2013
Nhìn Về Phía Trước và Tin Tưởng
Tháng Mười Một năm 2013


Nhìn Về Phía Trước và Tin Tưởng

Trong mắt Chúa, điều chúng ta đã làm hoặc nơi chúng ta đang ở thì không phải là quan trọng mà chúng ta sẵn lòng đi đến nơi nào mới là quan trọng hơn nhiều.

Khi còn bé, trong khi làm công việc đồng áng với mẹ tôi, bà đã dạy tôi một trong những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống. Đã gần trưa, mặt trời lên cao và tôi cho là chúng tôi đã cuốc xới được rất lâu rồi. Tôi ngừng tay để quay lại nhìn thành quả của chúng tôi và nói với mẹ tôi: “Mẹ hãy nhìn tất cả những gì chúng ta đã làm kìa!” Mẹ tôi không trả lời. Vì nghĩ rằng bà đã không nghe tôi nói, nên tôi lặp lại điều tôi đã nói to hơn một chút. Bà vẫn không trả lời. Tôi lặp lại bằng cách nói to hơn nữa. Cuối cùng, bà quay sang tôi và nói: “Edward, đừng bao giờ nhìn lại. Mà hãy nhìn về phía trước vào những gì chúng ta vẫn còn phải làm.”

Các anh chị em thân mến, giao ước chúng ta đã lập với Chúa khi chịu phép báp têm, để “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện” (Mô Si A 18:9), là một cam kết suốt đời. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã khuyên nhủ: “Những người đã bước vào nước báp têm và nhận được ân tứ Đức Thánh Linh đều đã đặt chân trên con đường làm môn đồ và được truyền lệnh phải đi một cách kiên định và hoàn toàn theo bước chân của Đấng Cứu Rỗi chúng ta” (“Saints for All Seasons,” Liahona, tháng Chín năm 2013, 5). Qua các tôi tớ của Ngài, Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ trong nhiều chức vụ kêu gọi khác nhau, và chúng ta chấp nhận với lòng cam kết trọn vẹn. Khi một sự giải nhiệm được đưa ra và một chức vụ kêu gọi trong một chỉ định khác cũng được đưa ra, thì chúng ta vui vẻ chấp nhận điều đó vì biết, cũng như tổ tiên của chúng ta đã biết, rằng “trong việc phục vụ Chúa, không phải là nơi ta phục vụ mà là cách ta phục vụ mới là quan trọng” (J. Reuben Clark Jr., trong Conference Report, tháng Tư năm 1951, 154).

Do đó khi một chủ tịch giáo khu hoặc một giám trợ được giải nhiệm, thì ông vui vẻ chấp nhận sự giải nhiệm đó, và khi một chức vụ kêu gọi được đưa ra để phục vụ trong bất cứ cách nào mà Chúa “thấy cần gán cho” qua các tôi tớ của Ngài (Mô Si A 3:19), thì ông không bị chi phối bởi kinh nghiệm trước đây của mình, ông cũng không nhìn lại và nghĩ rằng mình đã phục vụ đủ rồi. Ông không “mệt mỏi khi làm điều thiện,” vì ông biết rằng ông “đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao” với một tầm nhìn rõ ràng rằng những nỗ lực như vậy sẽ ban phước cho các cuộc sống suốt thời vĩnh cửu. Do đó “từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (GLGƯ 64:33).

Chúng ta đều phải “biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa, và làm được nhiều việc theo ý muốn của mình, và thực hiện nhiều điều ngay chính” (GLGƯ 58:27).

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyên dạy: “Quá khứ là để học hỏi chứ không phải để sống theo. Chúng ta nhìn lại để học hỏi những điều tốt nhất từ những kinh nghiệm hay chứ không phải từ đống tro tàn. Và khi chúng ta đã học được những gì mình cần học và mang theo điều tốt nhất mà mình đã kinh nghiệm được, thì chúng ta nhìn về phía trước và nhớ rằng đức tin luôn luôn hướng tới tương lai” (“The Best Is Yet to Be,” Liahona, tháng Giêng năm 2010, 18).

Trong khi bài học của mẹ tôi về việc nhìn về phía trước dùng để chỉ đám cỏ dại có thể dễ thấy trên cánh đồng, thì thử thách đó rất nhỏ so với những gì các Thánh Hữu đầu tiên đã trải qua. Anh Cả Joseph B. Wirthlin đã mô tả kinh nghiệm này rất hay: “Trong năm 1846, có hơn 10.000 [người] đã rời bỏ thành phố [Nauvoo] đang phát triển mạnh, là thành phố đã được xây cất trên bờ Sông Mississippi. Với đức tin nơi các vị lãnh đạo tiên tri, các tín hữu đầu tiên của Giáo Hội đã rời bỏ ‘Thành Phố Tuyệt Đẹp’ của họ và đi vào vùng hoang dã của biên giới Châu Mỹ. Họ không biết chính xác là sẽ đi đến đâu, chính xác là bao nhiêu kilômét ở phía trước, cuộc hành trình sẽ mất bao lâu, hoặc tương lai của họ sẽ ra sao. Nhưng họ quả thực biết rằng họ được Chúa và các tôi tớ của Ngài dẫn dắt” (“Faith of Our Fathers,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 33).

