2015
Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?
Tháng Mười Một năm 2015


Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?

Nếu chúng ta khiêm nhường và dễ dạy, thì Ngài sẽ nắm tay dắt chúng ta trở về nhà, nhưng chúng ta cần phải cầu xin Chúa để được hướng dẫn trên đường đi.

Khi còn là một thành niên trẻ tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu về Giáo Hội. Lúc đầu, tôi thích phúc âm vì tấm gương của những người bạn Thánh Hữu Ngày Sau của tôi, nhưng cuối cùng tôi đã bị thu hút bởi giáo lý độc đáo. Khi tôi biết được rằng những người nam và người nữ trung thành có thể tiếp tục tiến triển và cuối cùng trở thành giống như cha mẹ thiên thượng của họ, thì tôi đã thật sự kinh ngạc. Tôi rất thích khái niệm mà tôi cảm thấy là đúng.

Chẳng bao lâu sau khi chịu phép báp têm, tôi nghiên cứu Bài Giảng trên Núi, và tôi nhận ra rằng Chúa Giê Su đã dạy cùng một lẽ thật này về sự tiến triển vĩnh cửu trong Kinh Thánh. Ngài phán: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”1

Bây giờ, tôi đã là tín hữu của Giáo Hội được hơn 40 năm, và bất cứ khi nào đọc câu thánh thư này, tôi cũng đều nhớ đến mục đích của chúng ta ở đây trên thế gian. Chúng ta tiến đến việc học hỏi và cải thiện cho đến khi chúng ta dần dần trở nên được thánh hóa hoặc được toàn thiện trong Đấng Ky Tô.

Cuộc hành trình của người môn đồ không phải là dễ dàng. Cuộc hành trình này được gọi là một “tiến trình cải thiện đều đặn.”2 Trong khi chúng ta đi trên con đường chật và hẹp, thì Thánh Linh liên tục thử thách chúng ta để trở thành người tốt hơn và tiếp tục tiến bước. Đức Thánh Linh là một người bạn đồng hành lý tưởng. Nếu chúng ta khiêm nhường và dễ dạy, thì Ngài sẽ nắm tay dắt chúng ta trở về nhà.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải cầu xin Chúa để được hướng dẫn trên đường đi. Chúng ta phải hỏi một số câu hỏi khó, như “Con cần phải thay đổi điều gì?” “Làm thế nào con có thể cải thiện được?” “Con cần được củng cố điều yếu kém nào?”

Hãy suy nghĩ về câu chuyện trong Kinh Tân Ước về một người trai trẻ quyền quý. Người ấy là một thanh niên ngay chính đã tuân giữ Mười Điều Giáo Lệnh, nhưng người ấy muốn trở thành người tốt hơn. Mục tiêu của người ấy là cuộc sống vĩnh cửu.

Khi gặp Đấng Cứu Rỗi, người ấy hỏi: “Còn thiếu chi cho tôi nữa?”3

Chúa Giê Su đáp ngay, đưa ra lời khuyên dạy dành riêng cho người thanh niên giàu có này. “Đức Chúa Giê Su phán rằng: Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, … rồi hãy đến mà theo ta.”4

Người thanh niên sững sờ; người ấy đã không bao giờ nghĩ đến một sự hy sinh như vậy. Người ấy đủ khiêm nhường để hỏi Chúa nhưng không đủ trung tín để tuân theo lời khuyên dạy thiêng liêng ban cho mình. Chúng ta phải sẵn sàng hành động khi nhận được một câu trả lời.

Chủ Tịch Harold B. Lee đã dạy: “Nếu chúng ta muốn đạt đến mức hoàn hảo, thì có một lúc nào đó mỗi người chúng ta phải tự hỏi mình câu hỏi này: ‘Còn thiếu chi cho tôi nữa?’”5

Tôi biết một người mẹ trung tín đã hạ mình và hỏi Chúa: “Điều gì ngăn giữ con khỏi sự tiến triển?” Trong trường hợp của người ấy, câu trả lời từ Thánh Linh đến ngay lập tức: “Hãy đừng phàn nàn nữa.” Câu trả lời này làm cho người ấy ngạc nhiên; người ấy chưa bao giờ nghĩ mình là người hay phàn nàn. Tuy nhiên, sứ điệp từ Đức Thánh Linh đã rất rõ ràng. Trong những ngày tiếp theo, người ấy đã trở nên ý thức về thói quen hay phàn nàn của mình. Vì biết ơn đối với sự thúc giục để cải thiện, nên người ấy quyết định đếm các phước lành thay vì những thử thách của mình. Chỉ trong vài ngày, người ấy cảm nhận được sự chấp thuận nồng nhiệt của Thánh Linh.

Một thanh niên khiêm nhường dường như không thể tìm ra đúng một thiếu nữ để kết hôn nên đi đến Chúa để được giúp đỡ. Người ấy hỏi: “Điều gì ngăn giữ con để làm người đàn ông ngay chính?” Câu trả lời này đến với tâm trí và trái tim của người ấy: “Hãy dùng lời lẽ nhã nhặn.” Vào giây phút đó, người ấy nhận biết rằng một vài lời lẽ thô lỗ đã trở thành một phần từ vựng của mình, và người ấy đã cam kết sẽ thay đổi.

