“Bài Học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Cuộc Sống sau khi Chết,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)
“Bài Học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Cuộc Sống sau khi Chết
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Chúng ta không cần xem cái chết như là một kẻ thù. Với sự hiểu biết và sự chuẩn bị đầy đủ, đức tin sẽ thay thế nỗi sợ hãi. Hy vọng sẽ thay thế tuyệt vọng” (“Doors of Death,” Ensign, tháng Năm năm 1992, trang 74). Khi anh chị em nghiên cứu tài liệu chuẩn bị này, hãy xem xét Sách Mặc Môn dạy điều gì về cái chết và cuộc sống sau khi chết mà có thể giúp anh chị em “chuẩn bị để gặp Thượng Đế” (An Ma 12:24).
Phần 1
Điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết?
Sau khi Cô Ri An Tôn, một người con trai của An Ma Con, đã từ bỏ giáo vụ và phạm tội lỗi tình dục, cha của ông đã nói với ông về tính nghiêm trọng của những hành động của ông. An Ma nhận thấy rằng Cô Ri An Tôn lo lắng về cuộc sống sau khi chết và sự trừng phạt chờ đón kẻ phạm tội. An Ma dạy cho con ông rằng mặc dù tất cả mọi người đều được phục sinh, nhưng chỉ có người ngay chính mới được sống với Thượng Đế (xin xem An Ma 40:1, 9–10, 25–26). Ông cũng giải thích điều gì sẽ xảy đến với linh hồn chúng ta giữa cái chết và Sự Phục Sinh.
Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy về cụm từ “được đem trở về với Thượng Đế là Đấng đã cho [họ] sự sống”:
[Cụm từ này] đơn giản có nghĩa là cuộc sống trần thế đã đi đến một kết thúc, và họ đã trở về với thế giới linh hồn, nơi mà họ được chỉ định đến nơi tùy theo việc làm của họ với người công bình hoặc với người bất chính, ở đó để chờ đợi sự phục sinh. (Joseph Fielding Smith, Answers to Gospel Questions, được biên soạn bởi Joseph Fielding Smith Jr. [Năm 1958], 2:85)
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cũng nói như sau về thế giới linh hồn:
Chúng ta biết từ thánh thư rằng sau khi cơ thể chúng ta chết thì chúng ta tiếp tục sống với tư cách là các linh hồn trong thế giới linh hồn. Thánh thư cũng dạy rằng thế giới linh hồn này được chia cách giữa những người “ngay chính” hoặc “công minh” trong cuộc sống này với những người tà ác. Thánh thư cũng mô tả cách mà một số linh hồn trung tín giảng dạy phúc âm cho những người tà ác hoặc phản nghịch (xin xem 1 Phi E Rơ 3:19; Giáo Lý và Giao Ước 138:19–20, 29, 32, 37). Quan trọng nhất, sự mặc khải hiện đại tiết lộ rằng công việc cứu rỗi sẽ tiếp tục trong thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:30–34, 58), và mặc dù chúng ta được khẩn nài để không trì hoãn sự hối cải của mình trong cuộc sống trần thế (xin xem An Ma 13:27), nhưng chúng ta được dạy rằng một số người vẫn có thể hối cải ở thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:58). (“Tin Cậy Nơi Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 26)
Phần 2
Việc tin tưởng vào Sự Phục Sinh có thể mang đến hy vọng cho tôi như thế nào?
Khi An Ma và A Mu Léc dạy dân A Mô Ni Ha, một luật gia tên là Giê Rôm đã cố gắng bóp méo lời của A Mu Léc và phá hoại những lời giảng dạy của ông về Chúa Giê Su Ky Tô. A Mu Léc đã đáp lại bằng cách mạnh dạn làm chứng rằng Sự Phục Sinh và sự cứu rỗi khỏi tội lỗi chỉ có thể có được qua Chúa Giê Su Ky Tô mà thôi.
Khi làm chứng về tầm quan trọng của Sự Phục Sinh, Chủ Tịch Susan W. Tanner, cựu Chủ Tịch Hội Thiếu Nữ Trung Ương, đã dạy:
Các thể xác thiêng liêng này, mà chúng ta rất biết ơn, phải chịu đựng những hạn chế tự nhiên. Một số người sinh ra với khuyết tật và chịu đau đớn vì bệnh tật trong suốt đời họ. Khi lớn tuổi, tất cả chúng ta trải qua giai đoạn thân thể của mình dần dần bắt đầu suy yếu. Khi điều này xảy ra, chúng ta mong muốn đến ngày mà thân thể chúng ta sẽ được chữa lành và khỏe mạnh. Chúng ta trông chờ Sự Phục Sinh mà Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho có thể có được. … Tôi biết rằng qua Đấng Ky Tô chúng ta có thể trải qua một niềm vui trọn vẹn mà chỉ có được khi linh hồn và nguyên tố kết hợp nhau một cách không thể tách rời được (xin xem GL&GƯ 93:33). (“Sự Thiêng Liêng của Thể Xác,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 15)
Phần 3
Tôi có thể làm gì để chuẩn bị tốt hơn để gặp Thượng Đế?
Vài năm sau khi giảng dạy ở A Mô Ni Ha, An Ma và A Mu Léc đã đi phục vụ truyền giáo lần nữa, lần này là cho dân Giô Ram bội giáo. An Ma và A Mu Léc bắt đầu thành công trong số những người dân biết khiêm nhường hơn. Sau khi giảng dạy dân chúng hãy hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô và tin tưởng nơi quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài, A Mu Léc đã mời họ chuẩn bị để gặp Thượng Đế.
Khi đề cập đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị ngày hôm nay để gặp Thượng Đế, Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói:
Có một sự nguy hiểm trong câu nói một ngày nào đó khi nó có nghĩa là ‘không phải là ngày hôm nay.’ “Một ngày nào đó tôi sẽ hối cải.” “Một ngày nào đó tôi sẽ tha thứ cho anh ấy.” …
Thánh thư giải thích rõ ràng về nguy cơ của sự trì hoãn. … Ngày hôm nay là một ân tứ quý báu từ Thượng Đế. Ý nghĩ “Một ngày nào đó tôi sẽ” có thể là một sự tước đoạt những cơ hội về thời gian và các phước lành vĩnh cửu. (“Ngày Hôm Nay,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 89)
Khi An Ma Con phục sự dân chúng trong xứ Gia Ra Hem La, ông đã hỏi nhiều câu hỏi buộc họ phải suy nghĩ để giúp họ xem xét điều gì họ cần làm để chuẩn bị sẵn sàng đứng trước sự hiện diện của Thượng Đế (xin xem An Ma 5).