2015
Đừng Sợ, Chỉ Tin Mà Thôi
Tháng Mười Một năm 2015


Đừng Sợ, Chỉ Tin Mà Thôi

Khi chúng ta chọn để tin, thực hành đức tin đưa đến sự hối cải, và noi theo Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta mở mắt thuộc linh ra để thấy những điều kỳ diệu mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được.

Ba Bi Lôn và Đa Ni Ên

Hai ngàn sáu trăm năm trước, Ba Bi Lôn là siêu cường trên thế giới. Một sử gia thời xưa đã mô tả các bức tường của Ba Bi Lôn vây quanh thành phố cao hơn 90 mét và dày 25 mét. Ông viết: “Không có thành phố nào được nguy nga tráng lệ bằng … như vậy.”1

Vào thời đó, Ba Bi Lôn là trung tâm học hỏi, luật pháp, và triết học của thế giới. Sức mạnh quân sự của nó là vô song. Nó phá vỡ quyền lực của Ai Cập. Nó xâm chiếm, đốt cháy, và cướp phá thủ đô Ni Ni Ve của dân A Si Ri. Nó dễ dàng chinh phục Giê Ru Sa Lem và bắt con cái Y Sơ Ra Ên tốt lành và thông minh nhất đem về Ba Bi Lôn để phục vụ Vua Nê Bu Cát Nết Sa.

Một thiếu niên tên là Đa Ni Ên là một trong những kẻ phu tù. Nhiều học giả tin rằng lúc đó Đa Ni Ên vào khoảng giữa 12 và 17 tuổi. Các em thân mến đang nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, hãy suy nghĩ về điều đó: có lẽ Đa Ni Ên ở độ tuổi của các em khi bị bắt vào cung vua để được dạy về ngôn ngữ, luật pháp, tôn giáo và khoa học của Ba Bi Lôn theo khuynh hướng thế gian.

Các em có thể tưởng tượng là mình sẽ cảm thấy như thế nào khi bị bắt ra khỏi nhà, đi bộ 800 kilômét đến một thành phố ở nước ngoài, và bị dạy dỗ về tôn giáo của kẻ thù mình không?

Đa Ni Ên đã được nuôi dạy là một tín đồ của Đức Giê Hô Va. Ông tin tưởng và thờ phượng Thượng Đế của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp. Ông đã học những lời của các vị tiên tri, và ông biết về sự giao tiếp của Thượng Đế với con người.

Nhưng bây giờ, ở độ tuổi rất trẻ, ông là một tù nhân-học sinh ở Ba Bi Lôn. Áp lực trên ông chắc hẳn là phải nặng nề để từ bỏ niềm tin cũ của mình và chấp nhận tín ngưỡng của những người ở Ba Bi Lôn. Nhưng ông vẫn trung thành với đức tin của mình—trong lời nói và hành động.

Nhiều anh em biết cảm nghĩ về việc bênh vực một lẽ thật không được ưa chuộng. Bằng tiếng lóng trên Internet ngày nay, chúng ta nói về việc “bị hại lây” bởi những người không đồng ý với chúng ta. Nhưng Đa Ni Ên đã không chỉ mạo hiểm làm ngơ lời nhạo báng giữa công chúng. Ở Ba Bi Lôn, những người đã thử thách các vị thẩm quyền của tôn giáo đều hiểu ý nghĩa của điều này, là “bị hại lây”, theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Cứ hỏi những người bạn của Đa Ni Ên là Sa Đơ Rắc, Mê Sác, A Bết Nê Gô thì biết.2

Tôi không biết là có dễ dàng đối với Đa Ni Ên để làm một người tin trong một môi trường như vậy không. Một số người được phước với một tấm lòng sẵn sàng để tin—đối với họ, đức tin dường như đến như là một ân tứ từ thiên thượng. Nhưng tôi tưởng tượng rằng Đa Ni Ên giống như nhiều người trong chúng ta đã phải cố gắng để có được chứng ngôn. Tôi tin rằng Đa Ni Ên đã dành ra nhiều giờ để quỳ xuống cầu nguyện, dâng lên những thắc mắc và nỗi sợ hãi của mình với đức tin rằng sẽ nhận được sự đáp ứng, và chờ đợi Chúa ban cho sự hiểu biết và thông sáng.

Và Chúa đã thật sự ban phước cho Đa Ni Ên. Mặc dù đức tin của ông đã bị thử thách và chế nhạo, nhưng ông đã biết là đúng theo kinh nghiệm riêng của mình.

Đa Ni Ên đã tin. Đa Ni Ên đã không nghi ngờ.

