2015
Thượng Đế Đang Lèo Lái Giáo Hội
Tháng Mười Một năm 2015


Thượng Đế Đang Lèo Lái Giáo Hội

Các lệnh truyền và giao ước đều là các lẽ thật và các giáo lý vô giá được tìm thấy trên Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ mà Thượng Đế đang lèo lái.

Trong đại hội trung ương tháng Mười năm ngoái, tôi đã mời các thính giả tuân theo lời khuyên của Brigham Young hãy ở lại trên Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, và bám chặt bằng cả hai tay.1 Kể từ lúc đó, tôi rất vui được biết rằng một số người trong gia đình tôi và những người khác có lắng nghe và đã hỏi tôi: “Chúng ta có thể bám chặt lấy cái gì trong con tàu cũ kỹ đó?” Tôi nhắc nhở họ về điều Chủ Tịch Young đã nói: “Chúng ta đang ở trên con tàu Si Ôn cũ kỹ. … [Thượng Đế] đang lèo lái con tàu và sẽ ở lại đó. … Ngài ra lệnh, hướng dẫn và chỉ dẫn. Nếu các tín hữu tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế của mình, thì sẽ không bao giờ từ bỏ các giao ước cũng như Thượng Đế của mình, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta đi đúng hướng.”2

Rõ ràng là Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã trang bị cho Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ với các lẽ thật vĩnh cửu rõ ràng và giản dị mà sẽ giúp chúng ta tiếp tục tiến triển qua những thời gian khó khăn của cuộc sống hữu diệt. Đây chỉ là một vài lẽ thật.

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn được các vị tiên tri và sứ đồ tại thế dẫn dắt. Mặc dù họ là người trần thế và không hoàn hảo, nhưng các tôi tớ của Chúa được soi dẫn để giúp chúng ta tránh những trở ngại mà đe dọa phần thuộc linh và giúp chúng ta an toàn vượt qua cuộc sống hữu diệt để tới điểm đến thiên thượng, tột bậc và cuối cùng của mình.

Trong gần 40 năm cộng sự chặt chẽ với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã là một nhân chứng trực tiếp khi sự soi dẫn thầm lặng lẫn sự mặc khải sâu xa dẫn đến hành động của các vị tiên tri và sứ đồ, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, và các vị lãnh đạo tổ chức bổ trợ khác. Mặc dù không hoàn hảo cũng như làm điều lầm lỗi, nhưng những người nam và người nữ tốt lành này đã tận tụy lãnh đạo công việc của Chúa tiến bước như Ngài hướng dẫn.

Các anh chị em có thể chắc chắn về sự việc này: Chúa hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri và sứ đồ. Đây là cách Ngài luôn luôn làm công việc của Ngài. Quả thật, Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai tiếp người mà ta đã sai, tức là tiếp ta.”3 Chúng ta không thể tách rời Đấng Ky Tô khỏi các tôi tớ của Ngài. Nếu không có cácVị Sứ Đồ đầu tiên của Ngài, thì chúng ta đã không có thiên ký thuật do những người đích thân chứng kiến ghi chép lại nhiều lời giảng dạy của Ngài, giáo vụ của Ngài, nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, và cái chết của Ngài trên thập tự giá. Nếu không có chứng ngôn của họ, thì chúng ta đã không có sự làm chứng của sứ đồ về ngôi mộ trống và Sự Phục Sinh.

Ngài truyền lệnh cho Các Vị Sứ Đồ đầu tiên:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ.

“Dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.”4

Lệnh truyền trọng đại này đã được lặp lại trong thời kỳ của chúng ta khi Chúa kêu gọi Joseph Smith phục hồi Giáo Hội, với Các Sứ Đồ được sắc phong để rao giảng phúc âm của Ngài một lần cuối trước khi Ngài tái lâm.

