Viện Giáo Lý
Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Quy Tụ Y Sơ Ra Ên trong Những Ngày Sau


“Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Quy Tụ Y Sơ Ra Ên trong Những Ngày Sau,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)

“Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Sự Quy Tụ Y Sơ Ra Ên trong Những Ngày Sau

một nhóm thanh thiếu niên

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố: “Chúa đang gấp rút làm công việc của Ngài để quy tụ Y Sơ Ra Ên. Sự quy tụ đó là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được với sự vinh hiển, không có điều gì khác so sánh được với tầm quan trọng, không có điều gì khác so sánh được với vẻ uy nghi này” (Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phụ san của tạp chí New EraEnsign, trang 8, HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org). Trong đơn vị này anh chị em sẽ có cơ hội để học những lời giảng dạy đặc biệt của Sách Mặc Môn về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên và xem cách mà công việc quan trọng này mang mọi người đến với Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi học, hãy tìm kiếm những trách nhiệm và cơ hội mà có thể là của anh chị em khi tham gia vào việc quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Phần 1

Tại sao việc thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên là điều quan trọng?

Để hiểu tầm quan trọng của việc thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên, một cách hữu ích là tìm hiểu xem gia tộc Y Sơ Ra Ên đã bắt đầu như thế nào. Vào một khoảng thời gian sau 2000 năm trước Công Nguyên, Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng Áp Ra Ham và lập một giao ước vĩnh viễn với ông. Chúa hứa với Áp Ra Ham và Sa Ra rằng con cháu của họ sẽ nhận được tất cả các phước lành của phúc âm. Những lời hứa và các phước lành này được gọi là giao ước của Áp Ra Ham. (Xin xem Áp Ra Ham 2:6–11; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước của Áp Ra Ham,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.)

Abraham on the Plains of Mamre (Áp Ra Ham ở Đồng Bằng Mam Rê), tranh do Grant Romney Clawson họa

Chúa tái lập giao ước này với con trai của Áp Ra Ham là Y Sác và cháu nội của ông là Gia Cốp. Tên của Gia Cốp được Chúa đổi thành Y Sơ Ra Ên. Y Sơ Ra Ên có 12 con trai, mà con cháu của họ được biết đến là gia tộc Y Sơ Ra Ên hay dân Y Sơ Ra Ên. (Xin xem Sáng Thế Ký 26:24; 28:10–15; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.)

Jacob Blessing His Sons (Jacob Blessing Joseph) [Gia Cốp Ban Phước cho Các Con Trai của Mình (Gia Cốp Ban Phước cho Giô Sép)], tranh do Harry Anderson họa

Gia tộc Y Sơ Ra Ên là dân giao ước của Thượng Đế. Với thẩm quyền của thánh chức tư tế, họ có trách nhiệm phải mang phúc âm của Chúa đến với mọi người trên thế giới và làm cho các giáo lễ và giao ước thiết yếu có sẵn cho những người đã qua đời mà không có phúc âm.

Khi các con cháu thật sự của Y Sơ Ra Ên tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chấp nhận giao ước Áp Ra Ham, thì họ được quy tụ vào với gia tộc Y Sơ Ra Ên và thuộc vào trong số dân giao ước của Chúa. Những người không phải là con cháu thực sự của Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp có thể được nhận vào gia tộc Y Sơ Ra Ên bằng cách thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chấp nhận các giáo lễ và các giao ước của phúc âm Ngài (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Con Nuôi,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

bản đồ lục địa hiển thị các cá nhân

Trong khi ngỏ lời cùng các tín hữu Giáo Hội, Chủ Tịch Nelson đã dạy:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chúng ta là … con cái của giao ước. Chúng ta đã nhận được thánh chức tư tế và phúc âm trường cửu như những người thời xưa. Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp đều là tổ tiên của chúng ta. Chúng ta là dân Y Sơ Ra Ên. Chúng ta có quyền nhận được phúc âm, các phước lành của chức tư tế, và cuộc sống vĩnh cửu. Các quốc gia trên thế gian sẽ được ban phước nhờ nỗ lực của chúng ta và nhờ sự lao nhọc của con cháu chúng ta. Con cháu thực sự của Áp Ra Ham và những người đã được quy tụ vào gia tộc của ông với tư cách là con nuôi đều nhận được các phước lành đã được hứa—căn cứ vào sự chấp nhận Chúa và sự vâng theo các lệnh truyền của Ngài. (“Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 33)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em sẽ giải thích thế nào cho một người nào đó không phải là tín hữu Giáo Hội về ý nghĩa của gia tộc Y Sơ Ra Ên và tại sao nó lại quan trọng?

Phần 2

Tại sao tôi cần tham gia vào sự quy tụ Y Sơ Ra Ên?

