“Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Hối Cải và Sự Tha Thứ,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)
“Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Sự Hối Cải và Sự Tha Thứ
Sự hối cải là một phần của giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là ân tứ của Ngài dành cho những ai có ước muốn thay đổi và được tẩy sạch khỏi tội lỗi. Anh chị em có thể nhớ mình đã cảm thấy ra sao khi chân thành xin lỗi và hối cải về điều mình đã làm trong quá khứ không? Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Hãy nhớ rằng, sự hối cải không phải là trừng phạt. Đó là con đường tràn đầy hy vọng vào một tương lai huy hoàng hơn” (“Sức Mạnh Cá Nhân nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 84). Khi anh chị em học trong phần chuẩn bị cho lớp học, hãy suy ngẫm cách mà ân tứ về sự hối cải và sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi cho phép anh chị em học hỏi, phát triển, và trở thành giống như Ngài hơn.
Phần 1
Bằng cách nào tôi có thể thực sự hối cải và được Chúa tha thứ những tội lỗi của mình?
An Ma Con đã không tin những lời giảng dạy của cha mình là An Ma Cha. Cùng với các con trai của Vua Mô Si A, An Ma Con đã tích cực cố gắng phá hoại Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Trong khi đang làm công việc tà ác này, một thiên sứ của Chúa đã hiện đến với họ và cảnh cáo An Ma phải ngừng làm điều ông đang làm nếu không thì ông sẽ bị “khai trừ” (Mô Si A 27:16). Bị choáng ngợp bởi kinh nghiệm này, An Ma không thể nói cũng như cử động được. Các con trai của Mô Si A khiêng An Ma Con đến cho cha của ông và giải thích tất cả những gì đã xảy ra. (Xin xem Mô Si A 27:8–20.)
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận xét như sau về vai trò quan trọng của Chúa trong sự hối cải của chúng ta:
Đấng Ky Tô là sức mạnh đằng sau tất cả mọi sự hối cải. … An Ma đã cảm động trước lời giảng dạy của cha ông, nhưng điều đặc biệt quan trọng là lời tiên tri mà ông đã nhớ đến chính là lời tiên tri về “sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.” (An Ma 36:17.) Đó là danh xưng và sứ điệp mà mỗi người cần phải nghe. … Cho dù chúng ta dâng lên bất cứ lời cầu nguyện nào khác, cho dù chúng ta có bất cứ nhu cầu nào khác đi nữa thì bằng cách nào đó, tất cả chúng ta đều tùy thuộc vào lời khẩn nài đó: “Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con.” Ngài sẵn sàng ban cho lòng thương xót đó. Ngài đã trả giá bằng chính mạng sống của Ngài để ban cho lòng thương xót đó. (However Long and Hard the Road [năm 1985], trang 85)
Phần 2
Làm thế nào việc dâng lên Chúa một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối là một phần của sự hối cải chân thành?
Dân Nê Phi đã sống theo luật pháp Môi Se cho đến ngay trước khi Chúa Giê Su Ky Tô đích thân hiện đến cùng họ. Là một phần của luật pháp Môi Se, Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho dân Ngài dâng các con vật làm của lễ hy sinh như là một biểu tượng về sự hy sinh chuộc tội mà Ngài sẽ thực hiện.
Anh Cả Bruce D. Porter thuộc Thầy Bảy Mươi giải thích ý nghĩa của cụm từ “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (3 Nê Phi 9:20):
Khi chúng ta phạm tội và mong muốn được tha thứ, thì một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối có nghĩa là trải qua “sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải” (2 Cô Rinh Tô 7:10). Điều này xảy đến khi ước muốn của chúng ta để được tẩy sạch khỏi tội lỗi mạnh mẽ đến mức mà tấm lòng của chúng ta đau đớn và buồn rầu và chúng ta mong muốn cảm thấy được bình an với Cha Thiên Thượng của mình. Những người có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối đều sẵn lòng làm bất cứ điều gì và mọi điều mà Thượng Đế phán bảo họ phải làm mà không chống đối hoặc oán giận. Chúng ta ngừng làm những việc theo cách của mình và thay vào đó học làm theo cách của Thượng Đế. Trong điều kiện tuân phục như thế, Sự Chuộc Tội có thể có hiệu quả và sự hối cải chân thành có thể xảy ra. (“Một Tấm Lòng Đau Khổ và một Tâm Hồn Thống Hối,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 32)
Phần 3
Tại sao Đấng Cứu Rỗi lại sẵn lòng tha thứ cho các tội lỗi của tôi?
Dưới thời trị vì của Vua Mô Si A, “có nhiều người trong thế hệ đang vươn lên” (Mô Si A 26:1) đã thuyết phục các tín hữu Giáo Hội phạm nhiều tội nghiêm trọng. Không biết chắc cách để giải quyết tình huống này, An Ma Cha đã tìm đến Chúa để được hướng dẫn.
Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Chúa Giê Su Ky Tô có thể tha thứ vì Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta [xin xem Ê Sai 53:5].
Đấng Cứu Chuộc của chúng ta chọn để tha thứ vì lòng trắc ẩn, thương xót và tình yêu thương vô song của Ngài.
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta muốn tha thứ bởi vì đây là một trong số các thuộc tính thiêng liêng của Ngài.
Và như Ngài là Đấng Chăn Hiền Lành, Ngài sẽ vui mừng khi chúng ta chọn hối cải [xin xem Lu Ca 15:4–7; Giáo Lý và Giao Ước 18:10–13]. (“Sự Hối Cải: Một Sự Chọn Lựa Đáng Mừng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 123; chữ in nghiêng được thêm vào)
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng đã bảo đảm rằng:
Tôi kinh ngạc trước vòng tay thương xót và yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho người hối cải, bất kể tội lỗi có ích kỷ đến đâu cũng được xóa bỏ. Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có thể và tha thiết muốn tha thứ tội lỗi của chúng ta. (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành Các Ngươi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 40)