Viện Giáo Lý
Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sự Từng Người Một


“Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sự Từng Người Một”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sự Từng Người Một

Từng Người Một, tranh do Walter Rane họa

Giáo vụ của Đấng Ky Tô phục sinh ở giữa dân chúng ở xứ Phong Phú cung cấp cho chúng ta lời chứng mạnh mẽ về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và một tấm gương sáng của Ngài về cách phục sự người khác. Khi học tài liệu này, hãy suy ngẫm xem anh chị em có thể làm gì để củng cố lời chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của mình. Khi anh chị em suy ngẫm về việc Ngài đã phục sự như thế nào, hãy thành tâm cân nhắc xem ai có thể cần cảm nhận tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi qua anh chị em.

Phần 1

Làm thế nào tôi có thể củng cố chứng ngôn của mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi?

Tiếp theo sau sự hủy diệt khủng khiếp và ba ngày đầy bóng tối báo hiệu cho dân chúng về cái chết của Đấng Cứu Rỗi, có khoảng 2.500 người nam, nữ và trẻ em, quy tụ xung quanh đền thờ trong xứ Phong Phú. Họ nghe một tiếng nói, mà lúc đầu họ đã không hiểu. Khi tiếp tục lắng nghe thì họ hiểu rằng đó là tiếng nói của Cha Thiên Thượng đang giới thiệu Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. (Xin xem 3 Nê Phi 11:1–10.) Khi đó, Đấng Cứu Rỗi giáng xuống từ trời và phán: “Này, ta là Giê Su Ky Tô, người mà các vị tiên tri đã làm chứng rằng sẽ đến với thế gian” (3 Nê Phi 11:10).

Chúa Giê Su Ky Tô Hiện đến cùng Dân Nê Phi, tranh do Arnold Friberg họa

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về thời điểm này như sau:

Anh Cả Jeffrey R. Holland

Sự hiện đến và lời tuyên bố đó tạo ra trung tâm điểm, thời điểm quan trọng nhất, trong toàn bộ lịch sử của Sách Mặc Môn. Chính sự biểu hiện và sắc lệnh đó đã được báo trước và soi dẫn cho mỗi vị tiên tri người Nê Phi trong sáu trăm năm trước đó. …

Mọi người đã nói về Ngài, hát về Ngài, mơ ước về Ngài, và cầu nguyện về sự hiện đến của Ngài—nhưng giây phút đó Ngài thực sự hiện đến. Chính là ngày quan trọng nhất! Thượng Đế là Đấng biến mỗi đêm tối thành ánh sáng ban mai đã đến. (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [năm 1997], trang 250–251)

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 3 Nê Phi 11:13–17 và tìm kiếm điều mà dân chúng đã làm để củng cố chứng ngôn của họ rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô phục sinh.

Đấng Ky Tô ở Xứ Phong Phú, tranh do Simon Dewey họa
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em có thể học được điều gì về tính cách của Chúa Giê Su Ky Tô từ những tương tác của Ngài với dân Nê Phi và dân La Man?

Anh Cả Walter F. González thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy những điều sau đây về kinh nghiệm của dân chúng khi chứng kiến Đấng Ky Tô phục sinh:

Anh Cả Walter F. González

“Hãy đến cùng ta để các ngươi có thể rờ và trông thấy được” [3 Nê Phi 18:25]. Đây là một lệnh truyền mà Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra cho dân cư ở lục địa Châu Mỹ. Họ đã sờ tận tay và thấy tận mắt rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Lệnh truyền này cũng quan trọng đối với chúng ta ngày nay như đối với họ trong thời kỳ của họ. Khi đến cùng Đấng Ky Tô, chúng ta có thể cảm thấy và “biết một cách chắc chắn” [3 Nê Phi 11:15]—không phải bằng tay và mắt của mình mà bằng tất cả tâm trí của mình—rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.

Một cách để đến cùng Đấng Ky Tô là tìm cách học các lẽ thật thiết yếu bằng tấm lòng của mình. Khi làm như vậy, những ấn tượng đến từ Thượng Đế sẽ mang đến cho chúng ta sự hiểu biết mà chúng ta không thể đạt được bằng một cách nào khác. (“Học Hỏi bằng Tấm Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 81)

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Khi suy ngẫm về chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy ghi lại trong nhật ký ghi chép cá nhân một kinh nghiệm đã củng cố chứng ngôn của anh chị em về Ngài. Hoặc, thay vào đó, anh chị em có thể tìm một bài thánh ca thể hiện cảm nhận của mình về Đấng Cứu Rỗi và ghi lại những cảm nghĩ đã có khi nghe hoặc hát bài thánh ca này.

Phần 2

Tôi có thể học được gì về việc phục sự từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi?

Sau khi Đấng Cứu Rỗi cho từng người cơ hội để sờ tay vào những vết thương trên tay và chân của Ngài, Ngài đã kêu gọi mười hai môn đồ và dạy cho đám đông nhiều lẽ thật quan trọng (xin xem 3 Nê Phi 11–16). Khi Chúa Giê Su chuẩn bị rời đi, Ngài phán, “Ta nhận thấy … các ngươi không thể hiểu được tất cả những lời của ta” và Ngài mời đám đông trở về nhà mà suy ngẫm những điều Ngài đã phán dạy, và chuẩn bị tâm trí cho sự trở lại của Ngài vào ngày hôm sau (3 Nê Phi 17:1–3).

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 3 Nê Phi 17:5–10 và tìm kiếm những cách thức Chúa đã nêu tấm gương về lòng nhân từ và lòng trắc ẩn khi Ngài phục sự cho dân chúng.

Sau khi Đấng Cứu Rỗi chữa lành cho đám đông, Ngài đã truyền lệnh rằng “hãy đem tất cả trẻ nhỏ lại” bên Ngài (3 Nê Phi 17:11) và đám đông phải quỳ xuống đất. Sau đó, Ngài cất lời cầu nguyện “vĩ đại và kì diệu” cho họ (câu 16–17) và đám đông tràn ngập niềm vui mừng. (Xin xem 3 Nê Phi 17:10–19.)

Đấng Ky Tô và Các Trẻ Nhỏ trong Sách Mặc Môn, tranh do Del Parson họa
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 3 Nê Phi 17:19–24 và suy ngẫm xem tại sao việc phục sự lại mang lại niềm vui cho Đấng Cứu Rỗi.

Chủ Tịch Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy về tầm quan trọng của việc noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta phục sự:

Chủ Tịch Jean B. Bingham

Cuối cùng thì điều quan trọng nhất là việc phục sự đích thực được thực hiện cho từng người một với tình yêu thương là động cơ thúc đẩy. Giá trị, công đức và điều kỳ diệu của việc phục sự chân thành là nó thực sự làm thay đổi cuộc sống! Khi tấm lòng chúng ta rộng mở, sẵn lòng yêu thương và gồm vào, khuyến khích và an ủi, thì quyền năng của việc phục sự của chúng ta sẽ bất khả kháng. Với tình yêu thương làm động cơ thúc đẩy, những phép lạ sẽ xảy ra. …

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương của chúng ta trong mọi mặt—không những về điều chúng ta nên làm mà còn là tại sao chúng ta nên làm điều đó [xin xem Ê Phê Sô 5:2]. (“Phục Sự giống như Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 106)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về một người nào đó có thể cần sự giúp đỡ của anh chị em. Làm thế nào mà anh chị em có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và thể hiện lòng nhân từ và lòng trắc ẩn đối với người này?