Viện Giáo Lý
Bài học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sau Khi Đức Tin Đã Được Thử Thách


“Bài học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sau Khi Đức Tin Đã Được Thử Thách”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Sau Khi Đức Tin Đã Được Thử Thách

Sách Mặc Môn ghi lại nhiều ví dụ về những người hành động theo đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong thời gian thử thách và nhận được sự làm chứng xác nhận đức tin của họ. Bài học này sẽ cho học viên cơ hội giải thích lý do tại sao cần phải thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô trước khi nhận được sự làm chứng thuộc linh và nhận ra làm thế nào họ có thể hành động với đức tin lớn lao hơn nơi Ngài khi đương đầu với thử thách. Học viên cũng suy ngẫm xem họ có thể thực hiện những hành động nào được soi dẫn bởi đức tin để đạt được hoặc làm sâu sắc thêm lời chứng của họ về Sách Mặc Môn.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy chia sẻ những câu chuyện và truyện ký có thật. Để gia tăng hứng thú học tập của học viên, hãy cân nhắc chia sẻ những câu chuyện hoặc truyện ký có thật về cuộc đời của các vị tiên tri, lịch sử Giáo Hội, bài nói chuyện trong đại hội trung ương, tạp chí của Giáo Hội hoặc cuộc sống của riêng anh chị em hoặc mời học viên chia sẻ kinh nghiệm của họ. Những câu chuyện như vậy có thể làm sáng tỏ các nguyên tắc phúc âm và giúp học viên cảm nhận được lẽ thật cùng tầm quan trọng của các nguyên tắc đó.

Mô Rô Ni dạy về tầm quan trọng của việc hành động theo đức tin.

Trưng bày câu chuyện sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson (anh chị em có thể muốn đề cập rằng học viên đã đọc về kinh nghiệm này trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị):

Anh Cả D. Todd Christofferson

Một thời gian trước khi tôi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã phải đương đầu với một thử thách về kinh tế cá nhân kéo dài trong vài năm. Có đôi lúc thử thách này đã đe dọa đến sự an lạc của gia đình tôi và bản thân tôi, và tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đang phải đối mặt với sự sụp đổ về tài chính. Tôi đã cầu nguyện để xin có được sự can thiệp kỳ diệu nào đó để giải thoát chúng tôi. Mặc dù tôi đã dâng lên lời cầu nguyện đó nhiều lần với tấm lòng chân thành và với ước muốn tha thiết nhất, thì câu trả lời cuối cùng cũng vẫn là “Không.” (“Look to God Each Day,” New Era, tháng Tư năm 2015, trang 3–4)

  • Trong những phương diện nào mà kinh nghiệm như thế này có thể thử thách đức tin của một người nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Một số ví dụ thực tế khác về cách thức mà đức tin của mọi người có thể bị thử thách là gì?

Mời học viên xem lại những lời giảng dạy của Mô Rô Ni liên quan đến đức tin trong Ê The 12:3–7, 12, 18 và sau đó hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta có thể học được gì từ Ê The và Mô Rô Ni về việc thực hành đức tin? (Trong số các lẽ thật khác, học viên có thể nhận ra một lẽ thật nào đó tương tự như sau: Chúng ta không thể nhận được sự làm chứng thuộc linh cho đến khi đức tin của chúng ta đã được thử thách.)

  • Anh chị em nghĩ tại sao chúng ta cần phải hành động theo đức tin trước khi nhận được sự làm chứng thuộc linh từ Thượng Đế?

  • Trong những phương diện nào chúng ta đã được ban phước khi tiếp tục trung tín với Chúa Giê Su Ky Tô trong thời gian thử thách? (Anh chị em có thể muốn xem lại lời phát biểu của Anh Cả Christofferson trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Mời học viên suy ngẫm về các ví dụ trong Sách Mặc Môn về những người đã hành động theo đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi gặp thử thách hoặc sự chống đối. Nếu cần, hãy cho học viên một vài phút để nghiên cứu câu chuyện của những người họ nghĩ đến. (Học viên đã hoàn thành sinh hoạt học tập trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị có thể xem lại những gì họ đã học.)

Sau khi đã thấy có đủ thời gian rồi, hãy chia lớp học thành các nhóm nhỏ để thảo luận các câu hỏi sau đây (nhắc học viên rằng học viên đã trả lời các câu hỏi tương tự trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị):

  1. Mỗi cá nhân hoặc dân chúng đã thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Chúa đã ban những phước lành và quyền năng thiêng liêng nào sau khi họ thực hành đức tin nơi Ngài? (Có thể là hữu ích để nêu ra rằng một số phước lành có thể không đến cho đến cuộc sống mai sau.)

