“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Khắc Phục Tính Kiêu Ngạo”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Khắc Phục Tính Kiêu Ngạo
Một mối nguy hiểm thuộc linh được nhấn mạnh trong Sách Mặc Môn là tội kiêu ngạo. Từ biên sử đó, chúng ta biết được tính kiêu ngạo đã phá vỡ sự hòa thuận trong gia đình của Lê Hi, tạo ra sự chia rẽ trong Giáo Hội của Chúa, gây ra vô số trận chiến và cuối cùng dẫn đến sự hủy diệt nền văn minh của dân Nê Phi. Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã cảnh báo rằng “tính kiêu ngạo là tội lỗi phổ biến, là thói xấu lớn” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 6). Khi nghiên cứu để chuẩn bị cho buổi học, hãy tìm những lời giảng dạy có thể giúp anh chị em nhận ra những dấu hiệu của tính kiêu ngạo trong cuộc sống của chính mình. Ngoài ra, hãy suy ngẫm xem làm thế nào mà những lời giảng dạy và tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp anh chị em khắc phục tính kiêu ngạo.
Phần 1
Làm thế nào tôi có thể nhận ra những tác động nguy hại của tính kiêu ngạo trong cuộc sống của tôi?
Sau cái chết của Nê Phi, Gia Cốp phiền muộn vì sự tà ác ngày càng gia tăng giữa dân Nê Phi. Chúa đã hướng dẫn Gia Cốp nói về các tội lỗi của dân chúng (xin xem Gia Cốp 1:15–2:4, 11). Vâng lời Chúa, Gia Cốp nói với dân chúng trong đền thờ về tội lỗi của họ, bao gồm cả sự giàu có đã khiến họ rời xa Chúa như thế nào.
Vào cuối Sách Mặc Môn, Mặc Môn và Mô Rô Ni đã làm chứng về việc không hối cải về tính kiêu ngạo đã dẫn đến sự diệt vong toàn bộ dân Nê Phi như thế nào (xin xem Mô Rô Ni 8:27). Sau khi làm chứng sự diệt vong của dân Nê Phi, Mô Rô Ni đã nhìn thấy một khải tượng về tính kiêu ngạo cũng sẽ là một vấn đề đối với con người trong thời kỳ của chúng ta như thế nào.
Năm 1989, Chủ Tịch Benson đã có một bài nói chuyện bất hủ về tính kiêu ngạo. Khi anh chị em đọc đoạn trích từ bài nói chuyện này, hãy cân nhắc đánh dấu các từ và cụm từ then chốt mô tả ý nghĩa cốt lõi của tính kiêu ngạo.
Hầu hết chúng ta nghĩ về tính kiêu ngạo như là tính tự cho mình là trung tâm, tự cao tự đại, khoe khoang khoác lác, ngạo mạn, hoặc kiêu kỳ. Tất cả những điều này là các yếu tố của tội lỗi kiêu ngạo, nhưng vẫn còn thiếu yếu tố cốt lõi.
Đặc điểm cốt lõi của tính kiêu ngạo là thái độ thù nghịch—thái độ thù nghịch đối với Thượng Đế và thái độ thù nghịch đối với đồng loại. Thái độ thù nghịch có nghĩa là “hận thù oán ghét, thù địch hoặc một trạng thái chống đối”. Đó là quyền lực mà bởi đó Sa Tan muốn trị vì chúng ta.
