“Bài học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhận xét: “Việc học tập Sách Mặc Môn là bổ ích nhất khi một người tập trung vào mục đích chính của nó—để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu so sánh, thì tất cả các vấn đề khác chỉ là thứ yếu” (“A Testimony of the Book of Mormon,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 69). Việc anh chị em nghiên cứu Sách Mặc Môn đã giúp anh chị em đến gần hơn với Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Trong khi học, hãy tự hỏi xem anh chị em có thể làm những gì để đến với Ngài một cách trọn vẹn hơn.
Phần 1
Tôi có quyền có được quyền năng nào nếu tôi xây dựng nền móng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Vào năm 30 trước Công Nguyên, dân Nê Phi “đã rơi vào trạng thái vô tín ngưỡng và sự tà ác ghê gớm” và “đã chín muồi để chịu sự hủy diệt” (Hê La Man 4:25; 5:2). Nê Phi trở nên buồn chán vì sự tà ác của dân chúng nên ông đã từ bỏ ghế xét xử, rồi cùng Lê Hi, em ông, cống hiến những ngày còn lại của cuộc đời để đi thuyết giảng phúc âm (xin xem Hê La Man 5:4). Trước khi lên đường phục vụ truyền giáo, họ nhớ lại lời khuyên bảo quan trọng mà họ đã nhận được từ cha mình là Hê La Man.
Trong khi phục sự trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, Chị Sheri L. Dew đã dạy về tại sao Chúa Giê Su Ky Tô là nền móng chắc chắn duy nhất của chúng ta:
Khi bị phó mặc một mình, con người thiên nhiên chắc chắn không thể chống chọi nổi Sa Tan (xin xem Mô Si A 3:19), là kẻ bỏ rơi con mồi của mình ngay khi dụ được chúng rời khỏi con đường chật và hẹp. Nhưng Đấng Cứu Rỗi sẽ hướng dẫn cho những ai theo Ngài trên suốt con đường trở về nhà. …
Chúa biết con đường đó vì Ngài là con đường và là cơ hội duy nhất của chúng ta để vượt qua cuộc sống hữu diệt một cách thành công. Sự Chuộc Tội của Ngài cung cấp mọi quyền năng, sự bình an, ánh sáng và sức mạnh mà chúng ta cần để đương đầu với những thử thách trong cuộc sống—từ những sai lầm và tội lỗi của chính chúng ta cho đến những khó khăn mà chúng ta không thể kiểm soát được nhưng vẫn làm chúng ta đau đớn.
… Ngài hứa rằng nếu chúng ta xây dựng cuộc sống của mình trên đá của Ngài thì quỷ dữ sẽ không có quyền năng nào đối với chúng ta [xin xem Hê La Man 5:12]. Và Ngài đã thề rằng Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ hay từ bỏ chúng ta [xin xem Hê Bơ Rơ 13:5]. Chẳng có điều gì trên trần thế giống như vậy. Chẳng có cam kết, quyền năng hay tình thương yêu nào cho bằng. Ngài là cơ hội duy nhất của chúng ta. (“Our Only Chance,” Ensign, tháng Năm năm 1999, trang 66–67)
Phần 2
Tôi có thể làm gì để đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô?
Trong chương cuối của Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni mời gọi tất cả mọi người hãy đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích ý nghĩa của việc “đến cùng Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:30, 32):
Đến cùng Đấng Ky Tô là một cách nói vắn tắt, một cách diễn tả kế hoạch cứu rỗi trong vài từ. Điều đó có nghĩa là đạt được thành quả của Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài—cuối cùng là cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống vĩnh cửu phụ thuộc vào việc thực hành quyền tự quyết về mặt đạo đức của chúng ta, nhưng chỉ có thể có được qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Đến cùng Ngài có nghĩa là làm những gì được yêu cầu để nắm giữ ân điển đó—quyền năng tha thứ, thánh hoá, biến đổi, cứu chuộc đến từ sự hy sinh chuộc tội vô hạn của Ngài. (“Why We Share the Gospel,” Ensign, tháng Tám năm 2014, trang 37)
Chủ Tịch Tad R. Callister, người từng phục sự với tư cách là Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã giải thích ân điển của Chúa theo cách này:
Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi có những quyền năng củng cố, đôi khi được gọi là ân điển [xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Điển,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org], mà có thể giúp chúng ta khắc phục những yếu kém và sự không hoàn hảo của mình và như thế phụ giúp chúng ta trong tiến trình trở nên giống như Ngài hơn.
Mô Rô Ni đã dạy như vậy: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, … để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô” [Mô Rô Ni 10:32]. Dường như có ít nhất hai phương pháp hay là phương tiện để chúng ta sử dụng các quyền năng củng cố đó mà có thể tinh luyện—thậm chí còn làm cho hoàn hảo—chúng ta.
Trước hết, là các giáo lễ cứu rỗi. … Đôi khi, chúng ta có thể nghĩ các giáo lễ là một bản liệt kê các mục cần kiểm tra—cần thiết cho sự tôn cao, nhưng thực ra, mỗi giáo lễ đều cho phép tiếp cận quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. …
Phương pháp thứ hai để có các quyền năng củng cố này là các ân tứ của Thánh Linh. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được ân tứ Đức Thánh Linh và các ân tứ thuộc linh đi kèm. Các ân tứ này là thuộc tính của sự tin kính; do đó, mỗi lần chúng ta có được một ân tứ của Thánh Linh, thì chúng ta trở nên giống Thượng Đế hơn. (“Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 87)
Phần 3
Làm thế nào mà Sách Mặc Môn đã đưa tôi đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và giúp tôi tiếp tục trung tín với Ngài?
Khi Mô Rô Ni tóm tắt biên sử về dân Gia Rết, giờ là một phần của Sách Mặc Môn, ông bày tỏ nỗi lo lắng rằng những độc giả tương lai sẽ “nhạo báng những điều này, vì sự yếu kém của chúng con trong văn viết” (Ê The 12:23). Chúa an ủi Mô Rô Ni bằng cách phán rằng: “Ân điển của ta sẽ đủ để ban cho người nhu mì, ngõ hầu họ không thể lợi dụng sự yếu kém của các ngươi được” (Ê The 12:26). Sau đó, Mô Rô Ni cầu nguyện cho Dân Ngoại, làm chứng rằng ông đã nhìn thấy Chúa Giê Su, và đưa ra lời mời quan trọng cho tất cả những ai sẽ đọc Sách Mặc Môn (xin xem Ê The 12:36–41).