“Bài Học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giấc Mơ của Lê Hi về Cây Sự Sống,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài Học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 3 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Giấc Mơ của Lê Hi về Cây Sự Sống
Hãy nghĩ về những người, những tổ chức, các trang web, hoặc các diễn đàn truyền thông xã hội mà ảnh hưởng đến suy nghĩ, lựa chọn, và hành động của anh chị em mỗi ngày. Có bao nhiêu trong số những nguồn này đang khuyến khích anh chị em noi theo Chúa Giê Su Ky Tô? Khi anh chị em học, hãy cân nhắc cách mà lời của Thượng Đế có thể giúp gia tăng khả năng của anh chị em để bước đi trên con đường chật và hẹp dẫn đến Chúa và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.
Phần 1
Làm thế nào tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế nhiều hơn trong cuộc sống của mình?
Khi gia đình của Lê Hi “còn ở trong vùng hoang dã” (1 Nê Phi 8:2) trong cuộc hành trình của họ đến đất hứa, Lê Hi đã nhận được một khải tượng từ Thượng Đế. Trong khải tượng của ông, Lê Hi đã được một người đàn ông mặc áo trắng dẫn đến “một vùng hoang dã âm u tiêu điều” (1 Nê Phi 8:1–7).
Về sau Nê Phi nhận được một khải tượng gần giống với khải tượng của cha ông. Khi Nê Phi cầu vấn để hiểu được ý nghĩa của cây sự sống, ông được cho thấy “mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế; theo thể cách xác thịt … đang bồng một trẻ nhỏ trong tay” (1 Nê Phi 11:18, 20). Sau đó một thiên sứ hiện đến để giúp Nê Phi hiểu rõ hơn ý nghĩa của cái cây đó.
Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Dự phần vào tình yêu thương của Thượng Đế là dự phần vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su và … niềm vui nhận được mà sự chuộc tội đem lại” (“Lessons from Laman and Lemuel,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 8).
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng nói:
Việc ăn trái cây ấy cũng tượng trưng rằng chúng ta sẵn lòng chấp nhận các giáo lễ và giao ước của phúc âm phục hồi—chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và bước vào ngôi nhà của Chúa để được ban cho quyền năng từ trên cao. Nhờ ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô và nhờ sự tôn trọng các giao ước của mình, chúng ta nhận được lời hứa vô giá về việc sống với gia đình ngay chính của mình trong suốt thời vĩnh cửu.
Không có gì ngạc nhiên khi thiên sứ mô tả trái cây ấy là “niềm vui sướng nhất cho tâm hồn” [1 Nê Phi 11:23]. (“Trái Cây,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 117)
Phần 2
Điều gì có thể ngăn tôi khỏi Chúa Giê Su Ky Tô và trái của Sự Chuộc Tội của Ngài?
Không phải tất cả mọi người trong giấc mơ của Lê Hi đều nếm trái cây ấy hoặc ở lại sau khi ăn trái ấy. Chúng ta học được từ câu chuyện này rằng mặc dù một số người từ chối tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi và các phước lành đến từ Sự Chuộc Tội của Ngài, những người khác đã nếm sự tốt lành của Ngài và về sau lại bỏ Ngài đi vì họ xao lãng, xấu hổ, hoặc bị cám dỗ sống trong tội lỗi.
Phần 3
Làm sao tôi có thể chống lại cám dỗ và tiếp tục trung tín với Chúa Giê Su Ky Tô?
Trong khải tượng của ông, Lê Hi đã trông thấy ba nhóm người đang tìm cách để đi trên con đường chật và hẹp dẫn đến cái cây và trái của cây ấy. Lê Hi cũng thấy một thanh sắt chạy dọc trên con đường dẫn đến cái cây.
Nê Phi dạy rằng thanh sắt tượng trưng cho lời của Thượng Đế và những người nào giữ vững lời ấy “sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch” (1 Nê Phi 15:24). Chủ Tịch Ezra Taft Benson lưu ý rằng lời của Thượng Đế được tìm thấy “trong thánh thư, trong những lời của các vị tiên tri tại thế, và trong điều mặc khải cá nhân” (“The Power of the Word,” Ensign, tháng Năm năm 1986, trang 80).
Chị Ann M. Dibb, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã đưa ra những lời khuyên bảo này cho những người đã buông tay ra khỏi thanh sắt:
Không phải lúc nào cũng dễ dàng để bám chặt vào thanh sắt. Chúng ta có thể buông ra vì áp lực của bạn bè hay tính kiêu ngạo, vì nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình tìm ra con đường trở về—sau này. … Nê Phi nói: “Và nhiều người khác thì bị xa lạc khỏi tầm mắt của ông, họ đi lang thang trong những con đường xa lạ” (1 Nê Phi 8:32). Những lúc khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy mình cũng “đi lang thang trong những con đường xa lạ.” Tôi bảo đảm với các anh chị em rằng việc chúng ta tìm ra con đường trở về đều luôn luôn có thể thực hiện được. Qua sự hối cải, nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể trở lại và tái cam kết sẽ bám chặt vào thanh sắt và cảm nhận được sự hướng dẫn nhân từ của Cha Thiên Thượng một lần nữa. Đấng Cứu Rỗi đưa ra lời mời gọi công khai cho chúng ta: Hãy hối cải, hãy bám chặt và chớ buông ra. ( “Hãy Bám Chặt,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 81)