Đối với thế gian, việc chấp nhận các vị tiên tri và sứ đồ tại thế luôn luôn là một thử thách, nhưng điều này là cần thiết để làm nhằm mục đích hiểu được trọn vẹn Sự Chuộc Tội và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô và để nhận được các phước lành trọn vẹn của chức tư tế đến từ việc tuân theo những người Ngài đã kêu gọi.

Có rất nhiều người nghĩ rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội và các tín hữu cần phải được hoàn hảo hay gần như hoàn hảo. Họ quên rằng ân điển của Chúa là đủ để hoàn thành công việc của Ngài qua con người. Các vị lãnh đạo của chúng ta có những ý định tốt nhất, nhưng đôi khi chúng ta cũng sai lầm. Đây không phải là điều duy nhất đối với các mối quan hệ trong Giáo Hội, điều tương tự cũng xảy ra trong mối quan hệ của chúng ta với bạn bè, hàng xóm và những người cộng sự tại nơi làm việc, giữa vợ chồng và gia đình.

Để tìm kiếm những yếu kém của một người nơi những người khác thì cũng khá dễ. Tuy nhiên, chúng ta có một sai lầm trầm trọng khi chỉ nhận thấy bản chất con người của nhau mà không thấy được bàn tay của Thượng Đế làm việc qua những người Ngài đã kêu gọi.

Việc tập trung vào cách Chúa soi dẫn các vị lãnh đạo đã được Ngài chọn và cách Ngài soi dẫn Các Thánh Hữu để làm những điều đáng kể và phi thường bất kể bản chất con người của họ ra sao là một cách để chúng ta bám vào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và ở lại an toàn trên Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ.

Lẽ thật thứ hai là giáo lý của kế hoạch cứu rỗi. Qua tiên tri Joseph Smith, Thượng Đế đã ban cho Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và thêm nhiều điều giảng dạy cho Giáo Hội. Những điều này gồm có một sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi, tức là một đại cương về chúng ta đến từ đâu, mục đích của chúng ta ở đây trên thế gian, và chúng ta sẽ đi đâu khi chết. Kế hoạch này cũng cung cấp cho chúng ta một quan điểm độc đáo, vĩnh cửu rằng chúng ta là con linh hồn của Thượng Đế. Bằng cách hiểu được Cha Thiên Thượng là ai và mối quan hệ của chúng ta với Ngài và với Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ chấp nhận các lệnh truyền của hai Ngài và lập giao ước với hai Ngài là điều sẽ dẫn chúng ta trở lại nơi hiện diện vĩnh cửu của hai Ngài.

Mỗi lần bế một đứa bé sơ sinh, tôi thấy mình tự hỏi: “Cháu bé ơi, cháu là ai? Cháu sẽ trở thành người như thế nào qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô?”

Chúng ta cũng đặt ra những câu hỏi có suy nghĩ khi một người mình yêu mến qua đời: “Họ đang ở đâu? Họ đang nhìn thấy gì và trải qua điều gì? Cuộc sống có vẫn tiếp tục không? Điều gì sẽ là tính chất của mối quan hệ yêu mến nhất của chúng ta trong thế giới linh hồn vĩ đại?”

Trong thế giới đó, gia đình chúng tôi có hai đứa cháu gái, tên là Sara và Emily, và một đứa cháu trai, tên là Nathan. Trước sự qua đời của mỗi đứa cháu, gia đình chúng tôi cố gắng tiếp tục sống theo các lẽ thật phúc âm một cách vững vàng. Các câu hỏi của chúng tôi được trả lời với sự an ủi và bảo đảm qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Mặc dù chúng tôi rất nhớ mấy đứa cháu của mình nhưng chúng tôi biết chúng vẫn sống, và sẽ gặp lại chúng lần nữa. Chúng tôi biết ơn biết bao về sự hiểu biết thuộc linh này vào đúng thời gian rối ren của cá nhân và gia đình.

