“Bài Học 12 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chúng Ta Cần Sự Sinh Lại Phần Thuộc Linh,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)
“Bài Học 12 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 12 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Chúng Ta Cần Sự Sinh Lại Phần Thuộc Linh
Trong trạng thái sa ngã của chúng ta, chúng ta không xứng đáng được sống trong sự hiện diện của Thượng Đế. Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng chuộc tội của Ngài, chúng ta có thể được sinh lại phần thuộc linh với tư cách là con cái giao ước của Ngài và hội đủ điều kiện cho vinh quang thượng thiên. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để hiểu sâu hơn về sự sinh lại phần thuộc linh và giải thích cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi tấm lòng chúng ta. Học viên cũng sẽ xác định điều gì họ có thể làm để sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô một cách tốt hơn để gia tăng sự cải đạo của họ.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Dân của Vua Bên Gia Min đã trải qua sự sinh lại phần thuộc linh.
Trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks: “Việc chúng ta được thuyết phục về phúc âm cũng chưa đủ; chúng ta còn phải hành động và suy nghĩ để được phúc âm chuyển đổi” (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 32).
-
Điều gì là khác biệt giữa việc biết phúc âm là chân chính với việc được phúc âm chuyển đổi? (Anh chị em có thể muốn mời học viên xem lại Mô Si A 27:25–26 và Lời phát biểu về sự cải đạo trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)
Nhắc học viên nhớ rằng trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị họ đã đọc một câu chuyện về sự sinh lại phần thuộc linh của dân của Vua Bên Gia Min. Nếu cần, học viên có thể xem lại Mô Si A 4:2–3 và Mô Si A 5:2–7, tìm kiếm mối liên hệ giữa giáo lý của Đấng Ky Tô và sự cải đạo. Anh chị em có thể hỏi cả lớp một vài hoặc tất cả các câu hỏi sau đây để giúp cho các học viên hiểu sâu hơn về các lẽ thật mà họ nhận thấy.
-
Những khía cạnh nào trong giáo lý của Đấng Ky Tô mà dân của Vua Bên Gia Min đã áp dụng, và nó ảnh hưởng đến sự sinh lại phần thuộc linh của họ như thế nào? (Hãy giúp học viên nhận ra một nguyên tắc tương tự với nguyên tắc sau đây: Khi chúng ta cố gắng sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi sẽ thay đổi tấm lòng chúng ta và giúp chúng ta được sinh lại phần thuộc linh.)
-
Tại sao là thiết yếu để nhận thấy vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong sự sinh lại phần thuộc linh và sự cải đạo của anh chị em?
-
Anh chị em biết điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà soi dẫn anh chị em tìm đến Ngài để thay đổi tấm lòng?
-
Chúa Giê Su Ky Tô đã thay đổi tấm lòng của anh chị em như thế nào? Anh chị em cảm thấy như thế nào về Ngài vì đã giúp anh chị em thực hiện sự thay đổi đó? (Khuyến khích học viên chia sẻ những kinh nghiệm không quá riêng tư, hoặc mời họ ghi lại một kinh nghiệm vào nhật ký của họ.)
-
Trong những cách thức nào mà mỗi yếu tố của giáo lý của Đấng Ky Tô (đức tin, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng) tạo điều kiện cho Đấng Cứu Rỗi để thay đổi tấm lòng chúng ta?
Mời học viên suy nghĩ về một sự thay đổi trong tấm lòng mà họ muốn có được, rồi hỏi:
-
Sự thay đổi tấm lòng như thế này thường xảy ra nhanh chóng thế nào? Tại sao? (Nếu cần, hãy xem lại các lời phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson và Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)
Dân An Ti Nê Phi Lê Hi chôn giấu vũ khí của họ.
Giải thích rằng ngay cả sau khi một người trải qua một sự thay đổi lớn lao trong tấm lòng, sự tận tụy của họ có thể giảm bớt. Trưng bày lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dale G. Renlund:
Chúng ta đều biết những người đã có sự thay đổi lớn lao này trong tấm lòng nhưng sau đó lại đầu hàng con người thiên nhiên. Họ trở nên hững hờ trong việc thờ phượng và sự tận tâm đối với Thượng Đế, lòng họ trở nên chai đá và do đó làm nguy hại đến sự cứu rỗi vĩnh cửu của họ. (“Duy Trì Sự Thay Đổi Lớn Lao Trong Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 98)
-
Tại sao một người đã trải qua sự thay đổi lớn lao trong lòng có thể trở nên hững hờ trong sự thờ phượng và tận tụy của mình với Thượng Đế?
Để cho thấy sự tương phản đối với những người mà Anh Cả Renlund miêu tả, hãy cân nhắc trưng bày bức ảnh sau đây. Mời học viên giải thích câu chuyện về dân An Ti Nê Phi Lê Hi và mô tả điều gì đã khiến dân An Ti Nê Phi Lê Hi chôn giấu vũ khí chiến tranh của họ.
Khi học viên chia sẻ điều họ biết về dân An Ti Nê Phi Lê Hi, anh chị em có thể sử dụng một số đoạn sau đây để giúp học viên nhận ra mức độ sâu đậm trong sự thay đổi và sự cải đạo của những người này để theo Chúa Giê Su Ky Tô: An Ma 23:6–7; An Ma 24:9–11, 15; và An Ma 27:27.
-
Điều gì đã ngăn cản dân An Ti Nê Phi Lê Hi khỏi việc trở nên hờ hững trong sự thờ phượng và tận tụy đối với Thượng Đế?
-
Bài học nào từ các đoạn này có thể giúp anh chị em cải thiện nỗ lực của mình để được “vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng” (An Ma 27:27)?
Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm xem khí giới phản nghịch nào có thể ngăn cản chính bản thân họ trải qua sự thay đổi lớn lao trong tấm lòng.
Để giúp học viên áp dụng những gì họ học được trong bài học và đơn vị này, hãy chia các học viên thành các nhóm nhỏ và giao cho một người làm người hướng dẫn cuộc thảo luận cho mỗi nhóm. Đưa tờ giấy phát tay sau đây cho mỗi nhóm, và bảo đảm rằng học viên có đủ thời gian để có được một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa. Nếu có đủ thời gian, hãy mời học viên chia sẻ với lớp học điều họ đã thảo luận.
Cuộc Thảo Luận của Nhóm Nhỏ về Sự Sinh Lại Phần Thuộc Linh
Cân nhắc cho học viên một vài phút để báo cáo điều họ học được trong nhóm thảo luận của họ. Anh chị em cũng có thể cho học viên thời gian để suy ngẫm những điều mà họ cảm thấy được soi dẫn để làm vì những gì họ học được hoặc cảm nhận được hôm nay. Cân nhắc mời họ chia sẻ về sự hiểu biết và chứng ngôn của họ về giáo lý của Đấng Ky Tô đã tiến triển ra sao khi họ học đơn vị này.
Cho Buổi Học Lần Sau
Khi chuẩn bị để kết thúc bài học, anh chị em có thể trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Chúng tôi muốn nói với anh chị em về thử thách gay go nhất, chính nghĩa lớn nhất, và công việc vĩ đại nhất trên thế gian. Và chúng tôi muốn mời anh chị em tham gia vào!” (Russell M. Nelson và Wendy W Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phụ san của tạp chí New Era và Ensign, trang 3, HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org). Trong khi học viên học tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau, hãy khuyến khích họ cân nhắc vai trò của mình trong chính nghĩa lớn lao này: sự quy tụ Y Sơ Ra Ên.