Một chị phụ nữ độc thân đã mạnh dạn hỏi: “Con phải làm gì để thay đổi?” Và Thánh Linh mách bảo cùng chị ấy: “Đừng ngắt lời khi người khác đang nói.” Quả thật, Đức Thánh Linh đưa ra lời khuyên bảo tùy biến. Ngài là người bạn đồng hành hoàn toàn chân thật và sẽ cho chúng ta biết những điều mà không một ai khác biết hoặc có can đảm để nói ra.

Một người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà cảm thấy bị căng thẳng vì một lịch trình rất bận rộn. Người ấy đã cố gắng để tìm ra thời gian cho công việc làm, học hành, gia đình, và chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội. Người ấy cầu xin Chúa ban cho lời khuyên dạy: “Làm thế nào con có thể cảm thấy bình an với tất cả những gì con cần phải làm?” Câu trả lời không phải là điều mà người ấy mong đợi; Người ấy nhận được ấn tượng rằng mình nên cẩn thận hơn trong việc tuân thủ và giữ ngày Sa Bát được thánh. Người ấy quyết định dành riêng ngày Chủ Nhật cho Chúa—bỏ qua một bên việc học hành vào ngày hôm đó và thay vì thế nghiên cứu phúc âm. Sự điều chỉnh nhỏ này mang lại sự bình an và sự cân bằng mà người ấy đang tìm kiếm.

Cách đây nhiều năm, tôi đọc trong một tạp chí Giáo Hội về câu chuyện của một cô gái đang sống xa nhà và đi học đại học. Cô ấy học kém trong các lớp học, cuộc sống giao du của cô ấy không phải là điều cô ấy hy vọng, và cô ấy thường không vui. Cuối cùng một ngày nọ, cô ấy quỳ xuống và hỏi Chúa: “Con có thể làm gì để cải thiện cuộc sống của con?” Đức Thánh Linh mách bảo: “Hãy đứng dậy và dọn dẹp phòng của con.” Sự thúc giục này đến hoàn toàn ngạc nhiên, nhưng đó chỉ là điều khởi đầu mà cô ấy cần. Sau khi dành thời gian ra để tổ chức và sắp xếp mọi thứ cho có trật tự, cô ấy cảm thấy Thánh Linh tràn đầy căn phòng và nâng cao tâm hồn của cô ấy.

Đức Thánh Linh không bảo chúng ta phải cải thiện tất cả mọi điều cùng một lúc. Nếu Ngài làm thế, chúng ta sẽ trở nên chán nản và bỏ cuộc. Thánh Linh làm việc với chúng ta theo tốc độ của riêng chúng ta, từng bước một, hoặc như Chúa đã dạy: “Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, … và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, … vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho.”6 Ví dụ, nếu Đức Thánh Linh đang thúc giục các anh chị em nên nói lời cảm ơn thường xuyên hơn, và các anh chị em sẵn lòng đáp ứng lời thúc giục đó, rồi Ngài có thể cảm thấy đó là lúc để các anh chị em làm một điều khó khăn hơn—giống như học cách nói: “Tôi xin lỗi; đó là lỗi của tôi.”

Gia đình dự phần Tiệc Thánh

Một thời gian hoàn hảo để hỏi Chúa: “Còn thiếu chi cho tôi nữa?” là khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Sứ Đồ Phao Lô dạy rằng đây là lúc cho mỗi người chúng ta phải tự kiểm điểm mình.7 Trong bầu không khí nghiêm trang này, khi những ý nghĩ của chúng ta hướng tới thiên thượng, thì Chúa có thể nhẹ nhàng cho chúng ta biết điều kế tiếp chúng ta cần phải cố gắng.

Cũng giống như các anh chị em, tôi đã nhận được nhiều sứ điệp từ Thánh Linh trong những năm qua cho tôi thấy cách tôi có thể cải thiện. Tôi xin chia sẻ một vài ví dụ cá nhân về những sứ điệp mà tôi đã chấp nhận hoàn toàn. Những thúc giục này gồm có:

  • Đừng to tiếng.

  • Tự mình sắp xếp mọi việc cho có tổ chức; lập ra một bản liệt kê những việc cần làm hàng ngày.

  • Chăm sóc thân thể mình nhiều hơn bằng cách ăn nhiều trái cây và rau cải hơn.

  • Đi đền thờ thường xuyên hơn.

  • Dành thời giờ ra để suy ngẫm trước khi cầu nguyện.

  • Hỏi ý kiến của vợ mình.

  • Và hãy kiên nhẫn khi lái xe; đừng đi quá tốc độ giới hạn. (Tôi vẫn còn cố gắng để làm điều thứ hai này).

