Viện Giáo Lý
Bài học 21 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Khắc Phục Tính Kiêu Ngạo


“Bài học 21 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Khắc Phục Tính Kiêu Ngạo”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 21 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 21 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Khắc Phục Tính Kiêu Ngạo

Tội kiêu ngạo là chủ đề chính trong Sách Mặc Môn. Theo sau thời kỳ ngay chính và thịnh vượng thường là thời kỳ kiêu ngạo và tà ác. Bài học này sẽ giúp học viên nhận ra các dấu hiệu của tính kiêu ngạo trong cuộc sống của riêng họ. Học viên cũng sẽ suy ngẫm những điều họ có thể làm để khắc phục tính kiêu ngạo và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Gia Cốp và Mô Rô Ni dạy về tội kiêu ngạo.

Để bắt đầu buổi học, anh chị em có thể muốn trưng bày lời phát biểu sau đây của Anh Cả J. Devn Cornish thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi: “Chúng ta phải ngừng so sánh mình với những người khác” (“Tôi Có Là Người Đủ Tốt để Vào Được Thượng Thiên Giới Không?Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 33). Hỏi học viên tại sao đây là lời khuyên bổ ích.

Hãy chia sẻ tình huống sau đây và hỏi học viên xem họ hoặc ai đó mà họ biết đã từng cảm nhận như vậy chưa.

Jill không thích tham gia các buổi họp của Hội Phụ Nữ. Khi nhìn quanh phòng, tất cả những gì cô ấy có thể thấy là những người phụ nữ có vẻ xinh đẹp, đầy thuộc linh và tài năng hơn cô ấy. Cô bực tức với họ vì những phẩm chất này và thường rời khỏi Hội Phụ Nữ với cảm giác tức giận và ghen tị.

Hãy trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, người đã nói về tính kiêu ngạo trong khi phục vụ với tư cách là thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: “Theo bản chất, tính kiêu hãnh là tội lỗi so sánh” (“Tính Kiêu Hãnh và Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 56). Hãy viết lên bảng lẽ thật sau đây: Tính kiêu hãnh là tội so sánh.

  • Việc so sánh bản thân với người khác có thể dẫn đến tính kiêu ngạo bằng các cách thức nào?

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

hãy điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của học viên. Mặc dù chương trình giảng dạy cung cấp nhiều lẽ thật quan trọng, nguồn tài liệu và sự hướng dẫn hữu ích, nhưng chương trình này không thể đoán trước tất cả các nhu cầu của học viên. Khi anh chị em giảng dạy, hãy cẩn thận lắng nghe các nhận xét, câu hỏi và mối quan tâm của học viên để Đức Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết cần tập trung và ưu tiên điều gì trong cuộc thảo luận.

Nhắc học viên là họ đã học được từ phần 1 của tài liệu chuẩn bị rằng Gia Cốp đã cảnh báo dân chúng về tính kiêu ngạo của họ, Mô Rô Ni thấy trước tính kiêu ngạo trong những ngày sau cùng và Chủ Tịch Ezra Taft Benson đề cập đến tính kiêu ngạo trong Giáo Hội được phục hồi của Chúa. Mời mỗi học viên chọn một trong những vị tiên tri này và xem lại sứ điệp của ông ấy về tính kiêu ngạo, tìm kiếm các cách thức mà “tính kiêu hãnh là tội lỗi so sánh” (“Tính Kiêu Hãnh và Chức Tư Tế”, trang 56).

Sau khi học viên đã có đủ thời gian để tìm kiếm những đoạn này, hãy mời học viên chia sẻ những điều họ đã học được. Khi học viên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ, hãy cân nhắc cần tập trung và ưu tiên cho những câu hỏi nào sau đây:

  • Anh chị em nghĩ “dương dương tự đắc trong lòng mình” có nghĩa là gì? (Gia Cốp 2:13). Làm thế nào anh chị em biết được khi nào anh chị em đang dương dương tự đắc trong lòng mình?

  • Chúng ta có thể phạm phải những tội lỗi nào khác trong cuộc sống khi chúng ta khinh thường người khác với sự tự cao tự đại hoặc ngước nhìn lên người khác với sự oán giận? Theo kinh nghiệm của anh chị em, những kiểu so sánh này ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ với bạn bè, những người trong gia đình, bạn cùng phòng, đồng nghiệp và Cha Thiên Thượng?

  • Trong những phương diện nào mà các phương tiện truyền thông xã hội có thể kích thích sự so sánh mà có thể dẫn đến tội kiêu ngạo? Anh chị em đã làm gì để chống lại cám dỗ so sánh mình với người khác?

