“Bài Học 7 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Quyền Năng Củng Cố của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)
“Bài Học 7 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 7 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Quyền Năng Củng Cố của Chúa Giê Su Ky Tô
Sách Mặc Môn mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về mức độ sâu rộng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Từ đó chúng ta học được rằng Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ cung ứng cho chúng ta cơ hội để được tẩy sạch tội lỗi, mà Ngài còn an ủi và giúp đỡ chúng ta vượt qua những sự yếu đuối và khuyết điểm của chúng ta. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để giải thích và làm chứng về giáo lý này. Học viên cũng sẽ có được cơ hội để nhận ra những điều họ có thể làm để mang thêm ân điển của Chúa vào cuộc sống của họ.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
An Ma Con giảng dạy dân chúng ở Ghê Đê Ôn rằng Chúa sẽ giúp đỡ dân Ngài.
Cân nhắc trưng bày những hình ảnh giống như sau và hỏi: “Những khó khăn, đau đớn, hoặc đau khổ nào mà chúng ta có thể gặp phải mà không phải là hậu quả của những lựa chọn tội lỗi?” (Liệt kê các câu trả lời của học viên lên trên bảng.)
Cho học viên một phút để suy ngẫm (hoặc có thể viết) một số những thử thách mà đã gây ra nỗi đau đớn hoặc đau khổ cho họ hoặc cho những người họ yêu thương.
Nhắc học viên nhớ rằng khi An Ma Con phục sự những người dân trung tín ở Giê Đê Ôn, ông đã dạy họ cách mà Đấng Cứu Rỗi chịu đựng thống khổ cũng có thể giúp chúng ta với những nỗi đau đớn và đau khổ mà không phải do tội lỗi gây ra. Mời học viên xem lại An Ma 7:11–12 và tìm kiếm bất kỳ cụm từ nào nổi bật đối với họ. Mời họ giải thích ý nghĩa của những điều họ tìm được và tại sao những điều đó là quan trọng đối với họ.
Để giúp gia tăng sự hiểu biết của học viên về việc Đấng Cứu Rỗi biết cách giúp đỡ dân Ngài, anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
Từ [giúp đỡ] thường được sử dụng trong thánh thư nhằm mô tả sự chăm sóc và lo lắng của Đấng Ky Tô dành cho chúng ta. Từ này thực ra có nghĩa thực sự là “chạy đến.” Thật là một cách tuyệt vời để mô tả nỗ lực cấp bách của Đấng Cứu Rỗi thay cho chúng ta. Thậm chí khi Ngài mời gọi chúng ta hãy đến cùng Ngài và noi theo Ngài, thì Ngài cũng luôn luôn chạy đến giúp đỡ chúng ta. (“Come unto Me” [buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ, ngày 2 tháng Ba năm 1997], trang 9, speeches.byu.edu)
Sau khi thảo luận những lời giảng dạy trong An Ma 7:11–12, hãy giúp học viên nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau: Đấng Cứu Rỗi tình nguyện mang lấy những đau đớn, bệnh tật, và cám dỗ của chúng ta để Ngài có thể giúp đỡ chúng ta khi chúng ta gặp phải những thử thách của cuộc sống trần thế.
-
Tại sao việc hiểu khía cạnh này về giáo lý của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là điều quan trọng?
-
Lẽ thật này dạy anh chị em điều gì về thiên tính và bản tính của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Làm thế nào việc có đức tin nơi lẽ thật này có thể giúp anh chị em hoặc người thân yêu của mình trong những thử thách cá nhân?
Cùng với cả lớp hoặc trong các nhóm nhỏ, hãy đọc lời phát biểu của Anh Cả Bednar trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị cho lớp học, và thảo luận câu hỏi sau đây từ tài liệu chuẩn bị:
-
Có khi nào anh chị em cảm thấy Đấng Cứu Rỗi tìm đến, an ủi, hoặc củng cố anh chị em khi anh chị em trải qua những thử thách trong cuộc đời không?
Chúa dạy Mô Rô Ni về quyền năng của ân điển Ngài.
Cho thấy hình ảnh đi kèm, và mời một học viên giải thích Mô Rô Ni đã cảm thấy như thế nào về khả năng của ông để viết thánh thư. (Nếu cần, hãy cùng học viên xem lại Ê The 12:23–25.)
Anh chị em có thể mời học viên dành ra một phút để viết hoặc suy ngẫm về một vài thiếu sót và yếu kém của họ.
Cùng đọc Ê The 12:27, và mời học viên tìm kiếm các nguyên tắc mà có thể giúp chúng ta giải quyết những khuyết điểm của mình theo cách của Chúa. Học viên có thể nhận ra các lẽ thật tương tự như sau: Khi chúng ta đến cùng Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra khuyết điểm của mình. Việc nhận ra khuyết điểm của mình có thể giúp chúng ta trở nên khiêm nhường. Khi chúng ta khiêm nhường và có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, ân điển của Ngài có thể biến những khuyết điểm của chúng ta trở thành sức mạnh. Trưng bày các lẽ thật mà học viên nhận ra để họ có thể tham khảo trong sinh hoạt sau đây.
Mời học viên giải thích, cùng với cả lớp hoặc trong các nhóm nhỏ, về ý nghĩa của các nguyên tắc này đối với họ.
Để giúp học viên suy nghĩ và cảm nhận sâu sắc hơn về các nguyên tắc này, anh chị em có thể trưng bày một số các câu hỏi sau đây và bảo các học viên chọn câu hỏi để thảo luận cùng với nhau. Có lẽ sẽ không có đủ thời gian để thảo luận hết tất cả các câu hỏi.
-
Trong những phương diện nào mà một khuyết điểm có thể là một phước lành đối với một người nào đó? (Nếu muốn, hãy tham khảo lời phát biểu của Chị Michelle D. Craig trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
-
Anh chị em sẽ giải thích như thế nào về ân điển của Chúa cho một người nào đó mà cảm thấy là họ không thể từ bỏ một tội lỗi hoặc một thói quen?
-
Anh chị em đã học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi bằng cách trải qua quá trình khiêm nhường bản thân và trông cậy vào ân điển của Ngài trong cuộc sống của mình?
-
Chúng ta có thể làm gì để mang ân điển của Chúa vào cuộc sống của mình một cách trọn vẹn hơn? (Cân nhắc xem lại 2 Nê Phi 25:23, 29 và những lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)
Làm chứng (hoặc mời một học viên làm chứng) về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, đặc biệt là quyền năng của Ngài để giúp chúng ta vượt qua nỗi đau khổ, buồn phiền, yếu đuối và thiếu sót.
Cho học viên thời gian để suy ngẫm hoặc ghi xuống những ấn tượng của riêng cá nhân mà họ cảm thấy trong bài học hôm nay. Anh chị em có thể mời họ cân nhắc các câu hỏi sau đây: Anh chị em nghĩ Chúa muốn anh chị em làm gì để tiếp cận nhiều hơn với ân điển của Ngài? Anh chị em có thể làm gì để giải quyết một khuyết điểm hiện tại mà mình đang đối phó một cách khiêm nhường hơn và với đức tin lớn lao hơn nơi Đấng Ky Tô?
Cho Buổi Học Lần Sau
Mời học viên cân nhắc những câu hỏi mà họ có về thế giới linh hồn, Sự Phục Sinh, hoặc Sự Phán Xét Cuối Cùng. Khi họ chuẩn bị cho bài học kế tiếp, hãy mời họ suy nghĩ về điều gì họ sẽ làm để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chết.