Sự hy sinh chuộc tội là điều làm cho sự hoàn hảo hay sự thánh hóa có thể thực hiện được. Chúng ta không bao giờ có thể tự mình làm điều đó, nhưng ân điển của Thượng Đế là đủ để giúp đỡ chúng ta. Như Anh Cả David A. Bednar có lần đã nhận xét: “Hầu hết chúng ta hiểu rõ rằng Sự Chuộc Tội là dành cho những người phạm tội. Tuy nhiên, tôi không chắc là chúng ta hiểu rằng Sự Chuộc Tội cũng dành cho các thánh hữu—dành cho những người nam và người nữ tốt lành, là những người biết vâng lời, xứng đáng, tận tâm cũng như cố gắng sống tốt.”8

Người phụ nữ cầu nguyện

Tôi muốn đề nghị rằng mỗi anh chị em nên sớm tham gia vào một bài tập thuộc linh, có lẽ ngay cả tối nay trong khi dâng lên lời cầu nguyện của mình. Hãy khiêm nhường hỏi Chúa câu hỏi sau đây: “Điều gì ngăn giữ con khỏi sự tiến triển?” Nói cách khác: “Con còn thiếu điều gì nữa?” Sau đó, im lặng chờ một câu trả lời. Nếu các anh chị em thành thật, thì câu trả lời sẽ sớm trở nên rõ ràng. Đó sẽ là điều mặc khải chỉ dành cho các anh chị em.

Có lẽ Thánh Linh sẽ nói cho các anh chị em biết rằng các anh chị em cần phải tha thứ cho một ai đó. Hoặc các anh chị em có thể nhận được một sứ điệp để có sự lựa chọn nhiều hơn về các bộ phim mình xem hoặc âm nhạc mình đang nghe. Thánh Linh có thể thúc giục các anh chị em phải lương thiện hơn trong việc giao dịch kinh doanh của mình hoặc rộng rãi hơn trong các của lễ nhịn ăn. Các khả năng là vô tận.

Thánh Linh có thể cho chúng ta thấy những yếu kém của mình, nhưng Ngài cũng có thể cho chúng ta thấy những ưu điểm. Đôi khi chúng ta cần phải hỏi điều chúng ta đang làm có đúng không để Chúa có thể soi dẫn và khuyến khích chúng ta. Khi đọc các phước lành tộc trưởng của mình, chúng ta được nhắc nhở rằng Cha Thiên Thượng biết tiềm năng thiêng liêng của chúng ta. Ngài vui mừng mỗi khi chúng ta tiến triển. Đối với Ngài, hướng đi của chúng ta là quan trọng nhiều hơn tốc độ.

Thưa các anh chị em, hãy kiên trì nhưng đừng bao giờ nản lòng. Chúng ta sẽ không đạt được sự toàn hảo trong cuộc sống trên trần thế, nhưng ở trên cõi trần này, chúng ta có thể đặt nền móng. “Bổn phận của chúng ta phải là con người hôm nay tốt hơn con người của chúng ta ngày hôm qua, và con người của chúng ta ngày mai tốt hơn con người chúng ta hôm nay.”9

Nếu sự tăng trưởng thuộc linh không phải là ưu tiên trong cuộc sống, nếu chúng ta không phải ở trong một tiến trình cải thiện đều đặn, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ những kinh nghiệm quan trọng mà Thượng Đế muốn ban cho chúng ta.

Cách đây nhiều năm, tôi đọc được những lời này của Chủ Tịch Spencer W. Kimball, đã có một ảnh hưởng lâu dài đối với tôi. Ông nói: “Tôi đã học được rằng nơi nào có một tấm lòng chân thành, một ước muốn mãnh liệt để có sự ngay chính, một sự từ bỏ tội lỗi, và sự tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế, thì Chúa ban cho ánh sáng càng ngày càng nhiều hơn cho đến khi cuối cùng có được quyền năng để xuyên thấu tấm màn che thiên thượng. … Một người ngay chính như vậy có lời hứa vô giá rằng một ngày nào đó người ấy sẽ nhìn thấy nhan Chúa và biết rằng Ngài chính là Chúa.”10

Tôi cầu nguyện rằng kinh nghiệm tột bậc này có thể thuộc vào chúng ta một ngày nào đó, khi chúng ta để cho Đức Thánh Linh dẫn chúng ta về nhà. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 5:48.

  2. Neal A. Maxwell, “Testifying of the Great and Glorious Atonement,” Liahona, tháng Tư năm 2002, 9.

  3. Ma Thi Ơ 19:20.

  4. Ma Thi Ơ 19:21.

  5. Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee (2000), 197.

  6. 2 Nê Phi 28:30.

  7. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:28.

  8. David A. Bednar, “Sự Chuộc Tội và Hành Trình trên Trần Thế,” Liahona, tháng Tư năm 2012, 14.

  9. Joseph Fielding Smith, Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập. (1954–56), 2:18.

  10. Spencer W. Kimball, “Give the Lord Your Loyalty,” Tambuli, tháng Hai năm 1981, 47.