Viện Giáo Lý
Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Bảo Vệ Bản Thân Mình Trước Những Giáo Lý Sai Lạc trong Những Ngày Sau Cùng


“Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Bảo Vệ Bản Thân Mình Trước Những Giáo Lý Sai Lạc trong Những Ngày Sau Cùng”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bảo Vệ Bản Thân Mình Trước Những Giáo Lý Sai Lạc trong Những Ngày Sau Cùng

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy rằng “Sách Mặc Môn phơi bày những kẻ thù của Đấng Ky Tô [và] khuynh đảo các giáo lý sai lạc” (Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson [năm 2014], trang 132). Trong bài học này, học viên sẽ nhận ra các chiến thuật mà kẻ nghịch thù sử dụng để phá hoại đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Học viên cũng sẽ xác định cách thức họ có thể tiếp cận sự trợ giúp của Đấng Cứu Rỗi để củng cố bản thân chống lại các chiến thuật như vậy.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Nê Phi tiên tri về những lời giảng dạy sai lạc trong những ngày sau cùng.

Mời học viên nghĩ về thời điểm mà họ (hoặc ai đó mà họ biết) tiếp xúc với những ý tưởng hoặc lời giảng dạy phá hoại hoặc thách thức đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Mời một hoặc hai học viên chia sẻ những kinh nghiệm của họ.

  • Anh chị em nghĩ làm thế nào mà Sách Mặc Môn có thể bảo vệ chúng ta trước những ý tưởng hoặc lời giảng dạy mà có thể phá hoại đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài? (Cân nhắc xem lại những lời phát biểu của Chủ Tịch Benson Chủ Tịch Russell M. Nelson trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Viết cụm từ Những Lời Giảng Dạy Sai Lạc lên trên bảng. Mời học viên xem lại 2 Nê Phi 28:7–9, 20–22, 29–30 và tìm kiếm những lời giảng dạy phù hợp với đề mục này. Sau đó, viết những câu trả lời của học viên dưới đề mục trên bảng.

  • Một số ví dụ về những lời giảng dạy mà em đã nhận thấy được trong thời kỳ của chúng ta là gì? Trong những phương diện nào mà những lời giảng dạy này tìm cách phá hoại đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài?

  • Anh chị em đã làm gì để tự bảo vệ bản thân trước những ý tưởng sai lạc này?

Sê Rem, Nê Hô và Cô Ri Ho tìm cách hủy diệt đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Nêu lên rằng trong số những người trong Sách Mặc Môn đã giảng dạy những giáo lý sai lạc có ba kẻ chống báng Đấng Ky Tô: Sê Rem, Nê Hô và Cô Ri Ho. Mỗi kẻ đều cố gắng hủy diệt đức tin của những người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Cho học viên vài phút để xem lại câu chuyện mà họ tập trung trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Mời học viên chưa học một trong các câu chuyện này hãy làm như vậy trong thời gian này.

Sau khi đã thấy có đủ thời gian rồi, hãy mời học viên lập các nhóm nhỏ có những người đã học cùng một câu chuyện. Yêu cầu mỗi nhóm chỉ định một thành viên trong nhóm làm trưởng nhóm. Đưa cho mỗi trưởng nhóm một phó bản giấy phát tay đi kèm về “Phơi Bày Các Chiến Thuật của Sa Tan”.

Phơi Bày Các Chiến Thuật của Sa Tan

Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên—Bài học 22

Lưu ý cho trưởng nhóm thảo luận: Hướng dẫn nhóm của em thảo luận các câu hỏi sau đây. Mời các thành viên nhóm rút ra bài học từ thánh thư và những lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Khuyến khích tất cả các học viên trong nhóm tham gia. Tuy nhiên, không nên có ai cảm thấy bị áp lực khi phải chia sẻ suy nghĩ của mình.

  1. Kẻ chống báng Đấng Ky Tô này đã sử dụng những chiến thuật nào để hủy hoại đức tin của mọi người nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài?

  2. Một số ví dụ thời hiện đại về những ý tưởng sai lạc đã được giảng dạy hoặc các cách tiếp cận mà kẻ chống báng Đấng Ky Tô đã sử dụng trong câu chuyện này là gì? Sa Tan truyền bá những ý tưởng này trong thời kỳ của chúng ta như thế nào?

Hãy chuẩn bị để chia sẻ một chiến thuật và một ví dụ thời hiện đại về chiến thuật đó với cả lớp.

Phơi Bày Các Chiến Thuật của Sa Tan

tài liệu phát tay của giảng viên

Sau khi học viên thảo luận các câu hỏi trên giấy phát tay, mời mỗi trưởng nhóm viết lên bảng một hoặc nhiều chiến thuật của Sa Tan mà nhóm của họ đã nhận ra và thảo luận. Khuyến khích mỗi trưởng nhóm chia sẻ ngắn gọn một ví dụ thời hiện đại về một trong những chiến thuật này. Họ có thể viết một số lẽ thật tương tự như sau:

  • Sa Tan dùng lời nịnh hót và tài ăn nói để khiến mọi người không thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo các vị tiên tri của Ngài (xin xem Gia Cốp 7:4). (Có thể là hữu ích khi nêu lên rằng những kẻ tấn công đức tin của chúng ta thường làm như vậy với sự thật nửa vời, ngôn ngữ gây hoang mang, lập luận một chiều, giả thuyết sai lầm và thông tin được lấy ra khỏi ngữ cảnh. Những lập luận này thường khiến người nghe ngạc nhiên và nghe có vẻ khá hợp lý nhưng lại được tính toán để tạo ra sự nghi ngờ. [Xin xem Dallin H. Oaks, “Reading Church History” (bài nói chuyện với các nhà giáo dục tôn giáo Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 16 tháng Tám năm 1985), trang 1–27.])