Và rồi vào một đêm nọ, Vua Nê Bu Cát Nết Sa đã có một giấc mơ mà làm cho vua lo lắng. Nhà vua quy tụ đội các học giả và cố vấn của mình lại rồi yêu cầu họ giải thích giấc mơ của mình cùng tiết lộ ý nghĩa của nó.

Dĩ nhiên, họ không thể làm được. Họ nài nỉ: “Chẳng có người nào trên đất nầy có thể tỏ ra việc của vua”. Nhưng điều này chỉ làm cho Vua Nê Bu Cát Nết Sa tức giận thêm, và vua ra lệnh băm vằm tất cả những người thông sáng, thuật sĩ, các nhà chiêm tinh, và các cố vấn—kể cả Đa Ni Ên và các học sinh trẻ tuổi khác từ Y Sơ Ra Ên.

Các anh em nào đã quen thuộc với sách Đa Ni Ên biết điều đã xảy ra tiếp theo. Đa Ni Ên xin Vua Nê Bu Cát Nết Sa cho thêm một ít thời gian nữa, ông và những người bạn đồng hành trung thành tìm đến nguồn gốc của đức tin và sức mạnh đạo đức của họ. Họ đã cầu nguyện lên Thượng Đế và xin sự giúp đỡ thiêng liêng vào thời điểm quan trọng này trong cuộc đời của họ. Và “vậy sự kín nhiệm được tỏ ra cho Đa Ni Ên trong sự hiện thấy.”3

Đa Ni Ên, một thiếu niên từ một quốc gia bị chiếm đóng—đã bị bắt nạt và ngược đãi vì tin vào tôn giáo lạ lùng của mình—đã đi đến trước mặt nhà vua và tiết lộ cho nhà vua biết về giấc mơ và lời giải thích về giấc mơ đó.

Kể từ ngày đó, như là một kết quả trực tiếp về lòng trung thành của ông đối với Thượng Đế, Đa Ni Ên trở thành một cố vấn đáng tin cậy cho nhà vua, nổi tiếng với sự thông sáng trong khắp Ba Bi Lôn.

Cậu thiếu niên đã tin và sống theo đức tin của mình đã trở thành người của Thượng Đế. Một vị tiên tri. Một hoàng tử ngay chính.4

Chúng Ta Có Giống như Đa Ni Ên Không?

Tôi xin hỏi tất cả chúng ta là những người mang chức tư tế thánh của Thượng Đế, chúng ta có giống như Đa Ni Ên không?

Chúng ta có luôn luôn trung thành với Thượng Đế không?

Chúng ta có thực hành điều chúng ta thuyết giảng không, hoặc chúng ta chỉ sử xự như Ky Tô hữu trong ngày Chủ Nhật mà thôi?

Những hành động hàng ngày của chúng ta có phản ảnh rõ ràng điều chúng ta cho là mình tin không?

Chúng ta có giúp đỡ “những người nghèo khó và những người túng thiếu, những người bệnh tật và những người đau buồn” không?5

Chúng ta chỉ nói xuông, hay là hăng hái làm theo điều đúng?

Thưa các anh em, chúng ta đã được ban cho nhiều. Chúng ta đã được dạy về các lẽ thật thiêng liêng của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đã được giao phó thẩm quyền của chức tư tế để giúp đồng bào mình và xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Chúng ta sống trong một thời kỳ với quyền năng thuộc linh được ban cho dồi dào. Chúng ta có được lẽ thật trọn vẹn. Chúng ta có các chìa khóa của chức tư tế để niêm phong trên thế gian và trên trời. Thánh thư và những lời giảng dạy của các tiên tri và sứ đồ tại thế đều có sẵn hơn bao giờ hết.

Các bạn thân mến, chúng ta đừng xem nhẹ những điều này. Những trách nhiệm và bổn phận nặng nề đi kèm theo những phước lành và đặc ân này. Chúng ta hãy chấp nhận và làm tròn các trách nhiệm và bổn phận này.

Thành phố Ba Bi Lôn cổ xưa đã đổ nát. Vẻ lộng lẫy của nó đã qua từ lâu rồi. Nhưng tính chất trần tục và sự tà ác của Ba Bi Lôn vẫn còn đó. Giờ đây đó là trách nhiệm của chúng ta để sống với tư cách là những người tin ở trong một thế giới không tin. Thử thách của chúng ta là mỗi ngày thực tập các nguyên tắc của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo đúng các lệnh truyền của Thượng Đế. Chúng ta sẽ phải bình tĩnh trước áp lực của bạn bè, đừng có đi theo xu hướng phổ biến hoặc các tiên tri giả, đừng để ý đến lời chế giễu của sự không tin kính, hãy kiềm chế những cám dỗ của quỷ dữ, và khắc phục tính lười biếng của chúng ta.

