“Bài học 20 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Các Phước Lành của Sự Tự Do Tôn Giáo”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài học 20 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài học 20 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Các Phước Lành của Sự Tự Do Tôn Giáo
Tự do tôn giáo quan trọng như thế nào đối với anh chị em? Như trang Church Newsroom có viết: “Tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, nó bảo vệ lương tâm của tất cả mọi người. Tự do tôn giáo cho phép chúng ta suy nghĩ, bày tỏ và hành động theo những gì chúng ta tin tưởng sâu sắc. … [Tự do tôn giáo] bảo vệ quyền lợi của tất cả các nhóm và cá nhân, kể cả các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương nhất, dù cho họ có tôn giáo hay không” (“Religious Freedom,” newsroom.ChurchofJesusChrist.org).
Nói về thời kỳ của chúng ta, Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã cảnh báo, “[Sa Tan] đang quyết liệt phá hoại, chống đối, và lan truyền sự nhầm lẫn về tự do tôn giáo—ý nghĩa của tự do tôn giáo và tại sao [nó] lại thiết yếu cho cuộc sống thuộc linh và chính cho sự cứu rỗi của chúng ta” (“Gìn Giữ Quyền Tự Quyết, Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 112). Khi anh chị em chuẩn bị cho buổi học, hãy suy ngẫm về những điều Sách Mặc Môn có thể dạy chúng ta về tầm quan trọng của sự tự do tôn giáo và cân nhắc những điều anh chị em có thể làm để đẩy mạnh, gìn giữ và bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Phần 1
Sự tự do tôn giáo bảo vệ tín ngưỡng của tôi như thế nào và làm thế nào để tôi chọn sống theo sự tự do tôn giáo?
Bản tóm tắt sau đây nhấn mạnh một số quyền cơ bản mà sự tự do tôn giáo bao hàm:
Quyền tự do tôn giáo không chỉ bao hàm quyền tự do thờ phượng mà còn có quyền phát ngôn và hành động dựa trên tín ngưỡng tôn giáo của một người. …
Tự do tôn giáo bảo vệ quyền của tất cả mọi người để giữ gìn niềm tin tôn giáo của riêng mình và thể hiện sự tự do tôn giáo một cách công khai mà không sợ bị ngược đãi hoặc bị từ chối quyền bình đẳng của công dân. …
Quyền tự do tôn giáo không chỉ bảo vệ các cá nhân, mà còn bảo vệ các tổ chức tôn giáo mà có thể tạo ra các cộng đồng tín ngưỡng. (“Religious Freedom: The Basics,” ChurchofJesusChrist.org)
Trong suốt lịch sử, quyền cơ bản của con người được thực hiện theo tín ngưỡng tôn giáo thường bị thách thức và thậm chí là còn bị đàn áp. Ví dụ: dưới thời trị vì của Vua Mô Si A, việc những kẻ không tin ngược đãi các tín hữu của Giáo Hội đã trở nên nghiêm trọng (xin xem Mô Si A 27:1).
Tự do tôn giáo không chỉ bảo vệ quyền bày tỏ của những người theo tôn giáo, mà còn xác nhận quyền của những người không theo tôn giáo hoặc những người có tín ngưỡng khác nhau. Một ví dụ cho điều này là câu chuyện về Cô Ri Ho. Cô Ri Ho sống trong chế độ các phán quan, một hệ thống cai trị được thiết kế để giữ gìn và bảo vệ quyền tự do của dân chúng tránh khỏi các vị vua bất chính (xin xem Mô Si A 29). Cô Ri Ho thuyết giảng rằng “sẽ không có Đấng Ky Tô” (An Ma 30:12). Hắn khẳng định rằng không có tội lỗi và mỗi người thịnh vượng tùy theo trí thông minh của mình. Những lời giảng dạy của Cô Ri Ho đã dẫn dắt nhiều người rời xa Chúa. (Xin xem An Ma 30:6, 12–18.)
Trong An Ma 30:29–58 chúng ta đọc được rằng Cô Ri Ho đã được áp giải đến tiên tri An Ma và vị trưởng phán quan ở Gia Ra Hem La và An Ma phản bác lại những lời giảng dạy của Cô Ri Ho bằng cách chia sẻ chứng ngôn về Đấng Ky Tô. Cũng như Cô Ri Ho có quyền bày tỏ sự không tin vào Thượng Đế của mình An Ma đã tự do làm chứng rằng có Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Vì chọn không tin An Ma, Cô Ri Ho yêu cầu một điềm triệu từ Thượng Đế và bị làm cho câm. Sau khi sự việc này được loan truyền, những người đã tin vào Cô Ri Ho đều được thuyết phục là hắn đã sai và “tất cả lại được cải đạo theo Chúa” (câu 58).
Khi đề cập đến tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, Tiên Tri Joseph Smith đã nói:
Tôi hoàn toàn sẵn sàng chết để bảo vệ quyền của một người tín đồ đạo Presbyterian, người tín đồ đạo Báp Tít, hoặc một người tốt của bất cứ giáo phái nào [như là tín hữu Giáo Hội]; vì cùng một nguyên tắc là nếu có điều nào chà đạp quyền của Các Thánh Hữu Ngày Sau thì cũng sẽ chà đạp quyền của một tín đồ Công Giáo La Mã, hoặc của bất cứ giáo phái nào khác mà có thể là không nổi tiếng và quá yếu kém để tự bênh vực mình. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 370)
Joseph Smith cũng nhấn mạnh rằng quyền tự do tôn giáo là một điều giảng dạy cơ bản của Giáo Hội: “Chúng tôi xin đặc ân thờ phượng Đấng Thượng Đế Toàn Năng theo tiếng gọi lương tâm riêng của chúng tôi, và cũng xin dành cho tất cả mọi người có được cùng đặc ân này, để họ thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn” (Những Tín Điều 1:11).
