Lòng Tôi Không Ngớt Suy Ngẫm về Những Điều Tôi Đã Nghe và Thấy
Tôi cũng xin chân thành cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ chọn suy ngẫm những lời của Thượng Đế trong một cách thức mở rộng và sâu hơn mỗi tuần.
Về mặt nghề nghiệp, tôi là một nhà đầu tư. Về mặt tôn giáo, tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế.1 Khi hành nghề, tôi tuân theo các nguyên tắc tài chính hợp lý. Khi tôi sống theo đức tin của mình, tôi cố gắng tuân theo các nguyên tắc thuộc linh mà sẽ giúp tôi trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi.
Những Lời Mời Mang đến Các Phước Lành
Nhiều phần thưởng cá nhân tôi đã nhận được trong cuộc sống là do một người nào đó mời tôi làm một công việc khó khăn. Trong tinh thần đó, tôi xin gửi đến mỗi anh chị em hai lời mời. Lời mời thứ nhất có những ngụ ý về tài chính. Lời mời thứ hai có những ngụ ý thuộc linh. Nếu được chấp thuận, cả hai lời mời này sẽ đòi hỏi một nỗ lực kỷ luật trong một thời gian dài để gặt hái được những phần thưởng.
Lời Mời Thứ Nhất
Lời mời thứ nhất rất giản dị: Tôi mời các anh chị em hãy dành dụm tiền mỗi tuần. Số tiền các anh chị em dành dụm được không phải là đặc biệt quan trọng; điều đó tùy thuộc vào các anh chị em. Khi phát triển một thói quen dành dụm tiền, thì các anh chị em sẽ được hưởng lợi ích cá nhân. Và các anh chị em cũng có thể có cơ hội để giúp đỡ người khác về mặt tài chính nhờ vào kết quả của đức tính cần cù của mình. Hãy tưởng tượng kết quả tích cực của việc dành dụm tiền bạc mỗi tuần trong 6 tháng, một năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa. Các nỗ lực nhỏ tiếp tục trong một thời gian dài có thể đưa đến những kết quả quan trọng.2
Lời Mời Thứ Hai
Lời mời thứ hai của tôi khá khác biệt và quan trọng hơn nhiều so với lời mời thứ nhất. Đó là: tôi mời các anh chị em hãy “suy ngẫm hóa”3 một câu trong thánh thư mỗi tuần. Từ suy ngẫm hóa này không tìm thấy trong từ điển, nhưng từ đó tìm thấy một chỗ trong lòng tôi. Vậy thì suy ngẫm hóa có nghĩa là gì? Tôi muốn nói rằng đó là một sự kết hợp của 80 phần trăm là suy ngẫm và 20 phần trăm là thuộc lòng.
Có hai bước đơn giản:
Trước hết, mỗi tuần hãy chọn một câu thánh thư và đặt nó ở nơi nào dễ thấy mỗi ngày.
Thứ hai, đọc hoặc suy nghĩ vài lần mỗi ngày về câu thánh thư đó và ngẫm nghĩ về ý nghĩa của từng từ trong câu thánh thư đó và các cụm từ quan trọng trong suốt cả tuần.
Hãy tưởng tượng những kết quả nâng cao tinh thần nếu làm điều này trong 6 tháng, một năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa.
Khi nỗ lực làm điều này, các anh chị em sẽ cảm thấy một sự gia tăng trong nếp sống thuộc linh. Các anh chị em cũng sẽ có khả năng để giảng dạy và nâng cao những người mình yêu thương theo những cách có ý nghĩa hơn.
Nếu chọn suy ngẫm hóa hàng tuần, các anh chị em có thể cảm thấy phần nào giống như một người đã thích bơi với một ống thở từ trước nhưng bây giờ quyết định thử lặn dùng bình dưỡng khí. Với quyết định đó, một sự hiểu biết sâu sắc hơn về các nguyên tắc phúc âm sẽ thuộc vào các anh chị em và các quan điểm thuộc linh mới sẽ ban phước cho cuộc sống của các anh chị em.
