Liahona
Cách Mà Sự Suy Sụp Đã Giúp Tôi Tái Thiết Lại Nền Tảng Đức Tin của Mình
Tháng Chín năm 2024


“Cách Mà Sự Suy Sụp Đã Giúp Tôi Tái thiết Lại Nền Tảng đức tin của Mình,” Liahona, tháng Chín năm 2024.

Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Cách Mà Sự Suy Sụp Đã Giúp Tôi Tái Thiết Lại Nền Tảng Đức Tin của Mình

Sau một số thử thách nặng nề về mặt tinh thần, thể chất, và cả thuộc linh, tôi đã khám phá ra ý nghĩa của việc tìm kiếm sự chữa lành qua Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

hình ảnh của tác giả lồng ghép với hình ảnh Đền Thờ Salt Lake ở phía xa

Tôi đang phục vụ với tư cách là một người truyền giáo tại Pháp vào lúc cả thế giới đang suy sụp và COVID-19 đã khiến cả nước rơi vào tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt. Tôi đã vật lộn với chứng trầm cảm trong suốt cuộc đời, vì vậy tôi lo lắng rằng những hoàn cảnh tù túng sẽ khiến tôi rơi vào tình trạng trầm cảm. Nhưng tuần cách ly đầu tiên—tuần trước đại hội trung ương lịch sử tháng Tư năm 2020—là một trong những tuần lễ đầy thuộc linh nhất trong cuộc đời tôi.

Khi nhìn lại, những trải nghiệm tôi có trong tuần đó giống như Chúa đã củng cố tôi trước một cơn bão.

Anh Cả Gary E. Stevenson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã có một bài nói chuyện trong đại hội đó về việc tu sửa các nền móng của Đền Thờ Salt Lake. Ông so sánh việc tu sửa với cuộc sống của chúng ta và mời gọi chúng ta xem xét câu hỏi này:

“Các yếu tố nền tảng nào về phần thuộc linh và cảm xúc của tôi mà sẽ cho phép tôi và gia đình mình luôn được bền bỉ và bất di bất dịch, thậm chí còn có thể chịu được những trận động đất và cơn địa chấn dữ dội mà chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc sống của chúng tôi?”

Khi tôi lắng nghe bài nói chuyện của ông, Thánh Linh đã gây ấn tượng cho tôi rằng, cũng giống như đền thờ, tôi sẽ bị suy sụp theo những cách nào đó trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Nhưng tôi cũng cảm thấy rằng nếu tôi tìm đến Chúa trong những thử thách này, thì Ngài sẽ giúp tôi củng cố nền tảng đức tin của mình.

Cảm Thấy Suy Sụp

Đúng như dự đoán, tôi sớm bị trầm cảm, và không lâu sau đó tôi cảm thấy bị bế tắc trong cái vòng lẩn quẩn của ý định tự tử. Tôi cảm thấy suy sụp về mặt tinh thần, cảm xúc, và thuộc linh.

Sau hai tháng cách ly, mọi việc dần trở nên tốt hơn. Nhờ vào những thay đổi trong hoàn cảnh của tôi, như thuốc chống trầm cảm và việc chấm dứt lệnh phong tỏa, tôi bắt đầu cảm thấy tinh thần tốt hơn. Nhưng ngay sau đó, tôi bắt đầu cảm thấy đau và nhận thấy có ba khối u lớn nằm dưới cổ họng của tôi.

Lúc đầu, tôi đã lờ đi những cục u đó, nhưng khi các triệu chứng của tôi trở nên tồi tệ hơn, thì rõ ràng là tôi không thể ở lại nơi phục vụ truyền giáo được nữa. Tôi trở về nhà, ngay lập tức tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu—ung thư hạch Hodgkin.

Do thuốc chống trầm cảm của tôi có tác dụng làm tê liệt cảm xúc, nên tôi cảm thấy khá thờ ơ khi bắt đầu hóa trị kéo dài sáu tháng.

