặp mặt. Nhưng chúng ta cũng biết rằng nhiều tín hữu ngần ngại làm công việc truyền giáo và chia sẻ phúc âm vì hai lý do cơ bản.

  • Lý do thứ nhất là sợ hãi. Nhiều tín hữu còn không cầu xin các cơ hội để chia sẻ phúc âm, vì sợ rằng họ có thể nhận được những thúc giục thiêng liêng để làm một điều gì đó mà họ nghĩ rằng họ không có khả năng làm.

  • Lý do thứ hai là sự hiểu lầm về ý nghĩa của công việc truyền giáo.

Chúng ta biết rằng khi một người nào đó đứng lên để đưa ra một bài nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh và nói: “Hôm nay tôi sẽ nói về công việc truyền giáo,” hoặc có lẽ ngay cả khi Anh Cả Ballard đứng lên trong đại hội trung ương và nói những điều tương tự, thì một số các anh chị em đang lắng nghe có thể nghĩ rằng: “Ôi, lại nữa sao; chúng tôi đã nghe điều này rồi.”

Giờ đây, chúng ta biết rằng không một ai thích cảm nghĩ tội lỗi. Có lẽ các anh chị em cảm thấy mình có thể được yêu cầu làm những điều không thực tế trong mối quan hệ của mình với bạn bè hoặc hàng xóm. Với sự giúp đỡ của Chúa, hãy để tôi loại bỏ bất cứ nỗi sợ hãi nào các anh chị em hoặc bất cứ những người truyền giáo toàn thời gian nào có thể cảm thấy trong việc chia sẻ phúc âm với những người khác.

Hãy quyết định làm những điều gì mà Chúa Giê Su Ky Tô đã yêu cầu chúng ta làm. Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.

“Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở.

“Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng?

“Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng?

“Vậy nếu các ngươi … còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Ma Thi Ơ 7:7–11).

Thưa các anh chị em, nỗi sợ hãi sẽ được thay thế bằng đức tin và sự tin tưởng khi các tín hữu và những người truyền giáo toàn thời gian quỳ xuống cầu nguyện và cầu xin Chúa ban cho họ cơ hội truyền giáo. Sau đó, chúng ta phải cho thấy đức tin và chờ đợi cơ hội để giới thiệu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho các con cái của Cha Thiên Thượng, và chắc chắn là những cơ hội đó sẽ đến. Những cơ hội này sẽ không bao giờ đòi hỏi bắt buộc phải đáp ứng hoặc trả lời một cách giả tạo. Những cơ hội này sẽ tuôn chảy như một kết quả tự nhiên của tình yêu thương của chúng ta dành cho các anh chị em của mình. Chỉ cần lạc quan, và những người mà các anh chị em nói chuyện sẽ cảm nhận được tình yêu thương của chúng ta. Họ sẽ không bao giờ quên cảm giác đó mặc dù chưa đúng lúc để họ chấp nhận phúc âm. Điều đó cũng có thể thay đổi trong tương lai khi hoàn cảnh của họ thay đổi.

Chúng ta không thể nào thất bại khi cố gắng hết sức làm công việc của Chúa. Trong khi kết quả là tác dụng của việc sử dụng quyền tự quyết, thì việc chia sẻ phúc âm là trách nhiệm của chúng ta.

Hãy tin cậy Chúa. Ngài là Đấng Chăn Lành. Ngài biết chiên của Ngài, và chiên của Ngài biết tiếng Ngài; và ngày nay, tiếng của Đấng Chăn Lành là tiếng nói của các anh chị em và của tôi. Và nếu chúng ta không tham gia thì nhiều người sẽ nghe sứ điệp về Sự Phục Hồi và sẽ bỏ qua. Nói một cách giản dị, đó là vấn đề đức tin và hành động về phần của chúng ta. Các nguyên tắc này khá giản dị—đó là cầu nguyện riêng cá nhân và chung gia đình để có các cơ hội truyền giáo. Cầu nguyện để Chúa ban cho các cơ hội trên con đường của các anh chị em. Chúa đã phán trong sách Giáo Lý và Giao Ước rằng nhiều người bị ngăn cản khỏi lẽ thật chỉ “vì họ không biết tìm thấy lẽ thật đâu cả” (GLGƯ 123:12).

Các anh chị em không cần phải là một người giao tiếp rộng hoặc một giảng viên hùng biện, có sức thuyết phục. Nếu các anh chị em có một tình yêu thương lâu dài và đầy hy vọng trong lòng, thì Chúa đã hứa rằng nếu các anh chị em “cất cao tiếng nói của [các anh chị em] lên với dân này; hãy nói ra những ý nghĩ mà [Ngài] sẽ đặt trong lòng các ngươi, để các ngươi sẽ không bị bối rối trước mặt mọi người;

“[Và] điều các ngươi phải nói sẽ được ban cho các ngươi chính trong giờ phút đó,” (GLGƯ 100:5–6).

Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta nhắc tất cả chúng ta nhớ rằng “không có điều gì xảy ra trong công việc truyền giáo cho đến khi [chúng ta] tìm thấy một người nào đó để giảng dạy. Mỗi ngày hãy nói chuyện với càng nhiều người càng tốt nếu có thể được. Việc có phần nào sợ hãi khi nói chuyện với mọi người cũng là điều tự nhiên thôi, nhưng các anh chị em có thể cầu nguyện để có được đức tin và sức mạnh để được mạnh dạn khi mở miệng rao giảng phúc âm phục hồi” ([2004], 156–57). Các anh chị em là những người truyền giáo toàn thời gian, nếu muốn giảng dạy thêm, thì các anh chị em phải nói chuyện với nhiều người hơn mỗi ngày. Đây là điều mà Chúa đã gửi những người truyền giáo ra đi để làm.