Khi Lê Hi nghiên cứu các bảng khắc bằng đồng, ông biết thêm về gia phả của ông và vị trí của ông trong gia tộc Y Sơ Ra Ên (xin xem 1 Nê Phi 5:14). Để giúp gia đình ông hiểu được tầm quan trọng của việc thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên, Lê Hi đã ví gia tộc Y Sơ Ra Ên với cây ô liu. Ông giải thích rằng cũng giống như một cành có thể bị bẻ gãy khỏi cây ô liu, thì dân Y Sơ Ra Ên cũng bị chia cắt và và phân tán khắp các vùng đất xa xôi. Và cũng giống như một nhánh của cây ô liu có thể được ghép vào và trở thành một phần của một cây khác, thì dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán cuối cùng cũng sẽ được quy tụ lại và thuộc vào dân giao ước của Chúa. (Xin xem 1 Nê Phi 10:12–14.)

một cành đang được ghép vào cây

Ghép cây là quá trình trong đó một cành mà đã bị cắt khỏi một cái cây được kết hợp vào một cái cây khác theo cách mà cành đó trở thành một phần vĩnh viễn của cây.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc 1 Nê Phi 10:12–14, và cân nhắc đánh dấu các lẽ thật về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. (Lưu Ý: Trong Sách Mặc Môn, thuật ngữ Dân Ngoại thường có nghĩa là “các dân tộc mà không biết phúc âm, mặc dù những dân này có thể có những người có dòng máu Y Sơ Ra Ên” [Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Dân Ngoại,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org].)

Chẳng bao lâu sau khi Lê Hi giảng dạy về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên, Nê Phi thấy các anh của ông tranh cãi với nhau về những điều cha của họ giảng dạy. Họ nói với Nê Phi rằng họ không hiểu được những lời giảng dạy của Lê Hi về “các cành cây ô liu thiên nhiên và về Dân Ngoại” (1 Nê Phi 15:7).

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc lời giải thích của Nê Phi trong 1 Nê Phi 15:12–15, và cân nhắc đánh dấu các lẽ thật mà sẽ giúp anh chị em hiểu rõ hơn về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Khi nói về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên, Chủ Tịch Nelson cũng đã nói:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Khi nói về sự quy tụ, đơn giản là chúng ta đang nói về lẽ thật nền tảng này: mỗi một người con của Cha Thiên Thượng, ở cả hai bên bức màn che, đều xứng đáng được nghe về sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” trang 8)

Những người ở cả hai bức màn che bao gồm cả người còn sống lẫn người đã chết.

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Dành ra một phút để ghi xuống về cuộc đời của anh chị em hoặc của những người trong gia đình anh chị em đã được ban phước như thế nào bởi sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Hãy nghĩ về một người—ở bên này hoặc bên kia bức màn che—mà có thể cần nhận được các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Ghi xuống tên của người đó và tại sao người đó lại quan trọng đối với anh chị em. Cân nhắc điều gì anh chị em có thể làm để giúp người đó nhận được các phước lành này.

Phần 3

Tôi có thể tham gia vào việc quy tụ Y Sơ Ra Ên bằng cách nào?

Gia Cốp, em trai của Nê Phi, đã dạy về sự phân tán của Y Sơ Ra Ên và sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên bằng cách trích dẫn truyện ngụ ngôn của Giê Nốt về cây ô liu lành và cây ô liu dại. Trong truyện ngụ ngôn, Chúa của vườn cây đại diện cho Chúa Giê Su Ky Tô và các tôi tớ đại diện cho các vị tiên tri của Ngài và các môn đồ khác mà đã được kêu gọi để quy tụ Y Sơ Ra Ên. Nhiều loại cây ô liu khác nhau trồng trong vườn cây đại diện cho các nhóm con cái của Thượng Đế, kể cả những người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên. (Xin xem Gia Cốp 5.)

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Gia Cốp 5:61–62, 70–72, và tìm kiếm những điều mà Chúa kỳ vọng ở những người đã được kêu gọi để quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Chủ Tịch Nelson đã giải thích việc giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên có thể đơn giản ra sao:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Bất cứ lúc nào anh chị em làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là anh chị em đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi. (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” 15)

biểu tượng, hành động

Lập ra một Kế Hoạch

Hãy nghĩ về người—ở cả hai bên bức màn che—mà anh chị em đã viết về người đó trong phần 2. Lập ra một kế hoạch đơn giản mà anh chị em sẽ làm để giúp người này tiến đến việc lập các giao ước với Thượng Đế. Ví dụ, anh chị em có thể mời một người nào đó đến một buổi sinh hoạt của Giáo Hội hoặc chia sẻ một câu thánh thư với một người nào đó, hoặc anh chị em có thể tải xuống và bắt đầu sử dụng ứng dụng Cây Gia Phả của FamilySearch. Hãy để ý xem có bao nhiêu công cụ trong ứng dụng này có thể giúp anh chị em quy tụ Y Sơ Ra Ên cho dù anh chị em đang ở đâu.