“Tìm Kiếm Sự Cứu Giúp trong Mối Quan Hệ Giao Ước của Chúng Ta với Thượng Đế,” Liahona, tháng Chín năm 2024.
Tìm Kiếm Sự Cứu Giúp trong Mối Quan Hệ Giao Ước của Chúng Ta với Thượng Đế
Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của tình yêu thương thanh khiết, sự chữa lành, hạnh phúc, và sự cứu giúp.
Việc tìm kiếm sự cứu giúp qua mối quan hệ giao ước của chúng ta với Thượng Đế đã ở trong tâm trí và trái tim tôi trong một thời gian dài. Như vị tiên tri của Chúa đã giảng dạy và khuyên nhủ chúng ta tìm hiểu về các giao ước, đền thờ, và quyền năng chức tư tế, tôi nhận thấy mình đang tìm kiếm, yêu mến, và nuôi dưỡng các lẽ thật phục hồi được bao gồm trong các giao ước.
Chúng ta được tiền định để trở thành người cộng tác với Chúa theo một cách thức mạnh mẽ qua các giao ước của mình. Ngài mong muốn được ở bên chúng ta trong những lo lắng và quyết định của chúng ta. Chúng ta không cần phải một mình chống chọi với những thử thách, nỗi buồn, sự bất an, và đau khổ của cuộc sống. Ngài sẽ ở bên cạnh chúng ta. Ngài đã phán: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi” (Giăng 14:18).
Chủ Tịch Russell M. Nelson mô tả đặc tính của Thượng Đế và tình yêu thương bao la của Ngài dành cho chúng ta khi ông dạy rằng “con đường giao ước là hoàn toàn về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.” Ông nói: “Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. Giờ đây chúng ta được ràng buộc với nhau. Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn nhân từ của Ngài đối với chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có một vị trí đặc biệt trong lòng của Thượng Đế. Ngài có niềm hy vọng lớn lao nơi chúng ta.”
Cội Nguồn của Sự Bình An Lớn Nhất của Tôi
Là một phụ nữ chưa kết hôn, mối quan hệ giao ước đầy yêu thương và thương xót này với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi có một vị trí mạnh mẽ trong cuộc sống của tôi và đã và đang là nguồn cứu giúp và bình an lớn nhất của tôi. Bất kể tình trạng hôn nhân hay hoàn cảnh xuất thân của chúng ta như thế nào đi nữa, thì Chúa cũng mong muốn chúng ta cộng tác với Ngài theo một cách thức mạnh mẽ—trở thành “một” (3 Nê Phi 19:23) với Ngài trong “mọi việc làm của [chúng ta]” (An Ma 37:37). Khi chúng ta kêu cầu Chúa cho sự hỗ trợ, và “đặt mọi sự thương mến trong lòng [chúng ta] vào [Ngài] mãi mãi (An Ma 37:36, sự nhấn mạnh được thêm vào), thì cuộc sống của chúng ta có thể được viên mãn bởi mối ràng buộc giao ước tuyệt vời này.
Qua Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể nhận được sự cứu giúp khi một mình chống chọi với những thử thách của cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều có những mối bận tâm và nhu cầu mà chúng ta có thể cảm nhận là chỉ có mỗi bản thân chúng ta phải đối mặt. Ngài quan tâm đến những mối bận tâm của chúng ta dù lớn hay nhỏ. Tôi đã cảm thấy cần sự giúp đỡ của Ngài khi lo lắng về những điều dường như nhỏ nhặt chẳng hạn như người bạn thường trực mà tôi gọi tên là “bảo trì nhà cửa.” Do không có một người phối ngẫu để hội ý, nên mình tôi có thể lo lắng về việc chọn đúng nhà thầu, chi phí hợp lý, nghỉ làm việc để ở nhà, và là một quản gia giỏi về tài chính và nhà cửa của mình. Việc sửa được cửa nhà để xe của tôi là một chiến thắng vào hôm trước! Chúa đã lắng nghe mối bận tâm của tôi. Và dù đây là chuyện cỏn con so với những việc quan trọng của thời vĩnh cửu, nhưng Ngài đã đáp ứng lời cầu nguyện của tôi. Bằng cách nào? Nhờ một người hàng xóm tốt bụng, sự giúp đỡ của Thánh Linh, và một đoạn video trên YouTube, tôi đã được ban phước để biết phải làm gì để sửa cái cửa.
