2015
Đó Là Mẹ Ngươi!
Tháng Mười Một năm 2015


Đó Là Mẹ Ngươi!

Không có tình yêu thương nào trên trần thế có thể gần với tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô hơn là tình yêu thương vị tha mà một người mẹ tận tụy dành cho con mình.

Tôi xin phép cùng với tất cả các anh chị em chào mừng Anh Cả Ronald A. Rasband, Anh Cả Gary E. Stevenson, và Anh Cả Dale G. Renlund cùng vợ của họ trong mối kết giao tuyệt vời nhất mà họ có thể tưởng tượng được.

Khi tiên tri về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Ê Sai đã viết: “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta.”1 Một viễn cảnh vĩ đại ngày sau đã nhấn mạnh rằng “[Chúa Giê Su] đã đến với thế gian … để mang tội lỗi của thế gian.”2 Thánh thư thời xưa lẫn thời nay làm chứng rằng “Ngài … cứu chuộc họ, và đã ẵm bồng họ và mang họ đi trong suốt những ngày xa xưa.”3 Một bài thánh ca ưa thích khẩn nài với chúng ta phải “nghe tiếng của Đấng Giải Cứu của mình!”4

Gánh, mang, ẵm bồng, giải cứu. Đây là những từ đầy hy vọng mô tả Đấng Mê Si. Những từ này truyền đạt sự giúp đỡ và niềm hy vọng cho sự di chuyển an toàn từ nơi chúng ta đang ở đến nơi chúng ta cần phải đến—nhưng không thể đến được—nếu không được trợ giúp. Những từ này cũng có nghĩa là gánh nặng và khó khăn, mệt mỏi và đau đớn—là những từ thích hợp nhất trong việc mô tả sứ mệnh của Ngài là Đấng với cái giá không tả xiết nâng chúng ta lên khi chúng ta ngã, mang chúng ta về phía trước khi không còn sức mạnh nữa, giải cứu chúng ta về nhà an toàn khi sự an toàn dường như vượt xa quá tầm với của chúng ta. Ngài phán: “Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; … một khi ta đã bị loài người nhấc lên như thể nào thì loài người cũng sẽ được … nhấc lên thể ấy.”5

Nhưng các anh chị em cũng có thể nghe bằng ngôn ngữ này một lĩnh vực khác về nỗ lực của con người mà trong đó chúng ta dùng những từ như gánhẵm bồng, mangnhấc lên, lao nhọcgiải cứu. Như Chúa Giê Su đã phán với Giăng khi ở trong chính hành vi của Sự Chuộc Tội, vì vậy Ngài phán với tất cả chúng ta: “Đó là mẹ ngươi!”6

Ngày hôm nay, tôi tuyên bố từ bục giảng này điều đã được nói ở đây trước kia: rằng không có tình yêu thương nào trên trần thế có thể gần với tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô hơn là tình yêu thương vị tha mà một người mẹ tận tụy dành cho con mình. Khi nói về Đấng Mê Si, Ê Sai đã muốn truyền đạt tình yêu thương của Giê Hô Va, ông viện dẫn hình ảnh của lòng tận tụy của một người mẹ. Ông hỏi: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú … sao? Ông nói rằng ý nghĩ đó thật là vô lý, mặc dù không phải là vô lý như khi nghĩ rằng Đấng Ky Tô sẽ quên chúng ta.7

Loại tình yêu thương kiên quyết này “nhịn nhục lâu dài, và là nhân từ, … không tìm lợi lộc cho cá nhân, … mà … chịu đựng mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự và nhẫn nại mọi sự.”8 Điều đáng khích lệ nhất trong tất cả, chẳng hạn như lòng chung thủy “không bao giờ hư mất.”9 Đức Giê Hô Va phán: “Và dù núi sẽ dời, đồi sẽ chuyển, nhưng lòng nhân từ của ta sẽ chẳng bao giờ rời khỏi ngươi.”10 Mẹ của chúng ta cũng nói như vậy.

