“Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tra Cứu Thánh Thư,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Tra Cứu Thánh Thư
Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Đừng nhượng bộ lời nói dối của Sa Tan rằng các anh chị em không có thời giờ để học thánh thư. … Việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế mỗi ngày còn quan trọng hơn giấc ngủ, việc học hành, công việc làm, chương trình truyền hình, trò chơi video, hoặc phương tiện truyền thông xã hội” (“Hãy Tập Đặt Đức Tin Làm Ưu Tiên Hàng Đầu của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 93). Khi anh chị em học tài liệu này, hãy cân nhắc lý do tại sao Anh Cả Scott muốn anh chị em đặt ưu tiên cao như vậy vào việc học thánh thư. Đánh giá xem thánh thư hiện đang đóng vai trò nào trong cuộc sống của anh chị em.
Phần 1
Thánh thư có ưu tiên gì trong cuộc sống của tôi?
Sau khi Lê Hi và gia đình ông đã hành trình được nhiều ngày trong vùng hoang dã, Chúa truyền lệnh cho Lê Hi sai các con trai của ông quay trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng từ La Ban. Các bảng khắc bằng đồng là một quyển thánh thư cổ đại, ngang hàng với Kinh Cựu Ước của chúng ta, chứa đựng biên sử của dân Do Thái và nhiều văn tập của các vị tiên tri (xin xem 1 Nê Phi 5:11–16; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Bảng Khắc Bằng Đồng, Các,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Chúa biết các thánh thư này sẽ rất cần thiết đối với gia đình Lê Hi và con cháu của họ. Thậm chí Chúa còn truyền lệnh cho Nê Phi giết chết La Ban để lấy được biên sử, Ngài phán rằng: “Tốt hơn là để một người chết còn hơn là để cho cả một dân tộc phải suy đồi và bị diệt vong trong sự vô tín ngưỡng” (1 Nê Phi 4:13).
Khi Lê Hi nhận được các bảng khắc bằng đồng và bắt đầu “xem xét” biên sử đó (1 Nê Phi 5:10), “ông được đầy dẫy Thánh Linh, rồi bắt đầu nói tiên tri” (câu 17).
Khi bình luận về giá trị của thánh thư trong cuộc sống riêng của mình, Chủ Tịch Julie B. Beck, là người đã phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy:
Niềm vui đến từ thói quen đọc thánh thư hằng ngày mà tôi đã bắt đầu từ rất nhiều năm trước đây. Có những ngày tôi có nhiều thời gian để suy ngẫm thánh thư. Những ngày khác tôi chỉ suy nghĩ về một vài câu. Cũng như việc ăn uống và hít thở giúp duy trì sự sống cho cơ thể tôi, thánh thư giúp cho linh hồn tôi no đủ và sống động. Giờ đây tôi có thể tuyên bố giống như Nê Phi rằng: “Tâm hồn tôi rất vui thích các thánh thư, và lòng tôi suy ngẫm nhiều về thánh thư. … Này, tâm hồn tôi rất vui thích những công việc của Chúa; và lòng tôi không ngớt suy ngẫm về những điều tôi đã nghe và thấy” (2 Nê Phi 4:15–16). (“Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Các Thánh Thư,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 109)
Phần 2
Làm thế nào thánh thư có thể giúp tôi biết rõ Chúa Giê Su Ky Tô hơn?
Trong giáo vụ của ông, Nê Phi đã làm ra hai biên sử—các bảng khắc lớn Nê Phi và các bảng khắc nhỏ Nê Phi. Bảng khắc lớn Nê Phi ban đầu chứa đựng lịch sử thế tục của dân Nê Phi. Các bảng khắc nhỏ Nê Phi được làm ra vì “mục đích đặc biệt” để bảo tồn biên sử về giáo vụ của dân Nê Phi (1 Nê Phi 9:3). Nê Phi tuyên bố rằng “chủ đích của [ông]” đối với biên sử này là nhằm thuyết phục tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô và được cứu rỗi (1 Nê Phi 6:4).
Khi Nê Phi giao trách nhiệm gìn giữ các bảng khắc nhỏ cho em của ông là Gia Cốp, ông đã giao cho Gia Cốp việc ghi chép những gì “quý giá nhất” (Gia Cốp 1:1–2).
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng Nê Phi, Gia Cốp, và các vị tiên tri khác trong Sách Mặc Môn đã thêm lời chứng của họ cùng với các vị tiên tri trong các sách thánh thư khác. Ông giải thích:
Trong một loạt các bản tuyên ngôn tiên tri dường như dài vô tận—tức là chứng ngôn của “tất cả các tiên tri thánh” [Gia Cốp 4:4] trong “nhiều ngàn năm trước khi Ngài đến” [Hê La Man 8:18]—Sách Mặc Môn đưa ra tuyên bố long trọng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. (“A Testimony of the Book of Mormon,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 69)
Phần 3
Thánh thư có thể hướng dẫn tôi trong việc giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định như thế nào?
Sau khi Lê Hi đã làm tròn tất cả những điều ông được truyền lệnh, Chúa đã cung cấp một công cụ gọi là quả cầu Li A Hô Na (xin xem An Ma 37:38). Quả cầu Li A Hô Na hoạt động giống như một cái la bàn và dùng làm vật để hướng dẫn gia đình Lê Hi hành trình qua vùng hoang dã. Nó cũng cho thấy các sứ điệp riêng từ Chúa. Nê Phi biết được rằng quả cầu Li A Hô Na hoạt động “theo đức tin, sự chuyên tâm của họ” đối với các sứ điệp của Chúa (1 Nê Phi 16:28–29).
Khoảng 500 năm sau, khi An Ma giao phó cho con trai của ông là Hê La Man trách nhiệm giữ các bảng khắc bằng đồng và các thánh thư khác, ông cho thấy cái nhìn sâu sắc về cách hoạt động của quả cầu Li A Hô Na.
Trong khi đang phục vụ với tư cách là thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Anh Cả W. Rolfe Kerr đã dạy:
“Những lời nói của Đấng Ky Tô có thể là một cái la bàn Li A Hô Na cá nhân cho mỗi người chúng ta, cho chúng ta thấy con đường. Chúng ta chớ để mình trở nên biếng nhác vì đường đi dễ. Bằng đức tin, chúng ta hãy ghi sâu những lời nói của Đấng Ky Tô vào tâm trí và tấm lòng mình như chúng đã được ghi chép trong thánh thư thiêng liêng và như chúng được các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải tại thế thốt ra. Với đức tin và sự siêng năng, chúng ta hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, bởi vì những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ là cái la bàn Li A Hô Na thuộc linh của chúng ta mà cho chúng ta biết về tất cả những điều phải làm. (“Những Lời Nói của Đấng Ky Tô—Cái La Bàn Li A Hô Na Thuộc Linh của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 37)”