Nếu Chúa lưu tâm đến những nhu cầu nhỏ nhặt, thì hãy hình dung ước muốn của Ngài để ban phước và nâng đỡ chúng ta qua những vấn đề nan giải hơn thiên về tấm lòng và tâm hồn, những vấn đề đó cũng nhiều không kém: sự lạm dụng, thói nghiện, các mối quan hệ gia đình không tốt, mất mát và thất vọng, những thử thách triền miên về sức khỏe tinh thần và thể chất, căng thẳng về tài chính, sự lo lắng thường trực với tư cách là cha mẹ, những bận tâm thường xuyên trong việc chăm sóc cha hoặc mẹ, sự vật lộn trong đức tin cá nhân, một đứa con hoặc người phối ngẫu đã chọn không sống theo phúc âm.
Trong những lúc căng thẳng khốc liệt và ốm đau bệnh tật của cuộc đời, tôi đã nương cậy triệt để và bám chặt vào mối quan hệ giao ước của mình với Thượng Đế. Khi tôi tin cậy vào sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài và cố gắng hết sức mình để dâng hiến cuộc sống của mình cho Ngài, thì Ngài đã mang đến sự cứu giúp qua quyền năng chức tư tế của Ngài và là Đấng Cung Ứng trong các nhu cầu thuộc linh lẫn vật chất của tôi. Ngài đã cứu giúp khỏi nỗi sợ hãi, cứu giúp khỏi nỗi bất an, cứu giúp khỏi tính kiêu ngạo, cứu giúp khỏi tội lỗi, cứu giúp khỏi nỗi cô đơn, cứu giúp khỏi nỗi ưu phiền.
Chủ Tịch Nelson đã dạy một cách rõ ràng và chắc chắn rằng: “phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn.”
Qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể nhận được sự cứu giúp khi một mình chống chọi với những thử thách của cuộc sống.
Các Chị Phụ Nữ “trên Các Hải Đảo”
Khi suy ngẫm về các phước lành của mối ràng buộc giao ước mà chúng ta có với Thượng Đế, thì tôi nghĩ về sự chỉ định của mình để đi thăm Giáo Vùng Bắc Á.
Tôi có đặc ân đi đến các hòn đảo nhỏ Chuuk ở Micronesia, cách Nhật Bản khoảng 1.500 dặm (2.400 km) về phía đông nam. Hai trong số các chị em phụ nữ ở Weno, Chuuk, đã cống hiến cả cuộc đời của họ để nuôi dạy những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Hai chị phụ nữ này cảm thấy việc nuôi dạy những đứa trẻ này theo phúc âm là điều quan trọng. Một trong hai người họ vẫn còn độc thân và làm việc toàn thời gian với tư cách là cố vấn trường học.
Tôi chia sẻ với họ sứ điệp của Chủ Tịch Nelson dành cho các chị em phụ nữ của Giáo Hội, sứ điệp là các chị em phụ nữ được yêu thương, được cần đến, và trân quý.
Chị phụ nữ độc thân xinh đẹp đang nuôi nấng các cháu trai và cháu gái của mình đã rơm rớm nước mắt và nói rằng dạo gần đây chị ấy không cảm thấy được trân quý; chị cảm thấy mình đã bị lãng quên. Nhưng chị đã làm chứng rằng chị ấy cảm nhận được tình yêu thương và sự nhận biết của Thượng Đế dành cho chị trong những lời của vị tiên tri rằng chị quả thật “quý báu,” và chị biết điều đó là có thật. Chị cảm nhận được tình yêu thương chữa lành của Thượng Đế; chị cảm thấy nhẹ nhõm.
Chúa đã phán: “Các ngươi há không biết rằng ta, Chúa, Thượng Đế của các ngươi, đã sáng tạo ra tất cả loài người, và ta cũng không quên những người sống trên các hải đảo?” (2 Nê Phi 29:7).
Các chị em phụ nữ này được Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi biết đến. Không chỉ riêng mình họ. Mà anh chị em và tôi cũng vậy trong những khó khăn và thử thách của chúng ta. Chúa đã sai tôi đi khoảng 8.500 dặm (13.700 km) bằng máy bay, xe lửa, xe hơi, và thuyền để mang tình yêu thương và sự cứu giúp của Thượng Đế đến với “từng người một” trên các hải đảo. Và cũng như thế, Ngài sẽ tìm được từng anh chị em và tôi cho dù chúng ta ở bất cứ đâu, nơi mà chúng ta có thể cảm thấy đơn độc trước những lo lắng và gánh nặng mà chúng ta đang mang trong lòng. Ngài ở cạnh và sẵn sàng để ban phước, hướng dẫn và an ủi chúng ta.