Một lẽ thật quan trọng khác trong Giáo Hội là Cha Thiên Thượng tạo ra A Đam và Ê Va vì một mục đích thiêng liêng. Đó là bổn phận của họ—và sau đó, là bổn phận của con cháu họ—để tạo ra thể xác cho các con cái linh hồn của Thượng Đế để họ có thể có được kinh nghiệm của cuộc sống trần thế. Qua tiến trình này, Cha Thiên Thượng gửi con cái linh hồn của Ngài đến thế gian để học hỏi và tăng trưởng qua những kinh nghiệm của cuộc sống trần thế. Vì Ngài yêu thương con cái của Ngài, nên Thượng Đế sai các thiên sứ và các Vị Sứ Đồ đến giảng dạy cho họ biết về vai trò chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Qua nhiều thế kỷ, các vị tiên tri đã làm tròn bổn phận của mình khi họ cảnh báo dân chúng về những nguy hiểm trước mắt họ. Các Vị Sứ Đồ của Chúa có bổn phận canh gác, cảnh báo, và tìm đến giúp đỡ những người đang tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng trong cuộc sống này.

Cách đây 20 năm, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã công bố “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Trong tài liệu đầy soi dẫn đó, chúng tôi đã kết luận như sau: “Chúng tôi khuyến cáo những cá nhân nào đã vi phạm các giao ước về sự trinh khiết, ngược đãi người hôn phối hay con cái hoặc không làm tròn các trách nhiệm gia đình, một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế. Hơn nữa, chúng tôi cũng khuyến cáo rằng sự tan vỡ gia đình sẽ mang lại cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia những tai họa mà đã được các tiên tri thời xưa và hiện đại tiên đoán.”5

Ngày hôm nay, với tư cách là các sứ đồ, chúng tôi khẳng định một lần nữa lời khuyến cáo long trọng này. Xin hãy nhớ rằng các lệnh truyền và giao ước đều là các lẽ thật và các giáo lý vô giá được tìm thấy trên Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ mà Thượng Đế đang lèo lái.

Một giáo lý quan trọng khác mà chúng ta nên bám vào là phải tuân thủ ngày Sa Bát. Điều này giúp chúng ta không bị tì vết của thế gian, làm cho chúng ta được nghỉ ngơi về phần thể xác, và làm cho mỗi người chúng ta được đổi mới về phần thuộc linh nhờ vào việc thờ phượng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử vào mỗi Chủ Nhật.6 Khi chúng ta vui hưởng ngày Sa Bát của Ngài thì đó là một dấu hiệu về tình yêu mến của chúng ta với hai Ngài.7

Là một phần nỗ lực để làm cho ngày Sa Bát là một ngày vui thích, chúng tôi đã yêu cầu các vị lãnh đạo địa phương và các tín hữu Giáo Hội nên nhớ rằng buổi lễ Tiệc Thánh là của Chúa và cần phải được bắt nguồn và dựa vào những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Ngài. Phần trình bày giáo lễ Tiệc Thánh là khi chúng ta tái lập các giao ước của mình và xác nhận lại tình yêu thương của chúng ta dành cho Đấng Cứu Rỗi và tưởng nhớ sự hy sinh và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Tinh thần thờ phượng như thế này nên tỏa lan khắp các buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn hàng tháng của chúng ta. Buổi lễ Tiệc Thánh này được dành cho các tín hữu để vắn tắt bày tỏ lòng biết ơn, tình yêu thương, và lòng cảm tạ lên Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và phúc âm phục hồi cùng chia sẻ chứng ngôn cá nhân về những điều này. Buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn là một thời gian để chia sẻ những ý nghĩ ngắn gọn đầy soi dẫn và long trọng làm chứng. Đó không phải là thời gian để đưa ra một bài diễn văn.

Trẻ em nên tập chia sẻ chứng ngôn trong Hội Thiếu Nhi và với cha mẹ trong các buổi họp tối gia đình cho đến khi chúng hiểu được ý nghĩa quan trọng của chứng ngôn.