Trong khi các anh chị em ngẫm nghĩ về câu mình đã chọn mỗi tuần, thì các từ và cụm từ dường như sẽ trở nên quan trọng đặc biệt đối với các anh chị em.4 Các anh chị em cũng sẽ suy nghĩ và ghi nhớ các từ và cụm từ đó. Nói một cách khác, việc thuộc lòng sẽ diễn ra một cách dễ dàng và tự nhiên. Nhưng mục đích chính của việc suy ngẫm hóa là tạo ra một điều làm nâng cao tinh thần để các anh chị em nghĩ tới—một ý nghĩ nhằm giữ các anh chị em gần gũi với Thánh Linh của Chúa.
Đấng Cứu Rỗi phán: “Luôn tích trữ trong tâm trí mình lời nói về cuộc sống.”5 Suy ngẫm hóa là một cách đơn giản và có tác dụng gây dựng để chỉ làm việc đó mà thôi.
Tôi tin rằng Nê Phi là một người biết suy ngẫm hóa. Ông nói: “Vì tâm hồn tôi rất vui thích các thánh thư, và lòng tôi [luôn luôn] suy ngẫm nhiều về thánh thư, và tôi đã ghi chép những điều này vì sự học hỏi và lợi ích của con cháu tôi.”6 Ông quan tâm đến con cái của ông khi suy ngẫm và viết thánh thư. Làm thế nào gia đình của các anh chị em có thể hưởng lợi ích khi các anh chị em liên tục cố gắng làm tràn đầy tâm trí của mình với những lời của Thượng Đế?
Câu Thánh Thư của Tôi
Mới gần đây tôi suy ngẫm hóa An Ma 5:16. Câu này đọc: “Tôi hỏi các người, phải chăng các người có thể tưởng tượng là vào ngày đó mình sẽ được nghe tiếng nói của Chúa phán rằng: Các ngươi là những kẻ được phước, hãy đến cùng ta, vì này, những việc làm của các ngươi trên mặt đất là những việc làm ngay chính?”
Vào cuối tuần, đây là điều mà tôi đã nhớ về câu thánh thư đó: Hãy tưởng tượng mình đang nghe tiếng nói của Chúa phán: “Các ngươi là những kẻ được phước, hãy đến cùng ta, vì này, những việc làm của các ngươi trên mặt đất là những việc làm ngay chính.” (An Ma 5:16).
Như các anh chị em có thể thấy, tôi đã không thuộc lòng từng chữ trong cả câu. Tuy nhiên, tôi nhiều lần suy ngẫm về các yếu tố chính của câu thánh thư này và tìm yếu tố đó ở đâu. Nhưng phần tốt nhất của tiến trình này là tôi đã có một điều tốt hơn để nghĩ đến. Trong suốt tuần, tôi đã hình dung ra Đấng Cứu Rỗi ban cho tôi những lời nói đầy khuyến khích. Hình ảnh đó làm tôi cảm động và soi dẫn tôi để muốn thực hiện “những việc làm ngay chính.” Đó là những gì có thể xảy ra khi chúng ta “hướng về [Đấng Ky Tô] trong mọi ý nghĩ.”7
Chúng Ta Phải Chống Trả
Các anh chị em có thể hỏi: “Tại sao tôi nên làm điều này?” Tôi sẽ trả lời rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà điều ác càng ngày càng lan rộng. Chúng ta không thể chỉ chấp nhận hiện trạng và nghe những lời nói xấu xa, thấy những cảnh tượng tội lỗi hầu như ở khắp mọi nơi mình đến mà không phản ứng lại. Chúng ta phải chống trả. Khi tâm trí chúng ta tràn ngập những ý nghĩ và hình ảnh làm nâng cao tinh thần, khi chúng ta “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài,”8 thì sẽ không còn chỗ cho những ý nghĩ không xứng đáng.
Trong Sách Mặc Môn, Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tất cả mọi người hãy “suy ngẫm những điều [Ngài đã] phán dạy.”9 Hãy xem việc suy ngẫm hóa như là cách để gia tăng việc học hỏi thánh thư của riêng cá nhân và chung gia đình, nhưng đừng bao giờ để cho việc này thay thế cả. Việc suy ngẫm hóa có phần nào giống như là một cách làm gia tăng thêm mức độ hữu hiệu của việc học hỏi thánh thư hàng ngày.
