“Bài Học 6 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Chuộc Tội Vô Hạn của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)
“Bài Học 6 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 6 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Sự Chuộc Tội Vô Hạn của Chúa Giê Su Ky Tô
Anh chị em có cảm nhận và suy nghĩ gì trong khi suy ngẫm về nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá? Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Sách Mặc Môn cung cấp sự hiểu biết đầy đủ nhất và có căn cứ nhất về Sự Chuộc Tội và về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể tìm thấy ở bất cứ đâu” (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62). Khi anh chị em học về những điều mà Sách Mặc Môn dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, hãy nghĩ về cách Ngài đã cứu chuộc anh chị em khỏi những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và làm cho anh chị em có thể trở thành giống như Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta hơn.
Phần 1
Tại sao tôi cần chấp nhận Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?
Vào khoảng năm 74 trước Công Nguyên, tiên tri An Ma đã dẫn đầu một phái đoàn truyền giáo đến với dân Giô Ram, là dân mà có hình thức thờ phượng sai lạc và dạy rằng “chẳng có Đấng Ky Tô nào cả” (An Ma 31:16). Khi An Ma và A Mu Léc thuyết giảng cho một nhóm dân Giô Ram nghèo mà đã bị đuổi ra khỏi nơi thờ phượng của họ, hai ông đã dạy họ cách thờ phượng Thượng Đế và mạnh dạn làm chứng rằng Đấng Ky Tô sẽ đến và sẽ thực hiện một Sự Chuộc Tội vô hạn.
Chúng ta biết được từ thánh thư và điều mặc khải thời hiện đại rằng “Sự Chuộc Tội của [Chúa Giê Su Ky Tô] gồm có việc Ngài chịu thống khổ vì tội lỗi của nhân loại, máu của Ngài đổ ra, và cái chết cùng sự phục sinh của Ngài ra khỏi ngôi mộ” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Chuộc Tội,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy như sau về Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Cứu Rỗi:
Sự Chuộc Tội của [Chúa Giê Su Ky Tô] là vô hạn—không có sự kết thúc. Sự Chuộc Tội này cũng vô hạn trong ý nghĩa rằng tất cả nhân loại sẽ được cứu rỗi khỏi cái chết không bao giờ kết thúc. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về phương diện nỗi đau khổ mãnh liệt của Ngài. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về thời gian, trong việc chấm dứt tục lệ dâng của lễ thiêu con vật trước đó. Sự Chuộc Tội này là vô hạn trong phạm vi—Sự Chuộc Tội được thực hiện một lần cho tất cả mọi người. Và lòng thương xót của Sự Chuộc Tội không những dành cho vô số người, mà còn cho vô số thế giới do Ngài tạo ra nữa. Sự Chuộc Tội là vô hạn vượt quá bất cứ thang đo lường nào của nhân loại hoặc sự thấu hiểu nào của người trần thế.
Chúa Giê Su là Đấng duy nhất có thể ban cho một sự chuộc tội vô hạn như vậy, vì Ngài được sinh ra bởi một người mẹ trần thế và một Đức Chúa Cha bất diệt. Vì quyền thừa kế độc nhất vô nhị này nên Chúa Giê Su là một Đấng vô hạn. (“The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 35)
Tiên tri Gia Cốp cũng đưa ra một bài giảng hùng hồn đề cập đến sự cần thiết của chúng ta cho Sự Chuộc Tội vô hạn của Chúa và cách Chúa Giê Su Ky Tô giải cứu chúng ta khỏi những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và hậu quả của tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta có thể hoàn toàn tin rằng qua Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể hối cải tội lỗi của mình và trở nên thanh sạch. Chủ Tịch Tad R. Callister, cựu Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã đưa ra lời cảnh báo sau đây về việc đặt giới hạn lên Sự Chuộc Tội của Chúa:
Thỉnh thoảng, tôi có gặp Các Thánh Hữu tốt, là những người khó tự tha thứ cho bản thân mình, đã vô tình đặt giới hạn một cách sai lầm vào các quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi. Vô tình, họ đã thay đổi Sự Chuộc Tội vô hạn thành Sự Chuộc Tội có giới hạn mà bằng cách nào đó không chuộc được tội lỗi hoặc sự yếu kém đặc biệt của họ. Nhưng đó là một Sự Chuộc Tội vô hạn vì bao gồm và chứa đựng mọi tội lỗi và sự yếu kém, cũng như mọi sự lạm dụng hoặc nỗi đau khổ do người khác gây ra. (“Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 85–86)
Phần 2
Bằng cách nào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp tôi khắc phục con người thiên nhiên?
Vào lúc gần cuối đời, Vua Bên Gia Min đã đưa ra một bài giảng hùng hồn tập trung vào Đấng Ky Tô cho dân của ông. Trong bài giảng này, ông đã chia sẻ những gì mà một thiên sứ đã dạy ông về giáo vụ và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông dạy rằng chúng ta chỉ có thể khắc phục được phần thiên nhiên, hoặc tội lỗi của bản thân mình qua Sự Chuộc Tội của Chúa.
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc sau đây về con người thiên nhiên:
Tới một mức độ nào đó, con người thiên nhiên được Vua Bên Gia Min mô tả vẫn còn sống một cách mạnh mẽ trong mỗi người chúng ta (xin xem Mô Si A 3:19). Con người thiên nhiên thì không hối cải, ưa thích xác thịt và nhục dục (xin xem Mô Si A 16:5; An Ma 42:10; Môi Se 5:13), buông thả quá mức, kiêu ngạo và ích kỷ. Như Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “‘Con người thiên nhiên’ là ‘con người trần thế’ đã cho phép những dục vọng xác thịt mãnh liệt làm lu mờ các khuynh hướng thuộc linh của mình” (“Ocean Currents and Family Influences,” Ensign, tháng Mười Một năm 1974, trang 112). …
“Bản chất chính xác của cuộc thử thách trên trần thế có thể được tóm tắt trong câu hỏi sau đây: Tôi sẽ đáp ứng các khuynh hướng của con người thiên nhiên, hay là tôi sẽ tuân theo những lời khuyên bảo của Đức Thánh Linh và từ bỏ con người thiên nhiên và trở thành một thánh hữu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Ky Tô (xin xem Mô Si A 3:19)? Đó là cuộc thử thách. Mỗi nỗi thèm khát, ham muốn, xu hướng, và thôi thúc của con người thiên nhiên có thể được khắc phục và nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đang ở trên thế gian này đây để phát triển các đức tính giống như Thượng Đế và để kiềm chế tất cả những dục vọng của xác thịt. (“Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 42, 43)