Họ biết việc nhìn về phía trước và tin tưởng là như thế nào. Một thập niên rưỡi trước đó, một số các tín hữu này đã có mặt khi một sự mặc khải đã nhận được:

“Vì thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, phước thay cho kẻ nào tuân giữ các giáo lệnh của ta, dù trong lúc còn sống hay khi đã chết; và kẻ nào trung thành trong cơn hoạn nạn, thì phần thưởng cho kẻ đó trong vương quốc thiên thượng sẽ lớn hơn.

“Với đôi mắt thiên nhiên của các ngươi, hiện nay các ngươi không thể thấy được ý định của Thượng Đế các ngươi về những việc sẽ xảy đến sau này, và vinh quang sẽ đến sau nhiều cơn hoạn nạn” (GLGƯ 58:2–3).

Chúng ta cũng có thể nhìn về phía trước và tin tưởng. Chúng ta có thể chấp nhận lời mời của Chúa, là Đấng đã dang rộng đôi tay để mời gọi chúng ta:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30).

Vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson; hai vị cố vấn của ông; và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời mời cho tất cả chúng ta để tham gia vào công việc cứu rỗi. Những người cải đạo mới, giới trẻ, các thành niên trẻ tuổi, những người đã nghỉ hưu từ nghề nghiệp của họ, và những người truyền giáo toàn thời gian cũng cần phải mang ách đó nhằm đẩy mạnh công việc cứu rỗi.

Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có lần đã tham dự cuộc thi kéo xe bò, ở đó ông đã học được một bài học. Ông nói về kinh nghiệm này: “Một tạ gỗ được cân với các khối xi măng: 4.535 kilôgram—năm tấn. … Mục đích là để cho mấy con bò di chuyển tạ gỗ đó đi 91 centimét. … Tôi nhận thấy các con vật to lớn được kết hợp rất cân xứng, vằn vện, màu xanh xám … [các] con bò mộng màu xanh của mùa đã qua.”

Khi đề cập đến kết quả của cuộc thi, ông nói: “Các cỗ bò bị loại từng cỗ một. … Những con bò mộng thậm chí còn không được giải! Hai con vật nhỏ, khó nhận ra, được kết hợp không cân xứng lắm, đã di chuyển tạ gỗ tất cả ba lần.”

Sau đó ông đã đưa ra một lời giải thích về kết quả đáng ngạc nhiên đó: “Mấy con bò mộng to hơn, mạnh hơn và cân xứng với kích thước hơn cỗ bò khác. Nhưng các con bò nhỏ thì chung sức làm việc và phối hợp giỏi hơn. Chúng cùng đẩy cái ách với nhau. Cả hai con vật đẩy tới trước cùng một lúc và sức của chúng đã dời được gánh nặng đó” (“Equally Yoked Together,” bài nói chuyện tại hội nghị của những người đại diện giáo vùng, ngày 3 tháng Tư năm 1975; trong Teaching Seminary: Preservice Readings [2004], 30).

Khi nhìn về phía trước và tin tưởng, chúng ta cần phải chung sức như vậy trong việc đẩy mạnh công việc cứu rỗi khi chúng ta mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô. Trong khả năng của cá nhân mình, chúng ta cần phải tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf hãy “đứng gần nhau và nâng đỡ ngay tại chỗ chúng ta đang đứng” (“Hãy Nâng Đỡ Ngay Tại Chỗ Các Anh Em Đang Đứng,” Liahona, tháng 11 năm 2008, 56). Chúng ta có thể khám phá ra tiềm năng trọn vẹn của mình, giống như Anh Cả L. Tom Perry thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai đã nhận xét: “Khi hành trình khắp Giáo Hội, tôi đã ngạc nhiên trước tất cả những điều tích cực đang xảy ra. Tuy nhiên, tôi không bao giờ cảm thấy rằng một nhóm người như chúng ta đang sống theo tiềm năng thực sự của mình. Tôi tin là chúng ta không luôn luôn làm việc chung với nhau, chúng ta vẫn còn quan tâm quá nhiều đến các mục tiêu đối với danh lợi và thành công cá nhân, và cho thấy quan tâm quá ít đến mục đích chung là xây đắp vương quốc của Thượng Đế” (“United in Building the Kingdom of God,” Ensign, tháng Năm năm 1987, 35).

Cầu xin cho chúng ta đều đoàn kết trong một mục tiêu chung “là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).

Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng nhìn thấy từ đầu đến cuối, biết rất rõ con đường Ngài sẽ đi đến Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ khi Ngài phán: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu Ca 9:62). Trong mắt Chúa, điều chúng ta đã làm hoặc nơi chúng ta đang ở thì không phải là quan trọng, mà chúng ta sẵn lòng đi đến nơi nào mới là quan trọng hơn nhiều.

Tiên Tri Joseph Smith giảng dạy cho chúng ta các nguyên tắc hướng dẫn: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ cho chứng ngôn đó mà thôi” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 49).

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và giơ cao tay lên với hành động tán trợ vị tiên tri yêu dấu, Chủ Tịch Thomas S. Monson, thì chúng ta sẽ tìm thấy bình an, an ủi, và niềm vui và chúng ta “sẽ hưởng sự tốt lành của đất … vào những ngày sau cùng này” (GLGƯ 64:34). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.