“Ta Có Thể Đến Với con.”
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã có lần mô tả kinh nghiệm của một “người mẹ trẻ đã ly hôn và có bảy đứa con ở độ tuổi từ 7 đến 16 tuổi. Chị ấy kể rằng một buổi tối nọ, chị đã đi qua đường để mang một thứ gì đó đến cho một người hàng xóm.” Đây là những lời của chị ấy khi ông thuật lại:
“[Khi quay trở lại để đi về nhà, thì tôi có thể thấy đèn sáng trong căn nhà của mình]. Tôi còn có thể nhớ lời các con tôi nói khi tôi bước ra khỏi cửa một vài phút trước đó. Chúng nói: ‘Mẹ ơi, chúng ta sẽ ăn gì tối nay?’ ‘Mẹ đưa con đi thư viện được không [ạ]?’ ‘Con phải có [một tờ giấy để làm] bích chương tối nay đó.’ Mệt mỏi và kiệt sức, tôi nhìn [về hướng ngôi nhà của mình] và thấy đèn sáng trong mỗi căn phòng. Tôi nghĩ tới [lũ trẻ] đang ở nhà chờ tôi về và đáp ứng các nhu cầu của chúng. Tôi cảm thấy gánh [nặng của mình dường như quá sức chịu đựng].
“Tôi nhớ mình đã ngước nhìn lên trời với đôi mắt nhòe lệ: ‘Thưa Cha yêu dấu, con không thể nào [kham nổi] điều đó tối nay. Con quá mệt mỏi. Con không muốn đối diện với điều đó. Con không thể về nhà và một mình chăm sóc cho tất cả [lũ trẻ]. Con có thể nào đến với Cha và ở với Cha chỉ một đêm nay thôi không? …’
“Tôi thật sự không nghe được lời đáp [nào] nhưng tôi đã nghe được lời đáp trong tâm trí mình. Câu trả lời là: ‘Không, con ơi, con không thể đến với Ta bây giờ. … Nhưng ta có thể đến với con.’”
“Ta có thể đến với con.” Ngài đã đến với chị ấy, và Ngài sẽ đến với anh chị em và tôi, cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã đến cùng người đàn bà bên giếng nước nơi bà đã lao nhọc và vất vả trong suốt cuộc đời của bà (xin xem Giăng 4:3–42). Ngài đã khích lệ bà, giảng dạy cho bà, tuyên bố Ngài là Đấng Mê Si của bà, và yêu thương bà ngay cả khi có lẽ bà không yêu thương bản thân mình. Đối với người đàn bà bên giếng nước, với người mẹ trẻ của bảy đứa con, với các anh chị em và tôi, Chúa Giê Su Ky Tô sẵn sàng cung ứng sự cứu giúp. Tôi làm chứng rằng chúng ta có thể nhận được sự cứu giúp qua mối ràng buộc giao ước của mình với một Thượng Đế nhân từ.
Có lẽ giống như tôi, anh chị em đã cầu xin sự giúp đỡ để không bị bỏ mặc một mình trong những lúc khó khăn nhất về mặt cảm xúc, thể chất, và thuộc linh trong cuộc đời mình. Những giai đoạn tăng trưởng mãnh liệt này đã để lại điều mà tôi gọi là “vết rạn thuộc linh” trong tâm hồn. Nhưng tôi làm chứng rằng Ngài đã nâng đỡ tôi, và Ngài sẽ nâng đỡ anh chị em. Ngài đã chạm chúng ta trong lòng bàn tay Ngài (xin xem Ê Sai 49:16; 1 Nê Phi 21:16). Ngài đã ở đó khi anh chị em tìm cách “phải ngay chính trong bóng tối.” Ngài đã không lìa bỏ tôi cũng như Ngài sẽ không bỏ rơi anh chị em. Và tôi sẽ yêu mến Ngài mãi mãi vì điều đó.
Các anh chị em thân mến, nguồn gốc của tình yêu thương thanh khiết, sự chữa lành, hạnh phúc, và sự cứu giúp đã được tìm thấy nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn cứu giúp.
Ngài muốn chăm nom cho anh chị em, ban phước và tha thứ cho anh chị em. Ngài đã đến vì chính mục đích này, để mang đến cho anh chị em sự cứu giúp rất cần thiết mà anh chị em tìm kiếm. Ngài là Đấng Cứu Chuộc của thế gian, và tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống và Ngài yêu thương anh chị em.
Từ một bài nói chuyện tại Đại Hội Phụ Nữ của trường Brigham Young University vào ngày 3 tháng Năm năm 2023.