Thật Là Quá Khó
Các anh chị em có thể nói: “Việc suy ngẫm hóa có vẻ quá khó đối với tôi.” Xin đừng nản chí. Việc làm điều khó có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Đấng Ky Tô mời gọi chúng ta làm nhiều điều khó vì Ngài biết chúng ta sẽ được phước vì nỗ lực của chúng ta.10
Một người hàng xóm trẻ tuổi của chúng tôi tìm ra một cách đơn giản để suy ngẫm hóa. Người này cài đặt câu thánh thư hàng tuần của mình vào điện thoại để câu đó hiển thị trên màn hình mỗi khi bật điện thoại lên. Một ý kiến khác các anh chị em có thể thử là chia sẻ câu thánh thư của mình với một người anh, chị, em, một đứa con, hoặc một người bạn. Vợ tôi là Julie, và tôi giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi chọn câu thánh thư của mình vào mỗi Chủ Nhật. Vợ tôi đặt câu thánh thư của bà bên ngoài cửa tủ lạnh của chúng tôi. Tôi đặt câu thánh thư của mình trong chiếc xe tải của tôi. Sau đó chúng tôi chia sẻ ý nghĩ về các câu thánh thư của mình trong suốt cả tuần. Chúng tôi cũng thích thảo luận các câu thánh thư của mình với con cái. Khi chúng tôi làm như vậy, thì dường như điều đó làm cho chúng cảm thấy thoải mái hơn để chia sẻ ý nghĩ của chúng về lời của Thượng Đế với chúng tôi.
Julie và tôi cũng thuộc vào một nhóm trực tuyến trong đó những người trong gia đình, bạn bè, và những người truyền giáo có thể chia sẻ thánh thư của họ mỗi tuần và thỉnh thoảng gồm có một ý nghĩ hoặc chứng ngôn liên quan. Việc thuộc vào một nhóm làm cho ta dễ kiên định hơn. Đứa con gái đang học trung học của tôi và một nhóm bạn của nó sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và tin nhắn trên điện thoại để chia sẻ thánh thư với nhau.
Xin đừng ngần ngại mời những người thuộc các tín ngưỡng khác vào trong nhóm của mình. Họ cũng đang tìm cách để nâng cao tư tưởng và cảm thấy gần Thượng Đế hơn.
Lợi Ích Là Gì?
Vậy thì lợi ích là gì? Hơn ba năm nay, Julie và tôi đã suy ngẫm hóa một câu thánh thư mỗi tuần. Ban đầu, chúng tôi đặt mục tiêu 20 năm. Gần đây, vợ tôi nói với tôi: “Lần đầu khi anh rủ em suy ngẫm hóa một câu thánh thư mỗi tuần trong 20 năm, em tự hỏi liệu mình có thể làm điều đó trong một tháng không. Em không còn nghi ngờ điều đó nữa. Em không thể tin được thật là thú vị biết bao để đặt một câu thánh thư lên trên cửa tủ lạnh mỗi tuần và chỉ bằng cách suy ngẫm hóa mỗi khi nhìn thấy câu thánh thư đó, thì điều đó làm nâng cao tinh thần của em.”
Sau khi suy ngẫm hóa trong sáu tuần, một chị phụ nữ từ Texas, Hoa Kỳ, nói: “Chứng ngôn của tôi đã được củng cố, … và tôi đã cảm thấy gần Cha Thiên Thượng hơn. … Tôi thích cách mà lời của Thượng Đế đang thay đổi con người tôi được tốt hơn.”
Một người bạn tuổi niên thiếu đã viết: “Tôi thật sự rất thích việc có thể [suy ngẫm hóa] vì điều này đã giúp tôi tập trung vào những điều thực sự quan trọng.”
Một trong những người truyền giáo của chúng tôi đã chia sẻ điều này: “Tôi đã suy ngẫm hóa một câu thánh thư mỗi tuần kể từ tháng Sáu năm 2014, và tôi rất thích. … Những câu thánh thư này đã trở thành giống như những người bạn mà tôi có thể trông cậy trong những lúc hoạn nạn.”
Trong trường hợp của mình, khi tôi suy ngẫm hóa hàng tuần, tôi cảm thấy có đầy đủ Thánh Linh hơn trong cuộc sống. Lòng yêu thích thánh thư của tôi cũng đã gia tăng do việc cố gắng “hãy để cho đức hạnh của [tôi] làm đẹp tư tưởng của [tôi] luôn luôn.”11
Hãy xem xét lời mời này và phước lành tối cao đã được Nê Phi chia sẻ: “Nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”12 Trong tinh thần “nuôi dưỡng lời nói của Đấng Ky Tô,” việc suy ngẫm hóa cũng giống như cắn một miếng thức ăn ngon và sau đó nhai rất chậm để thưởng thức trọn vẹn.