Các anh chị em thấy đó, người mẹ không những mang thai chúng ta, mà còn cưu mang chúng ta nữa. Người mẹ không những mang thai mà còn cưu mang suốt đời. Điều làm cho vai trò làm mẹ thành một kỳ công to lớn như vậy là vì người mẹ không chỉ mang thai mà còn cưu mang con cái suốt đời nữa. Dĩ nhiên, có những trường hợp ngoại lệ đau lòng, nhưng hầu hết những người mẹ biết bằng trực giác theo bản năng rằng đây là một niềm tin cậy thiêng liêng về trật tự cao quý nhất. Đặc biệt đối với những người mẹ trẻ, gánh nặng của việc nhận ra điều đó có thể làm cho rất nản chí.

Mới đây, một người mẹ trẻ tuyệt vời đã viết thư cho tôi: “Làm thế nào một người có thể yêu thương một đứa con sâu đậm đến nỗi sẵn lòng từ bỏ một phần lớn tự do của mình cho tình yêu thương đó? Làm thế nào tình yêu thương của con người mạnh mẽ đến nỗi tình nguyện chấp nhận trách nhiệm, chịu tổn thương, lo lắng, đau khổ và nhiều lần yêu thương mặc dù nhiều lần trải qua những kinh nghiệm tiêu cực này? Loại tình yêu thương nào của con người có thể làm cho các anh chị em cảm thấy, khi có con, rằng cuộc sống của các anh chị em là không bao giờ là của riêng mình nữa? Tình mẫu tử phải là thiêng liêng. Không có cách nào khác có thể mô tả tình mẫu tử cả. Những gì người mẹ làm là một yếu tố thiết yếu của công việc của Đấng Ky Tô. Chỉ biết được điều đó không thôi cũng đủ để cho chúng ta biết hiệu quả của tình yêu thương như vậy đôi khi sẽ khó chịu và đôi khi lại phi thường, lặp đi lặp lại cho đến khi mỗi một đứa con cuối cùng trên thế gian được an toàn và đạt được sự cứu rỗi, [thì] chúng ta có thể nói với Chúa Giê Su: ‘[Thưa Cha] Con đã … làm xong công việc Cha giao cho làm.’11

Trong khi nhớ đến lá thư tế nhị đó, tôi xin chia sẻ ba kinh nghiệm cho thấy ảnh hưởng cao quý của những người mẹ mà tôi đã chứng kiến trong giáo vụ của mình chỉ trong vài tuần qua:

Câu chuyện thứ nhất là một kinh nghiệm cảnh báo, nhắc nhở chúng ta rằng không phải mỗi nỗ lực của người mẹ đều có kết thúc như trong sách truyện, ít ra là không phải ngay lập tức. Điều đó nhắc tôi nhớ đến cuộc trò chuyện của tôi với một người bạn thân thiết quen biết đã hơn 50 năm, là người đang sắp chết ở bên ngoài Giáo Hội mà anh ta biết trong thâm tâm là chân chính. Dù tôi đã cố gắng đến mấy để an ủi anh ta, nhưng dường như tôi không thể mang đến cho anh ta sự bình an. Cuối cùng anh ta nói với tôi: “Jeff, mặc dù đau đớn biết bao cho tôi khi phải đứng trước mặt Thượng Đế, nhưng tôi cũng không thể chịu nổi ý nghĩ phải đứng trước mẹ tôi. Phúc âm và con cái là quan trọng hơn hết đối với bà. Tôi biết là tôi đã làm cho mẹ tôi đau lòng, và điều đó đang làm tôi đau lòng.”