  2. Chúng ta có thể học được các nguyên tắc hoặc cách thực hành nào từ câu chuyện này? Chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc hoặc cách thực hành này như thế nào vào cuộc sống của mình?

Anh chị em cũng có thể mời học viên suy ngẫm về các nguyên tắc mà họ đã thảo luận và ghi lại những suy nghĩ cùng ấn tượng cá nhân của họ về các nguyên tắc đó.

Mô Rô Ni mời độc giả tìm kiếm sự làm chứng về Sách Mặc Môn.

Trưng bày tình huống sau đây:

Hãy tưởng tượng rằng anh chị em vừa đưa cho người bạn thân một quyển Sách Mặc Môn và làm chứng rằng sách đó là đúng thật. Đáp lại, người bạn của anh chị em nói: “Cảm ơn bạn đã chia sẻ sách này với tôi. Tôi đã nghe nhiều ý kiến khác nhau về Sách Mặc Môn. Có người thậm chí còn cảnh báo tôi không nên đọc sách đó, vì sách chứa đầy những lời nói dối.”

  • Anh chị em có thể trả lời như thế nào trước sự dè dặt của bạn mình về Sách Mặc Môn?

  • Làm thế nào anh chị em có thể áp dụng những lời giảng dạy trong Ê The 12:6 vào tình huống này?

Hãy mời một học viên đọc to Mô Rô Ni 10:3–5. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm xem làm thế nào chúng ta có thể đạt được chứng ngôn về Sách Mặc Môn.

  • Chúng ta nên làm gì nếu muốn đạt được chứng ngôn về Sách Mặc Môn? (Học viên có thể nhận ra nguyên tắc sau đây hoặc nguyên tắc tương tự: Để đạt được chứng ngôn về Sách Mặc Môn, chúng ta nên ghi nhớ và suy ngẫm về lòng thương xót của Chúa khi chúng ta đọc sách và sau đó cầu vấn Thượng Đế xem điều đó có đúng không với sự chân thành, chủ ý thực sự và đức tin nơi Đấng Ky Tô.)

  • Làm thế nào mà việc chấp nhận lời mời của Mô Rô Ni là ví dụ cho những điều chúng ta học được về việc hành động theo đức tin? (Cũng có thể là hữu ích để xem lại lời phát biểu của Anh Cả Gene R. Cook trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

Hãy nhắc học viên nhớ rằng trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị, họ đã được mời suy ngẫm và ghi lại kinh nghiệm của họ với việc có được sự làm chứng thuộc linh rằng Sách Mặc Môn là đúng thật. Mời một vài học viên chia sẻ những gì họ đã trải qua và học được khi tìm kiếm và nhận được lời chứng thuộc linh về Sách Mặc Môn.

Cân nhắc chia sẻ lời phát biểu sau đây về lời hứa của Mô Rô Ni của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:

Chủ Tịch Henry B. Eyring

Tôi hy vọng rằng các em đều đã tự mình thử lời hứa đó hoặc các em sẽ sớm làm điều đó. Câu trả lời có thể không đến bằng một kinh nghiệm thuộc linh đơn giản và mạnh mẽ. Đối với tôi, thoạt tiên câu trả lời đến một cách lặng lẽ. Nhưng câu trả lời đó đến càng mạnh mẽ hơn mỗi lần tôi đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn.

Tôi không phụ thuộc vào điều đã xảy ra trong quá khứ. Để giữ cho chứng ngôn sống động của tôi về Sách Mặc Môn được vững chắc, tôi thường xuyên nhận được lời hứa của Mô Rô Ni. Tôi không xem phước lành đó của một chứng ngôn là điều tôi sẽ luôn luôn đương nhiên có. (“Một Chứng Ngôn Sống Động,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 127)

  • Anh chị em đang làm gì hoặc có thể làm gì để củng cố chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn?

Cho Buổi Học Lần Sau

Hãy mời học viên suy ngẫm xem cuộc sống của họ sẽ như thế nào nếu họ không có đức tin, hy vọng hoặc lòng bác ái. Khi học viên chuẩn bị cho bài học tiếp theo, hãy mời học viên suy ngẫm về những điều họ có thể làm để kết hợp trọn vẹn hơn những thuộc tính giống như Đấng Ky Tô vào cuộc sống của họ.