Câu Thánh Thư của Các Anh Chị Em Là Gì?
Các anh chị em sẽ suy ngẫm hóa một câu thánh thư mỗi tuần trong thời gian còn lại của tháng này không? Trong thời gian còn lại của năm nay không? Còn có thể lâu hơn nữa không? Julie và tôi đã mời tất cả những người truyền giáo dũng mãnh ở Texas Dallas của chúng tôi nên suy ngẫm hóa với chúng tôi trong 20 năm. Chúng ta sẽ cùng hoàn thành mục tiêu này với nhau trong 17 năm ngắn ngủi. Sau đó chúng ta sẽ thiết lập một mục tiêu mới để cải thiện ý nghĩ của mình và mang chúng ta đến gần Đấng Ky Tô hơn.
Các anh chị em có thể kiểm tra sự tiến triển của chúng tôi bằng cách hỏi: “Câu thánh thư của anh chị là gì?” Nhưng nếu các anh chị em làm thế, thì hãy chuẩn bị để đến lượt chia sẻ câu thánh thư của mình. Mỗi người chúng ta sẽ được nâng cao tinh thần nhờ việc trao đổi của chúng ta.
Các anh chị em có thể tưởng tượng cuộc sống của mình và của gia đình mình sẽ được thay đổi như thế nào nếu các anh chị em ghi nhớ một câu thánh thư mới mỗi tuần trong vài tháng hoặc vài năm tới không? Hoặc lâu hơn nữa không?
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Gương Mẫu của Chúng Ta
Chắc hẳn Chúa Giê Su Ky Tô đã phát triển một niềm yêu thích thánh thư từ lúc còn rất nhỏ. Chắc hẳn Ngài đã đọc và suy ngẫm thánh thư khi còn bé mới có được các cuộc thảo luận đầy ý nghĩa với các bác sĩ khôn ngoan trong đền thờ lúc 12 tuổi.13 Ngài bắt đầu sứ mệnh lúc 30 tuổi,14 và Ngài đã tham khảo thánh thư rất sớm và thường xuyên trong suốt giáo vụ của Ngài.15 Chúng ta có thể nói chắc chắn rằng Chúa Giê Su đã trải qua ít nhất 20 năm nghiên cứu và suy ngẫm thánh thư, là một phần của việc chuẩn bị sứ mệnh của Ngài. Có điều gì các anh chị em cần phải làm vào lúc này để chuẩn bị cho phần thuộc linh của mình cho những cơ hội trong tương lai để giảng dạy và ban phước cho gia đình mình và những người khác không?
Thực Hành Đức Tin của Mình và Làm Theo
Để ôn lại, tôi hy vọng các anh chị em sẽ quyết định dành dụm tiền mỗi tuần. Hãy thực hành đức tin, kỷ luật bản thân, và làm theo. Tôi cũng xin chân thành cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ chọn suy ngẫm những lời của Thượng Đế trong một cách thức mở rộng và sâu hơn mỗi tuần. Hãy thực hành đức tin của mình, kỷ luật bản thân, và làm theo.
Không giống như lời mời thứ nhất của tôi là dành dụm tiền, tất cả những lợi ích của lời mời thứ hai là cứu rỗi linh hồn sẽ thuộc vào các anh chị em để giữ vĩnh viễn—không bị sâu mối và ten rét của thế gian này làm hư.16
Anh Cả D. Todd Christofferson đã đưa ra lời khuyên và lời hứa rõ ràng này: “Hãy học thánh thư kỹ lưỡng, một cách thận trọng. Hãy suy ngẫm và cầu nguyện về thánh thư. Thánh thư là điều mặc khải và sẽ mang đến thêm nhiều điều mặc khải”17
Phần kết luận
Tôi hứa rằng các anh chị em sẽ không hối tiếc khi ghi nhớ một câu thánh thư mỗi tuần. Các anh chị em sẽ có một cảm nghĩ về mục đích, sự bảo vệ, và quyền năng thuộc linh bất diệt.
Hãy ghi nhớ lời của Chúa Giê Su Ky Tô khi Ngài phán: “Làm những việc mà ngươi thấy ta làm.”18 Cầu xin cho chúng ta áp dụng trọn vẹn lời nói của Ngài vào trong cuộc sống của chúng ta, tôi cầu nguyện như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.