Giờ đây, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng khi anh ta qua đời, người mẹ của anh ta sẽ dang rộng cánh tay tràn đầy tình yêu thương chào đón anh ta; đó là điều cha mẹ thường làm. Câu chuyện này còn nhằm để cảnh báo chúng ta rằng con cái có thể làm cho lòng mẹ tan vỡ. Ở đây cũng vậy, chúng ta thấy một sự so sánh khác nữa là với đấng thiêng liêng. Tôi không cần phải nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su đã chết vì tấm lòng đau khổ, mệt mỏi và kiệt sức vì gánh chịu tội lỗi của cả thế gian. Vì thế bất cứ lúc nào gặp cám dỗ, cầu mong cho chúng ta hãy nói giống như Đấng Cứu Rỗi “Kìa trông mẹ [của chúng ta]” và để tránh nỗi buồn phiền của việc phạm tội.

Thứ hai, tôi nói về một thanh niên đi truyền giáo một cách xứng đáng nhưng vì lựa chọn cá nhân nên đã trở về nhà sớm vì sức hấp dẫn đồng giới tính và một số chấn thương anh đã trải qua trong vấn đề đó. Anh vẫn còn xứng đáng, nhưng đức tin của anh ta đang bị khủng hoảng, gánh nặng về tình cảm của anh ta trở nên nặng hơn và nỗi đau khổ tinh thần của anh ta càng gia tăng nhiều hơn. Do đó, anh ta bị tổn thương, hoang mang, tức giận, bơ vơ và cô độc.

Chủ tịch phái bộ truyền giáo, chủ tịch giáo khu, giám trợ của anh ta đã dành ra vô số thời giờ để tìm kiếm, khóc và ban phước cho anh ta khi họ giúp đỡ anh ta, nhưng phần lớn nỗi đau khổ của anh ta quá riêng tư nên anh ta giữ lại một phần mà không tiết lộ cho họ biết. Người cha yêu quý trong câu chuyện này trút hết lòng mình để giúp đỡ đứa con của mình, nhưng vì hoàn cảnh làm việc rất khắt khe của ông nên thường là người con trai này và mẹ anh ta phải đối phó với nỗi đau khổ tinh thần trong những đêm dài tăm tối. Ngày lẫn đêm, lúc đầu là trong nhiều tuần, rồi nhiều tháng biến thành năm, họ đã tìm kiếm sự chữa lành và sức khỏe với nhau. Trong những lúc phẫn uất cay đắng (hầu hết nhưng đôi khi chính là nỗi phẫn uất của người mẹ) và sợ hãi bất tận (hầu hết là nỗi sợ hãi của người mẹ nhưng đôi khi đứa con cũng sợ hãi), người mẹ đã chia sẻ—đây lại cái từ tuyệt vời, khó khăn này—bà đã chia sẻ với con trai của bà chứng ngôn về quyền năng của Thượng Đế, về Giáo Hội của Ngài nhất là về tình yêu thương của Ngài dành cho đứa con này. Đồng thời, bà cũng làm chứng về tình yêu thương kiên quyết, bất tận của bà dành cho đứa con. Để mang lại hai phần thiết yếu trong chính cuộc sống của mình—phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và gia đình mình—bà tiếp tục cầu nguyện khẩn thiết. Bà nhịn ăn và khóc, khóc và nhịn ăn, rồi sau đó lắng nghe nhiều lần trong khi đứa con trai này nhiều lần nói với bà là nó cảm thấy đau khổ biết bao. Vì vậy bà cưu mang nó—một lần nữa—nhưng lần này không phải là mang thai nó chín tháng. Lần này bà nghĩ rằng bà sẽ phải mãi mãi giúp đỡ nó trải qua những thử thách tinh thần nghiêm trọng.