Nhưng mặc dù vậy, tôi cũng bắt đầu suy yếu về mặt thể chất.

hình ảnh của tác giả lồng ghép với hình ảnh Đền Thờ Salt Lake ở phía xa

Tái Thiết Lại Nền Tảng Thuộc Linh Của Tôi

Một năm sau khi kết thúc đợt hóa trị, tôi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn về mặt thể chất. Tôi quay lại học đại học và lập kế hoạch. Nhưng nỗi đau và sự tê liệt về mặt thuộc linh mà tôi đã cảm thấy trong công việc truyền giáo của mình và trong quá trình hóa trị giờ đây đã chuyển thành một cảm giác đại loại là thờ ơ về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi đang đấu tranh với những cảm xúc của mình về những gì tôi đã trải qua và cảm thấy như thể hai Ngài đã bỏ rơi tôi khi tôi ở trong tình trạng tồi tệ nhất.

Nhưng Cha Thiên Thượng biết tôi cần phải đi con đường nào để tôi có thể được chữa lành.

Tôi cảm thấy như mình đang lăn lộn trong đống đổ nát và những vụn vỡ còn sót lại của đức tin vững mạnh một thời cũng như tính cách sôi nổi trước kia của tôi. Tôi cảm thấy như bị tách biệt với chính mình vậy. Lòng tôi dịu lại trước những nỗ lực của Chúa nhằm giúp đỡ tôi, nhưng về phần thuộc linh, tôi cảm thấy tội lỗi, khắc khoải, và không xứng đáng vì sự thờ ơ của tôi đối với phúc âm.

Sau khi suy ngẫm về sức khỏe thuộc linh của mình trong vài tháng, tôi đã được thúc giục để thực hiện những thay đổi nhỏ về phần thuộc linh trong cuộc sống của mình. Tôi đã lờ đi nỗi đau trong một thời gian, nhưng tôi muốn giải quyết nỗi đau đớn mà tôi cảm thấy trong tâm hồn mình vì những thử thách tôi đã trải qua.

Chẳng bao lâu nữa, tôi có thể nhìn thấy bàn tay của Cha Thiên Thượng trong cuộc sống của mình. Do không biết cảm giác tê liệt về phần thuộc linh của tôi như thế nào, nên bạn bè và những người thân yêu đã đề cập đến chủ đề chữa lành. Một người trong số họ thậm chí còn chia sẻ một bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional của Elaine S. Marshall.

Tôi miễn cưỡng đọc bài nói chuyện đó.

Là một y tá, Elaine đã so sánh sự tương đồng giữa việc chữa lành thể chất và chữa lành thuộc linh, bà nói rằng: “Việc chữa lành không phải là điều trị. Điều trị là rõ ràng, nhanh chóng, và được thực hiện ngay—thường là dưới hình thức gây mê. … Chữa lành … thường là một quá trình hồi phục và tăng trưởng lâu dài mặc cho, hoặc bởi do việc phải chịu đựng sự xâm phạm về mặt thể chất, cảm xúc, hoặc thuộc linh. Việc này cần có thời gian.”

Tôi không nghĩ rằng đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi việc điều trị ung thư của tôi cần đến sáu tháng hóa trị. Những ảnh hưởng của thuốc hóa trị rất mạnh, vô cùng đau đớn, và cần phải có sức khỏe. Thú vị thay, việc học cách để cho cơ thể tôi được chữa lành thể chất đã dạy cho tôi một nguyên tắc quan trọng của sự chữa lành về phần thuộc linh—cách tiếp nhận ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô và cho phép bản thân tôi có thời gian và không gian để chữa lành mối quan hệ của tôi với Ngài và Cha Thiên Thượng.

Nhận Được Ân Điển của Đấng Cứu Rỗi

Ân điển là sự giúp đỡ thiêng liêng, quyền năng làm cho có khả năng và củng cố, cũng như sự chữa lành thuộc linh. Đó là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta, “được ban cho chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Tấm gương yêu thích của tôi về một người nào đó tiếp cận quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô qua Sự Chuộc Tội của Ngài là An Ma Con. Khi nằm trong trạng thái hôn mê trong ba ngày, bị xâu xé bởi “những nỗi đau đớn của một linh hồn bị kết tội,” ông đã nhớ lại những lời giảng dạy của cha ông về Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem An Ma 36:16–17). Đầu tiên ông mong muốn được giúp đỡ và sau đó hướng đến Đấng Ky Tô, là Đấng đã thay đổi hoàn cảnh của ông và cho phép ông được chữa lành phần thuộc linh (xin xem An Ma 36:18–22).