Hãy nghĩ về điều đó. Sẽ dễ dàng hơn biết bao đối với Đa Ni Ên để chỉ đi theo con đường của Ba Bi Lôn? Ông đã có thể để qua một bên quy tắc ứng xử hạn chế mà Thượng Đế đã ban cho con cái Y Sơ Ra Ên. Ông đã có thể ăn phủ phê các loại thức ăn béo bổ do nhà vua cung cấp và đắm mình trong những thú vui trần tục của con người thiên nhiên. Ông đã có thể tránh bị nhạo báng.

Ông đã có thể được nổi tiếng.

Ông đã có thể có bạn bè mến mộ vây quanh.

Con đường của ông đã có thể ít phức tạp hơn.

Dĩ nhiên, đó là cho đến ngày mà nhà vua đòi hỏi phải giải thích về giấc mơ của nhà vua. Sau đó, Đa Ni Ên đã có thể thấy rằng ông, cũng giống như những người còn lại, “các bác sĩ” ở Ba Bi Lôn đã bị mất sự kết nối của mình với nguồn gốc đích thực của lẽ thật và sự thông sáng.

Đa Ni Ên đã qua được cuộc thử thách của mình. Chúng ta vẫn còn tiếp tục được thử thách.

Lòng Can Đảm để Tin

Kẻ nghịch thù của chúng ta là Sa Tan muốn chúng ta thất bại. Nó lan truyền những lời dối trá như là một phần của nỗ lực của nó để hủy diệt niềm tin của chúng ta. Nó quỷ quyệt gợi ý rằng kẻ nghi ngờ, người ngờ vực và kẻ chỉ trích là tinh tế và thông minh, trong khi những người có đức tin nơi Thượng Đế và các phép lạ của Ngài là ngây thơ, mù quáng, hoặc bị tẩy não. Sa Tan sẽ biện hộ rằng việc nghi ngờ các ân tứ thuộc linh và những lời dạy của các vị tiên tri là điều được xã hội chấp nhận.

Tôi mong sao có thể giúp mọi người hiểu một sự kiện đơn giản này: chúng ta tin nơi Thượng Đế vì những điều chúng ta biết trong tâm trí mình, chứ không phải vì những điều chúng ta không biết. Những kinh nghiệm thuộc linh của chúng ta đôi khi quá thiêng liêng để giải thích theo từ ngữ thế gian, nhưng điều đó không có nghĩa là những kinh nghiệm này không có thật.

Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị cho con cái của Ngài một bữa yến tiệc thuộc linh, cung cấp mọi loại thức ăn tuyệt vời mà có thể tưởng tượng được—tuy nhiên, thay vì thưởng thức sự ban cho thuộc linh này, những người hoài nghi cảm thấy hài lòng để quan sát từ xa, tiếp tục chấp nhận thái độ hoài nghi, ngờ vực và vô lễ của họ.

Tại sao mọi người sẽ sống mà vẫn hài lòng với ánh sáng từ ngọn nến của sự hiểu biết của họ trong khi họ có thể, bằng cách tiếp cận với Cha Thiên Thượng, cảm nhận được ánh nắng rực rỡ của sự hiểu biết thuộc linh mà sẽ cởi mở tâm trí của họ với sự thông sáng và làm tràn ngập tâm hồn của họ với niềm vui?

Khi các anh em và tôi nói chuyện với người khác về đức tin và niềm tin, thì phải chăng chúng ta thường nghe nói: “Tôi mong muốn có thể tin tưởng theo như cách các anh em đã tin tưởng” sao?

Một sự lừa dối khác của Sa Tan đã được ám chỉ trong một lời phát biểu rằng: sự tin tưởng đó dành sẵn cho một số người nhưng không phải cho người khác. Sự tin tưởng không đến từ phép lạ kỳ diệu. Nhưng muốn tin phải là bước thiết yếu đầu tiên! Thượng Đế chẳng hề vị nể ai.6 Ngài là Cha của các anh em. Ngài muốn nói chuyện với các anh em. Tuy nhiên, cần có một chút tò mò khoa học—điều này đòi hỏi một cuộc thí nghiệm về lời của Thượng Đế—và vận dụng “một chút ít đức tin.”7 Cũng cần có một chút khiêm nhường. Và cần có một tấm lòng rộng mở và một tâm trí sẵn sàng chấp nhận. Điều đó đòi hỏi sự tìm kiếm, trong ý nghĩa trọn vẹn của từ này. Và có lẽ khó khăn nhất, điều đó đòi hỏi phải kiên nhẫn và trông đợi Chúa.