  • Sa Tan dùng những lời nói dối xen lẫn sự thật để đánh lừa mọi người (xin xem An Ma 1:4; xin xem thêm Gia Cốp 7:7).

  • Sa Tan sử dụng các giáo lý sai lạc để xúi giục chúng ta coi thường Thượng Đế và biện minh cho việc phạm tội (xin xem An Ma 1:4; 30:17–18).

  • Sa Tan tìm cách gạt bỏ đức tin của mọi người nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nhạo báng trí thông minh hoặc niềm tin của họ (xin xem An Ma 30:13–16, 27–28).

Lưu ý: Nếu học viên chia sẻ những ví dụ ở thời hiện đại mà có thể gây ra hiểu lầm hoặc tranh chấp, thì hãy tuân theo Thánh Linh trong việc làm sáng tỏ bất kỳ lời phát biểu nào không chính xác và hướng dẫn cuộc thảo luận quay trở lại những lẽ thật đã được dạy trong bài học này.

Sau khi các trưởng nhóm trình bày, hãy cân nhắc hỏi như sau:

  • Anh chị em nhận thấy điều gì là nổi bật nhất về cách thức Gia Cốp, Ghê Đê Ôn và An Ma phản ứng với lời nói và hành động của những kẻ chống báng Đấng Ky Tô?

Cân nhắc viết lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng: Chúng ta có thể vượt qua được những thử thách đối với đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài bằng cách …

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Việc nhận ra và hiểu các nguyên tắc và giáo lý. Cho phép học viên nhận ra các lẽ thật từ thánh thư và những lời của các vị tiên tri. Mời họ giải thích tại sao những lẽ thật cụ thể đó lại nổi bật với họ. Đồng thời, mời học viên suy ngẫm về những điều mà các nguyên tắc và giáo lý dạy cho họ về Chúa Giê Su Ky Tô. Làm như vậy sẽ giúp họ hiểu được tầm quan trọng của lẽ thật và cảm thấy được soi dẫn để áp dụng các nguyên tắc và giáo lý đó.

Mời học viên hoàn tất lời phát biểu này sử dụng những điều họ đã học được từ những lời nói và hành động của Gia Cốp, Ghê Đê Ôn và An Ma. Học viên có thể hoàn thành lời phát biểu theo một số cách sau đây:

  • … nhớ lại những kinh nghiệm trong quá khứ đã củng cố đức tin của chúng ta nơi Ngài (xin xem Gia Cốp 7:5).

  • … dựa vào sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh (xin xem Gia Cốp 7:8).

  • … dựa vào những lời của các vị tiên tri và chia sẻ những chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài (xin xem Gia Cốp 7:9–12; An Ma 1:7; 30:39–44).

  • … tin cậy nơi Thượng Đế và phó kết quả trong tay Ngài (xin xem Gia Cốp 7:13–14).

Mời học viên suy ngẫm xem có câu nào đã hoàn thành trên bảng mà bản thân họ đã trải qua. Mời một số học viên chia sẻ những điều họ biết và cảm nhận về lời phát biểu họ đã chọn.

Để khuyến khích học viên hành động ngay chính, hãy cân nhắc trưng bày các câu hỏi sau đây và mời học viên suy ngẫm về bộ câu hỏi mà họ thấy phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Anh chị em cũng có thể mời học viên ghi lại những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ.

  • Có người nào, trang blog hoặc trang web nào mà tôi theo dõi đang phá hoại đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm được phục hồi của Ngài không? Với những gì tôi đã học và cảm nhận được ngày hôm nay, tôi nên làm gì để bảo vệ đức tin của mình tốt hơn trước những kẻ tìm cách phá hoại nó?

  • Tôi có biết ai đang bị lung lay đức tin vì bị ảnh hưởng từ các sứ điệp hoặc những người chống lại Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm được phục hồi của Ngài không? Với những gì tôi đã học và cảm nhận được ngày hôm nay, tôi có thể nói gì hoặc làm gì để giúp người này củng cố đức tin của họ?

  • Làm thế nào mà việc học Sách Mặc Môn một cách thành tín hơn có thể làm gia tăng khả năng của tôi để chống lại những người hoặc sứ điệp tìm cách phá hoại đức tin của tôi? Tôi có thể làm gì để cải thiện phương pháp hiện tại của mình trong việc nghiên cứu Sách Mặc Môn?

  • Tôi có thể mời gọi Đấng Cứu Rỗi giúp tôi xây dựng hoặc củng cố đức tin của tôi nơi Ngài và phúc âm của Ngài bằng một số cách cụ thể nào?

Cho Buổi Học Lần Sau

Mời học viên suy ngẫm xem thử thách khó khăn nhất trong cuộc sống về sự vâng lời đối với họ cho đến nay là gì. Sau đó, cho học viên xem một bức tranh về Đấng Cứu Rỗi ở Vườn Ghết Sê Ma Nê và mời họ nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho bài học tiếp theo với mục tiêu học hỏi từ Chúa Giê Su Ky Tô về cách tin cậy và tuân theo những chỉ dẫn từ Cha Thiên Thượng.