Bước đầu tiên tôi thực hiện việc chữa lành phần thuộc linh là tìm kiếm ước muốn được kết nối với Thượng Đế. An Ma đã dạy tôi cách bắt đầu khi ông nói: “Vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người, cho đến khi các người tin ngõ hầu các người có thể chừa được chỗ cho một phần nào những lời tôi nói” (An Ma 32:27).

Tôi làm chứng từ kinh nghiệm cá nhân rằng lời giảng dạy này là đúng thật.

Chúng ta có thể phát triển một ước muốn, gieo một hạt giống (lời của Thượng Đế), và nuôi dưỡng hạt giống đó cho đến khi nó trở thành một điều gì đó có thật và vững chắc. Cuối cùng, quả ngọt của đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô được sinh ra khi chúng ta thấy những thay đổi trong hành động, quan điểm, niềm tin, tấm lòng, tâm trí, và rồi tâm hồn của chúng ta. Nền tảng của chúng ta được xây dựng dựa trên Ngài (xin xem Hê La Man 5:12).

Tương tự như kinh nghiệm của An Ma, ước muốn của tôi để cảm nhận được Thánh Linh và niềm vui của phúc âm một lần nữa đã tạo ra một sự thay đổi hoàn toàn mà đã đưa tôi qua tiến trình chữa lành. Kể từ đó, Đấng Cứu Rỗi đã giúp tôi điều chỉnh những cảm nghĩ trong quá khứ của tôi khi tôi học cách buông bỏ những hờn trách của mình đối với Thượng Đế, với Đấng Cứu Rỗi, và những yếu kém của tôi.

Nhờ có Ngài, những phần trong tôi mà tôi nghĩ rằng mình đã đánh mất trong đám sương mù của những thử thách—giống như cá tính, ước muốn, và tình yêu mến của tôi dành cho phúc âm—đã được trả lại cho tôi và khiến cho tôi cảm thấy được chữa lành, được đổi mới, và được phục hồi.

Một Nền Tảng Vững Chắc

Nỗi đau và thử thách đã thay đổi tôi, nhưng khi tìm thấy sự chữa lành qua Chúa Giê Su Ky Tô, tôi thực sự đã tái thiết nền tảng đức tin của mình nơi Ngài. Thời gian trôi qua và tôi được chữa lành, tôi thấy rằng nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể học cách có được niềm vui mặc cho những khó khăn của mình. Giờ đây, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của việc trải qua một thử thách không phải là điều khiến cho chúng ta suy sụp hoặc cảm nhận nỗi đau—mà là điều tiếp theo khi chúng ta trải qua sự chữa lành và tái thiết lại qua ân điển của Đấng Cứu Rỗi.

Anh Cả Patrick Kearon thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Những người bạn … phải gánh chịu những bất công trong cuộc sống thân mến—anh chị em có thể có một bắt đầu mới và một khởi đầu mới. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ, Chúa Giê Su ‘đã gánh chịu … mọi thống khổ và khổ sở mà anh chị em và tôi [đã từng] trải qua’ [Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 88], và Ngài đã vượt qua tất cả!”

Vì vậy, đối với những người đang cảm thấy vụn vỡ, tôi khẩn nài các anh chị em hãy can đảm, kiên trì, và tin cậy nơi Chúa và quyền năng chữa lành của Ngài. Theo thời gian, với lòng kiên nhẫn, và ngay cả ước muốn nhỏ nhất, thì ân điển của Ngài có thể biến đổi anh chị em, tái thiết lại nền tảng của mình, và giúp anh chị em cảm thấy được chữa lành trở lại.

Đó là ân tứ Ngài ban cho mỗi người chúng ta.

Tác giả đến từ North Carolina, Hoa Kỳ.