Nhưng với ân điển của Thượng Đế, lòng kiên trì của bà, và sự giúp đỡ của nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội, bạn bè, những người trong gia đình, cùng các chuyên gia, người mẹ luôn van xin khẩn nài này đã thấy con trai mình vượt qua thử thách và một lần nữa trở nên vững mạnh về phần thuộc linh. Buồn thay, chúng ta thừa nhận rằng một phước lành như vậy không, hay ít nhất là chưa, đến với tất cả các bậc cha mẹ đang đau khổ vì một loạt các hoàn cảnh khác nhau của con cái họ, nhưng đây đã có hy vọng rồi. Và tôi phải nói là khuynh hướng tình dục của đứa con trai này bằng một cách nào đó đã không thay đổi một cách kỳ diệu—không một ai cho rằng điều đó sẽ xảy ra cả. Nhưng dần dần, lòng của anh ta đã thay đổi.

Người thanh niên này bắt đầu trở lại nhà thờ. Anh ta sẵn sàng chọn dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng. Anh ta cũng nhận được một giấy giới thiệu đi đền thờ lại và chấp nhận một sự kêu gọi để phục vụ với tư cách là giảng viên lớp giáo lý vào sáng sớm, nơi mà anh ta đã được thành công rực rỡ. Và giờ đây, sau 5 năm, theo lời yêu cầu riêng của anh ta và với sự phụ giúp đáng kể của Giáo Hội, anh ta đã trở lại với công việc truyền giáo để hoàn tất sự phục vụ của mình cho Chúa. Tôi đã khóc vì lòng dũng cảm, tính liêm khiết, và quyết tâm của người thanh niên này và gia đình của anh ta để giải quyết vấn đề và giúp anh ta giữ vững đức tin của mình. Anh ta biết là mình đã mắc nợ nhiều đối với rất nhiều người, nhưng anh ta biết là mình mắc nợ nhiều nhất đối với hai nhân vật thánh thiện trong cuộc đời của mình, hai đấng đã cứu mạng anh ta, làm việc với anh ta và giải thoát anh ta—Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và người mẹ đầy quyết tâm, tuyệt đối thánh thiện đã có thể cứu vãn tình thế.

Cuối cùng, kinh nghiệm này là từ buổi lễ tái cung hiến Đền Thờ Mexico City chỉ cách đây ba tuần. Chính là ở đó với Chủ Tịch Henry B. Eyring mà chúng tôi đã thấy người bạn yêu quý của chúng tôi là Lisa Tuttle Pieper đang đứng ở trong buổi lễ cung hiến đầy cảm động đó. Nhưng chị ấy đứng rất khó khăn vì một tay chị phải đỡ cả sức nặng của cô con gái yêu quý nhưng tật nguyền của chị là Dora, trong khi với tay kia, chị cố gắng điều khiển bàn tay phải tật nguyền của Dora để đứa con gái quý báu vĩnh cửu này của Thượng Đế có thể vẫy một chiếc khăn tay trắng và nói lõm bõm mà chỉ có nó và các thiên sứ mới hiểu được: “Hô Sa Na Thượng Đế và Chiên Con.”12

Tôi xin nói với tất cả những người mẹ của chúng ta ở khắp mọi nơi, trong quá khứ, hiện tại và tương lai: “Cảm ơn các chị em đã cho ra đời, nuôi dạy con cái, uốn nắn cá tính, và cho thấy tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô.” Tôi xin nói với Tổ Mẫu Ê Va, Sa Ra, Rê Be Ca, Ra Chên, với Ma Ri người Na Xa Rét, và Mẹ Thiên Thượng: “Xin cám ơn về vai trò quan trọng trong việc làm tròn các mục đích của thời vĩnh cửu.” Tôi xin nói cùng tất cả những người mẹ trong mọi hoàn cảnh, kể cả những người đang và sẽ gặp khó khăn: “Hãy bình tâm. Hãy tin nơi Thượng Đế và bản thân mình. Các chị em đang làm giỏi hơn mình nghĩ. Thật sự, các chị em là những kẻ giải cứu lên trên Núi Si Ôn,13” và giống như Đức Thầy mà các chị em noi theo, tình yêu thương của các chị em ‘không bao giờ hư mất.’14” Tôi không có lời nói kính trọng nào hơn dành cho bất cứ ai hơn các chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.