Lưu ý: Nếu học viên bày tỏ lo lắng về những thách thức do phương tiện truyền thông xã hội đặt ra, anh chị em có thể muốn chia sẻ và thảo luận về lời phát biểu sau đây của Anh Cả Gary E. Stevenson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Gary E. Stevenson

Nhiều (nếu không muốn nói là hầu hết) hình ảnh đăng trên phương tiện truyền thông xã hội có khuynh hướng mô tả đời sống ở mức tốt đẹp nhất—thường là không đúng thực tế. …

Việc so sánh đời sống dường như trung bình của mình với đời sống được chỉnh sửa tốt đẹp, được chế tác hoàn hảo trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể mang đến cho chúng ta cảm giác chán nản, ghen tị và thậm chí còn thất bại. …

Như Chị Bonnie L. Oscarson đã nhắc nhở chúng ta sáng hôm nay, thành công trong đời sống không đến từ việc có bao nhiêu lượt thích mình nhận được hoặc có bao nhiêu bạn bè hoặc người theo dõi trên truyền thông xã hội mà mình có. Tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc có được mối quan hệ đầy ý nghĩa với người khác và thêm ánh sáng vào cuộc sống của họ. (“Nhật Thực về Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 46)

Mời học viên chuyển đến các câu hỏi ở cuối phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Mời học viên xem lại các câu trả lời mà họ đã ghi lại trong quá trình học tập cá nhân và thêm bất kỳ suy nghĩ hoặc cảm nhận bổ sung nào mà họ đã có kể từ khi ghi lại câu trả lời của mình.

Người dân Nê Phi khắc phục tính kiêu ngạo nhờ sự khiêm nhường.

Mời một học viên giải thích mục đích của thuốc giải độc. (Nếu cần, hãy giải thích rằng thuốc giải độc là loại thuốc được dùng để chống lại một chất độc cụ thể.) Hãy trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Benson: “Thuốc giải trừ tính kiêu ngạo là tính khiêm nhường—hiền lành, biết phục tùng. (Xin xem An Ma 7:23.)” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 6). Viết lên bảng lẽ thật sau đây: Sự khiêm nhường là liều thuốc giải trừ tính kiêu ngạo.

  • Trong những phương diện nào mà tính kiêu ngạo có thể giống như liều thuốc độc?

  • Anh chị em nghĩ tại sao Chủ Tịch Benson mô tả sự khiêm nhường là liều thuốc giải trừ tính kiêu ngạo?

Nhắc học viên rằng trong Gia Cốp 2:17–21, Gia Cốp đã nói với dân ông cách chống lại cám dỗ của tính kiêu ngạo khi họ ngày càng giàu có. Đồng thời, nhắc học viên nhớ rằng họ đã học được từ bài học chuẩn bị rằng 3 Nê Phi 6:12–14 mô tả những người khiêm nhường, những người từ chối hành động kiêu ngạo. Mời học viên xem lại một trong những đoạn thánh thư này, tìm kiếm những điều chúng ta có thể làm để khắc phục tính kiêu ngạo.

  • Theo như những câu này, chúng ta có thể làm gì để khắc phục tính kiêu ngạo? (Anh chị em có thể muốn liệt kê những câu trả lời của học viên lên trên bảng. Một số câu trả lời có thể có như sau: rộng lượng với những gì chúng ta có, tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế trước, đạt được hy vọng nơi Đấng Ky Tô, chăm sóc người nghèo, trân quý mọi người, không tranh cãi với người khác, khiêm nhường và ăn năn trước Thượng Đế và tuân giữ các lệnh truyền.)

  • Những thái độ và hành động này thể hiện sự khiêm nhường như thế nào?

  • Anh chị em đã học được điều gì về sự khiêm nhường từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi? Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tấm gương khiêm nhường của Ngài trong cuộc sống của chúng ta?

Cho học viên vài phút để xem lại lời phát biểu của Chủ Tịch Benson trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị . Khuyến khích học viên nhận ra một cách cụ thể để họ có thể trau dồi tính khiêm nhường hơn trong cuộc sống và quyết định cách thức để họ có thể làm như vậy.

Hãy cân nhắc chia sẻ chứng ngôn rằng với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể liên tục nhận ra và khắc phục tính kiêu ngạo và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hỏi học viên xem họ có từng đọc hoặc nghe những điều mà khiến họ nghi ngờ hoặc tranh cãi về những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô và các vị tiên tri tại thế của Ngài chưa. Khi học viên học tài liệu chuẩn bị cho buổi học tiếp theo, hãy mời học viên tìm kiếm những lời giảng dạy có thể giúp họ tự vệ trước những kẻ tìm cách hủy hoại đức tin của họ.