“Một Ấn Tượng Thuộc Linh về Sự Sáng Tạo,” Liahona, tháng Chín năm 2024.
Những Tấm Gương về Đức Tin
Một Ấn Tượng Thuộc Linh về Sự Sáng Tạo
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang một ý nghĩa sâu sắc hơn đối với tôi khi tôi điêu khắc tác phẩm nghệ thuật về câu chuyện của Áp Ra Ham và Y Sác.
Hội họa và điêu khắc là một cách mà tôi thể hiện sự trân trọng của mình đối với vẻ đẹp của trái đất. Đối với tôi, nghệ thuật bắt đầu bằng một ấn tượng thuộc linh về sự sáng tạo.
“The Covenant Child (Đứa Con Giao Ước)”
Khi một người bạn nghỉ hưu và chuẩn bị chuyển đi, tôi đã làm tặng anh ấy một tác phẩm điêu khắc có tên là The Covenant Child (Đứa Con Giao Ước). Đó là một bức tượng Áp Ra Ham đang bế em bé Y Sác. Kể từ đó, tôi đã thực hiện một loạt các tác phẩm điêu khắc khác về Áp Ra Ham và Y Sác. Đó là những tác phẩm yêu thích nhất và là một trong số những tác phẩm quan trọng nhất của tôi.
Tác phẩm điêu khắc ấn tượng nhất đối với tôi là về việc Áp Ra Ham hướng dẫn con trai ông từ các cuộn sách. Áp Ra Ham đang bấu chặt vào đùi của mình và ngước nhìn với vẻ mặt đau khổ do bởi ấn tượng từ Chúa rằng ông phải hy sinh đứa con trai duy nhất của mình. Y Sác đang ôm Áp Ra Ham nhưng không thể hiểu lý do vì sao cha của ông lại không ôm ông.
Một tác phẩm còn dang dở khác điêu khắc hai người họ đang dựng một bàn thờ. Y Sác hỏi của lễ hy sinh ở đâu, và Áp Ra Ham đáp rằng Chúa sẽ ban cho. Trong một tác phẩm điêu khắc trước, Áp Ra Ham được cung ứng cho một con chiên đực trong bụi rậm và được phán rằng ông không cần phải hy sinh con trai của mình. Áp Ra Ham đang ôm chặt Y Sác. (Xin xem Sáng Thế Ký 22:1–13.)
Điều quý giá ở câu chuyện này là đó là một biểu tượng, về sự hy sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Cha Thiên Thượng của chúng ta, là Đấng yêu thương Con Độc Sinh của Ngài, cũng đã chọn hy sinh Chúa nhưng lại không cứu Chúa vào giây phút cuối cùng. Theo lời của Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Không có con chiên đực nào trong bụi rậm ở Đồi Sọ để cứu Ngài, là người Bạn của Áp Ra Ham và Y Sác” (“O, Divine Redeemer,” Ensign, tháng Mười Một năm 1981, trang 8).
Thay vì thế, Đức Chúa Cha đã để cho Vị Nam Tử đã được chọn của Ngài (xin xem Môi Se 4:2) thực hiện Sự Chuộc Tội thay cho chúng ta để tất cả chúng ta đều có thể trở về nhà để sống với hai Ngài một lần nữa nếu chúng ta mong muốn và sống xứng đáng với phước lành đó (xin xem Giăng 3:16–17).
Kinh nghiệm của tôi cho tôi biết rằng Thượng Đế đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có được kinh nghiệm qua những đau khổ của mình, thì chúng ta mới được “hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25). Dẫu rằng luôn có “sự tương phản trong mọi sự việc”, nhưng chắc chắn những điều tốt sẽ đến (2 Nê Phi 2:11). Tuy nhiên, Thượng Đế luôn ở bên chúng ta, và chúng ta có thể khắc phục bất cứ điều gì chúng ta phải đối mặt, bất kể điều gì xảy đến với chúng ta. Chúng ta sẽ thấy rằng mình có thể khắc phục những thử thách khi tiếp tục cố gắng yêu thương, phục vụ, và trở nên bác ái hơn—giống như Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Tôi biết ơn về phúc âm, gia đình của tôi, và tất cả những người tuyệt vời trong Giáo Hội. Bất cứ nơi nào vợ tôi, Kathleen và tôi đi truyền giáo trên khắp thế giới, chúng tôi cũng đều thấy được các Thánh Hữu yêu thương nhau cũng như phục vụ, ban phước, và hy sinh cho nhau. Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta, và chúng ta là con cái của Ngài. Không có điều gì quan trọng hơn việc trung tín với Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, là Đấng rất kiên định với chúng ta.