“Bài học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Cầu Nguyện và Sự Mặc Khải Cá Nhân”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Cầu Nguyện và Sự Mặc Khải Cá Nhân
Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền lệnh: “Các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta” (3 Nê Phi 18:19). Sách Mặc Môn làm sáng tỏ các nguyên tắc quan trọng liên quan đến cầu nguyện và sự mặc khải cá nhân. Bài học này có thể giúp học viên đánh giá được chất lượng của lời cầu nguyện của họ và nhận ra những điều họ có thể làm để cải thiện lời cầu nguyện của mình. Học viên cũng sẽ có cơ hội để suy ngẫm về những điều họ có thể làm để gia tăng khả năng tiếp nhận được sự mặc khải cá nhân.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
A Mu Léc giảng dạy dân Giô Ram về tầm quan trọng của lời cầu nguyện.
Xin lưu ý: Khi anh chị em thảo luận về các cách cải thiện lời cầu nguyện cá nhân trong bài học này, hãy nhắc học viên nhớ rằng bất kỳ nỗ lực nào để cầu nguyện đều đáng khen ngợi. Anh chị em có thể muốn giải thích rằng phần tự đánh giá sau đây nhằm giúp học viên đến gần hơn với Thượng Đế qua lời cầu nguyện, không phải để làm họ chán nản trong những nỗ lực cầu nguyện của họ. Việc tự đánh giá sẽ giúp chuẩn bị cho học viên thảo luận về những điều A Mu Léc giảng dạy về lời cầu nguyện trong An Ma 34:17–28.
Trưng bày những lời phát biểu sau đây và mời học viên tự đánh giá bằng thang điểm từ 1 đến 5 (1=hoàn toàn không đồng ý và 5=hoàn toàn đồng ý).
-
Mỗi ngày tôi cầu nguyện riêng cá nhân.
-
Những lời cầu nguyện của tôi là đầy ý nghĩa và chân thành.
-
Tôi cầu nguyện cho nhu cầu vật chất và thuộc linh của tôi.
-
Tôi cầu xin giúp đỡ để vượt qua những cám dỗ của quỷ dữ.
-
Tôi cầu nguyện cho những người khác.
-
Tôi luôn cố gắng để có một lời cầu nguyện trong lòng mình.
Hãy khuyến khích học viên suy nghĩ về câu trả lời của họ khi anh chị em thảo luận về những lời giảng dạy của A Mu Léc về sự cầu nguyện.
Hãy chọn một trong các phương thức sau đây:
Mời học viên mô tả vắn tắt cách cầu nguyện của dân Giô Ram và chia sẻ suy nghĩ của họ về cách thức này.
Nhắc học viên nhớ rằng sau này A Mu Léc đã dạy những nguyên tắc quan trọng về lời cầu nguyện cho một nhóm người Giô Ram khiêm nhường. Mời học viên xem lại An Ma 34:17–28 và nhận ra những lẽ thật có thể áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.
Một phần của cuộc thảo luận này là anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ cách họ có thể viết lại một số câu này sang ngôn ngữ hiện đại liên quan đến tình huống của họ (xin xem sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị).
Học viên có thể chia sẻ các lẽ thật tương tự như sau: Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn chúng ta kêu cầu Ngài trong lời cầu nguyện mọi lúc và mọi nơi. Chúng ta nên cầu nguyện cho những mối quan tâm về vật chất lẫn thuộc linh của chúng ta. Lời cầu nguyện cần phải thành tâm và chân thành. Chúng ta nên cầu nguyện riêng. Chúng ta nên cầu nguyện cho những người khác. Chúng ta không chỉ nên cầu nguyện cho người khác mà còn tìm cách phục vụ họ.
Khi học viên chia sẻ các nguyên tắc và viết lại các câu trong An Ma 34 theo cách của thời nay, hãy cân nhắc xem anh chị em có thể hỏi những câu hỏi nào sau đây để giúp học viên hành động ngay chính và hiệu quả.
-
Tại sao là điều quan trọng để Cha Thiên Thượng tham gia vào mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta? Anh chị em có thể thấy sự khác biệt nào trong cuộc sống của mình khi bắt đầu cầu nguyện chân thành và thường xuyên?
-
Những trở ngại nào có thể ngăn anh chị em bắt đầu cầu nguyện chân thành? Làm thế nào anh chị em có thể loại bỏ được những trở ngại đó?
-
Có khi nào anh chị em đã “kêu cầu” hay “trút hết” lòng mình lên Thượng Đế và điều này có tác dụng gì? Làm thế nào chúng ta có thể chủ ý “cho lòng [của chúng ta] được tràn đầy mở rộng trong sự nguyện cầu Ngài”? (An Ma 34:27).
-
Tại sao lời cầu nguyện lại có sức mạnh to lớn như vậy để vượt qua được sức mạnh của quỷ dữ? (Có thể là điều hữu ích để đọc 2 Nê Phi 32:8 và 3 Nê Phi 18:15, 18.) Lời cầu nguyện đã giúp đỡ anh chị em như thế nào để chống lại cám dỗ?