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã công bố lời phát biểu sau đây về việc hoạt động một cách ôn hòa vì tự do tôn giáo:
Trong trường hợp luật pháp hạn chế quyền tự do tôn giáo, Các Thánh Hữu Ngày Sau tin tưởng vào việc tuân theo luật pháp trong khi tìm kiếm sự bảo vệ cho các quyền cơ bản của họ qua các phương tiện hợp pháp có thể có theo mỗi luật pháp hoặc quốc gia. (“Religious Freedom: The Basics,” ChurchofJesusChrist.org)
Phần 2
Tôi có thể làm gì để giúp đẩy mạnh hoặc gìn giữ quyền tự do tôn giáo?
Có thể là hữu ích khi suy ngẫm một số ví dụ về cuộc sống có thể sẽ như thế nào nếu không có quyền tự do tôn giáo. Hãy tưởng tượng anh chị em sẽ gặp phải một hoặc nhiều tình huống sau đây trong đó quyền do tôn giáo bị hạn chế:
Anh chị em có thể bị mất việc làm hoặc các vị trí lãnh đạo vì bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo—ngay cả ngoài giờ làm. …
Anh chị em có thể được yêu cầu che giấu tôn giáo của mình hoặc thực hiện các nhiệm vụ tại nơi làm việc trái với tôn giáo của anh chị em. …
Anh chị em có thể được yêu cầu làm việc vào Ngày Sa Bát hoặc các ngày lễ tôn giáo ngay cả khi những người khác sẵn sàng thay ca cho anh chị em. …
Con cái của anh chị em tại trường công lập có thể được yêu cầu học về các thuyết giới tính và tình dục trái ngược với những lời giảng dạy cơ bản của Giáo Hội. …
Anh chị em có thể không được nhận con nuôi hoặc trở thành cha mẹ nuôi vì niềm tin tôn giáo hoặc quan điểm của anh chị em về gia đình.
Với tư cách là chủ doanh nghiệp hoặc chuyên viên, anh chị em có thể mất giấy phép hoặc bị phạt nếu từ chối thực hiện các dịch vụ trái với niềm tin tôn giáo của mình. (“Religious Freedom Matters: What’s at Risk,” Ensign, tháng Bảy năm 2017, trang 37)
Sách Mặc Môn thuật lại rằng vào năm thứ 19 dưới chế độ các phán quan, một kẻ tà ác tên là A Ma Lịch Gia đã âm mưu trở thành vua của dân Nê Phi. Hắn xảo quyệt tìm cách phá hoại Giáo Hội của Chúa và “nền tảng tự do mà Thượng Đế đã ban cho họ” (An Ma 46:10). A Ma Lịch Gia đã phỉnh gạt nhiều người dân Nê Phi, và những người Nê Phi này đã ly khai khỏi Giáo Hội để đi theo hắn. (Xin xem An Ma 46:1–10.)
Khi Mô Rô Ni, vị tổng lãnh binh của các đạo quân Nê Phi, biết được kế hoạch của A Ma Lịch Gia, ông đã tức giận và quy tụ dân chúng lại để bảo vệ quyền của họ, bao gồm quyền tự do tôn giáo của họ (xin xem An Ma 46:11–13, 19–20).
Mọi người quy tụ lại theo Mô Rô Ni và giao ước chống lại các mối đe dọa quyền tự do của họ (xin xem An Ma 46:21–22). Khi nói về nghĩa vụ của chúng ta trong việc ủng hộ quyền tự do tôn giáo, Anh Cả Hales đã dạy:
Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có trách nhiệm phải cùng cộng tác với những người tin cùng một chí hướng, để lên tiếng bênh vực điều đúng. …
… Chúng ta có trách nhiệm để bảo vệ quyền tự do và quyền hạn thiêng liêng này cho bản thân và cho con cháu chúng ta. Các anh chị em và tôi có thể làm gì?
Trước hết, chúng ta có thể trở thành người nắm được tình hình. Hãy biết các vấn đề trong cộng đồng của các anh chị em mà có thể có một ảnh hưởng về sự tự do tôn giáo.
Thứ hai, với tư cách cá nhân, hãy tham gia với những người khác để chia sẻ cam kết của mình đối với sự tự do tôn giáo. Hãy sát cánh làm việc để bảo vệ sự tự do tôn giáo.
Thứ ba, sống cuộc sống của mình để làm một tấm gương sáng về điều các anh chị em tin tưởng—trong lời nói và việc làm. Cách chúng ta sống theo tôn giáo của mình là quan trọng hơn nhiều so với điều chúng ta có thể nói về tôn giáo của mình.
Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi đã gần kề. Chúng ta đừng trì hoãn trong đại chính nghĩa này. Hãy nhớ tới Lãnh Binh Mô Rô Ni, người đã giơ cao lá cờ tự do [xin xem An Ma 46:12]. … Chúng ta hãy nhớ tới phản ứng của dân chúng: bằng cách sử dụng quyền tự quyết của mình, họ “cùng nhau kéo đến” với một giao ước để hành động theo [An Ma 46:21]. (“Gìn Giữ Quyền Tự Quyết, Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo,” trang 112, 113)