Chúa biết chúng ta. Ngài biết chúng ta có những thử thách. Tôi nhận biết rằng một số các anh chị em có thể cảm thấy gánh nặng, nhưng tôi cầu nguyện rằng không một ai trong số các anh chị em lại cảm thấy rằng việc tìm đến để chia sẻ phúc âm theo những cách bình thường và thú vị sẽ là một gánh nặng. Thay vì thế, đó là một đặc ân! Không có niềm vui nào trong cuộc sống lớn lao hơn việc thiết tha tham gia vào việc phục vụ Chúa.

Bước quan trọng nhất là các anh chị em được Thượng Đế soi dẫn, cầu xin Ngài hướng dẫn, và rồi đi và làm khi Thánh Linh thúc giục các anh chị em làm. Khi các tín hữu xem công việc cứu rỗi là trách nhiệm của một mình họ, thì điều đó có thể rất là đáng sợ. Khi họ xem công việc đó như là một lời mời gọi đi theo Chúa trong việc đem loài người về cùng Ngài để được các anh cả và các chị truyền giáo toàn thời gian giảng dạy, thì điều đó thật là đầy soi dẫn, làm hăng hái thêm, và nâng cao tinh thần.

Chúng tôi không yêu cầu mọi người phải làm mọi việc. Chúng tôi chỉ yêu cầu tất cả các tín hữu nên cầu nguyện, và biết rằng nếu mọi tín hữu, trẻ tuổi lẫn lớn tuổi, đều chịu tìm đến chỉ “một người” từ nay đến lễ Giáng Sinh, thì hàng triệu người sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô. Và thật là một món quà tuyệt vời cho Đấng Cứu Rỗi.

Cách đây sáu tuần, tôi nhận được thư của một gia đình tín hữu truyền giáo rất thành công, là gia đình Munns ở Florida. Họ đã viết:

“Anh Cả Ballard thân mến, 30 phút sau khi kết thúc buổi phát sóng trên toàn cầu nói về việc xúc tiến nhanh công việc cứu rỗi, thì chúng tôi tổ chức một cuộc họp hội đồng truyền giáo của gia đình chúng tôi. Chúng tôi đã vui mừng khi thấy rằng các cháu lứa tuổi thanh thiếu niên của chúng tôi muốn được tham gia. Chúng tôi vui mừng báo cáo rằng kể từ cuộc họp hội đồng của mình, chúng tôi đã nới rộng công việc giảng dạy của gia đình chúng tôi lên đến 200 phần trăm.

“Các cháu của chúng tôi đã mang bạn bè đến nhà thờ, chúng rất thích dự lễ Tiệc Thánh với một số bạn bè kém tích cực của chúng tôi, và đã có một số người mới mà chúng tôi liên lạc đã cam kết nhận những cuộc thảo luận truyền giáo. Một trong các chị phụ nữ kém tích cực không những đã trở lại nhà thờ mà còn mang đến những người tầm đạo mới nữa.

“Không một ai đã từ chối lời mời để nhận những cuộc thảo luận truyền giáo cả. Thật là một thời gian thú vị để làm một tín hữu của Giáo Hội này” (thư riêng, ngày 15 tháng 8 năm 2013).

Hãy lưu tâm đến những thúc giục của Thánh Linh. Hãy khẩn cầu Chúa trong lời cầu nguyện thiết tha. Hãy tham gia vào việc làm điều mà các anh chị em có thể làm trong việc chia sẻ sứ điệp tuyệt vời của Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi xin trích dẫn lời của một tín hữu truyền giáo thành công là Clayton Christensen: “Mỗi lần các anh chị em giúp đỡ một người nào đó và giới thiệu người đó cho Chúa Giê Su Ky Tô, thì các anh chị em sẽ cảm nhận được rằng Đấng Cứu Rỗi yêu thương các anh chị em và yêu thương người được các anh chị em giới thiệu biết bao” (The Power of Everyday Missionaries: The What and How of Sharing the Gospel [2013], 1).

Thưa các anh chị em, Thượng Đế ban phước cho các anh chị em để tìm thấy niềm vui lớn lao trong việc có được kinh nghiệm về các phép lạ đến qua đức tin của các anh chị em. Như chúng ta đã được dạy trong Mô Rô Ni chương 7:

“Đấng Ky Tô có phán rằng: Nếu có đức tin nơi ta, các ngươi sẽ có quyền năng để làm tất cả những điều gì thích đáng đối với ta. …

“… Vì chính nhờ đức tin mà phép lạ được thực hiện; và cũng chính nhờ đức tin mà các thiên sứ xuất hiện và phục sự loài người; vậy nên, nếu những điều này đã chấm dứt rồi thì thật khốn thay cho con cái loài người, vì đó là bởi sự chẳng tin, và tất cả đều trở nên vô bổ.” (Mô Rô Ni 7:33, 37).

Từ kinh nghiệm riêng của mình, tôi có thể làm chứng cùng các anh chị em rằng Chúa sẽ nghe những lời cầu nguyện của các anh chị em và các anh chị em sẽ có nhiều cơ hội bây giờ và nhiều năm tới để giới thiệu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho các con cái quý báu của Cha Thiên Thượng. Thưa Chủ Tịch Monson, chúng tôi đã lắng nghe. Chúng tôi sẽ đều tìm kiếm người tầm đạo. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta đều có thể cảm nhận được niềm vui tuyệt vời đến từ công việc phục vụ truyền giáo, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.