-
Các phước lành nào đã đến với cuộc sống của anh chị em khi anh chị em cầu nguyện và phục vụ người khác? Có khi nào anh chị em cảm thấy được lời cầu nguyện của những người khác cho mình không? Anh chị em có biết người nào có thể cần đức tin, lời cầu nguyện và sự phục vụ của anh chị em không?
Cân nhắc chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
Tôi mong rằng tất cả chúng ta đều biết rằng việc cầu nguyện là thiết yếu cho sự phát triển và bảo vệ phần thuộc linh của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta biết thì không phải lúc nào cũng phản ảnh ở điều chúng ta làm. Và mặc dù chúng ta nhận biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện nhưng tất cả chúng ta đều có thể cải tiến sự kiên định và hiệu quả của những lời cầu nguyện riêng cá nhân và chung với gia đình của chúng ta. (“Phải Lấy Đức Tin mà Cầu Xin,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 94)
Hãy mời học viên suy ngẫm về những câu trả lời trong phần tự đánh giá vào lúc bắt đầu bài học. Khuyến khích học viên đánh giá những nỗ lực cá nhân của riêng họ và ghi lại những điều họ có thể làm để cải thiện việc giao tiếp với Thượng Đế.
Nê Phi tìm kiếm và có được sự mặc khải cá nhân.
Trưng bày những lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Julie B. Beck, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ và Chủ Tịch Russell M. Nelson, và mời học viên giải thích tại sao họ nghĩ rằng những sứ điệp này về sự mặc khải có thể đặc biệt quan trọng đối với những người thành niên trẻ tuổi ngày nay.
Khả năng để hội đủ điều kiện, tiếp nhận và hành động theo sự mặc khải cá nhân là một kỹ năng quan trọng nhất có thể đạt được trong cuộc sống này. (“Trong Những Ngày Đó, Dầu Những Đầy Tớ Trai và Đầy Tớ Gái, Ta Cũng Đổ Thần Ta Lên,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 11)
Chưa bao giờ là điều cấp bách bằng bây giờ để biết được cách mà Thánh Linh nói với anh chị em. …
Tôi lặp lại lời khẩn nài của mình với anh chị em để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm gia tăng khả năng thuộc linh nhận được sự mặc khải cá nhân. (“Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 90)
Hãy viết những câu còn dở dang và đoạn thánh thư sau đây lên trên bảng:
-
Nê Phi đã gia tăng khả năng của ông để tiếp nhận sự mặc khải bằng cách …
-
(Đọc 1 Nê Phi 10:17–19; xin xem thêm 1 Nê Phi 2:16.)
-
La Man và Lê Mu Ên đã làm suy giảm khả năng của họ để tiếp nhận sự mặc khải bằng cách …
-
(Đọc 1 Nê Phi 15:2–4, 8–11; xin xem thêm 1 Nê Phi 2:11–12.)
Mời học viên làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ và nghiên cứu các đoạn thánh thư về Nê Phi hoặc La Man và Lê Mu Ên, sau đó hoàn thành một trong những câu trên bảng. Những câu trả lời của học viên có thể bao gồm như sau:
Nê Phi đã gia tăng khả năng tiếp nhận sự mặc khải bằng cách mong muốn biết được lẽ thật, tin cậy vào những điều ông biết về Thượng Đế, thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải và siêng năng tìm kiếm câu trả lời từ Thượng Đế.
La Man và Lê Mu Ên làm suy giảm khả năng tiếp nhận sự mặc khải bởi sự cứng lòng, không tin tưởng rằng Chúa sẽ đáp ứng lời họ, cãi vã với nhau và không cầu vấn Thượng Đế những câu hỏi của họ.
-
Cuộc sống của Nê Phi, La Man và Lê Mu Ên đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi khả năng của họ để tiếp nhận được sự mặc khải? Việc gia tăng khả năng tiếp nhận sự mặc khải có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của anh chị em? (Anh chị em có thể mời học viên xem lại An Ma 12:9–10.)
Cho học viên thời gian để suy ngẫm và ghi lại suy nghĩ của họ cho những câu hỏi sau đây. Khi học viên suy ngẫm, anh chị em có thể trưng bày lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson từ phần 2 của tài liệu chuẩn bị.
-
Anh chị em học được điều gì trong bài học này từ các tấm gương của Nê Phi, La Man và Lê Mu Ên về việc tiếp nhận sự mặc khải? Anh chị em nên ngừng làm gì hoặc bắt đầu làm gì để gia tăng khả năng tiếp nhận sự mặc khải?
Cân nhắc kết thúc bài học bằng cách khuyến khích một hoặc hai học viên chia sẻ xem việc tiếp nhận sự mặc khải đã ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào.
Cho Buổi Học Lần Sau
Hãy yêu cầu học viên suy ngẫm về một thử thách hiện tại mà họ hoặc một người quen biết của họ đang gặp phải. Khi học viên chuẩn bị cho buổi học tiếp theo, hãy khuyến khích họ nhận ra lẽ thật có thể giúp chúng ta đương đầu với thử thách bằng đức tin, lòng can đảm và hy vọng.