Gần đây, việc nhấn mạnh đến việc làm cho ngày Sa Bát thành một ngày vui thích là kết quả trực tiếp đầy soi dẫn từ Chúa qua các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Các thành viên hội đồng tiểu giáo khu nên phụ giúp giám trợ đoàn trong một vài tuần trước bằng cách duyệt xem lại âm nhạc và đề tài mà đã được đề nghị cho mỗi buổi lễ Tiệc Thánh.

Tất cả chúng ta đều được phước khi được tràn đầy tình yêu mến dành cho Chúa ở nhà và ở nhà thờ trong ngày Sa Bát. Khi con cái chúng ta được dạy dỗ trong các đường lối của Chúa, và khi chúng học cách cảm nhận và đáp ứng với Thánh Linh của Ngài. Chúng ta sẽ đều mong muốn tham dự mỗi Chủ Nhật để dự phần Tiệc Thánh khi cảm nhận được Thánh Linh của Chúa. Và tất cả mọi người, cả già lẫn trẻ, là những người đang mang gánh nặng sẽ cảm thấy được nâng cao tinh thần và an ủi xuất phát từ việc dâng hiến ngày Sa Bát để nghĩ tới Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

May thay, Đấng Ky Tô luôn luôn cận kề, đang chờ đợi và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta sẵn lòng hối cải và đến cùng Ngài.

Giờ đây, khi chúng ta suy ngẫm một vài lẽ thật này hiện diện ở bên trong Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ, thì chúng ta hãy ở lại trên tàu và nhớ rằng, theo định nghĩa, một con tàu là một chiếc xe, và mục đích của một chiếc xe là đưa chúng ta tới một điểm đến.

Điểm đến của con tàu chúng ta là các phước lành trọn vẹn của phúc âm, vương quốc thiên thượng, vinh quang thượng thiên, và sự hiện diện của Thượng Đế!

Kế hoạch của Thượng Đế đã được thiết lập. Ngài đang lèo lái và con tàu to lớn và mạnh mẽ của Ngài đang chở chúng ta tiến đến sự cứu rỗi và tôn cao. Hãy nhớ rằng chúng ta không thể đến đó bằng cách tự mình nhảy ra khỏi con tàu và cố gắng bơi đến đó được.

Sự tôn cao là mục tiêu của cuộc hành trình trần thế này, và không có ai sẽ đến đó mà không qua phương tiện của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô—Sự Chuộc Tội, các giáo lễ và các nguyên tắc hướng dẫn được tìm thấy trong Giáo Hội.

Đây là Giáo Hội trong đó chúng ta học hỏi về công việc của Thượng Đế và chấp nhận ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô là điều cứu rỗi chúng ta. Chính là ở bên trong Giáo Hội là nơi chúng ta lập các cam kết và giao ước cho gia đình vĩnh cửu mà cho phép chúng ta đạt được sự tôn cao. Đây là Giáo Hội mà có được quyền năng nhờ vào chức tư tế để chuyên chở chúng ta qua những thời gian không thể đoán trước được ở nơi trần thế này.

Chúng ta hãy biết ơn Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ đẹp đẽ của mình, vì nếu không có nó thì chúng ta không thể nào tiến triển, cô đơn và bất lực, trôi dạt vì không có bánh lái hoặc mái chèo, xoáy theo sóng gió cuộn mạnh mẽ của kẻ nghịch thù.

Hãy bám chặt, và tiếp tục đi bên trong con tàu vinh quang này, là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, và chúng ta sẽ tới điểm đến vĩnh cửu của mình. Đây là chứng ngôn và lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả chúng ta trong tôn danh của Đấng đang hướng dẫn Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ được đặt tên theo Ngài, chính là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem M. Russell Ballard, “Hãy Ở trong Thuyền và Bám Chặt!” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, 89–92.

  2. Brigham Young, “Remarks,” Deseret News, tháng Mười Một 18, năm 1857, 291.

  3. Giăng 13:20.

  4. Ma Thi Ơ 28:19–20.

  5. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9–23.

  7. Xin xem Ê Sai 58:13–14.