Nếu không có nỗ lực để tin, thì chúng ta cũng giống như một người rút phích cắm của một ngọn đèn pha ra và rồi đổ lỗi rằng ngọn đèn pha không sáng.

Gần đây tôi đã rất ngạc nhiên và đau buồn khi nghe tin một người mang Chức Tư Tế A Rôn dường như tự hào vì đã tự lánh xa Thượng Đế. Người ấy nói: “Tôi sẽ tin nếu Thượng Đế tự biểu hiện cho tôi thấy. Cho đến lúc đó, tôi sẽ tìm thấy lẽ thật dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ của riêng mình để giúp tôi biết được điều tôi phải làm.”

Tôi không biết cảm nghĩ của người thanh niên này, nhưng tôi cảm thấy rất tiếc cho người ấy. Người ấy đã khước từ một cách dễ dàng biết bao các ân tứ mà Chúa đã ban cho người ấy. Người thanh niên này đã rút phích cắm của ngọn đèn pha ra và sau đó dường như tự mãn trong khả năng quan sát thông minh của mình là không có ánh sáng nào cả.

Rủi thay, điều này dường như là một thái độ khá phổ biến hiện nay. Nếu chúng ta cho là Thượng Đế có trách nhiệm phải chứng tỏ lẽ trung thực của mọi sự việc cho chúng ta thấy, thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tự cho phép mình nhận lấy các giáo lệnh của Thượng Đế một cách nghiêm túc và từ bỏ trách nhiệm về mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng.

Thưa các anh em, tôi xin được nói rõ: việc có thái độ hoài nghi không hề là điều cao quý hay gây ấn tượng đâu. Thái độ hoài nghi là dễ dàng—ai cũng có thể làm điều đó được. Chính là cuộc sống trung tín mới là điều đòi hỏi sức mạnh đạo đức, lòng tận tâm và can đảm. Những người giữ vững đức tin gây nhiều ấn tượng hơn những người đầu hàng nỗi nghi ngờ khi có những câu hỏi bí ẩn hoặc nảy sinh những mối quan tâm.

Nhưng điều đó không làm cho chúng ta ngạc nhiên rằng đức tin không được một xã hội thế tục quý trọng. Thế gian có một lịch sử lâu dài trong việc từ chối điều mà thế gian không hiểu. Và đặc biệt thế gian khó có thể hiểu những điều đặc biệt mà thế gian không thể thấy. Nhưng chỉ vì chúng ta không thể thấy một cái gì đó với đôi mắt trần của mình thì không có nghĩa là nó không tồn tại. Thật vậy, “có rất nhiều điều hơn trong trời đất … mà có thể tưởng tượng được và chứa đựng trong sách vở, các tạp chí khoa học, và triết lý của thế gian.8 Vũ trụ tràn đầy những điều kỳ diệu vĩ đại và đáng kinh ngạc—những điều có thể được hiểu chỉ qua con mắt thuộc linh mà thôi.

Lời Hứa của Niềm Tin

Khi chúng ta chọn để tin, thực hành đức tin đưa đến sự hối cải, và noi theo Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta mở mắt thuộc linh ra để thấy những điều kỳ diệu mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được. Như vậy niềm tin và đức tin của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, và chúng ta sẽ càng thấy nhiều hơn.9

Thưa các anh em, tôi làm chứng rằng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Đấng Cứu Rỗi cũng sẽ phán với các anh em như Ngài đã phán với một người cha đầy lo âu trên một con đường đông đúc người ở Ga Li Lê: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi.”10

Chúng ta có thể chọn để tin.

Vì khi tin, chúng ta có thể bắt đầu hiểu được lẽ thật.

Chúng ta sẽ khám phá ra lẽ thật.11

Chúng ta sẽ tìm thấy bình an.12

Nhờ vào niềm tin của mình, chúng ta sẽ không bao giờ đói khát.13 Các ân tứ của ân điển của Thượng Đế sẽ làm cho chúng ta trung thành với đức tin của mình và sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta giống như “một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.”14 Chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui đích thực và lâu dài.15

Vì vậy, các bạn thân mến, các anh em yêu dấu của tôi trong chức tư tế của Thượng Đế:

Hãy có can đảm để tin.

Đừng sợ, chỉ tin mà thôi.

Hãy làm giống như Đa Ni Ên.

Tôi cầu nguyện rằng mỗi người trong chúng ta—cả già lẫn trẻ—sẽ tìm thấy sức mạnh, lòng can đảm, và ước muốn để tin của mình được đổi mới. Trong tôn danh của Đức Thầy chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.