Bản chất của tính kiêu ngạo chủ yếu là cạnh tranh. Chúng ta chống lại ý muốn của Thượng Đế. …
Người kiêu ngạo không thể chấp nhận thẩm quyền của Thượng Đế ban sự hướng dẫn cho cuộc sống của họ. (Xin xem Hê La Man 12:6.) …
Những người kiêu ngạo làm cho mỗi người khác trở thành kẻ nghịch thù của họ bằng cách sử dụng trí tuệ, ý kiến, việc làm, của cải, tài năng, hay bất cứ phương tiện đo lường nào khác của họ để chống lại những người khác. Theo lời của C. S. Lewis: “Người kiêu ngạo không hề vui mừng khi có được một điều gì đó, mà chỉ thỏa mãn khi nào có điều đó nhiều hơn người bên cạnh. … Đó chính là sự so sánh khiến cho bạn kiêu ngạo: vui mừng vì hơn mọi người khác. Một khi yếu tố tranh đua không còn nữa thì tính kiêu ngạo cũng mất đi.” (Mere Christianity, New York: Macmillian, năm 1952, trang 109–110.) …
Nỗi sợ hãi sự phán xét của con người biểu hiện trong việc cạnh tranh để được mọi người chấp nhận. …
… Hầu hết chúng ta đều coi tính kiêu ngạo là tội lỗi của những người ở tầng lớp trên, chẳng hạn như những người giàu có và có học, đang nhìn xuống những người còn lại. (Xin xem 2 Nê Phi 9:42.) Tuy nhiên, có một căn bệnh thường gặp nhiều hơn ở chúng ta—đó là tính kiêu ngạo khi nhìn từ dưới lên. Tính kiêu ngạo được biểu lộ trong rất nhiều cách, chẳng hạn như bắt bẻ, ngồi lê đôi mách, nói xấu sau lưng, kêu ca, tiêu xài quá mức thu nhập của mình, ghen tị, thèm muốn, không bày tỏ lòng biết ơn và lời ngợi khen mà có thể làm nâng cao người khác, không biết tha thứ và ganh tỵ. (“Beware of Pride,” trang 4, 5)
Phần 2
Làm thế nào tôi có thể khắc phục được tội kiêu ngạo?
Sau khi Gia Cốp cảnh báo dân chúng về tội kiêu ngạo, ông dạy cho họ những lẽ thật quan trọng về cách khắc phục tính kiêu ngạo.
Trong Sách Mặc Môn, người dân Nê Phi nhiều lần trở nên kiêu ngạo. Ví dụ: sau khi có được chiến thắng trong một trận chiến lâu dài chống lại bọn cướp Ga Đi A Tôn, dân Nê Phi đã trở nên thịnh vượng và chẳng mấy chốc trở nên kiêu ngạo, tự phân biệt họ theo giai cấp, tùy theo sự giàu có và học thức của họ. Một số người bắt đầu ngược đãi những người kém may mắn hơn mình. (Xin xem 3 Nê Phi 6:4–12.)
Chủ Tịch Benson đã dạy những điều sau đây về cách khắc phục tính kiêu ngạo:
Thuốc giải trừ tính kiêu ngạo là tính khiêm nhường—hiền lành, biết phục tùng. (Xin xem An Ma 7:23.) …
Chúng ta hãy chọn khiêm nhường.
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách chế ngự sự thù nghịch đối với các anh chị em của mình, xem họ như chính mình, và nâng họ lên cao bằng hoặc cao hơn chúng ta. [Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:24.]
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách tiếp nhận lời khuyên bảo và khiển trách. [Xin xem Gia Cốp 4:10.]
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta. [Xin xem 3 Nê Phi 13:11, 14; Giáo Lý và Giao Ước 64:10.]
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách phục vụ một cách vị tha. (Xin xem Mô Si A 2:16–17.)
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách đi truyền giáo và thuyết giảng lời Chúa mà có thể làm cho người khác khiêm nhường. [Xin xem An Ma 4:19.]
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách đi đền thờ thường xuyên hơn.
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách thú nhận và từ bỏ tội lỗi của mình và được Thượng Đế sinh ra. [Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:43.]
Chúng ta có thể chọn hạ mình bằng cách yêu mến Thượng Đế, tuân phục theo ý muốn của Ngài, và đặt Ngài lên trên hết trong cuộc sống của chúng ta. [Xin xem 3 Nê Phi 11:11.] (“Beware of Pride,” trang 6–7)